Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Review Sách “Cửa Tiệm Thời Gian”: Mua Thời Gian, Bán Ký Ức

Cửa Tiệm Thời Gian của tác giả Lee Na Young không chỉ là một cuốn sách dành cho thiếu nhi mà còn dành cho bậc làm cha làm mẹ những người luôn mong muốn con học hành chăm chỉ nhưng đôi khi quên mất rằng kỳ vọng của mình đặt lên con lại trở thành áp lực không nhỏ. Cốt truyện hơi hướng kì ảo nhưng lại phản ánh một cách chân thực hiện thực cuộc sống ngày nay.

Nhân vật chính của câu chuyện là cô bé Yoon Ah học lớp 5. Cha mất sớm, cô bé sống cùng với mẹ, một người chấp nhận cuộc sống vất vả, làm việc ngày đêm để mong muốn con mình sau này có cuộc sống tốt hơn mình. Cũng chính vì mong muốn ấy mà bà chuyển nhà cho hai mẹ con đến “khu phố học tập”, làm việc đến tối mịt để kiếm tiền cho con học ở những trung tâm tốt nhất, thuê gia sư để dạy kèm cho con. Thời gian biểu kín mít đến nỗi không có thời gian để thở, bài tập chất đống cùng với việc ôn thi khiến Yoon Ah vô cùng mệt mỏi. Tờ rơi về cửa tiệm thời gian: “BẠN CẦN THỜI GIAN? CHÚNG TÔI CUNG CẤP THỜI GIAN CHO NGƯỜI THIẾU THỜI GIAN” không khỏi khiến cho Yoon Ah tò mò khi mình đang sắp muộn buổi học thêm tiếng Anh sắp tới. Người ta thường nói “Thời gian là vàng” nhưng cái giá phải trả cho mỗi lần mua thời gian là kí ức khiến cô bé cảm thấy hạnh phúc. Và từ đây, những vụ “giao dịch” với cửa tiệm thời gian cùng với những đánh đổi vừa thú vị vừa tội lỗi với cô bé Yoon Ah.

Khi mỗi đứa trẻ là một sản phẩm của công nghiệp giáo dục

Lần đầu tiên đọc cuốn sách này là khi mình đang học kì 2 năm lớp 11 và thấy cuộc sống của mình khi đó khá giống với cô bé Yoon Ah trong câu chuyện. Mình nghĩ rằng có rất nhiều em nhiều bạn cũng phải trải qua những ngày phải học từ 7h sáng đến tận 10h đêm mới về tới nhà, về tới nhà chỉ được nghỉ một lát là lại tiếp tục làm bài về nhà, luyện đề ôn thi. Mình không học thêm mà chỉ học chính khóa và buổi ôn tập ở trên lớp thôi nhưng số lượng bài tập và đề ôn cũng đủ để khiến mình ngồi ở bàn học suốt ngày rồi. Em họ mình đến chơi còn phải thốt lên rằng lúc nào đến cũng thấy mình đang ngồi ở bàn học. Do đó khi đọc cuốn này mình thấy đồng cảm và ngỡ như tác giả viết dành riêng cho mình vậy.

Ở lớp học thêm, chúng tôi còn ôn tập nhiều hơn ở trường. Ngày nào cũng làm bài kiểm tra. Nếu điểm kém sẽ bị giao thêm rất nhiều bài tập. Bởi vậy ngay cả ở trường cũng phải tranh thủ, hễ có thời gian rảnh là lại lôi bài tập lớp học thêm ra làm. Đương nhiên không phải ai cũng đặt nặng cuộc thi này. Chỉ những học sinh học nhỉnh hơn một chút mới chăm chỉ ôn luyện. Những đứa ấy cũng như tôi, giờ nghỉ hay giờ ăn trưa đều chúi mũi xuống bàn hí hoáy giải bài trong quyển luyện đề.

Tôi mệt mỏi đến độ còn nảy ra ý nghĩ, nếu làm hết bài tập được giao như lời cô giáo ở lớp học thêm Toán, liệu có khi nào cạn sức mà quỵ thật không. Mẹ thì lúc nào cũng ra rả cố gắng thêm chút nữa, thêm một chút nữa thôi, nhưng tôi lấy làm nghi ngờ sự tồn tại của điểm kết thúc ấy.


Dù đọc cuốn sách này cách đây đã hơn 2 năm nhưng khi mỗi lần đọc lại mình lại cảm thấy đồng cảm với nhân vật trong câu chuyện rồi lại thấy hào hứng với những chi tiết, sự việc sẽ diễn ra. Không ít lần mình mong muốn một ngày có hơn 24 tiếng để vừa đi học, vừa làm việc nhà, vừa giải quyết nốt những bài tập sắp đến hạn. Mình cảm thấy ghen tị và bất bình cho những người luôn tỏ vẻ thảnh thơi và dành thời gian cho game hay đi chơi, lướt web. Những ngày học từ sáng đến tối, điều mình muốn nhất lúc đó là được một ngày ngủ nướng và cả tuần chỉ có chủ nhật để nghỉ ngơi nhưng cũng dành để làm bài tập nốt. Nên đặt mình vào hoàn cảnh của cô bé Yoon Ah rất cần thời gian để hoàn thành những việc quan trọng, chúng ta khó có thể từ chối một lời trao đổi mua bán thời gian hấp dẫn.

“Cách mua thời gian rất đơn giản. Cháu chỉ cần nhớ đến ký ức hạnh phúc và ấn vào cái nút này là được. Sau khi ấn nút, kim đồng hồ sẽ bắt đầu chạy và ngoại trừ cháu ra, thời gian của vạn vật đều sẽ ngừng lại. Khi kim quay hết một vòng và dừng lại ở vị trí ban đầu, cũng có nghĩa là mười phút đã trôi qua. Mọi thứ sẽ lại bắt đầu chuyển động. Mỗi ngày chỉ được mua thời gian duy nhất một lần, điều này cháu cũng nhất định phải ghi nhớ đấy.”

Khi kỳ vọng là những áp lực vô hình

Mẹ của Yoon Ah thực sự rất thương con khi chỉ muốn con học hành tốt để sau này có thể vào được trường đại học tốt và có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng bà không nghĩ rằng những kì vọng của mình lại trở thành áp lực cho con cái. Một điều mình thấy mẹ Yoon Ah đã sai đó là tạo nên lòng đố kị và sự ganh đua trong lòng con mình. Bà luôn muốn con gái mình phải vượt qua được Soo Young, cô bé thường xuyên đứng đầu trường. Mỗi lần Yoon Ah thông báo kết quả thi thì bà luôn hỏi kết quả của những bạn khác, đặc biệt là Soo Young để so sánh và lấy đó để khuyến khích con cố gắng hơn. Chính điều đó khiến Yoon Ah tự ti về bản thân mình và trong tâm trí chỉ nghĩ đến việc đạt kết quả cao hơn cô bạn kia để mẹ vừa lòng.


 Áp lực đó khiến Yoon Ah bất chấp tất cả để dành được kết quả cao, kể cả việc mua thời gian để chép bài của bạn. Dù cảm thấy tội lỗi nhưng mỗi lần như thế, kết quả bài thi của cô bé cao hơn, thậm chí là đứng đầu trường, đứng đầu trung tâm. Kết quả càng cao, cô bé càng lún sâu vào việc mua thời gian để gian lận. Liệu rằng những kết quả ấy có thể cho mẹ cô bé vui nhưng liệu có khiến cô bé vui không? Điểm thi cao nhưng đã đủ hay chưa hay những bậc cha mẹ vẫn muốn con mình phải đạt điểm tuyệt đối, đứng đầu mới hài lòng? Không chỉ riêng Hàn Quốc mà các nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam, gánh nặng học hành đang đè nặng lên những thế hệ học sinh, gánh nặng đó của xã hội mà chính bố mẹ là những người đầu tiên. Hiếm phụ huynh nào thích con thoải mái vui chơi hơn là chăm chỉ học hành, lấy con nhà người ta so sánh với con mình. Những việc làm ấy tuy rằng xuất phát từ tình yêu thương con, muốn con học hành giỏi giang sau này mới có công việc tốt, cuộc sống tốt nhưng họ lại không nhận ra rằng mình đang tạo áp lực cho con và có thể khiến con mình chán ghét học tập hơn.

Mắt tôi nhìn như đóng đinh vào ba chữ “thời gian biểu”. Tôi thấy lo lo. Có vẻ mẹ đang coi tôi là một trong những khách hàng mẹ phải quản lý. Mẹ đã lên kế hoạch cho từng ngày của tôi. Hôm nay sẽ áp dụng thời gian biểu cho tháng Mười một và Mười hai. Đầu tháng Mười một tôi sẽ có kỳ thi năng lực tiếng Anh, còn tháng Mười hai là thi cuối kỳ. Từ giờ đến lúc thi, mỗi ngày của tôi đều được lên lịch theo đơn vị ba mươi phút.

Những ký ức không thể nào nhớ nổi

Để mua được thời gian, thứ mà cô bé Yoon Ah cần phải đánh đổi chính là những ký ức khiến cô bé thực sự hạnh phúc. Cô bé nhớ về những ngày cha còn sống, những kỷ niệm buồn vui bên người bạn thân Da Hyun hay những ngày sống hạnh phúc bên bà. Nhưng những ký ức cứ dần dần biến mất khi cô bé cần thời gian. Để có được 10 phút thì những ký ức ấy biến mất có đáng không khi 10 phút mà cô bé dành chỉ để thỏa mãn kỳ vọng điểm cao của mẹ đến nỗi bất chấp việc gian lận và chơi xấu bạn mình vì đố kỵ. Dần dần, Yoon Ah cảm thấy trong mình trống rỗng và chẳng được vui vẻ nữa. Dù ở bên cạnh bạn thân nhưng cô bé cảm thấy như người xa lạ, những kỷ niệm về cha về bạn bè cũng là một cái gì đó rất mơ hồ. Một chi tiết rất hay trong câu chuyện đó là khi cô bé cần phải nghĩ đến một ký ức hạnh phúc để mua thời gian, Yoon Ah đã nghĩ về lúc mình vượt qua Soo Young để đứng thứ nhất toàn trường nhưng chiếc đồng hồ lại không hoạt động. Điều đó cho thấy đó không phải là niềm hạnh phúc thực sự của cô bé, niềm vui khi đó chỉ là sự đắc thắng của cô bé khi thực hiện được mong muốn của mẹ mà thôi.


 Mình rất thích cách xây dựng cốt truyện của tác giả khi cho thứ đánh đổi để mua được thời gian là ký ức hạnh phúc. Chúng ta hằng ngày mải mê học tập, làm việc để theo đuổi một tương lai sáng ngời nào đó ở trước mắt mà đánh mất đi những thời khắc hạnh phúc của hiện tại. Những ký ức tuy thuộc về quá khứ nhưng đó cũng là động lực, niềm vui mình tìm đến khi mình cảm thấy cuộc sống đang quá khó khăn. Chúng ta đánh mất ký ức là cũng đánh mất đi cuộc đời của mình, rồi dần dần cũng chỉ trở thành một cái máy làm việc vô hồn và thực dụng. Chúng ta bán công sức, thời gian của mình nhưng chúng ta đã từng nghĩ mình làm những điều đó để có được niềm vui cho mình hay chỉ là niềm vui cho người khác thôi? Mình rất muốn cô bé Yoon Ah hay bao nhiêu cô cậu học sinh khác đang vật lộn với bài tập, lịch học kín mít và kỳ vọng quá cao của bố mẹ nói lên suy nghĩ và cảm xúc của mình để bố mẹ hiểu, thay đổi cách quan tâm dành cho con mình.

Kết luận:

Cửa Tiệm Thời Gian là cuốn sách mình rất muốn những bạn đang là học sinh và cả những bậc phụ huynh đọc. Nó không chỉ cho ta thấy hiện thực về một xã hội đang đè nặng áp lực học hành lên con trẻ mà còn thức tỉnh những người quá mải miết chạy theo guồng quay cuộc sống mà quên đi mất những thời khắc vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc đời. Thời gian là thứ vô hình nhưng hạnh phúc là thứ có thể thấy trước mắt, chỉ một ánh mắt ngời lên niềm vui sướng hay một nụ cười tươi cũng sẽ trở thành ký ức tươi đẹp in dấu trong tâm trí mỗi người, để rồi sau này nó là niềm an ủi, là thứ tưới mát tâm hồn ta.


Tác giả: Tuyết Ngân - Bookademy

Deal mua sách này giá tốt hiện tại: https://goo.gl/NU6MsK

-----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

956 lượt xem