Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản": Bạn Có Sẵn Sàng Từ Bỏ Để Thấy Hạnh Phúc Hơn?

Trong thời gian gần đây có thể bạn nghe đến rất nhiều đến “Chủ nghĩa tối giản” nhưng bạn vẫn chưa thực sự hiểu đó là gì và như thế nào? Có quá nhiều sách và tài liệu về lối sống này làm bạn không biết nên đọc cái gì và nên bắt đầu từ đâu? Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản của tác giả Chi Nguyễn sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và gần gũi về lối sống mới hiện đại này cũng như những lời khuyên hữu ích để bắt đầu và duy trì phong cách sống tối giản.

Một cách hiểu về Chủ nghĩa tối giản

Khi nhắc đến “sự tối giản” chúng ta thường nghĩ đến các lĩnh vực về thời trang hay kiến trúc. Vậy thì tối giản trong lối sống thì sẽ như thế nào? Thực chất “Chủ nghĩa tối giản” là một khái niệm trừu tượng, không có một định nghĩa ấn định cụ thể nào về nó cả mà nó có nhiều định nghĩa, ứng dụng khác nhau. Để đơn giản nhất, các bạn thử nghĩ nhé, nếu như tối giản hóa trong thời trang hay kiến trúc thì có nghĩa là bỏ qua hết những phụ kiện, chi tiết rườm rà đi mà chỉ để lại những gì “basic” nhất thì tối giản trong lối sống cũng thế. Những phụ kiện rườm rà kia trong cuộc sống có thể là những vật dụng, đồ đạc trong nhà bạn không cần đến, những cuốn sách phủ bụi nằm trên giá sách mà bạn mua về nhưng lại chẳng có hứng đọc cho đến những suy nghĩ tiêu cực, những lo sợ vu vơ, những mối quan hệ không tốt,…Khi gạt bỏ những thứ đó qua một bên. tầm mắt của bạn sẽ mở rộng hơn, tâm trí cũng thông thoáng hơn để tập trung vào những thứ khiến chúng ta đáng quan tâm hơn, khiến chúng ta hạnh phúc hơn.

“Vượt lên những trào lưu ‘sớm nở, tối tàn’ khác, Chủ nghĩa tối giản có khả năng định hình phong cách sống, làm biến chuyển tư duy, nhân sinh quan và thế giới quan của con người, kiến tạo những thay đổi có tác động lâu dài và sâu sắc. Bởi vậy, nếu bạn muốn bắt đầu sống theo phong cách tối giản, hãy chuẩn bị tâm thế cho một cuộc ‘cách mạng’ lớn cả về thể chất lẫn tinh thần.”




Hiểu lầm thường gặp về Chủ nghĩa tối giản:

Chủ nghĩa tối giản là một khái niệm có thể là hơi xa lạ đối với nhiều người và khi mới nghe đến nó, chắc hẳn sẽ không ít những suy nghĩ lầm tưởng về cách sống này. Chẳng hạn như: “Chủ nghĩa tối giản chỉ dành cho những người giàu có? Giàu thì mới vứt bỏ đồ đạc của mình chứ? Như vậy thì lãng phí, phải tội. Chủ nghĩa tối giản chắc chỉ dành cho những người trẻ, phù hợp với bên Tây thôi? Sống như vậy thì đơn điệu, tẻ nhạt lắm? Ai cũng sống theo cái chủ nghĩa tối giản ấy, hạn chế mua sắm thì nền kinh tế đi xuống hết à?”. Những lầm tưởng ấy nghe thì tưởng chừng có lí nhưng nếu chúng ta thực sự quan tâm và tìm hiểu thì nó sẽ được hóa giải ngay thôi. Những phần sau của cuốn sách cũng sẽ phân tích sâu và cụ thể hơn sống theo Chủ nghĩa tối giản là như thế nào, chắc chắn bạn sẽ càng yêu mến phong cách sống này hơn thôi.

Tuy vậy, phong cách nào thì cũng có những ưu và nhược điểm của nó. Chủ nghĩa tối giản có thể làm cho cuộc sống của bạn bớt những điều không cần thiết, giúp bạn có lựa chọn dễ dàng hơn, có nhiều thời gian rảnh hơn nhưng nếu bạn chưa quen với lối sống này, chưa biết cách sắp xếp thời gian hợp lý thì thời gian rảnh đó bạn sẽ dễ sa đà vào việc sử dụng điện thoại, mạng xã hội,…Thêm nữa là bạn cũng khó giải thích cho người khác biết bạn đang sống theo phong cách này. Nhưng, cái gì thì cũng sẽ có cách khắc phục, đúng không?




Đồ đạc

Để bắt đầu lối sống tối giản thì chúng ta nên bắt đầu từ đồ đạc, từ không gian sống của chúng ta trước vì thay đổi cái hữu hình bao giờ cũng dễ dàng hơn. Khi đọc câu chuyện kể lại của tác giả và cả chính trải nghiệm của bản thân, tôi phải thừa nhận rằng: "Chỉ khi chuyển nhà, lôi hết đồ đạc ra ta mới biết là mình có nhiều đồ đạc như thế nào".

Trong năm đầu tiên học đại học, tôi chuyển nhà 2 lần và mỗi lần đóng gói đồ để chuyển tôi chỉ muốn để lại tất cả vì quá nhiều. Mặc dù tôi dọn dẹp thường xuyên và nhìn chung mọi thứ tưởng chừng không đến nỗi quá nhiều nhưng khi dọn nhà vẫn thấy nhiều vậy nhỉ? Và tác giả đã chỉ ra giúp tôi những lí do mà tôi nghĩ tất cả chúng ta cần phải biết:

1. Ngần ngại bỏ đi những món đồ có giá trị kỉ niệm.

2. Chần chừ với những món đồ có giá trị nhưng không còn phù hợp nữa.

3. Không nhìn thấy chúng nên quên luôn sự tồn tại của chúng.

4. Sắp xếp đồ đạc gọn gàng không có nghĩa với việc có ít đồ đạc.

5. Không biết đặt ưu tiên những cái mình cần lên trên những thứ mình muốn.

6. Thường xuyên cảm thấy “tiếc của” khi bỏ đi những đồ dù thừa thãi nhưng còn giá trị sử dụng.

Tác giả cũng đưa ra lời khuyên cho chúng ta trong việc tối giản hóa đồ đạc:

1. Dọn toàn bộ đồ đạc trong một lần duy nhất, thay vì dọn từng chút một mỗi lần.

2. Dọn đồ theo từng loại, không phải theo từng khu vực.

3. Ngừng việc “giấu” đồ đạc.

4. Tập trung vào yếu tố đơn giản.

Với câu hỏi đặt ra ở trên là: "Lối sống tối giản có gây ra sự lãng phí không?" thì nó hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Với những đồ đạc không dùng đến, bạn có thể mang đi tặng, quyên góp cho những người cần đến nó hoặc mang đến hội chợ trao đổi đồ cũ. Những đồ bạn dễ hỏng mà bạn chưa đụng đến lần nào đã vứt đi thì mới là lãng phí. Vậy nên cần cân nhắc và lên kế hoạch mua sắm, chỉ mua khi thực sự cần thiết và tính đến khả năng sẽ sử dụng đến nó.

Đơn giản hóa sự lựa chọn:

"Lựa chọn càng nhiều càng khiến ta dễ phân tâm, càng cần nhiều thời gian hơn để đưa ra một quyết định đơn giản". Do đó, không phải có nhiều lựa chọn thì mới là tốt. Chúng ta cần tập trung vào những lựa chọn lớn và có tính quan trọng với bản thân. Những lựa chọn đó thì thường gây băn khoăn, đắn đo cho ta không biết là đúng hay sai. Vào những lúc như vậy, chúng ta có thể:

- Bình tĩnh ngồi lại, nghiêm túc vạch ra điểm mạnh và yếu của từng lựa chọn.

- Hỏi ý kiến những người có kinh nghiệm

- Sử dụng trực cảm của mình để quyết định

Những ưu tiên trong cuộc sống còn có thể được chúng ta xác định qua Quy luật 80/20 hay còn gọi là Quy tắc Pareto. Quy luật này có thể được hiểu là: 80% output (đầu ra/thành quả/hậu quả) được tạo bởi 20% input (đầu vào/đóng góp/hành động). Tôi chưa từng nghe đến quy luật nên khi được cuốn sách giới thiệu liền cảm thấy rất hứng thú. Nó có thể giúp mình nên ưu tiên điều gì nhất trong cuộc sống, công việc gì nên làm gì trước trong ngày. Khi lên kế hoạch làm việc, bạn có thể cân nhắc xem: 20% công việc nào làm được trong số này sẽ cho 80% thành quả? Nếu trả lời được câu này thì bạn cũng sẽ xác định việc gì là quan trọng, cần phải làm trước tiên và đặt hết nỗ lực vào nó. Tương tự với đồ đạc, khi không biết nên giữ hay bỏ cái gì bạn nên ngồi xuống và nhìn lại xem 20% số đồ đạc nào mình sử dụng đến 80% thời gian trong năm, có 80% khả năng sẽ sử dụng đến nó.

Mặc dù quy luật này nghe rất thú vị và thấy cũng "có lý" nhưng tôi nghĩ nó cũng chỉ mang chất tương đối. Bạn nên áp dụng chúng tùy theo hoàn cảnh và không nên sử dụng một cách cứng nhắc.

Sống cho hiện tại:

Sự thực là trước giờ tôi có thiên hướng sống về quá khứ nhiều hơn. Tôi tiếc những kỉ niệm đẹp đã qua, tôi thích những thứ từng là huy hoàng trong quá khứ và hay có suy nghĩ: “Ngày xưa… nhưng bây giờ thì…”. Có những người lại sống theo cách: lao đầu vào làm việc, sống một cách vội vã, làm hết sức để mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng liệu sống vì tương lai có thực sự tốt không? Đôi khi bạn sẽ vô tình bỏ lỡ những chi tiết, những khoảnh khắc của hiện tại để rồi chính những thứ bạn đã đánh mất ấy lại thay đổi kết quả ở tương lai mà bạn mong muốn. Khi biết đến “Chủ nghĩa tối giản” và đọc cuốn sách này, tôi nhận ra rằng: “Sống vì hiện tại không phải là điều dễ dàng nhưng chỉ khi sống vì hiện tại, bạn mới biết mình đang sống thực sự.” Sống cho hiện tại và “Chủ nghĩa tối giản” tưởng chừng như không có mối liên quan nhưng thực chất là có. Khi bạn sống theo lối tối giản, bạn sẽ phải luôn suy nghĩ, cân nhắc xem nên giữ lại cái gì và bỏ cái gì, học cách lựa chọn những thứ ưu tiên. Cách đó giúp bạn biết chọn lọc hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn, đa chiều hơn. Quá trình tối giản là không có điểm kết thúc, bạn không thể bỏ hẳn một tủ quần áo, vứt những thứ linh tinh trong nhà là sống tối giản xong. Tối giản hóa là quá trình thường xuyên và liên tục, cuộc sống cũng vậy thôi. Khi bạn trải nghiệm lối sống này và thấy thú vị thì bạn cũng nên trải nghiệm cuộc sống này như thế. Quá khứ là cái đã qua, tương lai là thứ chưa đến. Cái đã qua thì hãy cho qua còn cái chưa tôi thì ta chưa có. Cái mà chúng ta đang có chính là hiện tại, vậy thì sao không tận hưởng hiện tại, tận hưởng những cái mình đang nắm trong tay đây?


Tư duy tích cực

Đây là phần mình thích nhất của cuốn sách.

“Nhìn cuộc đời dưới lăng kính của Chủ nghĩa tối giản, ta sẽ nhận ra cuộc sống quá ngắn ngủi và quý giá để dành nhiều thời gian, tâm trí vào những đồ vật vô tri vô giác, vào những việc vô nghĩa, vào những người vô cảm, hay vào quá khứ/ tương lai vô định. Nhưng tất cả sự nhận thức này đều bắt nguồn từ tư duy.”

Tư duy tích cực không có nghĩa là nhìn cuộc sống qua cặp kính màu hồng. Tôi nghĩ tư duy tích cực không phải là cứ nhìn vào mặt tốt của vấn đề là được, vì đôi khi đó chỉ là sự huyễn hoặc của bản thân và thực tế không đúng như ta nghĩ thì suy nghĩ của mình sẽ bị phản tác dụng rồi biến thành tiêu cực. Từ cuốn sách, tôi đã học được 5 điều hữu ích để có thể tư duy tích cực:

1. Đặt đúng mức kì vọng

Nếu đặt kì vọng vào bản thân mình, vào người khác quá thấp thì có nghĩa là bạn đang cảm thấy tự ti hoặc coi thường người đó. Nếu đặt kì vọng quá cao thì nếu kết quả thực tế không đạt được mức đã đề ra thì ta sẽ cảm thấy hụt hẫng, thất vọng. Cách tốt nhất để đặt đúng mức kì vọng chính là tùy chỉnh mức kì vọng tùy theo giai đoạn của quá trình làm việc hay trước những thử thách, cơ hội mới. Vào giai đoạn đầu, bạn có thể đặt kì vọng cao hơn một chút để lấy tinh thần, sự tự tin. Khi đến giữa quá trình cho đến kết thúc, bạn nên giảm bớt kì vọng để không chủ quan và đón nhận kết quả một cách bình thản nhất. Quan trọng là bạn phải biết trân trọng những gì mình đã thực hiện được. Vì mỗi bước chân bạn bước đểu ghi lại dấu chân và dù con đường bạn đi vẫn còn xa đích đến, có chút lạc lối nhưng bạn đã thực sự nỗ lực và học được nhiều bài học có ích.

2. Biết ơn những gì mình đang có.

Có thể bạn không biết nhưng bạn đang nắm trong tay những điều rất quý giá. Những điều quý giá ấy bạn có thể góp nhặt hằng ngày, trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đôi khi chỉ một nụ cười của người lạ hay một em bé đang ngân nga hát trên đường về nhà thôi cũng có thể khiến bạn xua tan đi mọi mệt mỏi, những gì không vui trong một ngày làm việc dài. Khi thấy biết ơn một điều gì đó, bạn có thể viết lại vào nhật kí hoặc chia sẻ với người khác. Mỗi ngày ghi nhớ và nhắc lại về những điều mình cảm thấy biết ơn, bạn sẽ thấy trân trọng cuộc sống này hơn, thấy mình vui và hạnh phúc hơn.

3. Ngừng so sánh bản thân và ngừng ghen tị với người khác.

Mỗi lần lên mạng xã hội, thấy các bạn đi làm, đi du học, đạt được thành tích tốt, là lại thấy mình kém cỏi lắm. Nhưng cuốn sách này đã chỉ ra cho tôi rằng, những gì chúng ta thấy trên mạng xã hội chỉ là một phần bề nổi trong cuộc sống của họ. Ai cũng muốn "show" cho mọi người biết mặt tốt đẹp, hạnh phúc của mình nhưng những khó khăn, những điều không tốt của họ thì ít khi được chia sẻ. Chúng ta đều có những mặt tốt đẹp và hạnh phúc riêng mình, hãy nên trân trọng chúng và đừng so sánh bản thân mình với người khác để thấy bản thân mình tốt đẹp hơn còn họ thì không. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, có thể bạn có những thứ mà họ không có và bạn hoàn toàn có thể sống một cuộc đời vui vẻ mà không cần phải quá xuất chúng. Nếu cảm thấy những người theo dõi trên mạng xã hội càng khiến mình thấy tự ti hơn thì tốt nhất là hãy bỏ theo dõi họ mà thay vào đó là theo dõi những người truyền cảm hứng, nguồn động viên đến bạn hơn.

4. Tập trung vào những thứ ta có thể kiểm soát.

Không ai có thể kiểm soát tất cả mọi thứ, trừ khi ta là đấng quyền năng, Chúa tái thế hay Tôn Ngộ Không có thêm 49 phép biến hóa. Chúng ta cũng không thể làm cho tất cả mọi người đều thích mình, nghĩ tốt về mình được. Vậy nên cứ là chính mình thôi, cố gắng để bản thân hoàn thiện hơn chứ không phải trở thành một người hoàn hảo một cách gượng ép.

5. Gửi bên ngoài nguồn năng lực tích cực.

Cách thứ nhất là cư xử một cách dễ chịu với mọi người. Đó không phải là kiểu lúc trước thì cười, lúc sau thì thái độ khác hẳn đâu mà là kiểm soát cảm xúc của mình, đừng gieo sự giận dữ của mình lên người khác và suy nghĩ kĩ trước khi nói. Cách thứ hai là "tỏa đi dòng nước trong, gạt đi dòng nước đục". Nếu thấy những thứ xung quanh mình toàn điều tiêu cực như tin tức xấu, những người bạn, người quen không giúp mình thấy khá hơn,...thì đừng bận tâm quá nhiều đến họ. Tôi đã unfollow nhiều page giải trí dù là có nhiều lượt thích, có nhiều video clip hài hước nhưng cũng có những cái mang người ta ra làm trò đùa, chỉ lấy một đoạn của sự việc rồi chế lung tung và ở dưới là rất nhiều bình luận tục tĩu, tiêu cực. Gạt bỏ đi những điều tiêu cực trong cuộc sống và chia sẻ những điều tích cực bạn sẽ thấy tâm trí mình nhẹ nhõm, vui vẻ hơn để tiếp tục đón nhận những niềm vui, thứ có ích khác.

Hành động

Chủ nghĩa tối giản buộc ta phải đối diện với bản thân và thành thật hơn với chính mình. Mọi sự thay đổi lớn hay nhỏ thì đều nên được xuất phát từ chính bản thân mình, tại chính thời điểm này. Lời khuyên dành cho sự bắt đầu từ cá nhân của cuốn sách đó là: Biết trân trọng, yêu thương bản thân mình hơn, nuôi dưỡng “cái tôi” của mình thật khỏe mạnh bằng các cách như: viết ra những suy nghĩ, tâm tư của mình để giải tỏa cảm xúc; tập thở và tập thiền; rèn luyện sức khỏe; dậy sớm mỗi ngày để cảm nhận được vẻ đẹp bình yên và trong lành mỗi sáng sớm, dành thời gian cho những công việc nhỏ chăm sóc cuộc sống mình thêm đẹp hơn.

Một điều nữa để có thể bắt đầu và duy trì phong cách sống tối giản đó là bạn cần phải có một tư duy linh hoạt. Điều này cho phép bạn cảm thấy sẵn sàng thay đổi những thói quen không phù hợp để tối giản hóa và tối ưu hóa hơn nữa cuộc sống hiện tại. Chính điều này đã khiến Chủ nghĩa tối giản là một cách sống hiện đại, một xu hướng mới sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian này và cả trong tương lai.


Kết luận:

Đây là cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản đầu tiên và đến nay có lẽ là duy nhất tôi từng đọc và tôi nghĩ nó đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình là cung cấp một cách tương đối khái quát về cách sống này. Không nặng về lý thuyết, không hàn lâm, hoàn toàn dễ đọc, dễ hiểu và rất gần gũi với người đọc. Cuốn sách không vạch đường chỉ lối cho người đọc sống theo Chủ nghĩa tối giản là phải làm như thế này hay như thế kia mà chỉ hướng dẫn, gợi ý theo những trải nghiệm mà chính tác giả đã trải qua và thấy có hiệu quả. Tôi mong những chia sẻ của mình sẽ giúp các bạn nắm được phần nào nội dung và cảm thấy hứng thú và tò mò về cuốn sách. Khi cầm cuốn sách trên tay, đọc và thử liên hệ với cuộc sống hiện tại của mình các bạn sẽ biết được lối sống tối giản có thật sự phù hợp với mình không. Tôi dám chắc nó sẽ không khiến bạn cảm thấy thất vọng đâu.

Tác giả: Tuyết Ngân - Bookademy

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,244 lượt xem