Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Fomo - Căn Bệnh Vô Hình Đe Doạ Thế Hệ Gen Z Trong Thời Đại Thông Báo Và Xu Hướng

          Đã bao giờ bạn tự hỏi: sống trong thời đại 4.0, việc liên tục chạy theo xu hướng, cập nhật thông báo từ đủ mọi nền tảng mạng xã hội. Liệu có đang khiến ta mệt mỏi và dần đánh mất chính mình? Có khi nào bạn thấy sợ hãi chỉ vì mình không biết “chuyện gì đang xảy ra ngoài kia”? Hãy thử tưởng tượng, bạn bị lạc giữa một khu rừng rậm. Điện thoại hết pin. Không có tín hiệu, không thể kết nối. Cảm giác ấy đáng sợ biết bao: lạc lõng, hoang mang, như thể cả thế giới đang quay còn mình thì đứng yên. Và kỳ lạ thay, đó cũng chính là cảm giác mà nhiều người trẻ ngày nay đang trải qua mặc dù họ vẫn đang sống giữa lòng thành phố, vẫn cầm điện thoại trên tay mỗi ngày. Sự phát triển ồ ạt của mạng xã hội vô tình tạo ra một áp lực vô hình, khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái bất ổn. Một trong những “căn bệnh” âm thầm lan rộng chính là FOMO – nỗi sợ bị bỏ lỡ. Nó không ồn ào, không dễ thấy, nhưng lại có thể âm thầm bào mòn niềm vui sống, đặc biệt với thế hệ Gen Z – những người vừa muốn khẳng định mình, vừa sợ bị bỏ lại phía sau.

    Không phải ai cũng biết đến cái tên “FOMO”, bởi nó không đến từ một căn bệnh về thể chất, mà xuất phát từ chính nỗi sợ hãi thầm lặng bên trong mỗi chúng ta. “FOMO” là viết tắt của Fear of Missing Out – nỗi sợ bị bỏ lỡ điều gì đó quan trọng, thú vị mà người khác đang trải nghiệm ngoài kia. Thử nghĩ xem, nếu một ngày bạn không mở điện thoại, không kiểm tra mạng xã hội, không biết hôm nay bạn bè đi đâu, ăn gì, mặc gì… thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu, bất an, trong đầu liên tục vang lên những câu hỏi: “Liệu mình có bỏ lỡ điều gì không?”, “Người ta đang làm gì rồi?”, “Mình có đang tụt lại phía sau không?”.

   
      Cảm xúc ấy – lo lắng, bồn chồn, thấp thỏm đang âm thầm len lỏi vào tâm trí, khiến chúng ta chẳng thể sống trọn vẹn với hiện tại. Và nếu cứ để những cảm xúc tiêu cực lớn dần lên, chúng sẽ bào mòn sự tự tin, khiến bạn cảm thấy bản thân lúc nào cũng “thiếu”, cũng “kém”, và rồi tự đặt mình vào thế thua cuộc. Đáng sợ hơn, người khác dễ dàng vượt lên bạn không phải vì họ giỏi hơn, mà vì bạn đang tự cột chân mình lại bằng chính nỗi sợ hãi vô hình. Mạng xã hội ngày nay giống như một chiếc gương phóng đại, phản chiếu cuộc sống lung linh của người khác khiến thế hệ Gen Z dễ rơi vào cái bẫy so sánh. Nhìn thấy người ta đi du lịch khắp nơi, ăn uống sang chảnh, thành công rực rỡ… rồi quay lại nhìn mình, thấy sao mà mình cứ mãi nhỏ bé, nhạt nhòa. Thế nhưng, mạng xã hội vốn là một con dao hai lưỡi. Nó vừa giúp ta kết nối, nhưng cũng dễ dàng kéo ta lạc vào một thế giới “ảo” – nơi mọi thứ được tô màu rực rỡ, thật ra lại rất dễ khiến con người mất phương hướng. “Ảo giác, ảo ảnh, ảo tưởng” là ba từ nghe đơn giản mà lại là thứ rất nhiều người trẻ đang đối mặt mỗi ngày. Từ đó, không ít bạn trẻ dần mang trong mình một tâm lý thiếu tự tin, chưa bao giờ cảm thấy đủ đầy. Lúc nào cũng muốn hơn người khác, muốn trở thành nhân vật chính trong một bộ phim không có thật do chính mình tưởng tượng ra.

    Bản thân mình từng nghe một câu nói viral : “Có vẻ bạn muốn đóng vai phụ mờ nhạt trong cuộc đời huy hoàng của tôi. Điều đó thì tôi cho phép… Team của tôi là team sang, còn team này thì hơi ảo.” Nghe thì tưởng chừng hài hước và chẳng có gì nghiêm trọng. Nhưng bạn biết không, một câu nói, khi đã thốt ra rồi, thì không thể lấy lại được, cũng giống như cái cảm giác âm ỉ mà FOMO mang đến khiến bạn lúc nào cũng sợ người khác giỏi hơn, nổi bật hơn, thành công hơn mình. Bạn ơi, đừng sợ! Vì chỉ khi bạn tự tin là chính mình, bạn mới thật sự chiến thắng được con quỷ mang tên FOMO đang len lỏi trong tâm hồn của bao người trẻ.

      Công nghệ 4.0 đang phát triển từng ngày, từng giờ, tạo nên một xã hội hiện đại, kết nối mạnh mẽ chưa từng có. Nhưng trong guồng quay ấy, nếu thế hệ Gen Z không học cách cân bằng cảm xúc, không biết nhận diện và vượt qua căn bệnh FOMO, thì xin bạn đừng vội nản lòng.Cơ hội chưa bao giờ dành cho những người lười biếng hay dễ bỏ cuộc. Nó chỉ mỉm cười với những ai biết kiên trì, biết cố gắng mỗi ngày – dù chỉ là những bước tiến rất nhỏ.Mình hiểu, để chữa lành một “căn bệnh” dù là về thể chất hay tinh thần đều cần thời gian. Thậm chí, nếu không phát hiện và xử lý sớm, hậu quả có thể rất nghiêm trọng.


    “Đi chậm” và “sống chậm” là hai khái niệm khác nhau, nhưng đều mang đến những bài học sâu sắc. Trong một xã hội luôn vận hành với tốc độ chóng mặt, con người dễ dàng rơi vào cảm giác phải chạy thật nhanh để không bị bỏ lại phía sau. Thế nhưng, liệu điều đó có thực sự cần thiết? Không ai trong chúng ta bắt đầu với một vị thế vượt trội. Xuất phát điểm của tất cả đều là con số 0. Việc cố gắng bắt kịp những xu hướng mới nhất hay cập nhật liên tục những thông báo nóng hổi không phải là thước đo giá trị của một con người. Nó chỉ phản ánh tốc độ, chứ không quyết định đích đến.

            
     Câu chuyện về rùa và thỏ vẫn luôn là bài học kinh điển. Rùa chậm, nhưng bền bỉ. Thỏ nhanh, nhưng chủ quan. Cuối cùng, kẻ kiên trì mới là người chiến thắng. Từ đó, chúng ta nhận ra: đi chậm không đồng nghĩa với thua cuộc, và đi nhanh chưa chắc đã thành công. FOMO – hội chứng sợ bị bỏ lỡ – đang khiến nhiều người trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z, cuống cuồng chạy theo xu hướng, mạng xã hội và áp lực đồng trang lứa. Nhưng liệu cuộc sống đó có mang lại hạnh phúc thật sự, khi bản thân chưa từng có thời gian dừng lại để cảm nhận những điều nhỏ bé mà sâu sắc? Công nghệ phát triển là điều tất yếu. Trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, các nền tảng kỹ thuật số… đang dần thay đổi cách chúng ta sống. Thế nhưng, giữa làn sóng ấy, sống chậm lại một chút không phải là thụt lùi – mà là cách để giữ gìn sự tỉnh táo và cân bằng. Gen Z hoàn toàn có thể làm chủ nỗi sợ bị bỏ lỡ nếu biết tự định nghĩa hạnh phúc theo cách của riêng mình, thay vì chạy theo tiêu chuẩn của người khác.


     Gần đây, theo một số nguồn tin, tỷ lệ người trẻ rơi vào trạng thái tiêu cực do FOMO ngày càng tăng.Vụ việc đau lòng tại Vạn Hạnh Mall là một ví dụ khiến nhiều người không khỏi giật mình. Theo khảo sát từ báo người lao động , chỉ trong thời gian ngắn đã có hai nạn nhân xấu số chọn cách kết thúc cuộc đời mình – một người mới 15 tuổi và người còn lại 32 tuổi.Tại sao họ lại chọn cách rời đi mãi mãi? Liệu có phải FOMO là một phần nguyên nhân dẫn đến những áp lực tâm lý nặng nề đó? Dù nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được xác định rõ, nhưng qua những gì đã xảy ra, chúng ta không thể phủ nhận rằng rất nhiều người trẻ đang đối diện với nỗi sợ hãi vô hình. Sợ mình thua kém, sợ bị quên lãng, sợ không “bằng ai”. FOMO là căn bệnh thời đại nhưng không phải không có thuốc chữa. Điều duy nhất là chúng ta cần làm là hiểu rõ bản thân , yêu thương mình đúng cách và đúng với giá trị riêng . 


     Cuộc sống là một hành trình dài, không bao giờ ngắn ngủi. Có vấp ngã mới có trưởng thành, có thất bại mới có thành công. Và nỗi sợ hãi cũng vậy , chỉ khi dũng cảm vượt qua, ta mới thấy tâm hồn mình nhẹ tênh, thanh thản hơn. Ngước lên, ta không bằng ai. Nhưng khi ngước xuống, ta nhận ra mình vẫn may mắn hơn rất nhiều người. Đó là câu nói mà mình luôn ghi nhớ, để nhắc bản thân phải sống vui vẻ, dù hôm nay có là ngày “tận thế”, thì ít nhất ta cũng không tiếc nuối những tháng năm đã sống hết mình.

 
        Vậy nên, hãy tập cho mình thói quen biết ơn, yêu thương bản thân, và quan trọng nhất là sống chậm lại. Sống chậm không có nghĩa là thụt lùi, mà là để cảm nhận trọn vẹn những gì ta đã nỗ lực mỗi ngày. Để vượt qua FOMO, cách duy nhất là đối diện với nó bằng sự mạnh mẽ. Khi ta đủ can đảm nhìn thẳng vào nỗi sợ, tìm cách giải quyết nó, cũng là lúc ta trở thành “siêu anh hùng” trong chính câu chuyện của mình. Ngay khoảnh khắc bạn đọc đến đây, hãy tự nhủ: “Đi chậm mà chắc còn hơn nhanh mà vội.” Đừng so sánh bản thân với ai cả. Đừng lo lắng vì người khác thành công sớm hơn. Hãy đặt mục tiêu rõ ràng, sống theo nhịp điệu của riêng mình và nuôi dưỡng giá trị bền vững từ bên trong, thay vì cố chạy theo những thứ lấp lánh bên ngoài. Cuối cùng, mình muốn tặng bạn một câu nói — mong rằng nó sẽ xoa dịu những tổn thương nào đó trong lòng bạn: “Đừng tạo vỏ bọc cho bản thân, hãy học cách làm chủ cuộc đời của bạn.”

       Tác giả : Lê Bá Khánh Nguyên   
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/share/1C3Gr8SuKY/
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

219 lượt xem, 144 người xem - 160 điểm

lh-fulllh-x