Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bởi Ta Còn Tha Thiết Chữ "Tình"

     Ta vẫn vội với bộn bề công việc, chạy theo những chuyện bâng quơ mà nhiều lần chẳng kịp để tâm đến cảm xúc của bản thân để rồi năm tháng qua đi, rốt cuộc cũng chỉ còn lại sự cuồng quay, hối hả mà thấy lòng như còn vấn vương gì đó, chẳng kịp nhận cũng chẳng kịp cho. Chắc là ta còn tha thiết một chữ "tình".
          
                                                 "Có gì đẹp trên đời hơn thế

                                                Người yêu người sống để yêu nhau”.

     Chúng ta quen thuộc hai câu thơ ấy của nhà thơ Tố Hữu qua những lời thầy cô giảng ở những năm học phổ thông, là người, phải biết yêu thương, chia sẻ. Cuộc sống bây giờ tiên tiến và biến chuyển nhanh quá, người ta cũng vội vàng đặt để yêu thương, dẫu gì thì có “yêu” cũng đã “đẹp” rồi. Vài dòng bâng quơ trên tin nhắn điện thoại, đôi câu nói đại khái để làm đẹp lòng nhau, nhiều người trẻ đang yêu thương như thế. Ta chậm lại một chút, một chút thôi để yêu thương kịp chạm tim nhau, để nghe tiếng lòng người kia đang hạnh phúc, để biết rằng mình yêu, sẻ chia là việc nên làm.
                                                                                              Hình ảnh có liên quan
     Chúng ta hãy bắt đầu từ tình yêu thân sơ nhất và cũng là nơi những cảm xúc vẹn nguyên đầu tiên ra đời, gia đình. Ta yêu thương từ những ngày nằm nôi, nghe ầu ơ êm đềm vào giấc ngủ, ta thấy ấm cúng trong bửa        cơm chiều dù chỉ là rau luộc, mắm kho, ta yên ả theo tiếng cười đùa bên mái ấm. Rồi xa rời những năm tháng tuổi thơ, tất bật hơn với những mối quan hệ bất chợt của tuổi mới lớn, là bạn bè, là những rung động khác, là công việc mà quên nhắn gửi vài lời về nơi ta đã lớn lên. Một số trong nhiều người ấy đang yêu thương như thế. Ai đó có thể để ra hàng giờ trước màn hình chớp nháy liên tục mà không thể dành nổi mười phút cho vài lời gửi đến ngôi nhà nhỏ của mình. Họ có thể dự tiệc thâu đêm mà không “đủ” thời gian ngồi bên mâm cơm chiều tối mặc cho có ai đó đã kì công chuẩn bị. Không hề rơi vào quên lãng, có thể tình yêu ấy chỉ đang thất lạc trong trái tim quá nhiều ngóc ngách. Rồi sẽ có lúc họ bế tắc quá khi đến đường cùng thì cũng ở nơi ấy, họ sẽ gặp lại thôi.
     Đó là đoạn mở đầu cho một bản giao hưởng tình yêu mà đáng lẽ phải đầy ngọt ngào và êm tai thì lại bị nhiều người trẻ, vì thời gian, vì công việc đã thu ngắn lại để rồi nhiều nốt nhạc rơi ra khỏi khuôn nhạc để thành những nốt trầm cho bản tình ca bay bổng. Từ tình cảm ban sơ nhất, xin được vượt qua tình bạn, những tình cảm đang hiện hữu nhiều người trẻ để chạm đến tình thương yêu với những người xa lạ, lòng trắc ẩn, loại tình cảm mà nhiều người trẻ đang vội lướt qua vô tình trong những tháng năm rạng rỡ của đời người. Và xin được kể về những người có thể trẻ hoặc không nhưng bằng cách này hay cách khác, họ như chứng minh rằng con người “sống để yêu nhau”.
     Chạm cuộc sống bằng những điều bình dị nhất, bằng chất xúc tác dễ chịu nhất, sự yêu thương. Dẫu biết trong những tháng năm tuổi trẻ, ta có nhiều việc cần làm, có nhiều mục tiêu để hướng đến cho nên chẳng rảnh rỗi là bao để đặt để yêu thương cho ai đó mà ta chưa quen biết, thế nhưng khi mở lòng mình ra, ta cũng sẽ thấy khoảng trời trước mặt mình rộng mở. Ta trông xa hơn, nhìn rộng hơn để tim mình rung động trước những điều nên rung cảm. Yêu thương là quan tâm, sẻ chia, cảm thông, tha thứ, là lòng tốt được cất lên đúng lúc, đúng chỗ. Một ngày nào đó, gặp ai đó khó khăn, đừng đánh vào họ cái nhìn vô cảm, trìu mến một chút để ta và họ đều thấy ấm lòng. Rồi hãy tặng cho họ một lời động viên, giúp họ trong khả năng có thể, nở một nụ cười. Vật chất là điều mà người ta có thể tìm, xin từ ai đó nhưng tinh thần thì không phải lúc nào cũng có thể cảm nhận từ người khác và cũng chính tinh thần, ta cho đi cũng là nhận lại. Và không phải điều gì thật sự quý giá mới được người ta trân quý, đôi khi, chỉ cần đó là điều xuất phát từ tấm lòng thì cũng đáng được nâng niu.
                                                                              Hình ảnh có liên quan
      Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và để “gió cuốn đi”, chúng ta đều “cần có” bởi khi một ai đó khép lòng mình lại, nhốt yêu thương, giam cảm xúc, lẳng lặng bước qua yêu thương thì cũng là lúc một ngọn nến của tình người đã vụt tắt, mất thêm cơ hội được chia sẻ của ai đó. Hãy đánh thức yêu thương dậy thôi, hãy thử chia sẻ với một cậu bé cơ nhỡ trên đường phố, nghe câu chuyện của các em để thấy rằng mình may mắn quá. Chúng ta không thể giúp ai đó mãi mãi nhưng khi yêu thương họ, chí ít ta cũng đã làm cho lòng nhau ấm áp hơn, để họ vững tin hơn vào cuộc sống. Mark Twain cho rằng: “Lòng tốt là loại ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”, vượt qua tất cả giới hạn, lòng tốt chạm từ trái tim đến trái tim, đưa người gần nhau hơn. 
     Đa phần người trẻ chưa thật sự vất vả vì nhiều điều khi cuộc sống vẫn còn chưa trĩu nặng những lo toan của cuộc sống, tình yêu thương vẫn dồi dào, hãy san sẽ bởi mấy ai biết được mình còn có còn bao nhiêu lần có cơ hội sẻ chia khi một mai đây, khi bận rộn hơn, ta lại bị nhiều lí do níu kéo. Rốt cuộc thì ta vẫn chưa kịp yêu thương. Người ta thường mến nhau qua cái nhìn, yêu nhau bởi nụ cười và đến với nhau bởi sự rung động của trái tim. Sự tất bật, vội vả của ta và nhiều người xung quanh có thể đã làm cho đôi mắt chẳng đủ trìu mến để hiểu nhau, nụ cười cũng nhạt đi và như làm tim mình vơi ấm áp để tìm đến nhau rồi đi qua nhau vô cảm mặc cho người đang cần sự giúp đỡ. Cứ như thế, người ta dần nhỏ nhoi với nhau hơn, gắt gao hơn, khóa cổng vào tim, khóa luôn sự rộng lượng vốn có rồi đánh rơi chìa khóa theo những tháng ngày qua đi theo sự vô cảm của mình.
     Chẳng dễ chấp nhận những sai lầm, người ta bắt đầu vô tâm cho mình luôn đúng, chẳng chịu lắng nghe để có thể thứ tha. Tình cảm cũng dần cứng nhắc theo sự hờ hững của chính mình. Chính Mark Twain cũng nói: “Sự tha thứ là mùi hương mà vi-ô-lét để lại trên gót chân của người đã giẫm nát nó”, cây cỏ vẫn rộng lượng thì cớ gì lòng người hẹp lại. Khi ai đó đã biết họ sai thì hãy thôi giãy xéo họ, để tất cả cùng thanh thản từ tận lòng mình bởi yêu thương còn là sự thứ tha.
                                                                                        Hình ảnh có liên quan
     Chúng ta có những lẽ sống riêng và nhiều người trong những người có lẽ sống, họ biết đâu là sứ mệnh của mình, là kim chỉ nam mà dẫn họ đi tới, là giá trị mà rốt cuộc các hành động đều đang hỗ trợ cho điều đó. Chúng ta có thể có nhiều sứ mệnh thôi thì hãy cho mình một sứ mệnh để yêu thương, chia sẽ. Tôi xin kể cho bạn nghe vài câu chuyện mà tôi được biết vầ có thể bạn đã nghe mà các nhân vật chính trong đó, họ chọn cho mình những sứ mệnh lớn lao, xuất phát từ trái tim, từ sự sẻ chia thường trực.
     Trong một con hẻm nhỏ tại Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, có một người phụ nữ với quán cơm nhỏ, nơi vẫn thường xuyên phục vụ cho những người lao động nghèo với bữa cơm mà người mua là người quyết định giá. Khách hàng của cô thường là những người vật vã với cuộc mưu sinh nơi thành phố tất bật thì bữa cơm cô bán là sự tiếp sức lớn lao để họ tiếp tục bươn chãi với cuộc sống. Cô nói là đôi lúc, cô cũng muốn nghỉ một ngày nhưng cô lo ngày cô nghỉ thì không biết người ta sẽ ăn ở đâu. Thu nhập của cô cũng trông mong vào quán cơm ấy nhưng lời lãi với cô không quan trọng bằng việc nhìn thấy khách hàng của cô được những bữa cơm no. Khi trái tim người ta đủ rộng để nghĩ về người khác thì những điều ban sơ nhất cũng hóa thành niềm vui. Đó cũng chắc là lí do mà chú Nguyễn Văn Sang lại dành những ngày cuối tuần để nấu những bữa ăn cho các đứa trẻ hay những cụ già bất hạnh dẫu chú cũng chẳng khá giả gì khi thu nhập phụ thuộc vào chiếc xe bán trái cây.

Người ta yêu thương thì có thể chẳng cần lí do, họ yêu thương vì nghe tim mình đồng cảm với ai đó. Và ở đâu đó, có những người thầy đặc biệt với những học sinh đặc biệt mà giữa họ ngoài nghĩa thầy trò thì còn có tình người lấp lánh. Ở một vùng quê nghèo của tỉnh Bình Định, có một thầy giáo khuyết tật vẫn hằng ngày đứng lớp, dạy chữ cho các em học sinh nghèo, thầy là thầy giáo Lê Quốc Hưng. Bao nhiêu năm lên lớp vì thương, vì hiểu học trò mình vẫn còn nhiều khó khăn là bấy nhiêu năm thầy như tìm lại cuộc sống của mình sau biến cố trên cơ thể. Với thầy, lũ trẻ là con cháu trong nhà và ngày nào vẫn còn được đứng lớp là ngày ấy, cuộc đời vẫn còn đẹp siết bao. Hay trên một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi vẫn có những thầy cô hàng ngày vượt con dốc đá, lội sông, tìm đến tận nhà để vận động và đưa các em đi học. Có lẽ thầy cô không chọn sứ mệnh truyền đạt con chữ mà là mang con chữ đến cho các em. Đó là từ lòng yêu nghề, là lòng thương người, nghĩ về tương lai của các em khi không biết mặt chữ. Chúng ta có nhiều thầy cô tâm huyết như thế, yêu thương và tận tụy như thế. Rồi các em sẽ lớn lên, hình ảnh của thầy Hưng các thầy cô trên huyện vùng cao kia có thể sẽ là chuẩn mực cho một thế hệ sống yêu thương, quan tâm và chia sẻ tiếp theo.
                                                                                         Kết quả hình ảnh cho Cho đi 
     Có một câu chuyện mà trong suốt thời gian qua đã làm lay động trái tim của biết bao nhiêu người, đó là câu chuyện về thiên thần Hải An. Em đã để lại giác mạc của mình sau khi qua đời và bằng cách ấy, em đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về sự sẻ chia, về lòng yêu thương, nhân ái. Người ta có thể yêu thương bất cứ đâu, bất kể khi nào miễn là họ luôn mở rộng tấm lòng. Hải An để lại cho chúng ta câu chuyện về sự yêu thương và sẻ chia lớn lao để rồi trở thành động lực để biết bao nhiêu người vượt qua định kiến, tình nguyện hiến tạng của mình sau khi qua đời. Hẳn là không dừng lại ở đó, câu chuyện của tất cả họ sẽ còn được kể như là minh chứng cho lòng tốt luôn ở quanh ta.

     Diễn viên nổi tiếng Charlie Chaplin đã từng nói: “Chúng ta ai cũng muốn giúp người khác. Con người là thế. Chúng ta muốn sống bên hạnh phúc của nhau chứ không phải sự khổ sở của nhau”. Yêu thương là thường trực trong mỗi con người và lúc nào cần đánh thức là do mỗi người quyết định. Mở lòng mình ra để thu nhận tình thương và trao đi tình thương dẫu cho cuộc sống có bộn bề đến mức nào đi chăng nữa. Khi còn trẻ, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội để yêu thương và cho đi. Câu chuyện về chú Sang, thầy Hưng, bé Hải An và nhiều người bạn được nghe chỉ là một phần trong thế giới mà lắm người vẫn tha thiết với nhau bởi một chữ “tình”, vẫn còn muốn sẻ chia để người vơi bớt sầu đau và ta thêm phần ấm áp, để chúng minh rằng yêu thương là cho đi, nhận lại và mỉm cười hạnh phúc.


     Tác giả: Phạm Hồng Sơn @ Sinh viên, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
     Kết bạn và theo dõi Facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100018153271984&ref=bookmarks
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

165 lượt xem, 162 người xem - 164 điểm