Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[A Crazy Mind] Làm Thế Nào Để Giúp Đỡ Một Người Bạn Bị Trầm Cảm?

Không phải lúc nào ta cũng tìm được đúng cách để an ủi ai đó. Ban đầu, cậu có thể cảm thấy hơi ngại ngùng và không dám chắc, trước hết hãy nhớ rằng cậu không cần phải tỏ vẻ quá sâu sắc và hoa mỹ. Mọi chuyện đơn giản hơn thế nhiều, chỉ cần cậu thật sự cảm thông và bao dung với họ. Đừng quá lo sợ rằng mình sẽ nói điều gì đó không đúng và rồi chọn cách lặng im. Nhiều người mắc phải chứng trầm cảm lâm sàng, họ cảm thấy cô đơn, và chuyện đấy chỉ làm họ cảm thấy tệ hơn mà thôi. Vậy nên nếu cậu không biết phải nói gì, hãy cứ chân thành bày tỏ rằng: mình sẵn sàng có mặt ở đây, với bạn.

Khi cậu còn muốn cho đi nhiều hơn thế nữa, nhưng lại không biết cách nào để bày tỏ mình, hãy thử dùng mười câu nói này, để người bạn bị trầm cảm có thể cảm thấy phần nào ổn hơn.



“Mình quan tâm đến cậu”


Chỉ mấy từ đơn giản này, lại có ý nghĩa lớn lao vô cùng đối với một người, khi họ đang có cảm giác như phải một mình chống chọi với cả thế giới. Một cái ôm, một cái vỗ về nhẹ nhàng có thể khiến người khác nhận ra, rằng cậu quan tâm. Điều quan trọng ở đây, là phải thể hiện cho người đó thấy, rằng cậu ấy rất quan trọng với cậu.


“Mình sẽ luôn ở đây”


Trầm cảm khiến người ta cảm thấy mình thật đơn độc giữa thế giới, rằng không ai hiểu nổi mình, và cũng chẳng ai thèm hiểu, họ tự cô lập bản thân và bị trầm cảm “chiếm giữ”. Khi cậu ngỏ ý muốn tiếp cận, hãy để bạn ấy biết rằng cậu sẽ luôn ở đấy, từng chút một lại gần hơn và bạn ấy có thể yên tâm về điều đó.

Có lẽ nói như vậy là chưa đủ để cậu mường tượng ra, nhưng hãy nhớ nhắc cho bạn ấy nhớ rằng, cậu sẽ ở đấy, làm bờ vai cho bạn ấy dựa vào.

“Mình có thể giúp gì được không?”


Trầm cảm tựa như một hòn đá đè nặng trên vai của người ta, cả về mặt thể xác và tinh thần. Vậy nên, cậu có thể làm nhiều điều giúp bạn ấy đặt những gánh nặng đấy xuống, dễ dàng hơn.

Bạn ấy có thể sẽ chỉ miễn cưỡng chấp nhận thôi, bởi vì bạn ấy cũng rất sợ trở thành gánh nặng cho cậu, vậy nên hãy nói rõ cho bạn ấy biết rằng cậu không cảm thấy phiền và thực sự muốn giúp đỡ, bởi vì “nếu ngược lại là tớ, tớ biết cậu cũng sẽ ở đây với tớ mà.”

Nhiều lúc trầm cảm khiến người ta mệt mỏi và gục ngã, đến độ chính họ còn không biết mình cần được đỡ dậy như thế nào. Vậy nên hãy lưu lại những lời gợi ý dưới đây nhé:

·        Mình giúp cậu làm mấy việc vặt được không?

·        Cậu có muốn mình với cậu làm việc này cùng nhau không?

·        Mình sẽ đi cùng cậu đến gặp bác sĩ nhé?

Sẽ tốt hơn nhiều nếu cậu đặt ra rõ thời gian và những việc mình làm cho bạn ấy. Ví dụ thế này, thay vì hỏi “Mình có thể giúp gì cho cậu không?”, hãy hỏi “Mình có thể tạt qua chỗ cậu vào sáng thứ bảy, mình sẽ dọn vườn cho cậu nhé?”

Hãy nhớ rằng đôi khi những sự giúp đỡ mà cậu cho là không cần thiết, đối với bạn ấy lại có thể là vô cùng tuyệt vời. Hãy cứ đề nghị, rồi lắng nghe bạn ấy.

“Cậu có tâm sự với bác sĩ về những gì cậu cảm thấy không?”


Việc điều trị trầm cảm là phương thức quan trọng giúp bạn ấy phục hồi. Nhưng nhiều người hay cảm thấy mặc cảm và bi quan về tính hiệu quả của phương pháp trị liệu.

Nếu bạn ấy chưa đến gặp bác sĩ, hãy khuyến khích bạn ấy tìm hiểu và trấn an rằng chuyện đến phòng khám để trị liệu không có gì là sai cả. Trầm cảm thực sự là một căn bệnh có thể chữa trị.

Còn nếu bạn ấy đang điều trị với bác sĩ, hãy thử đề nghị đi cùng, lấy đơn thuốc và nhớ đến đúng hẹn.

“Cậu có muốn nói với mình về chuyện đó không?”


Đôi lúc điều quan trọng nhất cậu có thể làm cho người bạn đang trầm cảm ấy, đơn giản chỉ là cảm thông khi bạn ấy tâm sự về những vướng mắc trong lòng, để bạn ấy được giải thoát khỏi những áp lực và cảm xúc bị dồn nén bấy lâu. Điều này sẽ khiến bạn ấy thấy những nỗi đau trong tâm hồn không còn quá nặng nề nữa, khi bạn ấy trải lòng cùng với bác sĩ, hoặc chuyên viên tâm lý ở những buổi trị liệu theo chỉ định.

Hãy cố lắng nghe và đừng ngắt lời bạn ấy. Chúng ta đều muốn giúp đỡ, sửa chữa những điều tồi tệ và thường đưa ra những lời khuyên ngay tại thời điểm ấy, để đỡ cảm thấy bản thân thật không giúp ích gì cho bạn. Nhưng đôi lúc người bạn đang ủ dột ấy chỉ cần được trải lòng mà không cần đến một lời khuyên hữu ích nào cả.


“Cậu khiến cuộc sống của mình trở nên khác biệt”

Những người bị trầm cảm thường có chung cảm giác, rằng cuộc sống của họ thật vô nghĩa, và thậm chí nếu họ biến mất thì cũng không ai bận tâm cả. Nếu có thể, hãy chân thành nói với bạn ấy về việc bạn ấy có ý nghĩa nhiều thế nào với cậu, điều này sẽ giúp bạn ấy nhận ra giá trị đích thực của bản thân.

Nếu cậu thực sự hiểu, hãy nói “Mình hiểu mà”


Trước khi nói mình hiểu, hãy thực sự chắc chắn là như thế nhé. Cậu có bao giờ rơi vào trường hợp trầm cảm lâm sàng? Nếu có, bạn ấy sẽ biết rằng cậu cũng từng có những cảm xúc tương tự những gì bạn ấy đang trải qua, và sẽ cảm thấy được cảm thông hơn. Hãy nhớ rằng có rất nhiều kiểu trầm cảm khác nhau, và dù rằng cậu đã từng mắc trầm cảm lâm sàng, không có nghĩa là những gì bạn ấy đang trải qua đều giống hệt cậu khi trước nhé.

Nhưng nếu những gì cậu trải qua chỉ là vài cảm xúc ủ dột, đối phương có thể có cảm giác rằng, mỗi khi so sánh chuyện của bạn ấy với những nỗi buồn khác của cậu, cậu đang ám chỉ rằng bạn ấy chỉ đang quan trọng hóa vấn đề lên mà thôi. Trong trường hợp này, tốt nhất là nên thừa nhận rằng cậu không hiểu hết được, nhưng cậu rất quan tâm và muốn hiểu bạn ấy.


Thường thì cách tốt nhất để thể hiện điều này đấy là: “Mình xin lỗi mình không thể hiểu hết, nhưng mình rất muốn hiểu cậu.”



“Không sao đâu”


Có lẽ vấn đề của bạn ấy đối với cậu chỉ bé cỏn con, đừng phán xét mà hãy đưa ra những giải pháp đơn giản. Sự mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể liên quan tới trầm cảm là nguyên nhân khiến bạn ấy cảm thấy tồi tệ trong nhiều tình huống nhất định, chứ không hẳn là do độ tồi tệ thực sự của tình huống đó. Thay vào đó, hãy cho bạn ấy biết rằng cậu cũng buồn khi bạn ấy cảm thấy buồn bã và hãy chấp nhận sự thật rằng đây là cách mà trầm cảm ảnh hưởng đến bạn ấy.

Nếu bạn ấy chỉ mới bắt đầu dùng thuốc và tham gia tư vấn tâm lý, thì cần chờ một khoảng thời gian để cảm nhận hiệu quả của nó. Giống như một liều kháng sinh cho căn bệnh viêm họng cần thời gian để hoạt động, thuốc chữa trầm cảm cũng như thế, nó cũng cần thời gian để thay đổi các chất trong não (thường là tám tuần hoặc có thể lâu hơn). Trong khoảng thời gian này, điều bạn ấy cần nhất không phải tìm hiểu những phương pháp trị liệu dễ dàng và nhanh chóng hơn, mà là nhận thức được rằng cậu ở bên cạnh bạn ấy trong suốt quá trình này.


“Cậu không yếu đuối, cũng không khiếm khuyết gì cả”


Những người đương chống chọi với căn bệnh trầm cảm thường có xu hướng cảm thấy yếu đuối, rằng mình có vấn đề. Trầm cảm có thể nghe đơn giản chỉ là một căn bệnh đối với ta, nhưng với những người sống chung với trầm cảm, nó như là một lỗ hổng trong tính cách.

Trấn an bạn ấy rằng trầm cảm chỉ là một loại bệnh gây ra do mất cân bằng sinh hóa trong não, và điều này không có nghĩa rằng bạn ấy yếu ớt. Ngược lại thì, cần một dũng khí rất lớn để có thể chống chọi với nó, vậy nên đúng ra bạn ấy là một người mạnh mẽ hơn rất nhiều người khác.

“Sẽ luôn có cách mà.”

Khi trấn an bạn ấy, cậu có thể nói rằng tất cả đều có cách của nó, bởi vì trầm cảm, cũng như nhiều căn bệnh khác, đều có thể chữa được. Qua việc sử dụng thuốc và trị liệu, bạn ấy sẽ cảm thấy cơ hội được trở về với cuộc sống bình thường là nằm trong tầm tay thôi.

Khi ý tốt của cậu đi sai hướng.

Có những lúc khi cậu nói ra những lời đúng đắn, nhưng lại vô tình làm tổn thương bạn ấy. Mỗi người đều là những cá thể độc nhất vô nhị về cảm xúc và suy nghĩ, và cảm giác phẫn nộ và buồn bã là bản chất của trầm cảm. Đôi lúc con người đẩy những người đang cố gắng giúp đỡ họ ra xa, là bởi vì họ đang tổn thương và không biết cách kiềm chế những cảm xúc tồi tệ ấy. Bất cứ ai ở gần cũng có thể trở thành “cái thớt”.

Nếu chuyện đó xảy ra, hãy đặt mình vào vị trí của bạn ấy. Hãy bình tĩnh lại và tiếp tục làm điều cậu có thể làm để thể hiện tình yêu thương và ủng hộ đối với bạn ấy, theo những cách mà bạn ấy chấp nhận.


Điều cuối cùng tôi muốn nói, đấy là khả năng tự sát là rất cao, ở những người sống chung với trầm cảm. Dù cậu có nói gì hay làm gì, bạn ấy vẫn sẽ có lúc cảm thấy muốn tự sát. Hãy cẩn thận khi nhận thấy các dấu hiệu muốn tự sát và biết khi nào nên tìm cách giúp đỡ bạn ấy nhé.


[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]


Dịch: Anne

Biên tập: Ngọc

Minh họa: Gia Khánh

Nguồn: https://www.verywellmind.com



(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind - Ybox.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,807 lượt xem