Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ Tóm Tắt & Review Sách] “Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn”: Trân Trọng Từng Khoảnh Khắc Sống

"Bạn có nhận ra chăng, rằng phần lớn thời gian chúng ta chỉ trải qua, mà không thực sự tận hưởng. Một buổi chiều, một giấc ngủ, một bữa ăn, một món đồ, một kỳ nghỉ, một tình bạn, một tình yêu… Và rốt cuộc, cả cuộc đời." 

Trong vòng quay hối hả của cuộc sống, chúng ta thường bận rộn chạy theo những mục tiêu xa xôi mà quên mất việc sống chậm lại để cảm nhận những điều giản dị quanh mình. Có những khoảnh khắc buồn vui thoáng qua, những yêu thương chưa kịp nói, những lần chênh vênh giữa lưng chừng tuổi trẻ... tất cả đều lặng lẽ trôi đi như một phần tất yếu của sự trưởng thành. Khi lớn lên, ta dần hiểu rằng có những nỗi cô đơn không thể gọi tên, có những tiếc nuối chẳng thể quay ngược, và có những yêu thương cần được trân trọng trước khi quá muộn.

Để rồi, trong một khoảnh khắc bất chợt, ta chợt tự hỏi: nếu biết rằng thời gian của mỗi người là hữu hạn, liệu ta có sống khác đi? Có thể, chính những suy tư ấy đã được gửi gắm trọn vẹn trong tập tản văn đầy xúc cảm mang tên Nếu biết trăm năm là hữu hạn — một cuốn sách nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, dành cho những ai đang tìm kiếm sự bình yên giữa bộn bề cuộc sống.

I/ Giới thiệu tác giả: 

Phạm Lữ Ân không phải là tên thật của một cá nhân, mà là bút danh chung của một cặp đôi vợ chồng người Việt Nam. Họ đã chọn cách ẩn danh, không tiết lộ tên tuổi thật, để giữ cho độc giả tập trung hoàn toàn vào giá trị nội dung của tác phẩm, thay vì chú ý đến đời tư tác giả. Phạm Lữ Ân là bút danh chung của cặp vợ chồng nhà báo Phạm Công Luận và tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy. Cái tên này đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt qua những câu chuyện đầy cảm xúc trên tạp chí Hoa Học Trò, hay series nổi tiếng "Hãy Nói Yêu Thôi, Đừng Nói Yêu Mãi Mãi".

Dù không công khai danh tính, nhưng những gì Phạm Lữ Ân để lại trong lòng người đọc lại rất sâu đậm. Bằng một giọng văn trầm tĩnh, gần gũi, xen lẫn một chút buồn man mác, họ đã khắc họa nên những cảm xúc rất thực: nỗi cô đơn của tuổi trẻ, sự mất mát khi trưởng thành, những mong manh trong tình yêu, và cả những trăn trở về giá trị của cuộc sống.


Ngoài tập tản văn nổi tiếng Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Phạm Lữ Ân còn được biết đến qua những bài viết trong Tạp chí Hoa học trò những năm 2000–2010 — nơi mà họ đã trở thành một phần ký ức của biết bao thế hệ bạn trẻ Việt Nam.

Phong cách viết của Phạm Lữ Ân thường nhẹ nhàng, giàu chất suy tư. Không cầu kỳ hoa mỹ, không lên gân triết lý, những câu chữ của họ giống như những lời thủ thỉ, tâm tình từ một người bạn đồng hành, khiến người đọc dễ dàng đồng cảm và tìm thấy một phần chính mình trong đó.

Có thể nói, Phạm Lữ Ân là người kể chuyện cuộc đời bằng trái tim chân thành nhất, nhắc chúng ta rằng, trong dòng đời vội vã, có những điều thật giản dị nhưng vô cùng quý giá – như một ánh nhìn, một cái nắm tay, hay một lời yêu thương chưa kịp nói.

II/ Giới thiệu cuốn sách: 

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu?”

Có lẽ ai cũng từng nghe đến câu nói này — một lời tự vấn giản dị nhưng day dứt, chạm đến tận cùng những nghĩ suy về cuộc đời. Rồi từ đó, chúng ta có cuốn sách Nếu biết trăm năm là hữu hạn của Phạm Lữ Ân ra đời như một tập tản văn ấm áp, gồm hơn 40 mẩu truyện nhỏ, khắc họa những khía cạnh rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống: tình yêu, tuổi trẻ, gia đình, nỗi cô đơn và cả những giấc mơ còn dang dở.

Không câu nệ hoa mỹ, cũng chẳng nặng nề triết lý, từng câu chữ trong sách mộc mạc, gần gũi như lời thủ thỉ, khiến người đọc dễ dàng thấm thía và tìm thấy chính mình trong đó. Đọc Nếu biết trăm năm là hữu hạn, người ta có thể mỉm cười, có thể thở dài, rồi nhẹ nhàng gấp sách lại với một cảm giác bình yên len lỏi trong tim.

Cuốn sách như một lời nhắc dịu dàng: giữa bộn bề cuộc sống, hãy sống thật sâu, yêu thương thật nhiều, và đừng để những điều quý giá nhất trôi qua trong lặng lẽ.


1) Thời gian là điều vô giá

Một trong những thông điệp lớn nhất mà Nếu biết trăm năm là hữu hạn gửi gắm chính là việc thời gian của mỗi chúng ta là hữu hạn. Mỗi ngày trôi qua là một ngày không thể lấy lại. Phạm Lữ Ân khéo léo sử dụng những mẩu tản văn để đặt ra câu hỏi lớn: "Nếu bạn biết rằng mình chỉ còn sống trong một khoảng thời gian ngắn, bạn sẽ sống như thế nào?" Cuốn sách không chỉ nhắc nhở chúng ta về sự trôi qua của thời gian mà còn khuyến khích chúng ta tận dụng mọi khoảnh khắc quý giá trong đời.

“Tôi nhận ra rằng để hưởng thụ thực sự, chúng ta cần phải học hỏi và có hiểu biết nhất định về điều ta đang làm, đang tận hưởng, đang thưởng thức. Biết mình có gì, hiểu thứ mình có và biết cách tận hưởng tối đa những gì ta xứng đáng được hưởng, đó mới là hưởng thụ.

Có những điều, nếu bạn hiểu được bản chất của nó, nếu bạn gọi tên nó ra, nếu bạn thoát khỏi ảo giác, bạn không còn mong muốn có nó nữa. Ngược lại, có những điều, nếu bạn hiểu được nó, bạn nhận thức được giá trị của nó, bạn sẽ không bỏ qua nó như đã từng. 

Ví như cơn gió rất trong lành này. Nếu bạn biết, bạn sẽ không bỏ đi ngay mà đã dừng lại, nhắm nắt và hít một hơi dài, thật sâu. Ồ, cuộc đời cũng như hơi thở vậy thôi. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ta có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Tôi vẫn tin rằng nếu bạn thực sự biết hưởng thụ, bạn luôn thấy mình đã sống rất sâu. Nếu đã biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu…?”

Thời gian không phải là thứ ta có thể kiểm soát hay dự đoán, nhưng cách chúng ta sử dụng thời gian lại hoàn toàn nằm trong tay của mình. Thông qua những bài viết nhẹ nhàng mà thấm đượm suy tư, Phạm Lữ Ân khuyến khích người đọc sống một cuộc đời có ý nghĩa, không lãng phí vào những việc vô bổ mà hãy dành cho những mối quan hệ thân thiết, những trải nghiệm sâu sắc và những khoảnh khắc đáng nhớ.


2) Tình yêu và sự kết nối con người

Trong cuốn sách, một chủ đề được tác giả khai thác rất sâu chính là tình yêu và sự kết nối giữa con người với con người. Phạm Lữ Ân đã khéo léo thể hiện rằng tình yêu không phải chỉ là những lời nói hoa mỹ hay những cảm xúc sướt mướt, mà còn là hành động, là sự quan tâm và chăm sóc chân thành dành cho nhau. Thông qua các bài viết như "Yêu thương không bao giờ là đủ," tác giả khuyến khích chúng ta yêu thương nhiều hơn, thể hiện tình cảm với người thân yêu trước khi quá muộn, bởi khi cuộc đời là hữu hạn, những gì ta có thể làm cho nhau chính là tình yêu thương.

“Yêu là tìm kiếm lợi ích trước hết cho chính cuộc đời ta mà không đòi hỏi sự hy sinh của người khác hay của bản thân ta. Ông khẳng định rằng, chính vì vậy mà những người mong đợi mình sẽ nhận được một tình yêu “vô điều kiện” dựa trên chủ nghĩa hy sinh - là những kẻ ăn bám, cố gắng giành lấy một giá trị tinh thần mà mình không đáng có - cùng một cách với những kẻ trộm cố gắng đoạt lấy của cải vật chất không do công sức mình làm ra.

Đúng là người ta thường tô đậm chữ hy sinh trong tình yêu mà quên rằng, một tình yêu thực sự đẹp là tình yêu sâu đậm từ cả hai phía mà không ai phải hy sinh cho ai cả. Tình yêu đẹp nhất là cả hai cùng hưởng lợi mà không ai thiệt hại.

Yêu một người là vị kỷ, vì ta yêu một người trước hết là bởi người ấy mang một giá trị đối với riêng ta theo tiêu chuẩn của ta, rằng người ấy làm cho cuộc đời ta trở nên tốt đẹp hơn, tràn đầy hơn, ý nghĩa hơn, rằng người ấy là một nguồn vui lớn lao của ta. Ngược lại, hãy nhớ rằng ta được yêu bởi ta có một “giá trị”  đối với người ấy.”

Cuốn sách cũng chỉ ra rằng trong những mối quan hệ, tình yêu không chỉ dừng lại ở những khoảnh khắc vui vẻ mà còn là sự thấu hiểu, sẻ chia cùng những người khác trong những lúc khó khăn, đặc biệt không nên để ai lạc loài. Chúng ta nên biết trân trọng tình yêu trong mọi hình thức, từ những hành động nhỏ nhặt hàng ngày đến những lời động viên trong lúc khó khăn. Phạm Lữ Ân nhắc nhở người đọc rằng, trong dòng đời vội vã, đừng quên rằng chính tình yêu và sự quan tâm mà ta dành cho nhau sẽ là những gì quý giá nhất khi nhìn lại.

“Vậy thì hãy làm cho chúng ta mạnh hơn. Hãy tìm đến nhau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp, đồng hương, đồng loại... Hãy giúp đỡ và xin được giúp đỡ, hãy xiết chặt lại những mối dây liên hệ và đừng để ai thành kẻ lạc loài. Những kẻ lạc loài, thường dễ trở thành thủ phạm, hoặc trở thành nạn nhân. 

Thế cho nên, giữa cuộc sống bộn bề đôi khi cũng cần nhìn lại, để tự hỏi lòng xem, phải chăng ngay bên cạnh đời ta vẫn còn có ai đó lạc loài?”

3) Những lựa chọn và hành trình trưởng thành

Cuốn sách không chỉ làm nổi bật sự quý giá của thời gian và tình yêu, mà còn là lời nhắc về giá trị của những lựa chọn trong cuộc đời. Mỗi bước đi trong đời đều được xây dựng từ những quyết định, những sự chọn lựa đôi khi không dễ dàng. Phạm Lữ Ân khéo léo chia sẻ về cách mà chúng ta đối diện với các lựa chọn trong đời, không phải là để tránh sai lầm mà là để học hỏi từ chúng. Thông qua những câu chuyện bình dị nhưng sâu sắc, tác giả nhấn mạnh rằng trưởng thành không phải là việc chọn đúng hay sai, mà là cách chúng ta nhìn nhận và đối diện với những lựa chọn của mình.

Sự trưởng thành nằm ở chỗ chúng ta học cách chấp nhận và làm hòa với những quyết định trong quá khứ. Cuốn sách không khuyến khích người đọc sợ hãi trước sai lầm, mà là khuyến khích chúng ta sống dũng cảm, đón nhận tất cả những thử thách và sai sót, bởi chính chúng sẽ là những bài học vô giá trong hành trình trưởng thành của mỗi người.

“Khi còn nhỏ, ta thường mong mình sớm trở thành người lớn, ta muốn bước ngay vào thế giới mênh mông đó cùng với những quyền vô hạn định. Nhưng, sự thật đắng cay mà chúng ta phải đối mặt là gì? Không ai có thể cưỡng lại thời gian. Thế cho nên cái khoảnh khắc ta sẽ phải/ được thành người lớn ấy - khoảnh khắc trở thành một người đàn ông, hay một phụ nữ thực sự - trước sau gì cũng đến. Và cùng với nó là bình yên và sóng gió, hạnh phúc và đắng cay, niềm khoái cảm ngắn ngủi và vết thương lòng dai dẳng, những điều ta kỳ vọng và cả những điều ta không hề chờ đợi… đều hứa hẹn sẽ đến theo.”


4) Trân trọng hiện tại và nhìn lại chính mình

Một bài học quan trọng mà Nếu biết trăm năm là hữu hạn mang lại chính là việc trân trọng hiện tại. Tác giả mời gọi người đọc đừng quá chú tâm vào quá khứ hay lo lắng về tương lai mà quên đi việc sống trọn vẹn từng khoảnh khắc trong hiện tại. Những niềm vui giản dị nhưng đầy ý nghĩa, như một bữa cơm gia đình, một cuộc trò chuyện với bạn bè hay một buổi sáng tĩnh lặng, đều là những khoảnh khắc quý báu đáng trân trọng.

“Bản thân bạn - con người độc đáo nhất trên thế gian này. Bạn biết chăng, thế gian này có điều kỳ diệu, đó là không ai có thể là bản sao 100% của ai cả. Bởi thế, bạn là độc nhất, tôi cũng là độc nhất. chúng ta đều là những con người độc nhất vô nhị, dù ta đẹp hay xấu, tài năng hay vô dụng, cao hay thấp, mập hay ốm, có năng khiếu ca nhạc hay chỉ biết gào như vịt đực… “

Cuốn sách cũng giúp người đọc nhìn lại bản thân mình qua từng câu chuyện, giúp ta nhận ra những điều mình đã bỏ lỡ trong cuộc sống. Phạm Lữ Ân không chỉ cung cấp những lời khuyên, mà còn tạo ra một không gian để người đọc có thể tự soi chiếu chính mình, đánh giá lại hành trình đã qua và đưa ra những quyết định sáng suốt hơn cho tương lai. Từ đó, ta có thể học cách sống tỉnh thức, yêu thương và sống vì chính bản thân mình nhiều hơn, cũng như trân trọng từng giây phút cuộc đời.

“Chúng ta không thể mang lại hạnh phúc cho người khác, nếu chính bản thân chúng ta luôn hoang mang hoặc tràn đầy hối tiếc. Chúng ta cũng không thể thanh thản và hạnh phúc thực sự nếu chỉ sống, làm việc, học hành vì người khác - dù đó là những người ta vô cùng yêu quý - thay vì sống theo mong muốn của chính mình. Bởi thế, bạn thân mến, hãy luôn sống vì mình, và hãy sống vì mình một cách khôn ngoan.” 


III/ Cảm nhận cá nhân: 

Nếu biết trăm năm là hữu hạn là một cuốn sách mang đến cho tôi nhiều cảm xúc sâu lắng. Những tản văn trong sách không chỉ đơn thuần là những câu chuyện về cuộc sống, mà là những suy tư, những góc nhìn đầy tâm tư về những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng. Phạm Lữ Ân viết không cầu kỳ, không phô trương triết lý, mà bằng một giọng văn rất chân thành và gần gũi. Đọc từng trang, tôi như cảm nhận được sự thủ thỉ từ một người bạn thân, người luôn sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ những tâm sự, những suy nghĩ về tình yêu, tuổi trẻ, những trăn trở về sự trưởng thành và những điều thật giản dị mà ai cũng có thể trải qua trong cuộc đời.

Điểm mạnh của cuốn sách chính là cách tác giả đưa ra những câu chuyện mang tính phổ quát nhưng lại đầy sức gợi, giúp người đọc không chỉ cảm nhận được những cảm xúc của chính mình mà còn nhìn nhận lại cuộc sống từ một góc nhìn mới mẻ. Sự nhẹ nhàng trong ngôn từ, không cầu kỳ, không đao to búa lớn, mà vẫn chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc, đã tạo nên một cuốn sách dễ đọc nhưng lại khó quên.

Tôi đặc biệt thích cách mà Phạm Lữ Ân dẫn dắt người đọc vào những câu chuyện rất bình dị nhưng lại có thể chạm đến trái tim mỗi người. Dù là những câu chuyện về tình yêu, về những khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống hay về sự nuối tiếc khi thời gian trôi qua, tất cả đều được thể hiện một cách rất tự nhiên, như những lời tâm tình trong một buổi chiều lặng lẽ.

Tóm lại, Nếu biết trăm năm là hữu hạn là một cuốn sách đáng để đọc và suy ngẫm, đặc biệt là đối với những ai đang cảm thấy lạc lõng, đang tìm kiếm sự an yên trong một thế giới quá ồn ào. Cuốn sách không chỉ là một tản văn về cuộc sống, mà còn là một lời nhắc nhở về việc trân trọng từng khoảnh khắc mình đang có. Một cuốn sách nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa, giúp chúng ta sống sâu sắc hơn, yêu thương hơn và quý trọng hơn những điều tưởng chừng như rất đơn giản trong cuộc sống này.


Tóm tắt bởi: Yên Thảo - Bookademy

Hình ảnh: Yên Thảo.

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

131 lượt xem

lh-fulllh-x