Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Trên Đường” – Vì Đời Là Đi

Tôi không bao giờ muốn trở thành một người như Sal Paradise, một chút cũng không.

Sal ích kỉ, ham vui và không biết đặt tình cảm của mình vào đúng chỗ. Hắn xử tệ với những người bạn tốt của hắn trong khi chỉ một mực bám theo Dean Moriarty, người mà hắn hết lời ca ngợi và còn có chút tôn sùng. Như một kẻ xu nịnh. Hắn đã biết thừa nhưng vẫn chấp nhận chuyện Dean đào mỏ, thử lòng mình khi nhường bạn gái, hay thậm chí cả lúc Dean bỏ mặc hắn mà đi khi hắn đang khổ sở vật lộn với căn bệnh kiết lị tại Mexico.

Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi đọc lướt qua một vài đoạn trích của Trên đường, và cũng là lí do tại sao tôi cứ lần lữa mãi không đọc. Sal Paradise (mà ai cũng biết chính là Jack Kerouac) trong mắt tôi khi đó là một tên dở ông dở thằng và có cái tính vô liêm sỉ, hay nói cách khác nhẹ nhàng hơn thì là thiếu lòng tự trọng. Cuốn sách ám ảnh tôi với cả một đống những câu hỏi: Tại sao Jack Kerouac, với cái tính a dua khó dứt bỏ của ông, lại là một tượng đài của thế hệ Beat? Tại sao Dean lại làm cho người ta ngưỡng mộ đến thế trong khi gã là một tên tàn nhẫn và vì bản thân đến mức ám ảnh, khi gã đối xử với MaryLou vô trách nhiệm; khi gã vứt bỏ những người đồng hành một xó để đi tìm cái thứ gì đó hấp dẫn hơn mà chính gã cũng chẳng biết là cái khỉ gì?

Cái nguyên nhân cho sự khó chịu của tôi, mãi sau khi tôi nghiền đi ngẫm lại cuốn sách mới chịu lộ mặt: Sal và Dean làm cho những gì mà tôi hằng tin tưởng lung lay: rằng người ta phải có lòng tự trọng, có phẩm chất của một con người (trong trường hợp này thì cụ thể là phẩm giá quý ông bao gồm cả việc đối xử với bạn bè hào phóng và không chửi bạn gái mình là “con điếm”) và phải xử tốt với những người xung quanh,… thì mới cảm thấy hạnh phúc. Nhưng tôi đã nhầm to. Và đến cuối cùng tôi chấp nhận sự thật rằng: Sal và Dean có được những chuyến hành trình mà chưa ai có bao giờ, sống hết mình và hạnh phúc hoang dại cho dù chỉ sống vì bản thân. Hay nói đúng hơn, chính lối sống khao khát lí tưởng đầy vị kỉ đó mới đem lại cho họ những chuyến phiêu lưu tự do bắt nguồn từ những sục sôi của ham muốn tuổi trẻ, đem lại cho họ dũng khí để không xu dính túi lang thang dọc nước Mỹ, lẩn thẩn tìm kiếm nơi nương tựa trong những tháng ngày không thuộc về mình – một “thế hệ đổ vỡ” sau chiến tranh. “Trên đường” thực sự làm tôi vứt bỏ những định kiến của mình trước đây, và nó còn hơn cả sự phóng túng cuồng nhiệt với những nhịp đập ngầm trong lòng nước Mỹ nơi jazz, tình dục, cần sa và những nẻo đường đáng ước mơ đang ngự trị.



Sal Paradise –  Kẻ Khờ Mộng Mơ

Tôi vẫn luôn cố gắng tìm kiếm lí do tại sao trong mối quan hệ của Sal và Dean (hay Jack Kerouac và Neal Cassady), Sal lại là người yếu thế và bị động hơn, luôn là người đi theo chứ không phải người dẫn đường. Và quả thật không khó khăn để tôi tìm thấy lí do: sự mơ mộng và thơ ngây buồn bã của Sal cũng như là của Jack, do lòng trắc ẩn của ông với con người và tình yêu sâu sắc với nước Mỹ, mặc cho ông tự gọi mình và những người đồng trang lứa là thế hệ bị nước Mỹ “bỏ rơi”. So với Dean – một gã phóng túng cuồng dại, sống không nhờ logic mà tùy hứng bản thân, sống để điên và điên để được cứu rỗi, Sal rõ ràng là một nét chấm phá ôn hòa hơn và có phần phụ thuộc. Sal luôn đóng vai trò là một nhân tố trung hòa trong băng đảng của mình: một Dean Moriarty – anh hùng của miền Đông trắng tuyết, người đã dành một phần ba cuộc đời gã vào những cuộc vui thú mây mưa, một phần ba trong tù, và một phần ba còn lại trong thư viện công cộng và luôn hét lên: “Có, có, có!” với bất cứ lời mời gọi nào; Carlo Marx – một nhà thơ mà độ điên rồ cũng chẳng kém gì Dean, hai người là một cặp bài trùng luôn  bỏ Sal lại phía sau để say sưa bàn tán những thứ rồ dại trên trời dưới bể; Ed Drunkel – một gã khờ đáng mến và tốt bụng; Remi Boncouer kẻ có tiếng cười khủng bố thứ nhì của San Francisco.

Sal đã là người ghi nhớ, trân trọng và làm sống lại với những hồi ức hào hùng mà chính gã cũng không thể nào quên bằng thứ phương tiện quyến rũ nhất: ngôn từ và văn chương. Sal hay cũng chính là Jack, để cho cảm xúc và suy nghĩ của mình trải dài  trên trang giấy trong những lúc hứng chí hay phê pha  mê hoặc của thuốc và ma túy; chính Jack đã tạo ra một phong cách văn chương là “văn xuôi bột phát” (spontaneous prose) có nhiều điểm tương đồng với những cấu trúc rời rạc của nhạc jazz, nơi ông được thỏa mãn chính mình, thỏa mãn cái sự sung sướng được thể hiện trọn vẹn hồi ức của mình ra mà không gặp bất cứ trở ngại nào của dấu chấm dấu phẩy; nơi ông viết những câu văn dài mà khó ai hiểu hết được ý nghĩa (có lời đồn rằng Jack đã hoàn thành “Trên đường” trong vòng 36 giờ sau khi dùng thuốc).



Sal cứ liên tục hỏi những cô gái anh ta gặp: “Em chờ đợi gì ở cuộc đời này?” nhưng chính bản thân hắn cũng chẳng rõ mình muốn đi đâu, làm gì, vì mục đích gì. Hắn rong ruổi khắp nước Mỹ chỉ vì nỗi niềm cuồng chân, khát khao trải nghiệm thôi thúc, và cũng để theo kịp cả cái băng đảng toàn những gã đầu trâu mặt ngựa có tiếng có tăm của mình. Bắt đầu từ New Jersey, rồi đến New York, xuyên suốt miền Tây trên chiếc xe ô tô Dean ăn trộm được, cái xe đã chứng kiến sự thoát li khỏi lối sống,  logic hay đạo đức, lẽ thường – nơi mà Dean, Sal và MaryLou “trút bỏ gánh nặng quần áo”, khỏa thân lái xe dưới cái nắng gió mơn man đặc trưng phóng khoáng của miền Tây nước Mỹ. Sal và Dean đã tự giải phóng mình khỏi cái bó buộc của lý trí, lẽ thường, khỏi nỗi buồn mênh mông lạc lối, khỏi sự yên bình giả tạo sau chiến tranh để trở về và tìm kiếm bản ngã sơ khai nhất.

Đồng bọn của Sal lại tiếp tục lên đường, bằng xe buýt, xe hai cẳng hay bằng cả ngón tay cái giơ lên ngoắt ngoéo bên lề đường, lang thang xuyên lục địa, sừng sững trước gió thổi của đêm Wyoming hay dưới cái nắng nóng khủng khiếp của ban ngày Texas, đi tìm người bố-không-bao-giờ-xuất-hiện của Moriarty hay người chị em thất lạc của ai đó, luôn mong đợi một đồng chí chung niềm say mê với âm nhạc, tình yêu và thấu hiểu sẽ xuất hiện tại điểm đến bên kia đầu đường. Hưng phấn và dịch chuyển là tất cả. Công việc ổn định và một ngôi nhà ấm cúng chỉ dành cho những kẻ câu nệ mà thôi.

Dean Moriarty – Gã Điên Say Mê Cuộc Đời

 “Được sống là một điều linh thiêng và từng phút giây đều quý giá” – câu nói của Sal Paradise có lẽ là lời giải thích khả quan nhất cho việc tại sao Dean dường như đang làm tất cả mọi việc cùng một lúc. Hắn ôm đồm tất cả mọi thứ, có mặt trong mọi cuộc vui không điểm dừng, hét lên một cách đầy hào hứng với bất cứ lời mời gọi nào. Hắn là người dẫn đường trong mọi việc, và có lá gan đủ to để trộm cả một chiếc xe hơi Hudson trong khi đồng bọn chỉ dám thập thò ngoài cửa hiệu bánh mì đang vắng người trông nom. Hắn tán tỉnh và hứa hẹn với những cô nàng hắn gặp, bỏ rơi họ, đập phá cả cái xe Cadillacs vì lí do khỉ gì không ai biết được, mặc xác bạn bè của hắn một xó để rồi đi thực hiện ý định của riêng mình. Hắn nói liến thoắng không ngừng nghỉ về sự hiện diện lộn xộn không cú pháp quy luật của chủ nghĩa siêu hình, âm thanh líu nhíu khó hiểu của nhạc hippie, những trích dẫn từ ô thoại truyện tranh cho đến những tiếng gầm gừ của động vật. Một gã lang thang bụi đời mà Sal đã thừa nhận rằng anh nhìn thấy chất “thánh sống” của W.C.Fields trong hắn, một tên cộng sản chính hiệu trong cả bè lũ nhát gan trá hình tư bản nổi loạn. Dean không sợ trời, không sợ đất, mà chỉ sợ chán. Nếu chỉ dùng một từ để nói về Dean, thì đó chính là điên, điên một cách đúng nghĩa và cái sự hoang dại của hắn như một luồng điện truyền lây sang cả những người xung quanh, làm họ giật mình sửng sốt và choáng ngợp trước sự lan tỏa và vĩ đại phi thường của nó. Một đoạn trích nổi tiếng nhất của Sal, hay đúng hơn là của Jack: “những kẻ duy nhất làm cho tôi quan tâm là những kẻ điên, điên để sống, điên để trò chuyện, khao khát tất cả mọi thứ vào cùng một thời điểm, những kẻ không bao giờ ngáp hay phát ngôn những thứ tầm thường mà cháy, cháy, cháy rực như ngọn nến nhà thờ xuyên cả màn đêm”.



Vậy mà Dean (hay Cassady) đã tạo nên nguồn cảm hứng ngây ngất để Jack viết nên một câu trả lời cho “Huckleberry Finn” của những ngày giữa thế kỉ hai mươi. Dean với sự ham muốn xê dịch - thiết yếu không kém gì thức ăn hay nước uống đối với hắn, cái thái độ bất chấp lúc nào cũng yahoo hào hứng, niềm khao khát vô độ đến mức tham lam đã làm cho hắn giống như bước ra từ một huyền thoại của miền Tây tràn ngập nắng gió. Thế nhưng Dean không phải là một viên đá thô với đầy đủ những ham muốn thú vui phóng túng, mà giống như một viên kim cương đã được gọt đẽo cẩn thận. Hắn đọc sách và thỉnh thoảng lại viết những bức thư hoa mỹ văn vẻ, và tư tưởng của Dean đi trước thời đại hơn những kẻ thành thị mang trong lòng niềm ngưỡng mộ đối với hắn. Hắn được sinh ra là một anh hùng, một kẻ say mê cuồng nhiệt cái thế giới hắn đang sống, người đã cho Beats cái linh hồn sống của nó, ngăn người ta chìm đắm vào chủ nghĩa thần bí – tư tưởng bó buộc khép kín thời bấy giờ.’

Người ta nói rằng linh hồn của Dean là linh hồn của một cơn gió. Hắn đi phăm phăm và cuốn theo mọi người xung quanh hòa chung một nhịp với hắn, nhưng tất cả có lẽ cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều hơn sự phù du đối với hắn. Hắn sẵn sàng quăng bạn đồng hành vào một xó rồi tiếp tục với những niềm vui thú mới, những ý định riêng hấp dẫn hơn là cái nơi mà hắn vừa mới bắt đầu làm quen. Hắn chạy theo con đường, vứt bỏ tất cả, bỏ qua Sal, bỏ qua Marylou dù hắn yêu nàng khôn xiết. Dean không có lỗi. Nếu Dean không làm thế, có lẽ hắn sẽ chết vì u sầu buồn tẻ trên một chiếc giường hắn đã quen thuộc. Dean không thể dừng chân quá lâu ở một bến đỗ, chờ đợi một điều gì cụ thể. Vận mệnh của Dean là đi, đi đến tận cùng, đi cho thỏa cái sự cuồng chân điên rồ của hắn.

Thế Hệ “Beat” – Là Đổ Vỡ Hay Là “Thánh Sống”?

Dường như Beats chỉ có một và duy nhất một lí tưởng mà thôi, và đó là cuộc sống. Beats sợ cái chết và chiến tranh trong vô thức, sợ rằng cuộc đời họ sẽ quá ngắn ngủi trước khi họ thực hiện được những gì mình muốn. Beats lo sợ rằng cái chết sẽ đến trước và cuỗm họ đi trước khi họ tới được thiên đường, và làm tất cả những gì họ có để trải nghiệm được chốn “thiên đường trần gian” khi vẫn còn tồn tại. Họ đủ thông minh để nhận ra rằng chủ nghĩa vật chất của Giấc mơ Mỹ là phù phiếm và không đáng để bận tâm: “điên cuồng giật lấy ước mơ, cho đi, lấy lại, thở dài và cuối cùng chết đi chỉ để nấm mồ của họ được chôn ở đâu đó trên thành phố Long Island”. Chính vì lí do đó mà Jack Kerouac gọi thế hệ của ông là “thánh sống”: họ đã được giải phóng khỏi mối hiểm họa của tham vọng, của cơm áo gạo tiền, của chủ nghĩa vật chất và những tư tưởng lỗi thời; liên tục kiếm tìm những sự thật lớn lao hơn mà cuộc đời sẽ dạy cho họ.


Nhắc đến Beat Generation, sẽ thật thiếu sót nếu không có nhạc jazz. Jazz đóng vai trò là một nhân vật quan trọng trong cả cuốn sách, nó hiện diện mọi nơi: trong các quán bar, trong phòng chứa của bọn phê thuốc, trong những cuộc vui hoang dại mà sẽ xuất hiện ít nhất một tay kèn thần sầu. Có thể đếm được từ đầu đến cuối sách hàng chục những nghệ sĩ jazz tiếng tăm của Mỹ như một nguồn cảm hứng bất tận cho Sal và Dean: Charles Charlie Parker – tay chơi saxo cổ, Lester Willis Young (Prez) – kẻ đã phá vỡ cả sự phá cách mang tính quy luật của jazz, Miles Dewey Davis III, tay chơi kèn, người đã mang dấu ấn rực rỡ của thời hoàng kim jazz sau Thế chiến thứ 2…

Trên đường có hơn là một câu chuyện du ký đầy chất khùng điên của Jack Kerouac và Neal Cassady, nó đánh dấu một bước chuyển mình to lớn trong nền văn hóa đại chúng của Mỹ sau chiến tranh, khi người ta bắt đầu chuyển sang yêu chuộng cái tự do điên khùng, cái nổi loạn phóng túng cuồng nhiệt, những chuyến chu du sục sôi khao khát của tuổi trẻ, so với chủ nghĩa chuộng vật chất phù phiếm trước đây. Nó là câu chuyện của cả một thế hệ lạc lối giữa những ràng buộc lo toan về phương tiện sống đến mức ngột ngạt, và chỉ có một lối thoát duy nhất cho họ khỏi thực tại bức bối: trên những nẻo đường.


Review chi tiết bởi Hồng Nhung - Bookademy


---------


Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật những thông tin thú vị về sách tại link:  https://www.facebook.com/bookademy.vn


Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng kí CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3 

 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

718 lượt xem