Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Từ Bỏ Khó Nhưng Không Thể Cho Qua.

Tôi vừa đi xem một bộ phim tình cảm được PR khá nhiều dạo này. Nội dung thì đơn giản thôi, motip một chàng một nàng đã thân từ lâu, trải qua thời gian dài gắn bó mới có thể sóng bước cùng nhau. Kết cấu của nó nguyên vẹn như một câu chuyện cổ tích vậy, song cũng vì vậy mà có phần vô thực.

 

Thời gian cho sự chờ đợi là bao lâu? Kiên nhẫn bao nhiêu thì gọi là đủ? Liệu bạn sẽ làm mọi việc với sự nhiệt thành dài lâu nhất chứ? Và rằng, mọi thứ trên đời này chỉ cần không từ bỏ, ắt sẽ chờ được cái kết tốt đẹp?!

 

Tôi không chắc về định nghĩa của tốt đẹp trên cuộc đời này nhưng tôi nghĩ mọi người đều đã từng trải qua mất mát. Mất mát chính là lúc cuộc đời hét lên với bạn, hãy dừng lại đi, từ bỏ đi. Sự đột ngột đó rất bức bách, khó chịu, cũng có thể rất đau đớn. Vậy thì, thay vì buộc phải từ bỏ, sao không dần dần từ bỏ, để dịu êm với chính bản thân mình nhất có thể.

 

Từ bỏ những xúc cảm:



Khi lướt mạng, có lẽ ít nhất một lần bạn từng đọc được topic đại loại như: “Dạo này bạn đang áp lực nhất điều gì?”, “Hiện giờ bạn đang mệt mỏi vì gì thế?”, “Bạn có lời nào để gửi tới bản thân không?”… và sau đó là một loạt các comment trải lòng. Nhưng mà 90% trong số chúng nói đến những điều tiêu cực, theo lẽ thường có lẽ điều ấy là đúng. Nếu như trong lòng bực bội thì sẽ muốn xả nó ra, muốn vứt bỏ nó song thực tế có phải vậy?

 

Cuộc sống chính là như vậy, bạn không thể luôn được lựa chọn hoàn cảnh nhưng luôn được lựa chọn cách đối diện. Nói vậy nghe có vẻ giáo điều và buồn chán. Nhưng thực tế khi bạn nói ra những gì ấm ức trong lòng, có phải lúc đó bạn đã gỡ bỏ được xúc cảm ấy rồi không? Hay là khi một ai đó nhấn like, một vài lời động viên có thể khiến bạn rũ bỏ sự tiêu cực ấy? Tôi nghĩ sẽ không, nếu như bạn còn mãi đeo nặng sự mệt mỏi ấy trong lòng. Có thể bạn nói ra là để giải tỏa nhất thời, mong cầu sự đồng cảm. Và quả thực giây phút ấy, lời nói của bạn, sự ủng hộ của ai đó khiến bạn nhẹ nhõm hơn. Rồi, cũng chỉ thế, bạn sẽ mãi luẩn quẩn trong mớ suy nghĩ, cảm xúc của mình vào ngày hôm sau. Căn cơ của vấn đề, chỉ nằm ở bản thân bạn. Nếu nó không phải sự giải tỏa từ chính bạn thì sẽ chẳng có sự giải tỏa nào cả. Bởi dù là người thân nhất, họ cũng đang sống cuộc sống của chính mình, chỉ có bạn chịu trách nhiệm với cuộc đời và cảm xúc của bạn mà thôi. Nếu như bạn không mạnh dạn chiến đấu với nó, sự bấp bênh luôn luôn thường trực. Lúc này, từ bỏ là điều nên làm. Có thể bạn sẽ nghĩ, làm sao từ bỏ khi cứ mỗi ngày mỗi giờ bạn đều sống chung với nó. Nhưng từ bỏ ở đây không phải khuất phục mà là chiến đấu theo cách khác. Thay vì nghĩ tới buồn chán và ấm ức, hãy nghĩ tới niềm vui, dù là nhỏ bé nhất, thậm chí hãy tự tạo ra niềm vui cho mình.

 

“Vui vẻ cũng một ngày, không vui vẻ cũng một ngày, tại sao không vui vẻ để qua hết một ngày.”

 

Tôi từng đọc một nghiên cứu, nỗi buồn xuất phát từ những điều tiêu cực thường ngày và sẽ không kéo dài. Nó chỉ tồn tại trong vài phút, vài giờ, hoặc cùng lắm là vài ngày rồi dần được cải thiện, chuyển hóa thành cảm xúc khác. Tùy theo nỗi đau dài ngắn mà độ sâu đậm của nó ảnh hưởng bạn. Có thể những nỗi đau quá lớn, thì mãi sau này nhắc lại, bạn vẫn có phản ứng với nó. Nhưng về cơ bản, nỗi buồn có điểm dừng.

 

Nếu như nó không dừng lại, đơn giản thôi, là do bạn không muốn ngừng nó lại. Cũng chính sự tích tụ ấy tạo thành một căn bệnh rất nguy hiểm, trầm cảm.


Phải chăng nói vậy, tôi đã quá ngoan độc với những người bệnh, tôi mặc định rằng họ buông thả cho bản thân rơi vào vũng xoáy. Song, cuộc đời chính là khó khăn như vậy mà, tôi có thể chưa trải qua nỗi đau lớn nhất thế giới này nhưng cũng đã phải gắng gượng rất nhiều lần với chính mình. Tôi từng hỏi một người bạn rằng nếu người gắn bó nhất cũng là người giày vò cậu nhiều nhất, cậu sẽ làm thế nào? Cô ấy đã trả lời rằng, có những điều rất đáng sợ, vì nó được mặc định, vĩnh viễn là vậy. Thậm chí cả lựa chọn từ bỏ điều ấy cũng không thể. Tuy nhiên, không thể từ bỏ điều đó, thì bản thân hãy từ bỏ đi. Lựa chọn cách nhìn khác, suy nghĩ khác, hành xử khác. Để đặt bản thân trong một vị thế khác. Có như vậy, xúc cảm của bạn sẽ do bạn làm chủ, không ai chi phối được bạn. Bạn không thể bị động trong chính xúc cảm của mình!

 


Từ bỏ hành động:

 

Viết lách là một điều gì đó rất vui thích với tôi, nó cũng là cách rèn dũa bản thân tôi tốt nhất. Nhưng linh cảm về con chữ trong tôi chỉ gặp vào khoảng thời gian đêm tối, khi mọi thứ yên tĩnh và dường như diễn ra chậm rãi nhất. Thế nên, cách giải quyết cho việc này là những tách coffee nóng. Bởi vậy, tôi nhận ra có hai vấn đề với mình, thứ nhất là việc làm không quá đúng thời điểm, thứ hai là hành động không tốt cho cơ thể.

 

Mấu chốt ở đây là, tôi biết những điều đó không tốt, nhưng tôi vẫn làm như thể nó không ảnh hưởng gì và tệ hơn tôi dần biến nó thành một thói quen. Có thể bạn cho rằng, thay đổi suy nghĩ sẽ thay đổi thói quen nhưng sự thực chứng minh, nhiều khi nó ràng buộc chúng ta hơn chúng ta tưởng. Giống như việc mỗi ngày tôi đều biết mình đừng thức khuya nữa, hay đừng uống coffee nữa nhưng rồi sau đó lại cầm lòng không đậu mà lặp lại những hành động ấy. Có lẽ đó là khi suy nghĩ hay ý chí của tôi chưa đủ mạnh, còn thói quen tức là kết quả hành động lại có tác dụng quá mạnh. Vậy thì đâu sẽ cách từ bỏ thói quen ấy đây?


Lộ trình thói quen đi qua ba bước: cue – tín hiệu bắt đầu đến routine – quá trình hình thành suy nghĩ và cuối cùng là reward – kết quả đạt được. Nhìn thôi bạn cũng biết, routine chính là mắc xích quan trọng nhất để lật đổ cả đường dây này đúng không? Cách một việc nào đó bắt đầu, ta không thể nắm bắt, nếu không mọi thứ sẽ chẳng xảy ra theo cách nó muốn chứ không phải bạn muốn. Và dĩ nhiên chờ lúc nó có kết quả thì còn gì mà nói nữa.

 

Tôi bắt đầu từ cải tổ suy nghĩ, cố gắng cũng được, ép uổng cũng được, chẳng phải đủ quyết tâm là không gì không thể sao. Đồng thời, nó cũng là bước tăng tiến trong quá trình từ bỏ. Khởi nguồn là suy nghĩ song tôi phải thực hiện bằng hành động của mình. Tôi thay đổi điểm nhìn để thấy rằng mình chắp bút ngay khi phố xá đông vui nhất, rồi cũng từ đó không vướng vào vị coffee hòa tan đêm đêm nữa.


Người ta hay nói rằng, hình thành thói quen xấu rất dễ, thói quen tốt lại khó và danh sách vài chục điều để sống khỏe gì đó thật là không thể. Đúng là khó thật nhưng rõ ràng đã làm được sẽ không thấy khó nữa, gọi là không thể vậy sao vẫn có người thực hiện được. Tôi tin, con người có sức mạnh theo đuổi thứ gian nan nhất thì cũng có bản lĩnh từ bỏ điều không nên.

 


Đến lúc nào đó, sẽ thật buồn khi nghĩ đến việc “từ bỏ” bản thân:

 

Lại là câu chuyện về một bộ phim khác, có lẽ vì người ta nói một bộ phim cũng có mấy phần cuộc đời. “Tôi không phải dược thần” kể về một gã bán thuốc lậu, khởi đầu với ham muốn làm giàu nhưng dần dần lòng thiện đã đưa anh ta tới con đường làm ăn phi pháp đầy chính nghĩa. Bộ phim này có rất nhiều lớp nghĩa thay vì vài ba câu văn khái quát, nếu như có thời gian tôi hi vọng bạn có thể xem thử.

 

Trong phim có vài câu thoại mà tôi ấn tượng, đại ý là: “Tôi muốn sống nhưng người nhà sắp bị tôi ăn thịt hết rồi.” hay : “Tôi bán thuốc lậu bao nhiêu năm nay, chỉ có một thứ bệnh, là bệnh nghèo.”

 

Thì ra, cuộc sống không chỉ khó khăn, mà nó vô cùng tàn khốc, có những lúc thứ bạn phải từ bỏ lại chính là bản thân mình.

 

Trên thế gian, cái chết sớm muộn gì cũng tước đoạt ngày mai của bạn nhưng cách bạn đã từng sống thì không hề có khuôn mẫu. Tôi biết, nhiều người ra đi với đầy kỉ niệm tươi đẹp, có người lại cô đơn trong giây phút cuối cùng, thậm chí có người còn chẳng thể có cơ hội chọn được sống tiếp.

 

Giả sử, ta mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo nào đó. Khao khát lớn nhất của bạn là gì, chắc hẳn là nắm chặt lấy sợi dây hi vọng của sự sống rồi. Nhưng nếu sợi dây đó không thể nào nối đến mạch tim của bạn, vậy bạn sẽ hi vọng gì?


Tôi không thể trả lời thay bạn nhưng tôi chỉ hi vọng, bản thân có được những ấm áp trước khi giã từ. Một bài báo tôi đã đọc, nói về một gia đình nghèo, người cha quyết tâm không chữa bệnh ung thư máu cho đứa con. Bên cạnh một loạt người phản đối và lên án người cha này, tôi cũng nhớ nhất một bình luận: “Nếu như tôi mắc bệnh hiểm nghèo, tôi cũng không hi vọng bố mẹ tán gia bại sản để cứu tôi. Nhưng nếu họ lựa chọn từ bỏ tôi trước, tôi sẽ rất đau lòng.”

 

Có những phút giây khó khăn, bạn mới chợt thấy tình cảm là thứ khao khát bản năng của con người. Nếu không, tình yêu của nhân loại đã chẳng vĩ đại đến thế. Những người bệnh không thể quyết được sự sống của mình, phải chăng sâu thẳm của họ là yêu thương. Bởi người ta vẫn nói nếu không có tình yêu, con người sống cũng như đã chết đó sao?

 

Khi đối diện thử thách bạn có thể không mỉm cười giành chiến thắng nhưng bạn không e ngại nó chút nào. Bạn kiên định đối diện, yêu thương chính mình chính là sự dũng cảm lớn nhất. Cho dù tới cuối cùng, nó vẫn buộc bạn phải lựa chọn “từ bỏ” nhưng bạn đã bất bại, bởi bạn không để nó uy hiếp. Bạn vĩnh viễn có quyền buông hay nắm với cuộc sống của chính bạn.

 


Phải chăng, mọi thứ tốt đẹp đều cần giữ chặt?

 

Tôi nói rằng tình yêu đẹp nhưng tôi cũng tin không phải lúc nào nó cũng đẹp. Chúng ta từ bỏ những điều xấu xả, vậy có phải những thứ tốt đẹp thì cứ khư khư giữ lấy không? Quay ngược lại bộ phim ban đầu, tôi nghĩ tới tình yêu sâu đậm mà nam chính dành cho nữ chính mười năm trời. Nó khởi đầu rất đẹp, tiếp diễn rất đẹp nhưng không chắc cái kết đều sẽ đẹp.

 

Có lẽ khi bạn mãi ôm ấp ảo mộng, bạn sẽ nối tiếc và không dám buông bỏ nó. nhưng sự đeo đẳng ấy có khiến bạn được an ủi hay sẽ là thứ ám ảnh bạn không thôi. Tôi đã nghĩ, nếu khi nam chính mệt mỏi và dừng lại với cuộc tình ấy còn nữ chính mãi không nhận ra, không quay lại thì sao? Chẳng phải sự từ bỏ của anh ấy sẽ là dấu chấm hoàn toàn chứ không còn cơ hội “happily ever after” sao? Quả thật có nhiều thứ cứ cố gắng là được, còn nhiều thứ cố gắng hơn nữa vẫn chẳng được.


Chúng ta buộc phải chấp nhận rằng, “cuộc vui nào cũng tàn”, có những gì ban đầu là tươi xanh nhưng cuối cùng lại héo úa mà bạn không thể cưỡng cầu.

 


Sống như thể sắp phải “từ bỏ” vậy:

 


Trước hết là sự suy nghĩ và hành động tích cực, bạn cần làm những gì, nên làm những gì, hãy nhớ nó nên là điều tốt nhất cho bạn, hướng đến một mặt tươi sáng hơn. Vì bản thân mới có thể vì mọi người.

Nâng được buông được, có những điều dù là tốt cách mấy cũng không còn thích hợp, bạn đừng quá khiên cưỡng. Chiếc váy hai năm trước khiến bạn tỏa sáng, có thể hiện tại đã làm bạn tệ hơn rồi, cuộc sống này luôn thay đổi mà. Khoảnh khắc có thể lưu giữ nhưng thời gian không thể kéo dài mãi đâu.

 

Nhận thức thứ quan trọng và giữ gìn nó, nếu mang tâm thế ngày mai là ngày cuối cùng vậy ngày mai bạn muốn có gì. Bạn là trọng tâm trong cuộc đời của mình, đúng vậy, những gì liên quan tới bạn, chính là mật thiết nhất.

 

Dù có dài hơn nữa, vẫn chỉ là “điều gì đó tôi nói cùng bạn” mà thôi, việc tôi hi vọng là bạn sẽ cảm nhận được, làm được, hay lớn hơn là thay đổi điều gì đó từ lựa chọn mang tên “từ bỏ” của mình.




Tác Giả: Luuliy
--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


                                                                                                                                                 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

343 lượt xem, 339 người xem - 341 điểm