Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đâu Là Lẽ Phải.

        Đâu là lẽ phải là một câu hỏi mà tôi cho là lạ, hiếm và thú vị. Bởi đâu tôi lại có quan điểm như vậy, bởi lâu nay người ta phân biệt phải trái, đúng sai, cái xấu cái tốt, người thiện kẻ ác cũng chỉ bằng “lẽ phải” mà thôi. Vậy mà bây giờ chúng ta lại hỏi “Đâu là lẽ phải” thì chắc hẳn sẽ khiến cho những chuẩn mực mà ta lấy lẽ phải làm khuôn thước kia cũng phải một phen giật mình. Nhưng với cách hỏi này, tôi tưởng chừng người ta đang muốn đi tìm đến tận cùng của vấn đề và thực ra điều đó cũng cần thiết bởi con người ta không thể mãi ở lưng chừng của sự hiểu biết và như một sự khám phá để xem rằng liệu lẽ phải của mình có giống lẽ phải của người khác hay không. Và bởi suy nghĩ đó tôi thấy hào hứng với việc đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Đâu là lẽ phải”.


       Cần cần nói thêm rằng, tôi là một người thường xuyên sử dụng từ điển song trong bài viết này tôi sẽ không sử dụng cách viết của cuốn từ điển để trả lời câu hỏi “đâu là lẽ phải” theo cái cách mà sau một hồi chứng minh, giải thích rồi đưa ra một định nghĩa đầy chất học thuật về lẽ phải. Tôi sẽ cố gắng tiếp cận theo hướng chúng ta nhìn nhận như thế nào về lẽ phải bởi cách chúng ta nhìn nhận một vấn đề sẽ quyết định cách chúng ta xem nó là gì, hiểu nó như thế nào và vận dụng nó ra sao. Một cách đơn giản là tìm hiểu lăng kính mà chúng ta nhìn vào lẽ phải. Ví như một cái cây, nếu nhìn nhận dưới con mắt của người nông dân chuyên canh tác, trồng cấy thì ta sẽ quan tâm nó là cây gì, lớn lên như thế nào, kết trái ra hoa ra sao; nếu nhìn dưới góc nhìn của nhà hoạt động vì môi trường thì nó là cái giúp bảo vệ môi trường, phủ xanh đất trống; Nhưng chẳng may vào tay người cần củi đốt thì cái cây kia cũng chỉ sắp trở thành đống củi mà thôi. Tất nhiên tôi cũng không có ý định lấy trình độ leo cây của khỉ để so sánh với khả năng bơi lội của cá nhưng tôi hy vọng rằng với cách tiếp cận này sẽ khiến chúng ta có một cách nhìn nhận về câu hỏi đâu là lẽ phải.

        Trước hết cần khẳng định rằng lẽ phải là một phạm trù tồn tại rất thường xuyên trong đời sống con người và nó cũng là phạm trù được mỗi người hết sức “coi trọng” dù họ có nhận thức được điều đó hay không. Bởi người theo đúng triết lý của giáo dục chúng ta sẽ được dạy về lẽ phải, tôn trọng lẽ phải và rồi ta sẽ vận dụng nó (như tôi đã nêu ở đầu bài viết) để làm thước đo giúp phân biệt phải trái, đúng sai, cái xấu cái tốt, người thiện kẻ ác. Và có thể nói “lẽ phải” là cái giúp định hướng cho suy nghĩ và hành động của con người, nó là ngọn đuốc chỉ lối cho con người. Ví như hàng vạn người lái xe trên đường tuy đã có bằng nhưng họ không cần thuộc làu, thậm chí quên từng điều luật giao thông, mà cả đời vẫn thực hành đúng. Vì họ sở hữu được lẽ phải (chứ không chỉ sở hữu ô tô) một cách tự nhiên, nhờ thế lẽ phải dẫn đạo họ.

       Người ta tin lẽ phải là những điều đúng, là những thứ sẽ xảy ra và những thứ trái với lẽ phải đều là sai trái tất nhiên họ có những lý lẽ cho niềm tin vào lẽ phải của mình. Đôi khi con người ta còn lầm tưởng khi đánh tráo khái niệm giữa lẽ phải và chân lý theo nghĩa những những điều không bao giờ thay đổi và do đó lẽ phải không bao giờ sai.  Tôi cho rằng lẽ phải và chân lý có sự khác biệt và cần phân biệt rạch ròi nó. Bởi vì thế mà lẽ phải không phải bao giờ cũng là lẽ phải. Như cái cách mà chúng ta vẫn hay nghe rằng: Có một điều chắc chắn là không có gì chắn chắn cả.

         Nhưng ở một góc độ tiếp cận khác, bản thân lẽ phải và chân lý cũng có sự giống nhau thật là bất đắc dĩ. Đó là “chân lý và lẽ phải vẫn sẽ luôn có người chống đối.” Điều này thật quá đỗi ngạc nhiện bới nó có vẻ mâu thuẫn với điều mà tôi vừa nói song cần hiểu cuộc sống luôn tồn tại sự mâu thuẫn và chúng ta cũng đừng ngạc nhiên sao lẽ phải và chân lý thường bị phản đối. Không phải điều gì số đông theo thì điều đó đúng. Mà cũng không phải điều gì số ít theo thì điều đó sai. Chưa chắc. Chúng ta đừng nghĩ rằng điều gì bị chống đối thì điều đó sai. Chưa chắc. Mà thường thì lẽ phải thì hay gặp sự chống đối. Bởi vì sao?

        Vì lẽ phải nó kêu gọi con người ta phải làm thiện, phải tránh ác, Phải từ bỏ tham, sân, si, phải giữ gìn tâm ý trong sạch…Nhưng trong cuộc đời này mấy người làm được điều đó? Hầu hết con người đều phạm sai lầm. Khi lẽ phải được thắp sáng thì những người có lỗi lầm thường sẽ bị phơi bày ra những lỗi lầm, sai lầm của họ. Và thực tế không phải ai cũng dám đối diện với những lỗi lầm, sai lầm của mình, chấp nhận mình là người có lỗi. Và như vậy thì họ có chống lại không? Chúng ta nhớ lại câu chuyện Chúa Giê-su (Jesus): thời xưa Chúa Giê-su bị nhóm Do Thái Giáo giết là bởi vì Chúa cũng nói lên sự thật, lẽ phải, vạch ra cái sai lầm, cái hiểu lầm của họ nên cuối cùng bị họ bắt, bị họ giết.

        Chúng ta rút ra được hai điều: một là người ta lấy lẽ phải để hành động và suy nghĩ; hai là không phải ai cũng dám đối diện với những lỗi lầm, sai lầm của mình, chấp nhận mình là người có lỗi dưới ánh sáng của lẽ phải. Và từ hai điều đó, con người ta sẽ cố gắng tự tạo những cái “lẽ phải của riêng mình” để biện minh, giải thích cho hành vi của họ.  Và tôi tạm gọi cái “lẽ phải của riêng mình” ấy là cái “lý”. Như vậy, theo đúng cái quy luật đã tạo ra cái “lý”, thì cái lý sẽ có nhiều vô kể, có cái lý là lẽ phải, có cái lý tiệm cận lẽ phải và cũng có những cái lý với lẽ phải sẽ “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Với cái lý, con người ta có thể hành động đúng nhưng chưa chắc đó đã là lẽ phải. Chúng ta từng nghe không ít câu “người dân được làm những gì luật không cấm”. Nhiều kẻ lạm dụng câu đó thật ẩu loạn, nguy hiểm. luật không ghi rõ: bạn đang lái xe thì không được ăn phở.... nên tự cho mình thế khi gây ra hiểm hoạ thì cãi mình không sai vì luật không có điều cấm đó. Không có luật nào liệt kê đủ mọi điều. Nhưng chúng ta dựa vào logic của lẽ phải sẽ biết tự quản trị mình trong các trạng huống khác nhau. Còn trong giới công chức lại lưu truyền câu “chỉ được làm những gì luật cho phép”.  Thật lạnh người vì nó sẽ dẫn họ đến sự vô cảm. Không có luật nào dự kiến được mọi tình huống để bảo anh phải thế này thế kia. Nhờ sở hữu lẽ phải, sẽ mách bảo họ nên làm gì cho đúng ở hoàn cảnh này sau đó nhiều người nơi khác kể lại vẫn thấy rất đúng do đó thành giá trị học hỏi và noi gương.

        Thế nên, cái “lý” của ai đó chưa chắc đã đúng. Mà nếu đã đúng thì chưa hẳn là lẽ phải.

        Nếu như vậy, tiếp tục hỏi đến tận cùng của vấn đề thì lẽ phải của chúng ta có giống nhau hay không? Cần hiểu, con người chúng ta là “con người xã hội” theo nghĩa con người sẽ không thể nào tách rời môi trường xã hội mà họ thuộc về. Xã hội với những đặc tính riêng cấu thành nên nó sẽ kiến tạo nên con người và nhận thức của con người về thế giới. Không một ai trong chúng ta thoát khỏi con người xã hội và do đó nhận thức của con người cũng chính là “nhận thức mang tính xã hội”. Mỗi sự vật, sự việc dưới góc nhìn của con người đều là sự kiến tạo xã hội theo nghĩa con người tạo dựng nên ý nghĩa cho nó. Chính vì lẽ đó mà với một sự vật, sự việc người ta sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Một ví dụ đùa vui mà tôi từng nghe thấy, đó là cũng là cái hành tinh khổng lồ, đang cháy sang và được một số hành tinh trong vũ trụ xoay quanh thì người Việt Nam gọi nó là mặt trời nhưng người Anh thì gọi nó là Sun. Đấy chỉ là cách gọi, tôi chưa kể đến những vấn đề mà cách hiểu của chúng ta có sự khác nhau. Thế nên nếu để người Việt Nam và người Anh tranh luận đây là mặt trời hay là sun thì câu chuyện sẽ chẳng bao giờ được giải quyết.

         Con người với điều kiện xã hội khác nhau có cách kiến tạo nên nhận thức về thế giới khác nhau kể cả về nhận thức “đâu là lẽ phải”. Vậy nên hiểu rằng lẽ phải cũng có nhiều loại lẽ phải của tôi không phải khi nào cũng giống lẽ phải của anh và từ đó có khi người ta dễ dàng chấp nhận sự khác biệt hơn. Đến đây tôi hơi ngập ngừng vì nếu đã dễ dàng chấp nhận sự khác biệt môt cách quá đà đôi khi sẽ là những điều bất lợi, khá nguy hiểm nếu người ta lấy điều đó để trốn tránh việc nhìn thẳng về sự thật, bao biện cho hành động của mình.

         Theo truyền thống, người Trung Quốc luôn coi đất nước của họ là trung tâm của đất trời, điều đó đã được thể hiện ngay ở cách mà họ đặt tên quốc gia; với lối tư duy như vậy, suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc luôn tìm cách bành trướng, xâm lược các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Trong con mắt Trung Quốc, Việt Nam chỉ là quân, huyện, là đất đai lãnh thổ của họ, việc họ tìm cách chinh phục Việt Nam là điều tất yếu. Tuy nhiên đối với Việt Nam, luôn tồn tại một mạch ngầm ý thức rằng họ là một quốc gia độc lập với văn hóa, phong tục và những giá trị riêng chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc qua biết bao thế hệ người Việt, như nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo đã từng khảng khái mà tuyên bố rằng:

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”

       Như vậy, rõ ràng ở đây chúng ta thấy rằng đã có sự khác biệt trong nhận thức về lẽ phải, nó không đơn giản chỉ thể hiện cho sự biệt mà chính sự khác biệt là nguyên nhân giải thích cho suy nghĩ và hành động của họ. Ở một chiều chủ động hơn, người ta cố tình tạo ra những lẽ phải nhằm giải thích, bao biện cho những hành động của mình. Kể cả kẻ sai vẫn cố cãi mình Đúng. Ra đời Luật sư cũng vì vậy. Và nhiều điều Luật vẫn không thể buộc tội kẻ ngự ở 'đỉnh cao của sai' khi chúng tạo ra những 'điều Đúng' theo cách của chúng. Điều này khiến chúng ta đặt ra câu hỏi, không chỉ là sự khác biệt, mà lúc này lẽ phài có còn là lẽ phải, hay đó đã trở thành công cụ của con người trong việc thực hiện các tính toán của họ.

         Lẽ phải cũng mang tính tương đối theo cái nghĩa không phải cái gì được coi là lẽ phải thì cũng mãi đúng và không thay đổi. Lẽ phải phụ thuộc vào nhận thức của con người, thông qua sự thay đổi về các điều kiện bên ngoài, sự phát triển và tăng cường trong hiểu biết của con người đối với thế giới mà nhận thức của con người qua từng thời kỳ cũng liên tục thay đổi và có sự phát triển. Lẽ phải trên cơ sở đó cũng thay đổi theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế hơn. Ví như câu chuyện, xưa kia, người ta cứ nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, đứng yên một chỗ, còn mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn vì sao phải quay xung quanh cái tâm này. Người đầu tiên bác bỏ ý kiến sai lầm đó là nhà thiên văn học Ba Lan Cô-péc-ních. Năm 1543, Cô-péc-ních cho xuất bản một cuốn sách chứng minh rằng chính trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. Phát hiện của nhà thiên văn học làm cho mọi người sửng sốt, thậm chí nó còn bị coi là tà thuyết vì nó ngược với những lời phán bảo của Chúa trời. 

       Chưa đầy một thế kỉ sau, năm 1632, nhà thiên văn học Ga-li-lê lại cho ra đời một cuốn sách mới cổ vũ cho ý kiến của Cô-péc-ních. Lập tức, tòa án quyết định cấm cuốn sách ấy và mang Ga-li-lê ra xét xử. Khi đó, nhà bác học đã gần bảy chục tuổi.

         Bị coi là tội phạm, nhà bác học già buộc phải thề từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất quay. Nhưng vừa bước ra khỏi tòa án, ông đã bực tức nói to:

           - Dù sao trái đất vẫn quay!

         Ga-li-lê phải trải qua những năm cuối đời trong cảnh tù đày. Nhưng cuối cùng, lẽ phải đã thắng. Tư tưởng của hai nhà bác học dũng cảm đã trở thành chân lí giản dị trong đời sống ngày nay.

         Chúng ta thấy rằng, rõ ràng lẽ phải đã có sự thay đổi và phát triển theo hướng tiệm cận hơn với những sự thật, chỉ có như vậy lẽ phải mới tồn tại lâu dài và tiếp tục đảm bảo của chính lẽ phải cần có. Tuy nhiên lẽ phải cũng mang tính tương đối, bởi đôi khi người ta vì mục đích của họ mà bỏ qua hoặc không quan tâm đến những thứ gọi là lẽ phải. Tôi lại nhớ đến câu nói nổi tiếng của Herry Temple “Chúng ta không có bạn bè vĩnh cửu, cũng chẳng có kẻ thù vĩnh cửu. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh cửu, và nghĩa vụ của ta là phục vụ lợi ích ấy”. Mọi sự so sánh đều khập khiểng và tất nhiên trong quan hệ quốc tế, người ta còn phải quan tâm đến nhiều thứ hơn là lẽ phải nhưng nó cũng cho chúng ta thấy phần nào rằng Lẽ phải hay không lẽ phải trước những mưu tính của con người giờ đây không quan trọng nữa, quan trọng là cái gì giúp thực hiện những điều mà con người muốn.

         Sau khi đi nói một hồi để đủ loại góc nhìn mà người ta dành cho lẽ phải, cuối cùng tôi phải chấp nhận rằng lẽ phải âu cũng chỉ là một phạm trù mang tính xã hội, bởi nó mang đặc tính của xã hội, phục vụ cho xã hội và không ngừng thay đổi. Nhưng ở một góc lạc quan hơn, tôi tin rằng vẫn sẽ có những lẽ phải đích thực là lẽ phải, nó được rộng rãi những con người tiến bộ ghi nhận và thực hành. Với ánh sang minh triết của những lẽ phải đích thực đó thì hành động Đúng mới là “nhất thời”, thực hành được lẽ phải liên tục mới là “đẳng cấp cao”. Để sở hữu được thế, hẳn nhiên trong tâm trí của mỗi người phải còn chỗ gọi là “lương tri” sẵn sàng gọi mời, dung chứa được ý nghĩa của lẽ phải. Để thực hành được lẽ phải thì mỗi người còn phải được tu rèn cách tôn trọng, ứng xử trên cơ sở nhận thức về tính chính đáng của người khác, xã hội và thiên nhiên.



Tác giả: Lê Mạnh Quốc

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100011484579695

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,104 lượt xem, 1,069 người xem - 1073 điểm