Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Đọc Ngược] Và Rồi Núi Vọng - Khi Những Cuộc Đời "chạm" Vào Nhau

“Và rồi núi vọng” của tác giả Khaled Hosseini đúng như tên gọi của nó, tạo ra những âm vang ám ảnh trong lòng người đọc như tiếng vọng xa xăm dội lại từ muôn trùng núi; mơ hồ nhưng không bao giờ tan biến. Bạn có bao giờ đọc xong một cuốn sách mà tự dưng cứ thấy lòng vơ vơ vẩn vẩn, không hẳn là buồn, không hẳn là tức giận, không hẳn là xót xa; cứ như có một điều gì đó vướng bận mà không thể nào ngừng nghĩ về nó? “Và rồi núi vọng” chính là cuốn sách mang lại cho tôi cảm giác đó.

    


Phong cách truyện quen thuộc của Khaled Hosseini được lặp lại: cuộc đời thăng trầm của những con người từ quá khứ xa xôi tại một vùng quê nghèo, hẻo lánh của Afghanistan. Đó là câu chuyện của anh em Abdullah và Pari tại ngôi làng Shadbagh bao trùm bởi đói nghèo, bất hạnh nhưng chúng yêu thương nhau, chăm sóc cho nhau bằng thứ tình cảm trân quý nhất. Không ai ngờ rằng câu chuyện ngụ ngôn về người cha phải hy sinh đứa con yêu quý của mình vì cuộc sống cả gia đình ngay mở đầu tác phẩm lại chính là hiện thực mà 2 anh em sắp phải đối mặt. Abdullah ngây thơ tin vào câu chuyện, tiếp theo đó là cuộc chia ly đầy đau đớn của 2 đứa trẻ, đẩy chúng vào tương lai hoàn toàn trái ngược. Người anh Abdullah trở lại vùng quê nghèo với những dằn vặt và bất lực, người em Pari bắt đầu cuộc sống nhung lụa nhưng không trọn vẹn tình thương trong gia đình giàu có.


Không theo lối kể chuyện thông thường, trong suốt những chương dài sau đó của tác phẩm, tác giả dường như đã “bỏ quên” Abdullah và Pari để đi kể về những câu chuyện, những mảnh đời riêng biệt, tưởng chừng như không hề liên quan. Họ là một loạt những cái tên Parwana, Nabi, Masooma, Suleiman, Adel, Idris, Gholam, Markos, Thalia,... họ xuất hiện độc lập trong những chương truyện khác nhau, tại những không gian khác nhau, thời gian khác nhau. Và chẳng có câu chuyện nào kết thúc trọn vẹn, tất cả đều cứ lưng lửng giữa những day dứt, khắc khoải của người trong cuộc. Thế nhưng những mảnh đời chẳng hề liên quan ấy lại bằng một cách nào đó, trực tiếp hoặc gián tiếp đan xen, kết nối, “chạm” vào nhau. Sau mỗi “cú chạm” ấy, hình ảnh về đất nước Afghanistan đau thương hiện lên càng rõ nét. Sau mỗi “cú chạm” ấy, hình bóng của Abdullah và Pari lại thấp thoáng xuất hiện, thấp thoáng thôi nhưng đủ để độc giả không quên đi mạch truyện chính và cùng trông chờ về một cuộc hội ngộ.



Cuối cùng, cuộc hội ngộ ấy cũng đến, với độc giả khoảng cách là vài trăm trang sách, với Abdullah và Pari là 58 năm dài đằng đẵng với muôn trùng biến cố. Pari giờ đây đã là một góa phụ trung niên còn Abdullah là một ông già lẩm cẩm, mất trí nhớ, ông đã quên đi người ông luôn đau đáu tìm kiếm cả cuộc đời. Một cuộc hội ngộ không trọn vẹn và hụt hẫng!


Khaled Hosseini thường tạo ra một kiểu kết thúc mà tôi tự gọi là “có hậu gián tiếp”, nghĩa là nó vẫn tốt đẹp, vẫn phần nào giải quyết được những khúc mắc nhưng nó lại không xảy ra với nhân vật tôi mong muốn và nhân vật tôi nghĩ là xứng đáng. Cuộc hội ngộ xúc động ấy là tâm nguyện và nỗi trăn trở suốt cả cuộc đời của Abdullah nhưng khi nó xảy ra ông lại như đóng một vai phụ, đứng ngoài câu chuyện, quên đi tất cả và để cho người con gái cùng tên với Pari viết nốt cái kết. Cảm giác “hẫng” này cũng giống như khi tôi đọc “Người đua diều”, tôi đã chờ suốt cả thiên truyện cho màn tái ngộ sau 20 năm khi Amir trở về Afghanistan tìm lại Hassan, chờ đợi một lời xin lỗi đến với đúng người, chờ đợi một sự bù đắp xứng đáng thì Khaled Hosseini trả lại cho tôi vài dòng văn kể về cái chết của Hassan và để cho Sohrab - con trai Hassan “thế thân” vào hành trình chuộc lại lỗi lầm của Amir.


Có lẽ Khaled Hosseini muốn câu chuyện của mình thực tế hơn, có lẽ ông không hề muốn tạo ra một “happy ending” mà muốn thông qua những cái kết “có hậu gián tiếp” đó để tái hiện sắc nét và chân thực hơn về một Afghanistan đau thương nói riêng, về số phận con người nói chung. Nhưng tôi luôn cảm thấy sự không thỏa đáng, sự thiếu công bằng cho những con người đã chịu quá nhiều bất hạnh và đau thương.


Mỗi người có một quan niệm khác nhau về một kết thúc có hậu cũng như một câu nói tôi từng đọc: “If you want a happy ending, that depends on where you stop your story” (Tạm dịch: “Nếu bạn muốn một kết thúc có hậu, điều đó tùy thuộc vào chỗ bạn dừng câu chuyện của bạn”). Nhưng thật khó để tìm thấy một điểm dừng trọn vẹn cho tất cả trong câu chuyện dài và chắp nối này. Tôi có thể chọn điểm dừng trong những giấc mơ của Abdullah, giấc mơ được quay về thời thơ ấu hạnh phúc của 2 anh em để thấy công bằng hơn cho ông nhưng nếu dừng ở đó tôi sẽ không bao giờ biết được niềm khắc khoải của nhân vật này ám ảnh đến mức nào khi dành những phút giây còn minh mẫn cuối cùng để viết vài dòng nhắn nhủ lên chiếc hộp thiếc cho người em gái.


Tôi của tuổi 24 có thể vẫn thấy không thỏa đáng với một kết thúc không trọn vẹn; vẫn thấy chút bất công cho nhân vật tôi yêu quý nhưng biết đâu tháng năm qua đi cùng với trải nghiệm tích lũy được, tôi sẽ thấy đây là cách tốt nhất để kết thúc thiên truyện đẹp mà day dứt của Khaled Hosseini, là cách tốt nhất để những mảnh đời trong tác phẩm tìm được giá trị của mình và lưu lại tiếng vọng trong lòng độc giả.


Có những cuộc đời dù không đi cùng nhau, chỉ "chạm" vào nhau trong một vài khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng cũng đủ mở ra một nhân sinh quan mới về cuộc sống và con người! 





Tác giả: Nguyễn Quỳnh Mai

Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Upvote và chia sẻ đến cộng đồng nhé!

-------
Tham gia cuộc thi Đọc Ngược để rèn luyện khả năng phản biện và có cơ hội nhận giải thưởng tiền mặt cùng voucher mua sách hấp dẫn tại: https://goo.gl/NNcFHR

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

235 lượt xem