Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Chấp Nhận “Bị Ghét” Để Được Tự Do, Sống Đúng Với Bản Chất Cá Tính Của Mình

Lời mở đầu

Đại sư Tinh Vân từng nói: “Học làm người là học suốt đời, chẳng tốt nghiệp được”.

Thật vậy, dù cho ta có học bao lâu, ta có cố gắng sống tốt đến đâu cũng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Nếu vừa lòng người này sẽ mất lòng người kia và tệ hơn nữa là đến một lúc nào đó ta sẽ đánh mất cả chính mình.

Người xưa cũng có câu: “Sống vừa lòng thiên hạ là một việc vừa khó vừa ngu.”

Vậy tại sao chúng ta cứ phải đâm đầu đi vào con đường khó khăn đó để làm mất thời gian và khiến bản thân không vui. Có người bảo cuộc đời này dài lắm nhưng với tôi cuộc đời thật ngắn ngủi, thanh xuân trôi nhanh chỉ bằng một cái chớp mắt. Nhân lúc tuổi xuân còn sôi sục, nhiệt huyết tuổi trẻ tràn trề, còn bao nhiêu việc phải làm, những món ngon và phong cảnh đẹp đang chờ đợi ta đến thưởng thức, chiêm ngưỡng. Hà cớ gì mà ta lại phải phí hoài thời gian quý giá của mình để tâm đến việc người ngoài kia nói gì, nghĩ gì về ta?


Trên đời này, có người thích bạn, có người ghét bạn, có người cười khẩy coi thường bạn. Trước đây khi nghe được những lời lẽ không hay về mình có lẽ bạn nhất định sẽ phản bác, giờ đây lại phát hiện ra thành kiến đã ăn sâu bám rễ hơn tưởng tượng. Tủi thân đương nhiên có, buồn bã có lẽ cũng có, chẳng ai hiểu, đó là chuyện hết sức bình thường.

Đừng giải thích quá nhiều, lời nói không thể thay đổi được cách nghĩ của bất cứ ai. Người khác yêu cũng được, ghét cũng được, hãy chọn lấy lối sống của riêng mình, dùng cách bạn muốn biến mình thành người không ai có thể thay thế.” Trích Dám mơ lớn, đừng phí hoài tuổi trẻ - Lư Tư Hạo.


Sống trong một xã hội văn minh và tiến bộ, mỗi người đều có quyền được bộc lộ cá tính, tự do cá nhân và được bảo vệ tôn trọng những quan điểm, lối sống, cách làm việc riêng. Đừng vì lời nói vô căn cứ qua miệng của người khác mà ta trở thành một phiên bản khác chính mình để chiều theo ý họ. Chúng ta chỉ cần sống đúng với con người, cá tính thật của mình thôi, đừng đào bới sự cô đơn trong tâm hồn đã chết, đừng tô điểm gì thêm cho tượng gỗ vô hồn, đừng theo đuổi cái giả dối thiếu chân thực, đừng hùa theo trào lưu phù phiếm xã hội.

Bài viếthôm nay , tôi muốn mang cái nhìn cá nhân của mình để giúp các bạn có một góc nhìn tích cực và sự tự tin sẵn sàng đối mặt với việc “bị ghét” của người khác để được sống đúng với cá tính của mình và bảo vệ quyền tự do chính đáng, được tôn trọng cá tính riêng biệt của bản thân.

1.     Cá tính cá nhân là gì?

          Cá tính hiểu nôm na là một khái niệm dùng để mô tả các đặc trưng độc đáo, riêng biệt của mỗi người ở nhiều khía cạnh như: cách ăn mặc, niềm tin, lối sống, suy nghĩ của người đó tác động đến sự vật, sự việc cũng như bộc lộ rõ tính cách nổi bật của người đó (mạnh mẽ, dịu dàng, ôn hòa, trẻ con hay nóng nảy,…)

Như chúng ta đều biết, mỗi người sinh ra đều sở hữu một khuôn mặt khác nhau, có một hoàn cảnh và điều kiện sống hoàn toàn khác nhau từ đó hình thành nên tính cách và tư duy  khác nhau. Chính vì sự khác nhau ấy mới tạo nên ‘thương hiệu” cá nhân riêng biệt của mỗi người. Hay nói một cách hoa mỹ, trịnh trọng thì mỗi người sinh ra đều mang trong mình sứ mệnh riêng, chúng ta chỉ cần hoàn thành tốt sứ mệnh đặc biệt của mình chứ không phải nhọc lòng lo nghĩ hay nhòm ngó cuộc sống của người khác, cũng không cần cố gắng trở thành ai đó, đóng vai một ai đó để được người người yêu thích.

2.     Xã hội sẽ phát triển hơn khi hội tụ những thương hiệu cá nhân đa sắc

Sự khác biệt của mỗi cá nhân với những phong cách làm việc khác nhau tạo nên một xã hội phát triển, mỗi người một cá tính cũng góp phần làm cho cuộc sống muôn màu muôn vẻ hơn. Nếu xã hội ai cũng tự ti về bản thân mình và chỉ hướng đến mục tiêu để trở thành một hình tượng chung, một tính cách chung do người khác đặt ra mà không sống đúng với bản chất cá tính, không là chính mình sẽ khiến xã hội trở nên một màu nhạt nhẽo, bản thân trở nên khô khan, khuôn mẫu chẳng khác nào như robot làm hài lòng theo ý chủ nhân. Điều này là trở ngại việc phát triển bản thân và xã hội.

3.     Tại sao phải sống đúng với con người thật của chính mình?

 Bạn có bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi bạn muốn trở thành một người như thế nào chưa? Là chính con người bạn hay trở thành khuôn mẫu cứng nhắc mà người khác thích?

Sẽ không ai vui vẻ khi phải trở thành người như thế này hoặc như thế kia chỉ để đẹp lòng người khác. Bởi mỗi người chúng ta sinh ra đã là một cá thể riêng biệt, mang một cá tính riêng, màu sắc riêng nên không có chuyện ai giống ai và có ai sống để trở thành mẫu người theo ý muốn của kẻ khác.

Vậy nếu không muốn mỗi ngày đều phải đeo một chiếc mặt nạ nguy trang, đóng vai nhiều nhân vật khác nhau khi đối diện với rất nhiều người, bạn nhất định phải tự tin sống là chính mình, điều này không thể nhân nhượng dù chỉ là một phút. Nếu không ắt hẳn bạn sẽ vô cùng mệt mỏi khi ngày nào cũng phải cố làm hài lòng người khác dù biết rằng đó là điều không thể.

Như Nick Vujicic đã nói “Hãy sống là chính mình, bình thường nhưng không tầm thường”

“Sống là chính mình” nói dễ hiểu như theo khái niệm trong tâm lý học đó chính là “sống thật”. Tức là bạn hiểu được mình là ai và bạn sống với những gì tự nhiên vốn có trong con người bạn, không cần phải gò bó, ép bản thân phải sống theo cách mà người khác yêu cầu.

 “Đừng gọt chân cho vừa giày”

Chối bỏ bản thân mình để đạt được tiêu chí hình mẫu xã hội đặt ra là bạn đang đánh mất cơ hội để tự hoàn thiện mình hơn.

Mỗi người đều có một sự khác biệt riêng cần mình tự khám phá. Từ bao giờ mà con người lại tự cho mình cái quyền quy chụp, phán xét cá tính của người khác rằng con gái phải “yểu điệu thục nữ”, con trai phải “mạnh mẽ tháo vác.” Nhìn thấy người ta  nói năng nhẹ nhàng, lễ phép giúp đỡ người này người kia thì bảo  “con này thảo mai quá”. Người ta ít nói thì lại bảo lạnh lùng, khó gần. Con gái ăn mặc hơi nam tính, năng động tham gia các hoạt động thể thao dành chon am giới thì bị coi là  một “Lesbian” hay cậu thanh niên tóc tai xanh đỏ lại bị cho là dân ăn chơi, phá phách,… Thiên hạ thật đáng sợ phải không? Họ tùy ý suy diễn suy nghĩ của họ và áp đặt nó lên người khác, ho vẽ ra những con người và câu chuyện thật nực cười mà ngay bản thân nhân vật chính cũng không hề hay biết.

 “Chúng ta qua miệng người khác không phải là con người toàn diện, mà có rất nhiều phiên bản khác nhau, nên chỉ cần làm một bản chính tốt là được.

Bởi người đời:

- Ánh mắt giống nhau nhưng góc nhìn khác nhau

- Miệng giống nhau nhưng mỗi người một cách nói

- Trái tim cấu tạo tương đồng nhưng suy nghĩ lại rất dị biệt.

- Tiền của giống nhau nhưng cách chi tiêu mỗi người một cách.

Cũng là con người nhưng mỗi cá nhân có một cách sống cần tự tin bước đi trên đôi chân của mình” (Trích nguồn Review Sách Hay) https://www.facebook.com/reviewsachhay2022/posts/pfbid0JaRhH5vC39iAeJRRzos6zJYgoM3XggAkwgFfRFJARrN8YiMZ9WqdDRmThSw2HuxCl?locale=vi_VN

Cứ tự tin sống trọn vẹn cuộc đời của chính mình. Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu chẳng ai có thể hoàn hảo toàn diện cả. Người khác giỏi cầm kỳ thi họa thì bạn có thể giỏi nấu ăn, bạn có thân hình gầy nhưng khuôn mặt lại xinh xắn hoặc bạn không xinh nhưng bạn có giọng nói khả ái,…

Đừng vì người khác nói con gái đều dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, bước đi khoan thai mà bạn vội vàng bỏ đi hình tượng  vốn dĩ của mình là một cô gái năng động, mạnh mẽ để thu mình lại, bó buột  mình trong khuôn khổ của người đời để làm cô gái nết na, khép nép. Mỗi ngày đều nhịn ăn để giảm cân, để có vóc dáng thon gọn, bỏ đi những đôi giày thể thao thoải mái hằng ngày bằng những chiếc giày búp bê chật đến đau chân chỉ vì muốn chân nhìn thon và nữ tính hơn. Đến cuối cùng thì sao? Bạn bè, những người thân yêu và thậm chí là bản thân bạn sẽ quên mất cô gái cá tính, mạnh mẽ, năng động mà họ từng biết. Sẽ có người khen bạn con gái nết na thùy mị, có người sẽ chế giễu bạn là “đồ giả nai” hay “thảo mai”. Và rồi một lúc nào đó bạn cũng sẽ mỏi mệt với chiếc mặt nạ mình đang đeo.

·        Tóm lại dù bạn có tốt thế nào cũng có người nói này nói kia và ghét bỏ bạn. Cho nên điều quan trọng là sống là chính mình, vui vẻ, lương thiện là được

Tôi đã dám chấp nhận “bị ghét” để  được sống thật với cá tính của mình như thế nào?

Tôi từng đọc trong cuốn sách “Sống hiên ngang giữa thế gian” có một câu thế này:

“Chẳng bao giờ người ta cần có lý do để ghét bỏ ai đó. Yêu hay ghét nó là cảm giác của mỗi người, mà con người luôn là tạo vật đầy rẫy sự mâu thuẫn, thế nên, có bới móc tìm ra lý do biện minh cho việc yêu quý hay hờn ghét, nói thật là chẳng để làm gì.”

Thật vậy, thời đi học, tôi luôn bị các bạn nữ nói xấu thậm chí tỏ ra "ghét" mình.

Là đứa nhạy cảm, tôi hay suy nghĩ lắm. Vì đâu bạn đó còn chưa từng trò chuyện nhiều hay có xích mích, cãi cọ gì với mình, sao lại có thể "ghét" mình được nhỉ?

Sau này lớn hơn, bước chân ra ngoài xã hội va chạm với nhiều người, nhiều vấn đề xảy ra, tôi mới hiểu rằng con người có đủ trăm điều nhỏ nhặt để ghét người khác, có khi cũng chẳng cần lý do. Vì người đó thấy mình nói cái này, làm cái kia, hoặc đôi khi vì khuôn mặt của mình, tính cách của mình, gu ăn mặc, gia đình của mình... có điểm gì đó không vừa ý họ, rất khó để lý giải.

Nhiều lúc tôi cũng không biết vì sao mình lại thích hay ghét một người nên việc ai đó yêu hay ghét mình chính mình cũng không thể giải thích hay kiểm soát người ta được.

Vậy nên nếu việc làm của tôi đúng và nó không ảnh hưởng xấu đến ai thì dù cho ngoại hình, tính cách hay cách nói năng của tôi có làm ai đó ghét thì tôi cũng không bận tâm vì nó chẳng có ích gì cả.

Nhu cầu được yêu thương là một trong những nhu cầu hiển nhiên nhất của con người. Ai cũng mong muốn mình đường mọi người yêu quý. Điều này không có gì sai. Làm gì có ai không muốn mình được tôn trọng, yêu mến?

Nhưng điều khiến cho nhiều người cảm thấy bản thân không hạnh phúc là khi họ lấy những tình cảm bên ngoài đó làm mục tiêu để theo đuổi. Họ vì sợ người khác không vui, sợ bản thân làm trái ngược với số đông khiến mình bị cô lập mà không dám bộc lộ bản chất, phát huy tiềm năng của chính mình. Họ luôn lo nghĩ trong mắt người khác họ như thế này đã được chưa, như thế kia thì có hợp không... tâm trí luôn mắc kẹt trong mớ hỗn độn mình phải thể hiện, hành động, diễn đạt thế nào cho đẹp lòng người khác.

Để rồi họ vì thế mà tự tạo một cái lồng sắt giam cầm bản thân. Tự đánh giá bản thân và sống theo điểm nhìn của người khác. Sợ người ta ghét nên không dám sống với cá tính thật sự và làm theo những điều bản thân mong muốn.

Bản thân tôi, khi viết hàng trăm bài viết về cảm nhận, quan điểm sống, cái nhìn cá nhân về một vấn đề xã hội cũng đã phải đối diện rất nhiều lần công kích, bình luận ác ý, thậm chí có người mắng trực tiếp khi gặp tôi ngoài đường chỉ vì nó không đúng với quan điểm, cách nhìn của họ.

Thời gian đầu thì tôi cũng buồn. Nhưng sau lại nghĩ, họ đâu có biết mình là ai, cũng chẳng cho mình được cái gì, họ đâu có sống dùm cuộc đời của mình hay họ có phải là mình đâu mà có suy nghĩ giống mình được, vậy cái đúng thì mình tiếp thu, còn cái không đúng thì tội gì phải bận lòng cho buồn.

Rồi dần về sau cũng thoải mái hơn. Tôi đón nhận việc người khác ganh ghét mình rất nhẹ nhàng. Đọc phải những bình luận không mấy hay ho về bài viết của tôi hay thậm chí họ chê bai cách ăn mặc, tóc tai của tôi qua những tấm hình đăng trên mạng cũng thế, tôi cứ lắc đầu cười rồi mọi chuyện cũng qua. Tôi cứ là chính tôi thôi, đó là gu thời trang của tôi, đó là phong cách viết của tôi,… chẳng có gì phải đáng xấu hổ cả, cứ tự tin là chính mình không lẫn vào ai được.

Sống thực với chính mình giúp cuộc sống tốt đẹp hơn

·        Sống thực với con người mình giúp ta có một cuộc sống đặc biệt thoải mái, không phải gò bó, gượng gạo trước mặt người khác

·        Được tự do bộc lộ tính cách thật và khả năng, phong cách làm việc riêng.

·        Tinh thần trở nên lạc quan, có động lực vượt qua trở ngại trong cuộc sống

·        Không bị áp lực bởi tiền tài và địa vị xã hội, cố gắng cải thiện bản thân tốt hơn, hiểu rõ giá trị và quan điểm của bản thân.

·        Khi ta sống thật với chính mình cũng đồng nghĩa với việc ta tôn trọng bản thân ta và như vậy mới được người khác tôn trọng.

Sự thay đổi về lối suy nghĩ hướng đến tích cực như vậy khiến tôi cảm thấy như được tái sinh và yêu cuộc sống này hơn, luôn cảm thấy cuộc đời khá thú vị và tràn ngập sắc màu.

Sau cùng, tôi nhận ra việc sống đúng bản chất của mình mới là điều quan trọng nhất. Chỉ khi mình sống khỏe, sống vui, sống có cá tính, có giá trị riêng biệt thì mình mới được người khác coi trọng và mình cũng dễ dàng nhìn người khác bằng con mắt ôn hòa, tôn trọng và chấp nhận cái cá tính đặc biệt của họ.

Hãy "chấp nhận bị ghét", chứ đừng "trở nên đáng ghét"

Chấp nhận bị ghét để bảo vệ quyền lợi chính đáng về sự tự do, thể hiện cá tính riêng của bản thân mình là một việc đúng đắn và hợp lý. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là bạn được thể hiện cái tôi cá nhân của mình quá mức, kiểu sống và làm việc một cách phóng túng không quan tâm đến ý kiến của người khác mặc nhiên khiến bạn trở nên đáng ghét.

Sống thật với cá tính của mình chứ không phải bảo thủ, khước từ mọi ý kiến, đóng góp của người khác. Hãy lắng nghe người khác nói, nếu cảm thấy điều đó đúng thì nên tiếp thu, sửa sai, nhận lỗi. Điều đó giúp bạn phát triển và hoàn thiện bản thân hơn cũng như có được sự tôn trọng của người khác.

Tôn trọng cá tính để cùng nhau xây dựng một cộng đồng văn minh, đa dạng sắc màu.

Có khi nào chúng ta tự đặt câu hỏi liệu rằng có được bao nhiêu người chấp nhận con người thật của những người xung quanh họ? Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận vẻ ngoài không hoàn hảo của những người xung quanh họ khi đó “con quỷ so sánh” trong người ta sẽ bắt đầu trỗi dậy, khi so sánh người khác sẽ khiến bản thân họ cảm thấy nhỏ bé, tự ti chính vì thế mà xuất hiện những con người sợ hãi việc sống là chính mình, lúc nào cũng ngụy trang, che giấu con người thật bên trong thể xác đó.

Như có câu này trong cuốn "Sống hiên ngang giữa thế gian" đã gợi cho mình nhiều suy nghĩ:

"Miệng lưỡi người nào ai quản nổi? Họ nói những gì họ thích và làm những điều họ muốn mà chẳng bao giờ quan tâm tới những tàn nhẫn của ‘thú vui’ ấy. Rồi nạn nhân sẽ sống thế nào đây?”

Tất cả chúng ta đều cần hiểu rằng ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm của mình. Người được cái này sẽ mất cái kia vì vốn dĩ không ai hoàn hảo. Vì vậy chúng ta mới hình thành nên một cộng đồng sống cùng nhau, là tập hợp của những cá thể mang màu sắc cá tính khác nhau để dung hòa cho nhau và cùng nhau phát triển. Vì thế mọi người cần tôn trọng cá tính của nhau.

Tôn trọng cá tính giúp:

·        Mỗi cá nhân đều cảm thấy được yêu mến, tự tin và hạnh phúc hơn trong cuộc sống

·        Giúp mỗi cá nhân tự do phát huy tiềm năng sáng tạo.

·        Xây dựng một cộng đồng xã hội lành mạnh mà ở đó sự khác biệt không là rào cản mà ngược lại trở thành nguồn lực cho sự tiến bộ.

Sống đúng với cá tính của mình nói thì dễ nhưng lại là một con đường khó khăn khi đứng trước sự hoang mang trước ranh giới mong manh giữa cách sống là chính mình với cách sống để được người khác đón nhận. Nhưng không sao, quá trình bạn đi trên con đường đó sẽ giúp bạn tìm ra giá trị thực của bản thân, biết mình là ai, mình muốn làm gì, và điều gì đúng đắn để giúp bản thân hoàn thiện một cách tốt nhất.

Lời kết

Sau cùng, tôi chỉ mong những ai đang đánh mất chính con người thật bên trong mình, hiểu được giá trị của bản thân là một phiên bản độc nhất vô nhị không ai có thể ép mình sống khác đi theo ý họ muốn, rằng không có ai có thể làm tổn thương bạn chỉ qua cái nhìn phiến diện và lời nhận xét không phải lúc nào cũng đúng về bạn bằng việc bạn tự tạo áp lực, ép mình trở thành người theo định hình của người khác. Miễn là bạn yêu thương bản thân mình, chấp nhận con người thực của mình thì khi đó đánh giá của người khác (nếu có) sẽ chẳng còn quan trọng nữa.

Trên đời này có người thương thì ắt hẳn sẽ có người ghét. Đó là một thực tế mà bạn không thể phủ nhận. Nhưng việc bạn được tự do làm chính mình mới là cách sống thật sự mang lại ý nghĩa và khiến bản thân luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.

Tác giả: Lê Thị Kim Vi

Kết bạn và theo dõi facebook tác giả qua link: https://www.facebook.com/kimvi.le.750

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +15.000.000 VND/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

450 lượt xem, 382 người xem - 392 điểm

lh-fulllh-x