Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách "Giáo Dục Não Phải- Tương Lai Cho Con Bạn"- Tương Lai Của Một Dân Tộc Thông Minh

Là một giáo viên tiểu học, từ lâu tôi đã nghe đến cụm từ: “Não trái – Não phải” (có thể bạn cũng đã từng nghe). Nhưng do quá bận rộn, tôi ít khi dành thời gian đọc sách. Tôi chỉ tình cờ biết đến cuốn GIÁO DỤC NÃO PHẢI – TƯƠNG LAI CHO CON BẠN của tác giả GS. Makoto Shichida qua một thầy giáo đồng nghiệp. Khi kể chuyện với thầy rằng, tôi thu hút được hầu hết các học sinh vào bài giảng của mình, nhưng có mấy thành phần cá biệt tôi không có cách nào khiến chúng ngoan hơn, và đương nhiên là không thể cải thiện kết quả học tập của chúng. Thầy cho tôi xem một video clip dài hơn 10 phút nói về sự khác biệt giữa tư duy não trái và tư duy não phải. Thầy khẳng định, không có học sinh nào dốt, không có học sinh nào kém, cũng không có học sinh hư, chỉ là người thầy giáo chưa tìm ra đúng phương pháp để tiếp cận và truyền đạt cho học trò hiểu được thôi. Nói đến đây, thầy cũng đồng thời rút trong cặp ra cuốn sách Giáo dục não phải – tương lai cho con bạn. Bìa sách được bọc dán băng dính rất cẩn thận và còn rất mới. Thầy bảo thầy đọc để áp dụng cho học sinh và dạy con trai của thầy, biết đâu lại hữu ích với tôi.

Tôi tranh thủ giờ chuyển tiết mỗi ngày đọc một chút, và bị cuốn vào nó một cách tự nhiên.Tôi bắt đầu chú ý đến đoạn định nghĩa về “giáo dục” ở chương 1: Giáo dục là “dạy dỗ kiến thức và kĩ năng”. Tuy nhiên, nghĩ gốc Latin của “giáo dục” là “ đánh thức những khả năng bẩm sinh”. Thông qua giáo dục, cha mẹ và thầy cô có trách nhiệm phát hiện những năng lực tiềm ẩn của trẻ và phát triển những năng lực này tới mức cao nhất có thể. Tôi chợt giật mình với nền giáo dục hiện nay, sự đánh giá tập trung ở các bài kiểm tra, học sinh được khuyến khích đạt được điểm cao hơn các bạn của mình. Dường như nên giáo dục đang đề cao thành tích của các trường học, bao nhiêu em học sinh giỏi tỉnh, huyện, trường; bao nhiêu em đỗ vào các trường cấp 2, cấp 3, đại học danh giá,…


“Nền tảng thiết yếu của quá trình dạy dỗ con là ba mẹ giúp con cảm nhận được tình yêu thương của ba mẹ dành cho mình. Tình yêu của ba mẹ làm cho con phát triển nhiều mặt. Thiếu đi tình yêu, những khả năng tiềm ẩn của con người không thể bộc lộ và phát triển”. Đọc đến đây, tự vấn lại bản thân mình trên cương vị một người giáo viên, những em học sinh cá biệt, tự kỷ đó đã nhận được tình yêu thương của tôi chưa? tôi đã thực sự dành thời gian để nói chuyện với các em chưa? Hay là chỉ quát các em trật tự, nếu không sẽ bị điểm kém hoặc đứng góc lớp. Tôi cho rằng như thế là tôi đã nhân nhượng với các em rất nhiều, vì các thầy cô khác còn đánh các em thường xuyên vì các em liên tục phá phách.

Các bà mẹ thường giao tiếp với con qua chỉ thị, những lời từ chối hoặc mệnh lệnh về những việc con làm. Hãy chuyển nhưng từ ngữ này sang những gợi ý, ghi nhận và góp ý yêu thương “ Hãy đi làm về sớm để đóng những chiếc giá lên. Sau đó, tưới hoa trước sân!” Bạn có sai khiến con bạn như thế không? Thay vào đó, bạn nên hỏi “Con có thể giúp mẹ đóng chiếc giá lên. Thật là tuyệt nếu con còn có thể tưới hoa trước sân nữa!”.  Với con gái mình hay những học sinh khác, tôi luôn nhẹ nhàng quan tâm đến các em, nhưng tôi không đủ thời gian để vừa dạy học vừa phải để tâm đến học sinh hư, cá biệt, tự kỉ nên tôi thường lờ đi hoặc mắng các em để các em trật tự, nhưng kết quả thất bại thảm hại….

Trích đoạn chương 3 “ Hầu hết các trẻ bị điểm kém thường có trí nhớ ngôn ngữ não trái không tốt, vì vậy không thể nhớ được những gì đã học. Các em vốn có trí nhỡ não phải tốt, nhưng do thường chỉ sử dụng não trái, nên chưa phát huy được năng lực trí nhớ bẩm sinh tuyệt vời của não phải”. Tôi thấy điều này đúng với hai học sinh tự kỉ và tăng động của mình. Các em rất mất tập trung nhưng khi tôi bật nhạc cho nghe và dạy nhẩy, các em lại hào hứng tham gia và nán lại rất lâu sau đó mới chạy đi chỗ khác.


Lược bỏ đi một số những phương pháp không phù hợp, tôi bắt đầu thử áp dụng cho học sinh của mình.Đầu tiên, tôi thay đổi phương pháp dạy toán khô khan thông thường thành những bài toán có sự liên tưởng đến hình ảnh thực tế như bài học về góc vuông, góc nhọn, góc tù, góc bẹt. Tôi cho học sinh xem hình ảnh một người tập yoga với nhiều tư thế khác nhau, từ đó tạo thành những góc hình mới cho học sinh liên tưởng; Hoặc tổ chức lớp học theo nhóm, nhóm nào tìm được nhiều ví dụ thực tế trong lớp học minh hoạ những góc hình đã học thì nhóm đó chiến thắng, nhờ đó lớp học như chơi mà vẫn hiểu bài. Những bài toán về thời gian nhanh chậm, tôi vẽ sơ đồ thông thường kèm theo hình ảnh rùa và thỏ minh hoạ. Kết quả là học sinh yếu kém đã có tiến bộ hơn về khả năng ghi nhớ thông tin, khiến tôi bất ngờ khi kiểm tra bài cũ, các em đã nêu bật ra ngay công thức.

Với môn tập đọc, tôi yêu cầu các em đọc đến đâu thì hình dung ra hình ảnh tương ứng đến đó. Sau khi kết thúc một đoạn văn, tôi yêu cầu các em dừng lại và nói cho tôi biết “bức tranh tưởng tượng” của các em gồm các hình ảnh nào rồi. Các em rất hào hứng và còn biết bổ sung cho nhau để “bức tranh” thêm sống động, khác hẳn việc trước đây học kiểu trả bài, học để được điểm cao. Tôi nói sẽ cộng điểm cho “bức tranh” của bạn nào “đẹp” nhất, nên các em tập trung tối đa để vừa đọc vừa “vẽ tranh”, nhờ đó lớp học rất vui. Lý do tại sao các bé đều trả lời đúng trong trò chơi trực giác là vì các bé có thể nhìn thấy bức tranh hoặc biểu đồ dưới dạng hình ảnh. Năng lực tưởng tượng ở trẻ có thể được phát triển thông qua các trò chơi trực giác, luyện tập tưởng tượng hình ảnh, luyện tập lưu giữ dư ảnh và những phương pháp rèn luyện trí nhớ não phải khác

Khi năng lực tưởng tượng hình ảnh được phát triển, bạn sẽ bắt đầu cộng hưởng với kho kí ức của vũ trụ rộng lớn. Vũ trụ này ngập tràn thông tin dưới dạng chuyển động sóng. Năng lực siêu nhiên (PSI) nằm trong não phải chính là năng lực sử dụng những thông tin của vũ trụ. Vùng đất hứa hẹn nhất chứa đựng những tài năng chưa được khám phá của con người chính là nhằm sử dụng những thông tin PSI này.

Với học sinh cá biệt, tôi gọi phát biểu nhiều hơn, tặng tranh tô màu kèm những lời nói yêu thương. Tôi dành thời gian hỏi những người bạn cùng lớp bạn cá biệt đó, để tìm hiểu nguyên nhân tại sao cô cậu bé đấy lại có những hành vi nổi loạn. Bạn thì bố mẹ bỏ nhau, bạn thì bố chửi mắng,…Tôi thương cảm và có thể ngồi nói chuyện và chia sẻ với các em hết giờ giải lao. Tôi vô cùng bất ngờ với những gì mình nhận được. Các em học sinh tự kỷ thì chăm chú vào những tiết học nhảy ngoại khoá của tôi. Học sinh cá biệt đã ngoan hơn, tập trung hơn, và cười rất tươi khi thấy tôi bước vào lớp. Đặc biệt là cậu bé Quân – học sinh lớp 3, rất ngỗ ngược, ngang tàng, chửi thầy đánh bạn, thường xuyên bị thầy cô giáo đánh, đã thay đổi thái độ với tôi và rất tập trung viết khi tôi giao bài tập nào đó.

Với những gì đã áp dụng và những thay đổi rõ rệt từ chính bản thân và học sinh của mình. Rõ ràng,thế giới của não trái là thế giới của sự cạnh tranh, đối đầu, ngờ vực, ghen tị và nói xấu sau lưng. Việc không xem trọng hạnh phúc của người khác, muốn giỏi hơn người hoặc nuôi dưỡng ý nghĩ thích đặt bản thân cao hơn mọi người là những cảm xúc đi ngược với nền tảng tinh thần của não phải – thế giới của hoà bình, yêu thương và sự hoà hợp. Chỉ khi biết rộng mở trái tim mình để hoà làm một với sự vật xung quanh, chúng ta mới có thể hoà hợp để cộng hưởng và tiếp nhận thông tin từ sự vật này.

Nghề giáo cho tôi được tiếp xúc hàng ngày với con trẻ và hiểu một phần những gì đang diễn ra trong tâm trí các em. Các em cần được tác động và hướng dẫn để phát huy năng lực tâm trí thay vì bác bỏ những cá tính riêng khác biệt. Tựa đề của cuốn sách này là Giáo Dục Não Phải – Tương lai cho con bạn và tôi nghĩ là không chỉ cho tương lai của con bạn, nó có thể là tương lai của xã hội hay có thể là tương lai của một dân tộc thông minh. Tôi mong cuốn sách có thể đến được với tất cả những người đã, đang và sắp làm nghề giáo dục cùng những bà mẹ có con cái đang độ tuổi đi học.

Cuốn sách đề cập những vấn đề rất cơ bản, đã được chấp bút bởi Giáo sư Makoto Shichida người Nhật Bản. Nhưng cái cách ông chỉ dạy cho thay đổi nhận thức và thực hành về giáo dục bỗng nhiên trở nên thật cần thiết cho xã hội Việt Nam bây giờ. Hi vọng trong tương lai sẽ cho phép trẻ suy nghĩ sâu sắc về cái tôi của mình, cuộc đời, bản chất đích thực của vũ trụ và ý nghĩa cuộc đời, hơn là chỉ học về kiến thức và sự kiện và đánh giá năng lực dựa trên số điểm của những kì thi.

 P/s: Nếu bạn là một người mẹ, một người thầy, bạn quan tâm đến Giáo dục sớm ở trẻ em cũng như những phương pháp giáo dục đúng đắn, tôi có hai tài liệu rất hữu ích muốn gửi tặng các bạn. Một là tài liệu của chị Phan Hồ Điệp đã chia sẻ cách chị “đánh thức tiềm năng” cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam, trở thành một cậu bé không chỉ giỏi về mặt tư duy mà còn cực kì sâu sắc tình cảm do sự phát triển đồng đều ở cả hai bán cầu não. Hai là cuốn sách file pdf Phương pháp giáo dục con của người Do Thái – một trong những cuốn sách tiêu biểu cho phương pháp giáo dục trẻ trên toàn thế giới. Cuốn sách chia sẻ về những phương pháp và dẫn chứng thực tế thể hiện trí tuệ tuyệt vời trong cách giáo dục con của người Do Thái – dân tộc được đánh giá là thông minh nhất thế giới.


Nguồn: Sachdenroi


----------

 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

  

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,727 lượt xem