Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Tóm Tắt & Review Sách ] “Mắt Biếc”: Khi Tình Yêu Trở Thành Vết Thương Của Số Phận

1. Về tác giả :

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại tỉnh Quảng Nam. Ông đến với nền văn học nghệ thuật Việt Nam như một làn gió mang nhiệt huyết, màu sắc của tuổi trẻ, tuổi học trò. Vậy nên ông được coi là một trong những nhà văn thành công nhất trong công cuộc viếc sách cho tuổi thơ, tuổi xuân xanh.

Trước khi đi theo con đường trở thành nhà văn nổi tiếng như hiện tại Nguyễn Nhật Ánh đã từng có khoảng thời gian đi dạy học và viết báo cùng nhiều bút danh khác nhau như Lê Duy Cật, Chu Đình Ngạn, Sóc Phương Đông,... Bài thơ đầu tiên của ông được đăng lên báo khi ông chỉ mới 13 tuổi và tập thơ đầu tay, Thành phố tháng tư vào năm 1984. Sau đó một năm, tác phẩm văn xuôi đầu tay của Nguyễn Nhật Ánh được phát hành. Năm 1990, Nguyễn Nhật Ánh nhận được Giải thưởng Văn học Thanh thiếu niên hạng A cho Chú bé rắc rối. Từ năm 1995 đến năm 2002 Nguyễn Nhật Ánh phát hành tác phẩm Kính vạn Hoa – cột mốc đánh dấu thành công rực rỡ của ông.

Mỗi tác phẩm như thổi vào tâm hồn người đọc một luồng gió mới. Chính vì thế mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh phát hành sách mới đều nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ độc giả. Một số tác phẩm nổi bật của Nguyễn Nhật Ánh: Đi qua hoa cúc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Thằng quỷ nhỏ, Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Bồ câu không đưa thư, Mắt biếc, Tôi là Bêtô,....


2. Tóm tắt tác phẩm :

   Tác phẩm “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh kể về mối tình đơn phương của nhân vật Ngạn với Mắt Biếc - Hà Lan. Tình yêu của Ngạn chớm nở ngay khi lần đầu tiên gặp Hà Lan, họ cùng nhau trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy ắp những kỉ niệm những bậc xúc cảm ngộ nghĩnh đầy con trẻ và tiếp diễn tình cảm đó cho tới những tháng ngày trong sáng hồn nhiên tinh khôi của tuổi học trò nơi ngôi làng thân thương Đo Đo. Cho tới lúc kết thúc năm cấp hai, Hà Lan lên chốn phồn hoa đô thị tiếp tục học để lại mình Ngạn với những kỉ niệm thơ ấu. Dường như sau khi Hà Lan lên thành phố tình cảm của Lan đối với Ngạn cũng chẳng còn tha thiết như ngày nào. Cũng giống như cách cảm xúc của Hà Lan khi về làng cũng trở nên lạnh nhạt, nhàm chán. Nhưng tình yêu của Ngạn là vô bờ vô bến không đổi thay, anh vẫn dành cho Hà Lan thứ tình yêu đặc biệt. Và sau một năm ròng ngày mà Ngạn lên thành phố cũng đã đến, niềm hân hoan gặp người thương thôi thúc Ngạn tìm đến nhà Hà Lan và hứa hẹn những ngày sau chở Hà Lan về mỗi lúc tan học. Và rồi cuộc gặp mặt định mệnh giữa Dũng - con nhà chú Huấn - và Hà Lan đã trở thành con dao sắc nhọn chia cắt việc Ngạn và Hà Lan đến với nhau. Chứng kiến cảnh ngộ éo le của Hà Lan khi có bầu với Dũng rồi biệt tích khiến cho nội tâm của Ngạn chìm hẳn xuống bể sâu của sự đớn đau. Thế nhưng Ngạn vẫn một lòng một dạ trao cho Hà Lan thứ tình yêu thuần khiết, trong những ngày tháng mang nặng đẻ đau người bên Hà Lan vẫn luôn Là Ngạn. Đứa bé rồi cũng sinh ra và tên là Trà Long. Vì công việc bộn bề nơi thị thành nên Hà Lan gửi con về làng Đo Đo để mẹ ruột nuôi nấng. Ngạn lúc này cũng tốt nghiệp và quyết định trở về xóm làng thân thương của mình -làng Đo Đo- để dạy học. Như một lẽ tất yếu bánh răng thời gian luân chuyển con người đổi thay nhưng chắc chỉ có tình yêu của Ngạn dành cho Hà Lan là bất diệt, cho đến những ngày tháng sau này Trà Long ngày một lớn lên nó có đôi mắt giống mẹ cũng đẹp như Mắt Biếc. Trà Long đến với cuộc đời Ngạn như hiện thân của Hà Lan, Ngạn dường như quên đi thực tại đắm mãi trong tình yêu của mình với Hà Lan khiến cho anh không thể phân biệt được đâu là Trà Long đâu là Hà Lan. Điều đó khiến cho Ngạn chớm nở một tình yêu đôi lứa với Trà Long và Trà Long cũng đem lòng thương Ngạn. Thế nhưng Trà Long chỉ là cái bóng của Hà Lan mà chính Ngạn đã thề thốt với lòng mình trái tim nhỏ bé của anh chỉ chất chứa một tình yêu duy nhất trong đời. Buồn thay tình yêu mà anh lựa chọn lại trở thành bi kịch, lời nguyền trong cuộc đời để lại cho Ngạn vết hằn sâu trong trái tim. Kết truyện, anh giải thoát cho chính bản thân ra khỏi mộng tưởng, những đau đớn của một kẻ si tình bằng cách rời làng Đo Đo, hay chính là rời khỏi những ký ức vui buồn cùng Hà Lan trong dòng nước mắt giàn giụa để bắt đầu đến với cuộc sống mới.


3. Cảm nhận về tác phẩm:

            Tác phẩm đề cập tới vấn đề muôn thuở của tình cảm cảm xúc  con người đó là tình yêu. Đặc biệt hơn là tình yêu trong “Mặt Biếc” không là tình yêu đôi lứa êm đềm, ấm áp trong những ngày tháng xuân xanh mà đó là thứ tình yêu của kẻ si tình, tình yêu chân chính, giản dị, thủy chung, trong sáng nhưng vô cùng bi lụy. Đọc “Mắt Biếc” của Nguyễn Nhật Ánh bạn đọc chúng ta dường như đắm mãi trong nội tâm đầy mâu thuẫn với những thổn thức tâm tư hết sức bình dị mà sâu sắc của nhân vật Ngạn với cô bạn Mắt Biếc. Đi vào sâu vào tâm hồn mẫn cảm của Ngạn ta bắt gặp thế giới mới, thế giới tràn ngập tình thương sự thấu hiểu với bao những xúc cảm mới mẻ của nhân vật chính với Hà Lan, với ngôi làng Đo Đo thân thương của mình hay với chính cuộc đời của anh. Nhịp tim bắt đầu rung lên những cảm xúc mãnh liệt nhất trong những giây phút đầu gặp mặt Hà Lan. Và tần số tình yêu của Ngạn đối với Hà Lan bao giờ cũng rạo rực như lúc ban đầu. Tôi luôn chấp niệm rằng thích một bông hoa ta sẽ ngắt nó đi mang về nhà ngắm nghía còn yêu một bông hoa thì ta sẽ tận tâm săn sóc chứng kiến nó lớn lên mỗi ngày. Và dường như Ngạn yêu Hà Lan với tình yêu thuần khiết mạnh mẽ như trong trái tim của Ngạn luôn đốt cháy ngọn lửa tình yêu bất biến dành cho Hà Lan. Mặc dù cuộc đời của Hà Lan nhiều bi kịch, mặc cho Hà Lan qua lại với nhiều người đàn ông hay sự thay đổi đột ngột đến chóng mặt sau những ngày ở thành phố trở về, mặc cho Hà Lan không còn lưu luyến chốn cũ nơi xóm làng Đo Đo thân thương hay không chấp nhận tình cảm mà anh dành cho Hà Lan thì trong Ngạn vẫn luôn chấp niệm một điều bất biến rằng: “Trái tim nhỏ bé chỉ đủ chỗ cho một tình yêu duy nhất”. Và anh mang nặng tình yêu ấy khiến cho cuộc sống của anh không khác gì “chốn lưu đày, khiến anh phải mang vác nó như một lời nguyền của số phận”. Và tất nhiên với những con người nhạy cảm như Ngạn họ luôn mang trong mình một “bể khóc” thấm đẫm những giọt nước mắt gắn với những kỉ niệm vui buồn thuở thơ ấu ở làng Đo Đo hay chính những kí ức cùng Mắt Biếc. Tình yêu nồng nàn của Ngạn không có lời đáp của Hà Lan khiến cho ta ngỡ ra rằng tình yêu không chỉ là hạnh phúc mà nó còn mang trong đó là những thổn thức đau đáu trong tâm hồn của con người. Dù cho tình yêu ấy luôn dày vò tâm can của Ngạn thế nhưng anh vẫn một lòng một dạ yêu Mắt Biếc và tình yêu ám ảnh quay cuồng trong tâm trí anh. Nó mờ ảo như kéo anh vào thế giới mộng tưởng mỗi khi nhìn Trà Long, anh luôn giấy lên trong mình những xúc cảm thuở xưa như khi anh nhìn Mắt Biếc. Qua đó ta có thể thấy rõ được tình yêu hết sức chân thành, thuần khiết tuy có phần cuồng si nhưng đều có thể thấu rõ được thế giới tâm hồn hết sức mẫn cảm phong phú, đặc biệt là những xúc cảm đến nao lòng dường như chẳng thể định nghĩa của nhân vật Ngạn khi đem lòng thương một người. 

           Tác phẩm “Mắt Biếc” còn được Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm một vấn đề đáng suy ngẫm đó là việc hướng về nguồn cội. Và nhà văn đã ký thác điều đó trong nhân vật Ngạn bởi lẽ “Ngạn là hóa thân của cội nguồn quê xứ”-Nguyễn Nhật Ánh-. Thật vậy, ngôi làng Đo Đo là nơi cất giữ mọi kỷ niệm thời ấu thơ của Ngạn với Hà Lan, nơi luôn âm thầm nuôi nấng, săn sóc thế giới tinh thần của người con mảnh đất Đo Đo . Sau khi hoàn thành tốt nghiệp tại kinh đô Huế, anh trở về nơi chốn đất người để dạy học, xây dựng quê hương. Anh yêu ngôi làng Đo Đo của mình lắm! Cũng bởi làng có hình bóng của anh thời ấu thơ, có hình bóng của Mắt Biếc trong những ngày tháng trong sáng thuần khiết nhất của hai người, có kỉ niệm thơ ấu và có cơ hội hồi tưởng về những kí ức hồn nhiên của ngày xưa. Đó cũng là lý do khi rời thành phố Ngạn nói với Hà Lan rằng: “Làng Đo Đo là tất cả của Ngạn” chính câu nói đã minh chứng cho tình yêu thương làng của nhân vật Ngạn đậm sâu đến nhường nào.


             Những kỉ niệm mộng mơ bên cạnh người thương của Ngạn nơi làng Đo Đo luôn là “sợi dây vô hình” níu kéo tâm trí của anh vào tình yêu với Mắt Biếc khiến cho anh rơi vào đáy tình yêu của kẻ si tình, quằn quại mãi trong “bể khóc” ấy. Dù tình yêu của Ngạn với Mắt Biếc với làng vô cùng sâu sắc nhưng bản năng của con người là luôn tự tìm cách cứu rỗi số phận của bản thân mà sau những dòng nước mắt, sau những giây phút vùng vẫy trong nỗi đau của mối tình đơn phương. Nên Ngạn giải thoát bản thân bằng cách rời xa chốn đất mẹ như việc rời xa Mắt Biếc xa những kỷ niệm thơ ấu hay buông bỏ quá khứ, âm thầm, im lặng đặt dấu chấm hết cho những mối quan hệ đã từng là vô giá hướng tới tương lai cuộc sống mới. Dẫu cho những giờ phút anh ra đi nước mắt có thấm đẫm trên hai dòng má với những giây phút cuối hồi tưởng lại những gì đã qua, những buồn vui đã qua trong quá khứ chôn vùi sâu trong tâm trí Ngạn, ta quên đi vì giọt nước mắt đã lau, nụ cười đã tắt nhưng chỉ cần một khắc dừng của cuộc sống thì kỉ niệm dần trào dâng trong tâm trí của Ngạn với những cảm xúc dồn dập. Anh nén đau thương buông bỏ quá khứ để giải thoát, tự cứu rỗi bản thân mình sau những đau thương mất mát của quãng thời gian qua. Như vậy ta cũng có thể thấy được rằng sau khi có đủ dũng khí để vượt qua những cảm xúc tiêu cực những buồn đau ta có thể mở ra một thế giới cuộc sống hoàn toàn mới, mặc dù cô đơn nhưng ta có thể biến thời gian trở thành liều thuốc để chữa lành vết thương để yêu thương chính bản thân mình hơn, chắc chỉ có lúc đó cuộc sống của mỗi con người chúng ta mới dần được cứu rỗi và tràn đầy hơn bao giờ hết.

4. Lời kết:

          Tác phẩm “Mắt Biếc” của Nguyễn Nhật Ánh là một cuốn sách thấm đẫm tính triết lý, đọc “Mắt Biếc” trong ta vẫn day dứt cho một mối tình đẹp nhưng bị bỏ lỡ và vẫn rạo rực, suy tư với những vấn đề thuộc nhân sinh. “Mắt Biếc” cho ta chìm trong thế giới nội tâm hết sức nhạy cảm với những suy tư của kẻ si tình -Nhân vật Ngạn- hay chính mỗi người chúng ta đây. Cuốn sách còn dạy ta cách yêu cách thương một người, tình yêu đến với con người ta là một sự ngẫu nhiên nhưng đừng chìm sâu vào chữ tình vì sẽ một ngày nào đó trái tim bạn sẽ chết trong “bể khóc” ấy và đừng để tình yêu trở thành vết thương của số phận. Khi yêu xin đừng bỏ lỡ nhau như mối tình của Ngạn và Mắt biếc, chúng ta chỉ sống với nửa kia một đời nên xin đừng lãng phí nhau. Học cách buông bỏ quá khứ để cuộc sống trở nên đẹp hơn, tuy tiếc nuối hối hận lưu luyến với quá khứ, kỷ niệm, người xưa, cảnh xưa nhưng hãy nhớ rằng: “Tiếc nuối cũng là một phần của cuộc sống”. Độc giả đến với tác phẩm “Mắt Biếc” ắt sẽ đau thay cho mối tình đơn phương của Ngạn với kết thúc không mấy êm ấm và sẽ ngộ ra những vấn đề nhân sinh mà tác giả gửi gắm đáng suy ngẫm và khám phá.


Tóm tắt bởi: Trần Linh - Bookademy

Hình ảnh: Long Quân

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

6,876 lượt xem

lh-fulllh-x