Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Review Sách] “Bí Quyết Để Có Việc Làm Sau Khi Tốt Nghiệp Đại Học”: Chiến Thuật Marketing Để Biến Bằng Cấp Thành Tiền

Trong khi nhiều giáo sư cung cấp cho sinh viên những thông tin liên hệ của các nhà tuyển dụng thì tiến sĩ Larry Chiagouris lại chọn cách hướng nghiệp cho sinh viên. Thông qua Bí quyết để có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học, ông xây dựng những mối liên hệ cá nhân với sinh viên, xem xét các điểm mạnh và điểm yếu của họ, thấu hiểu những đam mê cũng như khát vọng về tương lai của họ và sau đó hướng dẫn họ bắt đầu con đường sự nghiệp phù hợp nhất với năng lực của từng người.

Chủ đề hướng nghiệp chưa bao giờ hết nóng. Sự thay đổi chóng mặt của thị trường lao động đòi hỏi những con người sắp đặt chân vào đó cần phải chuẩn bị cho mình hành trang thật tốt để có thể chiến thắng được các “đối thủ cạnh tranh” trong mắt nhà tuyển dụng. Đó là nền tảng cho sự ra đời của các khóa học, các buổi diễn thuyết, các cuốn sách,..., về chủ đề định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Sẽ có rất nhiều tư liệu về chủ đề định hướng nghề nghiệp, được thực hiện bởi rất nhiều tác giả. Bởi vậy, độc giả và thính giả sẽ phải chọn lọc thật kỹ để tìm cho mình một nguồn tài liệu vừa đáng tin cậy, vừa phù hợp với hoàn cảnh của mình bởi dẫu sao, một tư liệu trình bày về chủ đề hướng nghiệp vẫn mang trong đó “màu sắc” chủ quan của tác giả tư liệu đó, dù là ở một mức độ nhất định. 

Lời khuyên đưa ra là, khi tìm kiếm một cuốn sách định hướng nghề nghiệp, đầu tiên bạn nên tìm hiểu xem tác giả của cuốn sách đó là ai.

Tiến sĩ Larry Chiagouris

Với sinh viên Việt Nam chúng ta, cái tên Larry Chiagouris có thể vẫn còn xa lạ, nhưng thực tế, tầm ảnh hưởng của ông có thể được đo đếm ở phạm vi toàn cầu.

Tiến sĩ Larry Chiagouris được giới truyền thông tôn vinh là “Chuyên gia sáng tạo thương hiệu”, “Chuyên gia tiếp thị chiến lược All – Star” và “Chuyên gia phân tích hành vi người tiêu dùng”. Ý kiến của ông xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông lớn như Today Show, Fox News, trên tờ thời báo The Wall Street Journal,.... Tiến sĩ Chiagouris đã giảng dạy cho hàng ngàn sinh viên và giám đốc điều hành suốt hơn 25 năm qua trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo.

Ông là tác giả của hơn 50 bài báo và đầu sách nổi tiếng, và Bí quyết để có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học là một trong số đó.

Chiến thuật marketing để biến bằng cấp thành tiền

Nhiều người không nhận thấy rằng cuộc sống sinh viên đã kết thúc sau khi tốt nghiệp. Họ quên mất rằng mỗi phút mỗi giây có giá trị như thế nào.

Bí quyết để có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học được Tiến sĩ Chiagouris viết ra nhằm mục tiêu trả lời nhanh tất cả những câu hỏi về tìm kiếm việc làm mà sinh viên mới tốt nghiệp thường xuyên đặt ra. Ông biết rằng sinh viên mới tốt nghiệp không có nhiều thời gian rỗi. Họ bận bịu bởi nhiều lý do và nhiều người trong số đó đang vật lộn với những cơ hội việc làm.

Cuốn sách sẽ giúp các bạn sinh viên mới tốt nghiệp có thể xây dựng cho riêng mình một chiến thuật marketing hợp lý nhằm ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Đó là một chiến thuật được thực hiện thông qua bốn bước.

Săn việc: Nhận biết cơ hội tốt nhất

Các bạn sinh viên cần biết phát triển thương hiệu cá nhân của mình. Những nhà tiếp thị thành công thường có những đánh giá sâu sắc về sản phẩm hay thương hiệu mà họ đang chào bán. Vậy một sinh viên mới ra trường sẽ “rao bán” cái gì với nhà tuyển dụng? Đó chính là năng lực của bản thân mình, là sức lao động bạn ấy có. Nhà tuyển dụng thường sẽ dành sự quan tâm của mình đặc biệt cho những người tiếp thị bản thân mình tốt. Thương hiệu thể hiện chất lượng sản phẩm tới khách hàng tiềm năng. Bởi vậy, phát triển thương hiệu bản thân cũng là một trong các kỹ năng tiếp thị có thể áp dụng cho các bạn sinh viên khi bước vào thị trường việc làm.

Sinh viên cần phải tập trung theo đuổi những cơ hội mà họ đã lựa chọn. Một khi đã đưa ra bài phát biểu quảng bá, cậu ấy cần tập trung theo đuổi những cơ hội. Không có số lượng cơ hội nào được ấn định trước. Nếu như cậu ấy không có khả năng lựa chọn, bao gồm cả những cơ hội việc làm, thì cậu sẽ phí phạm rất nhiều thời gian và cảm thấy nhụt chí khi thấy mình không nhận được cuộc gọi nào.

Các bạn sinh viên cần xác định những ngành nghề tiềm năng phù hợp. Nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp thường nghĩ rằng họ có nhiều hạn chế, nhưng trên thực tế không phải vậy. Họ thường hạn chế bản thân chỉ với những cơ hội nghề nghiệp thích hợp với chuyên ngành của họ. Các bạn sinh viên không nên thu hẹp những cơ hội mà mình quan tâm.

Sau khi đã xác định được danh sách ngành nghề tiềm năng, sinh viên cần phải xác định thị trường tiềm năng. Có nhiều cách để thực hiện việc này. Phòng giới thiệu việc làm ở trường là ưu tiên số một, những nhân viên ở đó sẽ giúp các bạn sinh viên tập trung vào những công việc phù hợp nhất với sở thích, kỹ năng và kinh nghiệm của bạn ấy. Cố vấn nghề nghiệp cũng là một địa chỉ tin cậy. Họ thường là những giảng viên hiểu biết, họ có mối quan tâm tới sự thành công của sinh viên. Nhiều người trong số họ có mối liên hệ gần gũi với các nhà tuyển dụng và cố vấn cho các tổ chức bên ngoài trường học.

Cuối cùng, hãy nhận dạng nhà tuyển dụng tiềm năng và khởi động chương trình kết nối. Sinh viên nên tham gia các sự kiện kết nối để tạo dựng mối quan hệ với nhà tuyển dụng. Những sự kiện này có thể là những cuộc hội thảo chuyên đề được tổ chức tại trường đại học. Hội chợ việc làm cũng là một lựa chọn đáng để quan tâm. Chương trình kết nối cũng có thể được khởi động thông qua mối quan hệ của chính bạn sinh viên ấy. Đó có thể là mối liên hệ với các cựu sinh viên, những người bạn học, những công ty mà bạn ấy từng làm việc bán thời gian hay những nơi mà bạn ấy thực tập khi còn là sinh viên.

Việc bạn nên theo dõi những mối liên hệ mà bạn có được trong những hoạt động giao tiếp là rất quan trọng.

Các bạn sinh viên cần tận dụng triệt để phương tiện báo chí và mạng Internet để phục vụ cho hoạt động săn việc của mình. Đây là những công cụ truyền thông chứa nguồn dữ liệu vô cùng phong phú.


Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn: Lập kế hoạch tiếp thị cho bản thân

Trước hết, hãy đảm bảo rằng cuộc cạnh tranh của bạn – một sinh viên mới tốt nghiệp đại học – với các ứng viên khác, là một cuộc cạnh tranh công bằng. Liệu có nên trung thực khi tạo sơ yếu lý lịch hay không? Câu trả lời rất đơn giản: Có. Hãy nói sự thật. Đừng tạo nên một câu chuyện cổ tích về việc bạn là ai và bạn đã làm được những gì. Bạn không nên nói dối để nâng cao khả năng trong một lĩnh vực nào đó, nhưng đồng thời bạn cũng nên đặt sự khiêm nhường sang một bên. Nhà tuyển dụng biết rằng những gì bạn đang nói về bản thân đều đã được đẩy lên, và nhiều khi họ cũng biết rằng một số ứng viên sẽ không hoàn toàn nói sự thật. Vì thế một số nhà tuyển dụng sẽ có xu hướng hạ bớt giá trị của bạn được thể hiện trong thư xin việc hay trong sơ yếu lý lịch. Bạn không nên phóng đại hay tỏ ra kiêu ngạo, tuy nhiên hãy chắc chắn người khác sẽ nhìn bạn trong trạng thái thu hút nhất. Đây chính là yếu tố then chốt.

Tiếp theo, hãy nghiên cứu kỹ công ty tuyển dụng. Bạn cần thu thập và phân tích những thông tin liên quan đến quá trình nghiên cứu tìm việc của bạn để hiểu được nhà tuyển dụng và những nhân viên bạn có thể gặp ở công ty trong suốt quá trình phỏng vấn. Hãy nghiên cứu những thông tin sẵn có, tập trung vào những điều kiện liên quan để hiểu được mục tiêu kinh doanh, chiến lược và văn hóa của công ty, đồng thời xem xét những thông tin giúp cho những kỹ năng cũng như tính cách của bạn phù hợp với công ty và vị trí mà bạn ứng tuyển.

Thư xin việc là yếu tố tiếp theo cần chuẩn bị. Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng, và thư xin việc là một trong những phần tạo nên sự ấn tượng đó. Sơ yếu lý lịch là nhân tố chính, tuy nhiên thư xin việc mới là cơ sở để nhà tuyển dụng xem xét sơ yếu lý lịch của bạn. Một sơ yếu lý lịch lôi cuốn thôi là chưa đủ. Thư xin việc đóng vai trò chính trong việc tiếp thị bạn là ai. Nó đem lại cho bạn cơ hội thể hiện cá tính và thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Tiếp theo, hãy chuẩn bị sơ yếu lý lịch. Đây là nhân tố chính trong gói tiếp thị, bởi nó sẽ đem lại cho bạn cơ hội gửi thông điệp của mình tới nhà tuyển dụng. Vì vậy, hãy xem sơ yếu lý lịch như một mẩu quảng cáo. Bạn cần biết rằng, người đưa ra quyết định tuyển dụng sẽ không xem sơ yếu lý lịch của bạn ngay khi nhận được. Thông thường, chúng sẽ được tập hợp và sàng lọc, và người đưa ra quyết định tuyển dụng sẽ không xem sơ yếu lý lịch chưa được sàng lọc trước. “Mẩu quảng cáo” của bạn cần đủ “tinh tế” để có thể vượt qua được sự sàng lọc ban đầu đó. Hãy tạo ra một sơ yếu lý lịch ngắn gọn và thu hút để có thể vượt qua được vòng xét duyệt đầu tiên. Vì vậy, bạn nên tránh đưa ra những thông tin không liên quan hoặc ít liên quan.

Các phần của một sơ yếu lý lịch là gì? Làm cách nào để sơ yếu lý lịch của bạn tạo được cảm quan tốt về những thành tích mà bạn đã đạt được? Bạn có muốn biết một số mẫu sơ yếu lý lịch phổ biến không? Tất cả đều được trình bày chi tiết trong Bí quyết để có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học của Tiến sĩ Chiagouris.

Hãy trân trọng giá trị của sự bền bỉ. Bạn cần phát triển nhiều mối quan hệ để tìm được những việc làm tiềm năng khai mở sự nghiệp của bạn. Nó sẽ mất khá nhiều công sức, nhưng bạn sẽ được đền đáp nếu kiên nhẫn.


Vượt qua buổi phỏng vấn: Xây dựng mối quan hệ và rao bán bản thân

Khi bạn nhận được cuộc gọi thiết lập một cuộc hẹn từ nhà tuyển dụng, điều này có nghĩa là những “thông điệp” đầu tiên về bạn đã gây được ấn tượng với phía nhà tuyển dụng. Tiếp theo, hãy chuẩn bị thật tốt cho cuộc phỏng vấn trực diện.

Bạn nên xác nhận tên tuổi và chức vụ của người bạn muốn gặp mặt. Hãy nghiên cứu qua về họ, bởi qua nghiên cứu, bạn có thể có thêm hiểu biết về những người bạn sẽ gặp trong buổi phỏng vấn.

Để mọi người luôn biết rõ thông tin về bạn, hãy mang theo bản sao sơ yếu lý lịch khi tới phỏng vấn. Điều này thể hiện bạn là người có tác phong chuyên nghiệp, thậm chí khi nhà tuyển dụng không yêu cầu. Hãy in sơ yếu lý lịch bằng giấy có chất lượng tốt. Và nhớ rằng, trước khi chuẩn bị phỏng vấn, hãy đảm bảo điện thoại của bạn đã tắt. Những người phỏng vấn đều cảm thấy rất phiền khi điện thoại đổ chuông trong cuộc phỏng vấn, vì vậy hãy tắt điện thoại để nó không làm gián đoạn cuộc phỏng vấn.

Buổi phỏng vấn có thể diễn ra trong phòng của một quản lý hoặc trong một phòng họp. Nó có thể được thực hiện với một người hoặc với nhiều người cùng lúc. Không phân biệt chức vụ, hãy chào hỏi mọi người lịch thiệp như nhau để lưu giữ ấn tượng tốt. Bạn cần chú ý tới ngôn ngữ cơ thể. Hãy duy trì tư thế đàng hoàng, không ủ rũ khi ngồi. Bạn không cần quá nghiêm trang, cứng nhắc như một người lính, nhưng nên tránh những biểu hiện quá suồng sã và thoải mái.

Việc giao tiếp bằng mắt với tất cả người phỏng vấn bạn là rất quan trọng. Các ứng viên chưa có kinh nghiệm thường mắc sai lầm khi dành hầu hết thời gian nhìn trực tiếp vào một người. Bạn cần di chuyển cái nhìn linh hoạt vào mỗi người. Bằng cách này, không ai sẽ cảm thấy bị coi nhẹ.

Hình thức cũng là một vấn đề cần được quan tâm trong buổi phỏng vấn trực diện. Lời khuyên tác giả đưa ra là hãy ăn mặc nhẹ nhàng. Bạn không nên mặc những bộ đồ hàng hiệu đắt tiền, toát lên vẻ xa xỉ khi đi phỏng vấn. Ngoại trừ đồng hồ, bạn cũng nên để bộ sưu tập trang sức của mình ở nhà. Khi đã có công việc, bạn có thể đeo chúng, nhưng đối với một buổi phỏng vấn thì không. Trừ khi bạn sắp sửa làm việc trong lĩnh vực rất sáng tạo như nghệ thuật, điện ảnh hay kinh doanh âm nhạc, còn không bạn nên tránh mái tóc nhuộm màu sặc sỡ và đeo khuyên trên tai, mũi. Nếu bạn có hình xăm, hãy khôn khéo che nó đi. Hãy chắc chắn quần áo của bạn có thể che hoàn toàn hình xăm.

Việc trả lời các câu hỏi trong suốt buổi phỏng vấn sẽ đem lại cơ hội rao bán bản thân cho bạn. Hãy nghĩ rằng nó giống như một màn rao hàng. Mỗi câu hỏi sẽ đem lại cho bạn cơ hội tạo nên một cuộc giao dịch với câu trả lời của mình. Những người mà bạn đối diện không chỉ đánh giá những kỹ năng của bạn. Họ sẽ hình thành những suy nghĩ về việc bạn là kiểu người nào và họ có muốn làm việc với bạn không. Họ sẽ tự hỏi liệu họ có thích bạn không. Việc thích bạn cũng phải trải qua một con đường rất dài mới đi tới quyết định thuê bạn, tuy nhiên buổi phỏng vấn sẽ cho bạn cơ hội kể về câu chuyện cá nhân theo cách làm cho những người gặp thích bạn.


Những câu hỏi nào thường xuyên được đưa ra từ phía nhà tuyển dụng trong các buổi phỏng vấn? Bạn phải trả lời chúng ra sao cho hợp lý? Thế nào là một câu trả lời tốt? Tất cả được tổng hợp trong Bí quyết để có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học của Tiến sĩ Chiagouris.

Những câu hỏi và câu trả lời gợi ý mà tiến sĩ Chiagouris đưa ra chỉ là một sự khởi đầu giúp bạn thực hiện cuộc trao đổi. Nghiên cứu kỹ về công ty bạn muốn làm việc sẽ dẫn bạn đến danh sách những câu hỏi quen thuộc liên quan đến tình huống phỏng vấn. Quan trọng là, nếu bạn chuẩn bị càng tốt, bạn sẽ càng tự tin hơn. Sự tự tin của bạn có thể được nhà tuyển dụng chú ý và gia tăng cơ hội nhận được lời mời làm việc.

Nhận được lời mời: Kết thúc cuộc mua bán

Khi kết thúc buổi phỏng vấn, việc tiếp theo cần phải làm chính là duy trì mối liên hệ sau buổi phỏng vấn. Vào cuối buổi phỏng vấn, bạn nên hỏi người phỏng vấn bạn có thể mong đợi nghe quyết định tuyển dụng khi nào. Bạn cũng nên hỏi về những bước tiếp theo trong quá trình này.

Một câu hỏi rất nhiều bạn sinh viên thường đặt ra là: Làm thế nào để đáp lại một lời từ chối? Bạn có thể phải nhận nhiều lời từ chối trước khi nhận được một lời mời làm việc đáp ứng được nhu cầu của bạn. Việc bạn đáp lại lời từ chối như thế nào phụ thuộc vào việc bạn tiến được bao xa trong quá trình xây dựng liên hệ. Nếu bạn có một vài liên hệ với đại diện của công ty qua điện thoại hoặc trực tiếp, thậm chí một sự từ chối cũng là một cơ hội xây dựng quan hệ. Nếu bạn bị từ chối, hãy gửi cho nhà tuyển dụng một lá thư ngắn. Hãy nói với họ bạn rất cảm kích họ đã dành thời gian cho bạn. Hãy nói rằng bạn mong muốn nhà tuyển dụng sẽ phát triển hơn nữa và hi vọng họ sẽ giữ liên lạc với bạn. Đó là cách hành xử chuyên nghiệp. Những người nhận được các bức thư ngắn đó chắc chắn sẽ không khó chịu với bạn. Họ sẽ ấn tượng với bạn vì bạn đã có quan tâm tới việc duy trì mối liên hệ với họ.

Một trong những khía cạnh phức tạp nhất sau khi cuộc phỏng vấn được diễn ra thành công chính là thương lượng tiền lương. Trong quá trình thương lượng, bạn có hai mục tiêu có thể gây mâu thuẫn. Thứ nhất là kiếm đủ tiền để đáp ứng nhu cầu về tài chính của mình. Chấp nhận mức lương không đáp ứng đủ các nhu cầu của bạn sẽ chỉ càng gây thêm căng thẳng cho cuộc sống của bạn. Nó có thể tác động đến năng suất làm việc của bạn, bởi nếu bạn không thể sắp xếp được cuộc sống của mình thì bạn cũng không thể vui vẻ làm việc được. Tuy nhiên, việc yêu cầu một mức lương quá cao có thể đưa bạn rời khỏi việc cân nhắc tuyển dụng. Mục tiêu thứ hai là có được việc làm. Bạn rất quan tâm đến việc khởi đầu sự nghiệp, nhưng đồng thời chỉ có bạn mới biết được đầy đủ về tình hình tài chính của mình. Hãy quan tâm đến những vấn đề cần bằng giữa nhu cầu tài chính và việc khởi đầu sự nghiệp.

Quan điểm của tiến sĩ Chiagouris với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp là hãy cân nhắc hi sinh nhu cầu tài chính trước mắt để khởi đầu sự nghiệp. Việc có một vị trí đảm bảo nhưng mức lương thấp thì bạn cần đánh giá có vẻ như một vị trí tương tự sẽ đến với bạn trong tương lai gần với mức lương cao hơn. Nếu một vị trí tương tự có vẻ như không sẵn có trong thời gian tới thì hãy xem xét những mục tiêu tài chính thấp hơn để phát triển nghề nghiệp và đạt được một số kinh nghiệm chuyên nghiệp đáng giá.


Trong thời gian chờ đợi một lời mời làm việc, bạn nên làm gì? Làm việc để tăng cường những kỹ năng liên quan đến công việc tương lai của bạn là một cách hay trước khi một lời mời xuất hiện. Dù bạn đã tốt nghiệp nhưng việc học hỏi của bạn không bao giờ ngừng. Bạn có thể tham dự một số khóa học liên quan đến các kỹ năng mềm có thể phục vụ cho công việc sắp tới. Bạn cũng hoàn toàn có thể cân nhắc tham gia một vài hoạt động tình nguyện. Bạn sẽ cảm thấy thoải mái khi tham gia những hoạt động đó. Thậm chí bạn còn có thể kết bạn với nhiều người hơn, giúp bạn mở rộng mối quan hệ xã hội, và bạn sẽ đạt được một vài kỹ năng làm việc mới.

Kết

Sinh viên mới tốt nghiệp cần nhận thức được rằng, khi cậu ấy ứng tuyển vào một công ty hay một tổ chức nào đó có nghĩa là cậu đang “rao bán” sức lao động của mình. Về bản chất, sức lao động của cậu ấy sẽ không khác gì một mặt hàng được đem ra trao đổi cả. Vậy, người mua (là người đứng đầu công ty hoặc tổ chức) sẽ căn cứ vào những yếu tố gì để quyết định mua sức lao động của cậu sinh viên đó? Có hai yếu tố.

Thứ nhất, liệu “hàng hóa” đó có “tốt” không? Câu trả lời là “Có”. Minh chứng chính là tấm bằng Đại học.

Như vậy, nhà tuyển dụng sẽ chỉ chấp nhận mua “hàng hóa” đó nếu “người bán” là một nhà tiếp thị xuất sắc. Nói cách khác, cậu ấy có một chiến thuật marketing để biến bằng cấp thành tiền. Tuy nhiên, không phải sinh viên mới tốt nghiệp nào cũng là một “nhà tiếp thị” giỏi cả. Với các bạn sinh viên mới ra trường và đang còn phải đau đầu vì những cơ hội việc làm, hãy trau dồi kỹ năng mềm, hãy tự tin với bản thân mình, và hãy đọc cuốn sách Bí quyết để có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học của Tiến sĩ Larry Chiagouris. 

Tác giả: DO

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

615 lượt xem