Phương Duyên@Gia Vị
5 năm trước
[ToMo] Hiệu Ứng Mandela - Lỗ Hổng Ký Ức
Khi nhiều người tin rằng một sự kiện nào đó đã xảy ra trong khi nó chưa từng xảy ra trong thực tế
Hiệu ứng Mandela đề cập đến tình huống, trong đó một lượng lớn người tin rằng một sự kiện nào đó đã xảy ra trong khi nó chưa từng xảy ra trong thực tế. Dựa vào nguồn gốc của hiệu ứng Mandela, một số ví dụ nổi tiếng cũng như một số giải thích có khả năng phù hợp khi tập thể có cùng nhận thức kỳ lạ có thể làm sáng tỏ hiện tượng độc đáo này.
Nguồn gốc
Thuật ngữ "Hiệu ứng Mandela" được đặt ra vào năm 2009 khi Fiona Broome lập một trang web mô tả chi tiết về việc quan sát hiện tượng này. Broome đã có mặt tại một hội nghị chia sẻ với những người khác về ký ức cô nhớ về bi kịch cái chết của cựu Tổng thống Nelson Mandela trong một nhà tù Nam Phi vào những năm 1980. Trên thực tế, Nelson Mandela đã không qua đời trong những năm 1980 trong một nhà tù mà ông vẫn còn sống cho đến năm 2013.
Khi bắt đầu chia sẻ ký ức của mình với những người khác, Broome biết rằng không chỉ có mình cô mà những người khác cũng nhớ rằng họ đã xem tin tức về sự qua đời của cựu Tổng thống cũng như một bài phát biểu từ người vợ góa của ông.
Broome vô cùng sốc khi một số lượng lớn người có thể nhớ cùng một sự kiện giống hệt nhau đến từng chi tiết trong khi nó chưa bao giờ xảy ra. Được nhà xuất bản sách khuyến khích, cô bắt đầu lập trang web để thảo luận về Hiệu ứng Mandela và các sự cố khác tương tự.
Các ví dụ điển hình
Câu chuyện về Nelson Mandela không phải là ví dụ duy nhất về loại ký ức tập thể sai lệch này. Khi khái niệm về Hiệu ứng Mandela phát triển cùng với trang web của Broome, những ký ức tập thể sai lệch khác cũng bắt đầu xuất hiện.
- Vua Henry VIII ăn chân gà tây
Mọi người có ký ức về bức tranh vua Henry VIII ăn chân gà tây mặc dù chưa có bức tranh nào như vậy tồn tại. Tuy nhiên, đã có những phim hoạt hình tương tự được tạo ra.
- Luke, I Am Your Father (Luke, ta là cha của con)
Nếu bạn đã xem Star Wars: Episode V, The Empire Strikes Back (Đế chế đình công trở lại), bạn có thể nhớ Darth Vader đã thốt ra câu nói nổi tiếng, “Luke, I Am Your Father” ("Luke, ta là cha của con.")
Sau đó, bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng dòng thực sự là “No, I am your father.” ("Không, tôi là bố của bạn.") Hầu hết mọi người đều có ký ức là câu đầu tiên đúng.
- Mirror, Mirror on the Wall
Nếu bạn đã xem Bạch Tuyết và bảy chú lùn, có lẽ bạn sẽ nhớ câu "Mirror, mirror on the wall, who's the fairest of them all?". Bạn có thể bị sốc khi biết rằng câu đúng phải là "Magic mirror on the wall".
- Oscar Meyer
Có một số tranh cãi về cách đánh vần của thương hiệu hot dog nổi tiếng Oscar Mayer. Một số người nhớ rằng thương hiệu này được đánh vần là "Meyer" thay vì "Mayer" (viết đúng chính tả).
- Vị trí của New Zealand
New Zealand nằm ở đâu so với nước Úc? Nếu nhìn vào bản đồ bạn sẽ thấy New Zealand nằm ở phía Đông Nam. Tuy nhiên, nhiều người sẽ nhớ là Đông Bắc thay vì Đông Nam.
- Gấu Berenstein
Bộ sách thiếu nhi nổi tiếng “Berenstain Bears” cũng không tránh khỏi “Hiệu ứng Mandela”. Nhiều người nhớ là “Berenstein Bears” (đánh vần là "e" thay vì "a").
Điều này tương tự như Oscar Mayer và đưa ra gợi ý nhận thức nền tảng cho “Hiệu ứng Mandela” thay vì thực tế song song như một số người đã tin.
- Shazaam
Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về “Hiệu ứng Mandela” là ký ức tập thể của một bộ phim có tên Shazaam với sự tham gia của nam diễn viên hài Sinbad vào những năm 1990.
Trên thực tế không có bộ phim nào như vậy tồn tại mặc dù có một bộ phim dành cho trẻ em tên là Kazaam và một số sự trùng hợp khác có thể giúp giải thích cách bộ phim này được tạo ra (hoặc được nhớ) trong suy nghĩ của nhiều người.
Giải thích
Tại sao hiệu ứng này xảy ra?
Thực thể thay thế
Lý thuyết cơ sở cho “Hiệu ứng Mandela” bắt nguồn từ vật lý lượng tử và liên quan đến ý tưởng thay vì một dòng thời gian của các sự kiện, có thể các thực thể hoặc vũ trụ song song đang diễn ra và trộn lẫn với dòng thời gian của chúng ta. Về lý thuyết, điều này sẽ dẫn đến việc một tập thể có cùng ký ức vì dòng thời gian đã bị thay đổi khi chúng ta thay đổi giữa những thực thể khác nhau này.
Không chỉ có bạn thấy điều này có vẻ phi thực tế đâu. Tuy nhiên, quan niệm về các thực thể thay thế không thể xác định được nhưng cũng không thể bác bỏ rằng các vũ trụ khác không tồn tại.
Đây là lý do tại sao một lý thuyết xa vời như vậy tiếp tục thu hút cộng đồng hiệu ứng Mandela. Tuy không thể chứng minh điều này không có thật nhưng cũng không thể loại bỏ khả năng đó. Đối với nhiều người, vài điều bí ẩn trong cuộc sống hàng ngày cũng có khả năng xảy ra.
Ký ức sai lệch
Một lời giải thích có khả năng hơn cho hiệu ứng Mandela liên quan đến những ký ức sai lệch. Trước khi xem xét ý nghĩa của những ký ức sai lệch, hãy xét một ví dụ về hiệu ứng Mandela vì nó sẽ giúp chúng ta hiểu thế nào là ký ức sai lệch (có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chúng ta đang mô tả).
Alexander Hamilton là ai? Hầu hết người Mỹ đã học ở trường ông là một trong những “người cha lập quốc” nhưng ông không phải là tổng thống. Tuy nhiên, khi được hỏi về các tổng thống của Hoa Kỳ, nhiều người đã lầm tưởng rằng Hamilton là một tổng thống. Tại sao lại như vậy?
Nếu xét trên khía cạnh của một lời giải thích khoa học thần kinh đơn giản thì ký ức về Alexander Hamilton được mã hóa vùng não nơi lưu giữ những ký ức các tổng thống của Hoa Kỳ. Các phương tiện lưu trữ ký ức (các dấu vết của ký ức) được gọi là engram và framework trong đó các ký ức tương tự được liên kết với nhau được gọi là giản đồ.
Vì vậy, khi mọi người cố gắng nhớ các thông tin về Hamilton, các tế bào thần kinh liên kết chặt chẽ với nhau mang theo ký ức của các tổng thống. (Tuy đây là lời giải thích đơn giản nhưng nó minh họa cho cả một quá trình chung.)
Khi ký ức được gợi lại thay vì được ghi nhớ một cách hoàn hảo, chúng có thể bị ảnh hưởng và trở nên không chính xác. Chính vì vậy, bộ nhớ đôi khi không đáng tin cậy và có thể mắc sai sót.
Điều này đưa đến khả năng xảy ra các vấn đề liên quan đến ký ức mà không phải các vũ trụ thay thế sẽ là lời giải thích cho hiệu ứng Mandela. Trong thực tế, có một số nguyên nhân khác liên quan đến ký ức có thể liên quan hiện tượng này.
Các khái niệm liên quan đến ký ức
Hãy khám phá 3 khả năng dưới đây:
Thông tin sau sự kiện: Thông tin mà bạn tìm hiểu sau một sự kiện nào đó có thể thay đổi trí nhớ của bạn về sự kiện đó. Điều này bao gồm các thông tin ảo của sự kiện và giúp giải thích tại sao lời khai của nhân chứng có thể không đáng tin cậy.
Hiệu ứng mồi: Đề cập đến các yếu tố xảy ra trước một sự kiện sẽ ảnh hưởng đến việc bạn nhớ lại sự kiện đó. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các đề xuất của nhà nghiên cứu có thể ảnh hưởng đến việc nhớ lại của người tham gia. Hiệu ứng mồi cũng được xem là gợi ý hay tiền giả định. Chẳng hạn, nếu bạn hỏi “Một người thấp bao nhiêu?” thì điều này sẽ ảnh hưởng đến câu trả lời của người khác so với việc bạn hỏi “Một người cao bao nhiêu?” Nếu bạn hỏi "Bạn có thấy chiếc xe màu đen không?" thay vì "Bạn có thấy một chiếc xe màu đen không?" bạn đang đưa ra một gợi ý ảnh hưởng đến cách trả lời của mọi người. Chính vì vậy, thông tin sai lệch có thể ảnh hưởng đến những ký ức hiện có của bạn.
Confabulation (sự nhầm lẫn giữa trí tưởng tượng với ký ức từ bộ nhớ): Liên quan đến việc bộ não của bạn lấp đầy những khoảng trống bị thiếu trong ký ức và làm chúng trở nên có ý nghĩa. Đây không phải là nói dối, mà là nhớ những chi tiết chưa từng xảy ra. Nhầm lẫn sẽ có xu hướng tăng theo độ tuổi.
Về bản chất, ký ức là những mẫu thông tin dễ bị tổn thương được lưu trữ trong não có thể thay đổi theo thời gian. Trong khi chúng ta cho rằng ký ức của mình chính xác nhưng thật ra không phải như vậy.
Internet
Không nên đánh giá thấp vai trò của internet trong việc ảnh hưởng đến ký ức tập thể. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà việc tranh luận về hiệu ứng Mandela đã sôi nổi hơn trong thời đại kỹ thuật số này.
Internet là phương tiện truyền thông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và với sự lan truyền thông tin này có khả năng gây ra những quan niệm sai lầm và những sai lệch này sẽ kéo theo và trầm trọng hơn. Mọi người bắt đầu tạo ra cộng đồng dựa trên những sai lệch này và những điều chỉ có trong trí tưởng tượng bắt đầu trở nên nghe có vẻ thực tế hơn.
Trên thực tế, trong một nghiên cứu lớn gần đây được công bố trên Science về hơn 100.000 câu chuyện được thảo luận trên Twitter đã được tranh cãi trong khoảng 10 năm, người ta đã chứng minh rằng những những trò lừa và tin đồn đã đánh bại sự thật khoảng 70%.
Tốc độ lan truyền thông tin sai lệch trên internet có thể giúp giải thích cho hiệu ứng Mandela.
Ví dụ
Bây giờ chúng ta xét thêm một số thông tin nền tảng của hiệu ứng Mandela, hãy quay lại và xem xét một trong những ví dụ phía trên và xem liệu chúng ta có thể hiểu nó diễn ra như thế nào không nhé!
Chẳng hạn, Sinbad đã đóng vai chính trong các bộ phim khác vào những năm 1990 và xuất hiện trong một poster cho bộ phim House guest (trông giống như một vị thần, có thể giải thích sự liên kết với bộ phim Shazam). Sinbad cũng ăn mặc như một vị thần cho một sự kiện mà anh tổ chức vào những năm 1990.
Khi một người đề cập đến bộ phim Shazaam (có thể trên internet), nó đã thay đổi ký ức của những người khác khi cố nhớ lại những bộ phim mà Sinbad tham gia từ những năm 1990. Cộng đồng trực tuyến lan truyền thông tin này cho đến khi nó trở nên có vẻ thực tế hơn.
Giải thích này được hỗ trợ bởi bằng chứng cho thấy việc ghi nhớ một cái gì đó liên tục sẽ giúp bạn tự tin vào ký ức ngay cả khi nó trở nên không chính xác theo thời gian. Khi ngày càng có nhiều người đưa ra các thông tin không chính xác và những điều này kết hợp với ký ức từ đó xem chúng là sự thật và củng cố niềm tin rằng họ đã đúng.
Hiệu ứng Mandela tiếp tục được tranh luận sôi nổi, mặc dù có bằng chứng giải thích nguyên nhân của hiện tượng này liên quan đến khả năng ghi nhớ của con người hơn so với dạng vũ trụ song song.
Tất nhiên là chúng ta không thể biết tất cả mọi thứ. Khi có nhiều sự cố về hiệu ứng Mandela tiếp tục xảy ra thì có lẽ các nghiên cứu về nguồn gốc sẽ làm sáng tỏ được nguyên nhân.
Dịch giả: Phương Duyên - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phương Duyên - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
302 lượt xem