Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[The Reader Next Door] 3 Quyển Sách Nên Đọc Trong Những Ngày Bất Lực Nhất Của Tuổi Trẻ

3 quyển sách nên đọc trong những ngày bất lực nhất của tuổi trẻ

Nguyễn Vũ Thiên Anh

Muốn lò xo bay cao hãy ép nó đến tận đáy. Muốn nhìn màu xanh của biển cả hãy tự tháo mình khỏi bến cảng “an toàn”. Giới hạn giống như một rào cản mà chỉ khi thật sự vượt qua nó ta mới trọn vẹn sống một cuộc đời. Nhưng hình như tuổi trẻ nào cũng e sợ nó cả, e sợ cái cảm giác bất lực chèn ép đến nghẹt thở mỗi khi mon men lại gần đường ranh giới phân đôi giữa khát khao và hiện thực. Tuổi trẻ nào rồi cũng sẽ trải qua cảm giác này. Nhưng sớm thôi, ở tầng đáy của sự đau đớn, khi mong muốn được sống lớn hơn sự sợ hãi, họ sẽ có một cuộc đời.

Có rất nhiều “tuổi trẻ” như vậy tồn tại trong những trang sách. Tuổi trẻ dám yêu, dám sống, dám thể hiện trọn vẹn những cảm xúc giữa biến thiên cuộc đời, những “tuổi trẻ” thật sự sống bất chấp luật lệ và sự chèn ép giữa một xã hội đầy giông tố. Đi cùng những nhân vật ấy, chứng kiến cách mà họ khóc, họ cười, cách mà họ đấu tranh cũng là một cách để ta nhìn và chiêm nghiệm những chân lý của cuộc đời. Dưới đây là danh sách tổng hợp 3 quyển sách mà trong những ngày bất lực nhất của tuổi trẻ, hãy tìm đến để xem cuộc sống thực sự trong như thế nào. Đọc để hiểu, đọc để đi và đọc để tự mình bước qua những đêm dài.

1)    Kẻ trộm sách – Markus Zusaki

Một quyển sách chứa đựng nhiều hơn cả… một quyển sách. Rất khó để có thể miêu tả trọn vẹn nội dung của “Kẻ trộm sách” khi mà nó chứa đựng toàn bộ câu chuyện lịch sử thời chiến xoay quanh hai nhân vật cô bé Liesel và chàng bạn thân Ruby. Tác phẩm này nổi tiếng đến mức nó đã được chuyển thể thành phiên bản điện ảnh như là một trong những hồi ức đẹp nhất của thế chiến thứ hai trên Đức Quốc Xã.

Nhưng một lời khuyên là nếu muốn tận hưởng trọn vẹn cảm giác mà “Kẻ trộm sách” mang lại hãy tìm đến bản giấy, tìm con chữ trên trang sách trước rồi mới tới thước phim trên màn ảnh rộng. Vì trên trang sách có thứ mà màn ảnh không có: Một thần chết đồng hành từ đầu đến cuối tác phẩm cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Câu chuyện được kể bằng lời của thần chết trên con phố mang tên Thiên Đường, là những thông điệp hòa lẫn giữa niềm vui, hạnh phúc tột độ và những cái chết thời chiến mà đến cả “người canh giữ cái chết” cũng phải rùng mình. Trang sách ở đây đóng vai trò như một hàm ý mà tùy vào góc nhìn thưởng thức hoặc phân tích mà câu trả lời về vai trò của những cuốn sách sẽ là những đáp án hoàn toàn khác nhau. Nhưng chung quy sách vẫn giữ vai trò quan trọng như một tia hy vọng, một người bạn đồng hành cứu sống cô bé Liesel khỏi những tội ác khủng khiếp mà phát xít Đức mang lại.

Xuyên suốt cuộc hành trình là những mâu thuẫn đan xen rất khó tả, khi niềm vui dâng cao lại dấy lên những cảm giác chẳng lành, khi đau khổ tột độ lại thấy đâu đó bóng dáng của tình yêu. Đọc quyển sách cứ như là đọc tất cả cảm xúc mà một con người có thể trải qua vậy. Nó đẹp, cay nghiến, rợn người và cho ta cảm giác gì đó tựa như một người giật mình tỉnh dậy sau cơn ác mộng lúc nửa đêm. Bàng hoàng, hoảng loạn nhưng khát khao được tồn tại, được trải nghiệm cảm giác hơi ấm vẫn tràn qua cơ thể, được thấy những người thân yêu nhất bên cạnh mình. Là quyển sách được kể bởi thần chết nhưng lại dành cho những kẻ đang sống và khát khao giữ mãi cảm giác này.

2)    Kafka bên bờ biển

Là một quyển sách khó nuốt, hay phải nói trắng ra là hoàn toàn có nguy cơ không hề hiểu một chữ nào trong quyển sách ngay từ lần đầu tiên đọc. Bởi nó được viết ra bởi Haruki Murakami bậc thầy trong việc khiến người khác mãi day dứt, trăn trở trong việc sử dụng những từ ngữ tưởng chừng như không mang một ý nghĩa gì. Truyện của Murakami là vậy, không hiểu ở thời điểm này nhưng rồi sẽ hiểu ở một thời điểm khác. Nhất là với những người trẻ, khi mà họ trưởng thành hơn, đủ can đảm để đối diện với sự thật ẩn sâu bên trong bản thân mình.

Đọc “Kafka bên bờ biển” đôi lúc sẽ có cảm giác nhờn nhợn nơi gáy cổ, ớn lạnh trước cái cách mà một con người (hoặc chính chúng ta) có thể đột ngột thay đổi và để cho những mặt tối lần lượt nhấn chìm bản thân mình. Hành trình đi tìm bản ngã của những người trẻ được tác giả ghi lại như một thứ gì đó lập dị và khó hiểu hoặc thậm chí phải gọi là méo mó đến biến dị. Đó cũng là cách mà Murakami cố tình vặn xoắn để làm tổn thương hoặc chữa lành những chỗ mà ông cho rằng cần thiết trong tâm hồn của độc giả.

Bước vào quyển sách với tâm thế như nào, “Kafka bên bờ biển” sẽ làm lộ nguyên cái tâm thế ấy. Trần trụi, mỏng tang, không chút che dậy. Cho tường những thứ chưa tường, cho hiện diện những thức chưa hiện diện hoặc cố tình bị đổi thay vì một lí do nào đó. Để sau cùng phục vụ cho một mục tiêu duy nhất, mỗi người rồi lại sẽ trở về với cái vốn có của mỗi người. Không phải là ai hay một cái gì khác mà cuộc đời muốn mình trở thành.

“Kafka bên bờ biển” là đọc không dễ nhưng lại là một quyển sách mà bất kì người trẻ cũng cần phải cầm qua. Để hiểu thứ mình đang theo đuổi và thứ mình mơ ước có thật sự giống nhau. Và để chắc chắn rằng chính mình, chứ không phải ai khác vẫn sống, vẫn đứng vững thay vì đổi thay theo những vẫn đục “rất đời”.

3)    6 người đi khắp thế gian

Đây có lẽ là quyển sách nổi tiếng nhất trong 3 quyển sách nên đọc trong những ngày bất lực nhất của tuổi trẻ, và có lẽ cũng là quyển nặng nề nhất, ít nhất là trong cảm nhận của cá nhân. 6 con người, 6 câu chuyện, 6 cuộc hành trình tụ lại 1 điểm chung là chu du khắp thế giới để chạy khỏi thứ đang ám ảnh kéo họ lại phía sau. Cũng giống như cách mà một đứa trẻ mơ ước về cuộc hành trình đi khắp thế giới, nhưng khi ước mơ chạm mặt đất việc đầu tiên đứa trẻ ấy mong ước là có thể an toàn trở về, không phải tiếp tục cuộc hành trình khai phá. Nhưng cuộc hành trình của những nhân vật trong quyển sách lại hoàn toàn khác, họ chỉ có duy nhất một con đường phía trước, cũng như duy nhất một lối về. Đó là lang bạt khắp thế gian.

Có thể ví von “6 người đi khắp thế gian” như một quyển từ điển về những vấn đề đang xảy ra khắp nơi trên Trái Đất này, từ tôn giáo, chính trị, chiến tranh, tình dục, những nền văn hóa đến cả những thứ không thể định nghĩa bằng lời. Thứ nào cũng như thứ nào, cũng có cách dằn xé người ta theo cách riêng của nó. Im lặng, rỉ máu và không để lại một dấu vết gì. Vì những vết thương ấy xuất phát và lớn lên từ bên trong, và cũng bởi không bao giờ có thể nhìn thấy nên cũng không có một cách nào chữa lành. Những câu chuyện mà các nhân vật mang theo đều có nỗi đau riêng của nó. Nỗi đau mà có lẽ ngoài những người trong cuộc ra, cảm nhận từ phía ngoài có lẽ cũng chỉ là cảm nhận thừa thải.

Cái đáng đọc ở đây là cách mà họ phản kháng, cách mà họ tự tìm lối thoát để giải phóng cho những nỗi uất ức đang dày vò mình. Có thể nó không hoàn hảo, có thể tất cả những gì họ làm từ đầu tới cuối chỉ là vật lộn và chạy trốn. Như cái cách mà loài người chạy trốn khỏi cơn mưa, để cho mình khỏi ướt, để có thể tự nói mình vẫn còn rất yêu mình. Những suy nghĩ ngông nghênh và bất cần rồi sẽ thay đổi khi kề cập giữa ranh giới sự sống và cái chết. “Phải chết đôi ba lần thì mới sống tốt được”, càng bị chèn ép và tuyệt vọng sự sống và khát khao lại càng hiện lên rực rỡ hơ bất cứ thứ gì. “Kịch tính chỉ là một màn chào hỏi và cuộc sống thực sự chỉ mới bắt đầu ở phía sau”

Trên đây là 3 quyển sách, tập hợp của 3 chuỗi nhân vật, 3 sự kiện khác nhau nhưng đều có một điểm chung là họ đã sống trọn vẹn một cuộc đời. Trong một cuộc hành trình nhiều ngã rẽ, dễ có những lúc ta vô phương và mông lung trong những câu hỏi về cuộc đời. Những lúc mà cả thế giới như đang trở mặt, thay nhau dằn xé ta từng người, từng người. Những thứ khiến ta sẵn sàng đặt dấu chấm hết cho những toan tính dang dở, hay thậm chí là cả cuộc đời.

Theo chân những quyển sách, theo chân những người trẻ ngông cuồng. Đọc để thấy cách họ đi, cách họ sống và hòa quyện cùng nỗi đau như một vẻ đẹp vốn có thay vì trốn chạy. Để ta biết kì thực đau đớn cũng là một dạng kí ức đẹp, rất rất đẹp. Đọc kĩ từng chương sách, lật giở kĩ lưỡng từng mẫu giấy mỏng tan. Vì điểm cuối của một trang sách, điểm cuối của những câu chuyện “rất đời” ấy lại là một câu chuyện khác đáng được trân trọng hơn. Câu chuyện của chính chúng ta.

Tác giả: [Nguyễn Vũ Thiên Anh]

Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Like của bài viết trên website và chia sẻ đến cộng đồng nhé!

--------

Tham gia cuộc thi The Reader Next Door để chia sẻ những cuốn sách hữu ích cho cộng đồng tại: https://bit.ly/31a65xY 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,102 lượt xem