Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] "AQ Chính Truyện": Phép Thắng Lợi Tinh Thần

Một nhân vật kinh điển của thế kỷ 20. Một thuật ngữ kinh điển, một căn bệnh quốc dân đương thời...Các bạn đã nghe đến bao giờ chưa? “Phép thắng lợi tinh thần” ?

1.Đặt mình vào bối cảnh.

Lỗ Tấn là một chiến sĩ cách mạng của nhân dân Trung Quốc thế kỷ 20, dùng ngòi bút để chiến đấu, chiến đấu một cách quả cảm, bền bỉ, đầy quyết tâm và nhiệt huyết. Với ông, văn nghệ là vũ khí biến đổi tinh thần đồng bào, để giác ngộ Quốc dân. Yêu nhưng không hề mù quáng vì nó, đó là cái lòng yêu nước của Lỗ Tấn, yêu từ người nông dân bần hàn, anh phu xe nghèo khó, đến những thanh niên trí thức nhiệt huyết sục sôi kế cận…

Trung Quốc thời bấy giờ, xã hội rối ren, lãnh thổ bị đế quốc chia năm sẻ bẩy. Ở địa phương “cai quản” vẫn là tầng lớp phong kiến cũ, nhưng rốt cuộc chỉ là bù nhìn, là tay sai cho bọn tư bản độc ác, đàn áp nhân dân lao động vốn đã khổ cực vì làm ăn đói kém, mất mùa liên miên, nay lại phải chịu áp bức bóc lột đủ kiểu cách bởi tầng lớp thống trị. Nhiều cuộc cách mạng đã nổi lên, nhưng có vẻ như đều không đi đến đâu.

Lỗ Tấn cũng từng hy vọng nhiều vào cách mạng của giai cấp tư sản lãnh đạo, tiêu biểu là cách mạng Tân Hợi, đã lật đổ được chế độ phong kiến thối nát nhà Mãn Thanh, xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế lâu đời ở Trung Quốc, mở đường cho chủ nghĩa tư bản phát triển. Sau rồi cũng chưa thế giải quyết được một số vấn đề căn bản can hệ máu thịt đến đời sống của người lao động như cải cách ruộng đất, hay chống chính quyền đế quốc, hay lập một chính quyền mới, hay thủ tiêu hoàn toàn chế độ phong kiến… Hơn nữa, việc tuyên truyền, lan tỏa đạo đức cách mạng đến từng con người, từng cá thể của xã hội còn nhiều thiếu sót, khiến cho một bộ phận nhân dân hiểu nhầm về ý nghĩa của cách mạng, gây nên những thất bại tai hại.

Những hiểu biết sơ sài về lịch sử như trên cũng đủ để chúng ta có thể nắm bắt được cái hồn của tác phẩm. Sáng tác “AQ Chính truyện”, nhà văn hào của nhân dân Trung Hoa đã đặt ra vấn đề cách mạng nông thôn, bắt người ta nghĩ phải làm cách mạng như thế nào để thực sự đem ấm no, sự tự do mưu cầu hạnh phúc đến cho người lao động, những người bần cố nông, kể như vất vả nhất thời bấy giờ. Mà chú AQ như là một hình tượng để gửi gắm…

2. Tìm hiểu về cái tên “AQ chính truyện”.

Trước hết, vì Lỗ Tấn là một nhà văn tiên phong, mà “trước Lỗ Tấn chưa từng có Lỗ Tấn, sau Lỗ Tấn có vô vàn Lỗ Tấn” (Quách Mạt Nhược), ông “trăn trở” không biết nên gọi truyện ngắn này là tự truyện( tự chép lấy chuyện của mình) hay liệt truyện( truyện danh nhân đời xưa) hay gia truyện( truyện riêng của một nhân vật nào, phần nhiều do bà con, bạn bè chép, thế nhưng Lỗ Tấn cho rằng “không rõ tôi với AQ có phải là bà con hay không, mà con cháu y cũng chưa nhờ tôi viết hộ bao giờ!”)...

Cực chẳng đã, đành phải mượn hai chữ “chính truyện” trong câu đưa đẩy mà mấy nhà viết tiểu thuyết “không chính quy” vẫn dùng: “Nhàn thoại hưu đề, ngôn quy chính truyện”( Hãy gác những chuyện rườm rà để kể lại chuyện chính)

Phần lớn vì xuất thân, mà cũng không rõ xuất thân trước đây của AQ, đúng hơn là chữ “thân”- chỉ căn cứ vào việc AQ vốn là người bán sức lấy tiền nuôi thân đúng nghĩa, người cần chú làm thuê thì gọi nên về sau nếu không cần thì người ta cũng chẳng cần biết chú là ai…Chú AQ cứ đi ngủ trọ đâu đâu ấy, cho nên quê hương của chú có phải là “làng Mùi” hay không vẫn còn là một vấn đề để ngỏ. Có lần con nhà Cụ Cố họ Triệu thi đỗ tú tài, AQ nhận mình có vai vế trong nhà họ Triệu thì bị Cụ Triệu mắng cho “là một thằng khốn nạn” rồi bị cụ vả cho mấy phát vào mặt… Từ đấy, chẳng ai dám nhắc tới AQ họ gì nữa… Đủ biết người nghèo hèn khi đó, còn mỗi cái họ cũng bị cướp mất...

“A” là tiếng Trung Quốc dùng chung để gọi một người nào khi không cần gọi họ, với những người dưới mình( như A Cường, A Lực trong phim Tân bến Thượng Hải:) ) Còn Q là phiên âm theo tiếng Anh chữ Quây. Lúc AQ còn sống, người ta gọi chú là AQuây, nhưng đó chắc chỉ là cách đọc, còn như cách viết thì có vô vàn, ví dụ như từ Quí và Quế đều đọc là âm Quây cả. Lỗ Tấn là người đưa nhân vật vào trong sách, vì vậy tìm cách để viết ra tên là một vấn đề lớn. Thôi thì ông “nhắm mắt làm theo bọn Tân thanh niên( đề xướng việc đem chữ Trung Quốc mà viết theo lối Tây), trong lòng cũng hết sức áy náy”.

Trên đây cũng là nội dung cơ bản của “Chương I: Tựa” trong truyện ngắn này.

3. Lược thuật những câu chuyện đắc thắng của AQ.

Chương II và Chương III của truyện được dành chỗ cho những câu chuyện hóm hỉnh nhưng sâu cay về nhân vật AQ “hiểu biết rộng” và “trước kia có bề thế” và cách AQ đã vượt qua những sự nhục nhã có thể khiến y xấu hổ mà chết đi được.

AQ, như đã nói, là một tay “hành trạng” trước kia ra sao cũng không rõ. Chỉ có biết được hắn từng trợn mắt tuyên bố:

Nhà tao xưa kia có bề thế bằng mấy mày kia! Thứ mày thấm vào đâu!

AQ lại có tính tự cao, kẻ trên người dưới làng Mùi, trong lòng AQ đều không xem ra gì. Ngay đến cả Cụ Cố nhà họ Triệu và cụ Cố nhà họ Tiền, người trong làng ai ai cũng kiêng nể vì gia tư giàu có, hai cậu con là hai cậu đồ, chỉ có AQ là “không ra vẻ sùng bái lắm”. Y nghĩ:

Con tớ ngày sau lại không làm nên, to bằng năm bằng mười lũ ấy à?

Y có thể vênh váo trước dân làng Mùi ở cái nước là y đã lên huyện, mặc dù “y có trọng gì cái lũ phố phường”. Không trọng là do y thấy người trên phố làm khác mình, cho người ta là sai, là đáng cười. Có thể vênh váo ở chỗ y nghĩ dân làng Mùi “là những người nhà quê, chưa hề đi đâu cả”. Có thể nói AQ luôn cho mình là nhất, cũng là một quốc dân tính của Trung Quốc thời bấy giờ. Nhiều người mù quáng ủng hộ đạo đức cũ, bảo thủ và không chịu tiếp nhận cái mới. Họ cho rằng: văn minh vật chất của phương Tây tuy cao, nhưng văn minh tinh thần của Trung Quốc còn cao hơn.

Cậu con Cụ cố nhà họ Triệu vừa thi đỗ Tú tài, ai nấy đều hay. Như đã nói ở trên, sau khi bị cụ Triệu vả cho mấy phát, y không biện bạch gì, AQ uất ức về nhà, ngả lưng xuống giường, nghĩ bụng:

Thời buổi này hết chỗ nói! Con đánh bố!

Cụ oai vệ biết bao nhiêu mà y vẫn xem cụ như bậc con mình, dần dần tỏ ra vẻ đắc ý, rồi đi tới quán rượu. Dân làng Mùi, với AQ, thì còn kiêng nể hơn trước nhiều. Vì tầng lớp phong kiến kiểm soát tinh thần của nhân dân đến mức tuyệt đối, và nhân dân cũng e ngại nhỡ đâu AQ có họ hàng hang hốc gì đấy với Cụ Triệu thì sao? AQ được thể lại càng đắc ý, được mấy năm ròng…

AQ khi đánh bạc, thường nhìn tiền của mình dần dần trôi vào túi một bọn người khác giữa tiếng hò reo của đám đông với khuôn mặt đầm đìa mồ hôi. Cuối cùng phải lùi ra đằng sau người ta mà hồi hộp thay cho người ta, đến tan sòng mới về đến Thổ Cốc- cái miếu nơi y “cư ngụ”, “để hôm sau sẽ lại vác cặp mắt sưng húp đi làm thuê”. Cũng có lần được một canh bạc, đúng đêm làng Mùi rước thần. Thế rồi có đám đánh nhau loạn xạ, choáng cả đầu óc, để đến lúc y ngồi dậy thì lũ con bạc biến đâu mất. Đống tiền của y cũng mất dạng luôn!

Cứ cho là “con nó cướp của bố” đi, tự mắng mình là đồ “con sâu”, cũng vẫn không khuây được…

Nhưng rồi cũng biết chuyển bại thành thắng, y dang cánh tay phải lên, tự đánh vào mặt hai bạt tai, hả dạ vì như đánh người nào khác, mặc dù còn đau nhức rồi ngả lưng xuống giường, thế là ngủ thẳng!

AQ “hoàn hảo” cũng có một chút khuyết điểm là một đám sẹo to tướng ngay trên đầu. Lần này là vật sở hữu của y, thế mà không được y cho là quý báu. Y kiêng tuyệt không nhắc đến chữ sẹo, và tất cả tiếng có âm gần giống với từ “sẹo”. Ai mà “phạm húy” là y nổi giận, y chửi, y đánh, nhưng phần lớn là đánh thua.. Có lần vì cái sẹo mà bị trêu chọc, bị đánh. Sau rồi AQ lại hớn hở ra về vẻ đắc thắng vì nhận thấy mình là người giỏi nhịn nhục bậc nhất. Về mọi phương diện, y vẫn là nhất.

Trạng nguyên cũng chỉ là người “bậc nhất” mà thôi! Thứ mày kể vào đâu!

Lại khoan khoái tới quán rượu. Sau khi ngà ngà mới hớn hở về Thổ Cốc, ngả một giấc đến sáng.

Lão Vương râu xồm là người trong làng, người ta vẫn hay gọi là Vương sẹo xồm, ấy thế mà trong ý tứ AQ, sẹo có chẳng có gì làm lạ cả, y chỉ tức cái bộ râu quai nón của lão. Một ngày xuân, lão đang ngồi bắt rận, AQ sấn đến cởi áo theo lão, cũng ngồi bắt rận. Xấu hổ ở chỗ y bắt được ít rận hơn lão, rận bắt được chỉ có vài chú choai choai không to bằng của lão, khi giết rận thì tiếng kêu nhỏ hơn tiếng của lão. Y tức tối đứng dậy, chửi lão Vương. Thế là lần này lại bị đánh. Đương lúc đó, thì có một “thằng Tây giả” từ đâu đi tới. Đó là con cả cụ cố họ Tiền với cái đuôi sam giả mà AQ ghét cay ghét đắng, thấy mặt là chửi thầm trong bụng:

Đến cái đuôi sam mà cũng giả nốt thì còn gì là nhân cách?

Xưa nay chỉ chửi thầm trong bụng. Đúng lúc này, vì “chính khí” nổi giận, AQ đã thốt thành lời:

Thằng trọc! Đồ con lừa!

Khi hắn sấn sổ nhảy tới thì y chỉ đứa bé bên cạnh :

Tớ nói thằng kia cơ mà!

Đốp! Đốp! Đốp!

Vẫn chẳng tránh khỏi đòn roi! Sau đấy, AQ cho chuyện đã xong, cảm thấy trong người nhẹ nhõm lạ thường! Y lại chậm rãi đi tới quán rượu, có vẻ đắc ý.

Trên đường, gặp cô tiểu chùa Tĩnh Tu, AQ đồ rằng:

Thì ra hôm nay ông bước chân ra cửa là gặp ngay lấy mày. Thảo nào xúi quẩy như thế!

Rồi y bước tới, cười gằn và trêu chọc cô tiểu đáng thương. Thấy có người thưởng thức trò chơi của mình, AQ càng làm tới. Hình như sau đó bao điều xúi quẩy tiêu tan đi hết.

Hớn hở tựa hồ như bay bổng lên tít mãi trên mấy từng mây

4. AQ và những câu chuyện với người cùng khổ, tình yêu mà mưu sinh.

Qua chương II và chương III, ta có thể thấy AQ tỏ ra khiếp nhược như thế nào với những kẻ áp bức, bóc lột thì qua chương IV, V, VI của truyện, ta có thể thấy AQ quay ra ăn hiếp kẻ yếu thế hơn mình như thế nào. Cuối cùng cũng là một con người, do bị đày đọa đến đường cùng để phải đi ăn cắp, nhưng AQ vẫn có cho mình một ước muốn nho nhỏ về tình yêu...

Sau khi véo má cô tiểu, AQ lần này thấy khang khác lạ thường. Cái gì đó nhờn nhờn còn dính trên tay của y, phải chăng vì gò má cô tiểu làm nó trơn lì, hay là dính tí dầu, tí mỡ từ đó? Ra là “đã là đàn ông thì phải có một người vợ”. Y không tài nào kiềm chế cái “nỗi lòng canh cánh” mà mơ màng, tâm hồn nhẹ nhàng, phơi phới. Về đề tài nam nữ, trước đây  vẫn giữ nghiêm lắm! Thế mà bây giờ lại bị một cô tiểu ám hiệu! Cho nên đàn bà thật đáng ghét, đàn bà thật nguy hiểm.

Với bọn con gái mà AQ cho rằng “ra đường nhất định là đi ve trai”, chúng tuyệt nhiên chưa bao giờ cười với y, mặc dù y đã có ý chờ đợi. Thế là càng thêm phần ghét cay ghét đắng đàn bà. Toàn một lũ đạo đức giả! Với những đấng nam nhi “trò chuyện cùng người đàn bà” thì y vu luôn cho là “có tằng tịu gì rồi”. Y trừng trị bằng một cái lườm dữ tợn, ở chỗ hẻo lánh thì quẳng cho vài hòn sỏi vào lưng.

Lần ấy ở lại làm công đến khuya tại nhà Cụ Cố họ Triệu, Vú Ngò, người ở gái duy nhất trong nhà sau khi công việc đâu vào đấy, trẻo mấy ngồi trên chiếc ghế dài mà xì xằng dăm ba câu chuyện đồng đôi với AQ. Đương lúc vú Ngò thao thao, AQ vẫn cứ mơ màng “đàn bà!”. Bỗng y đứng dậy rồi lại quỳ sụp xuống trước mặt mụ:

Chúng ta cùng nhau...Chúng ta...Nào!

Vú Ngò vốn là góa phụ, nay gặp cảnh bị trêu ghẹo, uất ức không chịu được, vừa chạy đi vừa khóc. Thế là AQ bị cậu Tú nhà này bổ cho mấy phát đòn tre rồi chửi. AQ bị câu chửi bằng tiếng quan thoại của cậu này ấn tượng sâu sắc, quên bẵng luôn cái ý nghĩ về “đàn bà”. Vú Ngò nghĩ đến chuyện tự tử để thủ tiết, làm trong nhà rối loạn cả lên. Đến tai Cụ Triệu, cầm đòn tre chạy tới AQ, y đâm đầu chạy thẳng. Từ đó AQ mất đến cả tấm áo rách, cũng mất luôn việc ở nhà Cụ, rồi người trong làng chẳng ai thuê y làm việc nữa. Bà chủ quán rượu cũng chẳng bán chịu cho y nữa. Thế có mà chết đói, chết khát! Y suy tính sâu xa. Té ra là do cái thằng cu Don gầy gò nó cướp mất việc. Mấy hôm sau gặp hắn, AQ tức tối gây chuyện. Thế là giằng co đánh nhau. Rút cục thì AQ bỏ cuộc trước rồi cả hai cùng lúc lùi ra xa, mất tăm trong đám người đứng xem.

Bốn góc nhà y ở, chẳng còn có gì mà đem đi cầm cự được nữa. Thân y có manh áo, nghĩ bụng bán cũng chẳng ai mua, có cho thì may ra người ta lấy. Y ước ao gì, đến y cũng không rõ! Chỉ biết y quyết chí đi kiếm ăn. Kiếm ăn ngay tại vườn rau nhà chùa! Trớ trêu thay, lẻn vào được rồi lại chẳng thấy gì ăn ngay được, chỉ nhổ được mấy củ cải. Thế mà vẫn bị sư cụ phát hiện. Rồi một vở bi hài kịch diễn ra, không biết nên khóc hay nên cười...

Gặm hết ba củ cải, AQ nhất quyết sẽ lên huyện.

Lên huyện, mãi đến Trung thu năm ấy, cả làng Mùi mới ngạc nhiên bảo nhau AQ đã về. Chẳng ai biết AQ đã đi đâu. Lần này có vè phát tài. Té ra y làm công cho Cụ Cử “khét tiếng” trên huyện… Từ huyện, y mang biết bao cái hay cái lạ trở về, khiến bao người thích thú, trầm trồ, để mua để bán. Nào là câu chuyện chặt đầu bọn cách mạng, nào là cái áo vải tây, cái quần lụa… Rồi thì người ta cũng biết y trên huyện từng cùng đồng bọn ăn trộm. Vai chính khiêng được đồ ra thì bị phát hiện, chuồn thẳng; vai phụ AQ bỏ huyện về tuột làng mùi. Thế là giải nghệ!

Ai ngờ chẳng qua chỉ là một thằng ăn trộm nữa thì quả thật không có gì đáng sợ .

5. AQ làm cách mạng: “Cách mẹ cái mạng của chúng đi!”

Ba chương cuối cùng của truyện, Lỗ Tấn đã cho AQ đi làm cách mạng. Có nhiều ý kiến cho rằng AQ trước và sau khi làm cách mạng là hai nhân vật không thống nhất. Nhưng theo ý Lỗ Tấn: “Nếu như Trung Quốc không làm cách mạng, thì AQ cũng chẳng bao giờ làm cách mạng, nhưng nếu Trung Quốc làm cách mạng thì thế nào AQ cũng sẽ làm”.

Cụ Cử nói trên, vào hôm AQ bán cái ruột tượng cho cú Triệu Bạch Nhãn, đưa một chiếc thuyền đến bến trước nhà cụ Triệu, cũng đưa một nỗi lo âu hết sức to lớn khiến cả làng nhốn nháo. Hóa ra là bọn Cách mạng sắp vào huyện, cụ Cử chạy về lánh nạn. Xưa nay AQ cho rằng làm cách mạng là làm giặc, cho nên là ghét cay ghét đắng. Ngờ đâu nay lại thấy mấy Cụ danh giá khắp vùng cũng sợ, dân làng thì cuống quýt. Y khoái chí:

Cách mạng cũng hay! Cách mẹ cái mạng lũ chúng nó đi!...

Tớ sẽ đi đầu hàng cách mạng.

Y nghĩ ngợi, rồi từ đâu mà tự cho rằng y đã là người của cách mạng, rồi tơ tưởng, chẳng kiểm soát mà hô lên: “Làm giặc nào!”, khiến ai nấy sợ hãi vô cùng. Từ đó, đến cả Cụ Cố họ Triệu còn dè chừng, gọi y là “bác” xưng là “bạn nghèo với nhau cả”. Ở đây, Lỗ Tấn đã lột tả được bộ mặt nhu nhược, hèn kém của quan lại thời bấy giờ, sẵn sàng hạ mình xuống để bảo toàn sự sống. AQ được thể hớn hở. Tưởng chừng như y đã tìm được cách báo thù lão Vương râu, rồi thằng cu Don, rồi lại nghĩ đến “đàn bà”. Y ngáy khò khò, đến hôm sau thì dậy muộn. Thế là chậm chân hơn cậu Tú và lão Tây giả, hai người vốn chả ưa nhau tí nào, nhưng cũng “cùng nhau đi làm cách mạng”, cách mất cái lư hương Tuyên Đức ở chùa Tĩnh Tu… !!? Ý là, do cách mạng chưa triệt để, nên bị quan lại bấy giờ lợi dụng để trở thành công cụ cho chúng kiếm lời thêm từ chính nông dân.

Dần dần người làng Mùi “đem đuôi sam quấn lên đỉnh đầu ngày một thêm nhiều”( tức là quyết định theo cách mạng). Cũng coi như đấy làm một cuộc cải cách! AQ đi khắp phố, thấy chả thay đổi được gì, buồn bực mà phát cáu. AQ gặp cu Don, thấy nó cũng quấn đuôi sam giống mình, càng tức lộn ruột. Nhưng cũng chỉ lườm một cái rồi nhổ một bãi nước bọt! AQ vỡ lẽ rằng mình phải làm quen với bọn cách mạng cái đã. Thế là đến gặp lão Tây giả. Ai ngờ lão đang giảng giải rất hăng, đuổi cút AQ ra ngoài. Bao nhiêu hoài bão tiêu tan. Y lại sợ chuyện của mình sẽ thành trò cười cho lão Vương, cu Don. Y lại uống rượu, lại mơ tưởng.

Bỗng một đêm định mệnh, y bị bắt lên huyện, đứng bên khẩu súng liên thanh, y mới tỉnh giấc. Vào đến trong ngục thấy mấy người cũng bị bắt. Một người nói là do mắc mợ Cụ Cử nên bị bắt. Các bạn thấy đấy, quan lại lợi dụng cách mạng để giải quyết việc riêng, ví như bắt tù những kẻ thiếu tô, thiếu nợ.

Ngày hôm sau ra xét xử, AQ vẫn còn ra vẻ căm tức cái bọn không cho y ra làm cách mạng. Thế rồi một lão áo dài đưa cho một tờ giấy bắt ký vào. AQ không biết chữ, lần đầu cầm đến nghiên mực, cũng chỉ biết vẽ vào đấy một vòng tròn. Xong cái vòng tròn cũng siêu vẹo, méo mó. AQ thẹn, nhưng lại nghĩ chữa thẹn:

Con tớ ngày sau hẳn là vẽ được tròn trĩnh hơn tớ bây giờ!

Kết quả là AQ bị xử tử, mà lý do là để răn đe kẻ khác. Trên đường diễu phố ra pháp trường, người người đứng nhìn với những cặp mắt tưởng như muốn cấu xé thân hình y. Bấy giờ y mới ngộ ra lẽ nào mình bị đem đi chặt đầu. Hồn siêu phách rụng, xong vẫn nghĩ:

Trước sau cũng có một lần phải bêu phố để cho mọi người trông thấy như vậy!

Hai chục năm sau sẽ có…” (nguyên văn là hai chục năm sau lại có một tay hảo hán).

Y không nói nên lời được…

Thế là bị xử bắn! Người dân làng Mùi cho rằng vì bị xử bắn, AQ đích thị không phải là một kẻ lương thiện…

6. Những điều rút ra.

Trên đây là tóm tắt về những chi tiết kể như khá quan trọng về nhân vật AQ. Chúng ta có thể thấy từ AQ những tính cách tiêu biểu, hết ảo tưởng về gốc gác lại tự cho mình là bố thiên hạ; bị người ta đánh thì không biết đường mà phản kháng, tại chỉ biết tức tối mà mắng chửi mình, đánh chính mình để lại ảo tưởng là mình vừa được bắt nạt một đứa khác. Không dám phản kháng trước tầng lớp thống trị, lại coi những người cùng cảnh ngộ như mình là kẻ thù, ỷ mình khỏe, ăn hiếp những người yếu thế hơn như cu Don, cô tiểu,...; tự biến nhược điểm của mình thành khuyết điểm. Và đặc biệt nhất là cái tính chóng quên.

Những người như vậy, họ không dám nhìn thẳng vào sự thật mà  lại che giấu, lừa dối, tạo ra một con đường thoát kỳ diệu và tự huyễn hoặc mình đây là con đường chiến thắng. Trên con đường ấy, con người càng tỏ ra khiếp nhược, tự mãn. Nhưng càng tự mãn, họ lại càng cảm thấy mình càng vinh quang. Phép thắng lợi tinh thần khiến cho con người dùng nó không nhận thức được địa vị của mình, không nhìn thấu được nguyên nhân thất bại, con đường sáng suốt để đi lên. Dần dần khiến cho con người tê liệt, không còn sức mà phản kháng.

Người dân làng Mùi, cũng là tiêu biểu cho cái quốc dân tính: hùa theo đám đông. Ta có thể thấy bao nhiêu chi tiết tinh tế được Lỗ Tấn đưa vào về số lần người dân làng Mùi kính nể AQ rồi lại bớt phần kính nể, rồi lại khinh y ra mặt, chỉ vì chuyện này chuyện nọ có liên quan đến tầng lớp thống trị, kiểm soát tinh thần của nhân dân một cách tuyệt đối.

Cụ Cử, cụ Triệu, là những nhân vật được sử dụng khá nhiều trong các truyện ngắn của Lỗ Tấn, tiêu biểu cho bọn sâu mọt đục khoét của nhân dân. Cụ Cử mất ngủ vì không thể bắt ông lãnh “tìm ra tang vật”. Cụ Triệu gọi AQ là “bác” khi y tuyên bố theo cách mạng, nhưng sau đó gặp AQ, cụ cũng chẳng để ý đến nữa...

8. Phép chiến thắng tinh thần, nên hay không?

Những lúc bế tắc, có một vài cách để động viên bản thân là rất tốt. Nhưng rồi đổ thừa hay vẫn tự ảo tưởng, phủ nhận cái khuyết điểm của mình, bảo thủ đến mức đáng thương sẽ khiến bạn càng ngày càng lún sâu vào những điều nhỏ nhặt mà bạn tưởng như đã gỡ nó được ra. Tốt hơn hết là phân tích đúng sai khách quan nhất có thể, hoàn thiện dần dần để tốt lên. Đó mới là “những năm tới sẽ trở thành một tay hảo hán”...

9. Tạm kết.

Thông qua nhân vật AQ, Lỗ Tấn đã chỉ đích danh điều cần khắc phục để cách mạng đi đến thắng lợi chủ yếu là khắc phục cái “phép thắng lợi tinh thần”. Có thế, người lao động- chủ lực của cách mạng- mới nhìn được vào sự thực, dù nó có tàn nhẫn đến đâu, mà tôi luyện ý chí, bản lĩnh.

AQ Chính truyện đã được dịch và phổ biến rộng rãi ở nhiều nước như Nga, Anh, Pháp từ rất lâu rồi. Thiết nghĩ chúng ta không nên bỏ lỡ nó, hay bất kì một kiệt tác nào của một nhà văn vĩ đại, tầm cỡ thế giới như Lỗ Tấn.

Dù cho bạn có là ai, người quan tâm đến lịch sử hay không, lịch sử nước ngoài hay lịch sử dân tộc,... thì với AQ Chính truyện, cũng nên tìm đọc. Tác phẩm nằm trong tuyển tập Truyện ngắn Lỗ Tấn do tác giả Trương Chính dịch.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,201 lượt xem