Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Từ Bê Bối Dữ Liệu Facebook Đến Nâng Cao Khả Năng Phân Tích Truyền Thông Đại Chúng Của Người Dùng

“TỪ BÊ BỐI DỮ LIỆU FACEBOOK ĐẾN NÂNG CAO KHẢ NĂNG PHÂN TÍCH TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG CỦA NGƯỜI DÙNG”

       “Kẻ nối mạng tin rằng mình tự do,...trên thực tế họ đang nằm trong khuôn khổ chật hẹp và cứng nhắc của giáo điều ý thức hệ của những kẻ thật sự cai trị thế giới.”

       (“Thế chiến thứ ba,Chiến tranh mạng lưới”-Valeri Korovin)

 (Chúng ta có thật sự tự do trong thế giới ảo?)


1. Vụ bê bối dữ liệu Facebook 2018 và hành trình đi tìm công lý và sự thật truyền thông của Carole Cadwalladr

       Hẳn ai trong chúng ta cũng đã biết đến vụ bê bối thông tin khách hàng cực kì căng thẳng của Facebook năm 2018. Mark Zuckerberg-chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hiện tại của nền tảng xã hội “hot” nhất hiện nay này đã phải đau đầu vì những buổi điều trần, giải thích trước chính phủ và hội đồng pháp luật các quốc gia khác nhau. Phản ứng hầu hết của mọi người là cực kì phẫn nộ:  “Cư dân mạng” mạnh mẽ lên án, chỉ trích việc thông tin cá nhân, hành vi trên mạng của họ bị khai thác trong bí mật và suốt một khoảng thời gian dài như vậy, vụ việc mới phần nào được đưa ra ánh sáng.

(Phiên điều trần trước quốc hội Mỹ của Mark Zuckerberg) 

       Tuy nhiên, để hiểu rõ được bối cảnh sự việc, động cơ cũng như những hậu quả liên đới khôn lường của việc phân tích thông tin người dùng truyền thông, chúng ta phải quay lại những bước chân đầu tiên của nữ nhà báo người Anh Carole Cadwalladr trên hành trình tìm ra sự thật ấy.

       Ít ai ngờ rằng, Brexit-vụ việc Vương quốc Liên hiệp Anh (the United Kingdom) rời Liên minh châu Âu (EU) lại là khởi điểm cho toàn bộ sự việc. Tại thời điểm tháng 6/2016, tại nước Anh đã diễn ra một cuộc bầu cử toàn dân về việc nên “ở lại” hay “rời khỏi” EU. Và kết quả đã rõ ràng, thành viên lâu đời của Liên minh châu Âu đã quyết định nói lời chia tay với cộng đồng này. Nữ nhà báo Carole (làm việc cho tờ báo The Observer) lúc ấy đã quyết định đến vùng nam xứ Wales để tìm hiểu về lí do biến nam xứ Wales thành vùng có tỉ lệ bầu “rời khỏi EU” cao nhất trong cả nước (62%).

       Và điều làm cho bà ngạc nhiên nhất, là câu trả lời đến từ người dân bản địa: “EU chẳng làm được gì cho chúng tôi” hoặc “Tôi không thể chịu nổi người tị nạn nữa”. Bởi lẽ, sự thật là hoàn toàn ngược lại, rất nhiều cơ sở vật chất như trung tâm xã hội, cầu đường hiện đại ở miền Nam xứ Wales là do EU tài trợ hoặc gây quỹ. Hơn nữa, tỉ lệ người tị nạn ở đây cũng được xếp vào những vùng thấp nhất nước cũng như không hề có người tị nạn xuất hiện nhiều trên đường phố.

       Điều bà Carole Cadwalladr tự hỏi là người dân đã lấy những thông tin tiêu cực ấy từ đâu? Họ lấy những số liệu mang tính đe dọa về người tị nạn ấy từ đâu? Và sau đó, bà đã tìm ra câu trả lời: từ những quảng cáo và bảng tin được chạy trên Facebook.


(Một số quảng cáo sai lệch về việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gia nhập EU-một trong những nguyên nhân người dân muốn Anh rời EU, vì họ coi các quốc gia kém phát triển là gánh nặng cho các quốc gia phát triển trong EU).

      Vụ việc đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cho nền dân chủ Anh quốc, Quốc hội Anh đã nhiều lần yêu cầu Mark Zuckerberg đến Anh và điều trần về việc sử dụng truyền thông trái phép để định hướng suy nghĩ người dùng bằng thông tin sai lệch cho mục đích tiêu cực. Tuy nhiên, Mark Zuckerberg đều từ chối.

       Và trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc đi tìm lại những dấu vết dù mong manh nhất, nhà báo Carole Cadwalladr đã phát hiện và công khai sự việc công ty Cambridge Analytica (có liên quan đến Facebook) đã thu thập trái phép và phân tích thông tin người dùng dù đã nhận được những lời đe dọa từ cả Cambridge Analytica và Facebook rằng bà sẽ bị kiện.

                                                                                            (Tiêu đề: 50 triệu người dùng Facebook bị rò rỉ dữ liệu)


 2. Truyền thông và sức ảnh hưởng khôn lường

       Vụ việc trên phần nào đã cho chúng ta thấy hoặc thậm chí là sợ hãi với những gì luôn được coi là đơn giản như những bài đăng vô can trên mạng xã hội. Truyền thông luôn là con dao hai lưỡi, nhất là với giới trẻ ngày nay-phần lớn nhưng người sử dụng và tiếp xúc nhiều nhất với các thông tin trên mạng xã hội. Nếu như chúng ta không hành động, không thay đổi vì lợi ích của chính bản thân mình, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho những công cụ online ấy thay vì làm chủ chúng. Thế nhưng, không phải ai cũng trang bị cho mình kĩ năng “Đọc hiểu truyền thông” (Media Literacy) và những kiến thức căn bản nhất để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

       Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao tất cả những tiện ích, những dịch vụ mà chúng ta nhận được từ các nền tảng Facebook, Google lại miễn phí không? Tại sao chúng ta được tiếp cận một nguồn thông tin khổng lồ mà không cần phải trả một xu nào? Vì có người đã “thay bạn” trả tiền cho những thông tin đó, và vì vậy, họ cũng được quyền quyết định những thông tin đó là gì. Hay nói cách khác, có người tiếp nhận thông tin miễn phí, thì cũng có người bỏ tiền để lựa chọn loại thông tin được đăng tải tùy theo mục đích cá nhân của mình.

       Và tại sao bảng tin (newsfeed) của mỗi người lại mỗi khác nhau? Đó là vì mỗi cá nhân thuộc một nhóm đối tượng khác nhau được nhắm đến.

       Trước hết, tôi xin được đưa ra một ví dụ cụ thể trong việc quảng cáo qua Facebook để bạn dễ hình dung hơn về mô hình này. Giả sử bạn là một người bán khăn online và đang cần quảng bá cho sản phẩm của mình. Điều này được thực hiện cực kì dễ dàng qua tính năng quảng cáo mất tiền của facebook. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Nếu bạn đã chi 100.000VND để quảng cáo về hãng khăn của mình cho 1000 người nhưng chỉ 150 người trong số họ có hứng thú với khăn, và chỉ 50 trong số ấy thật sự đặt hàng thì đây là một sự đầu tư lãng phí. Khoan đã, nhưng nếu như bạn có thể quảng cáo cho 1000 người đang tìm mua khăn thì sao? Đây là một chiến lược quá thành công! Và vấn đề ở đây là, làm sao để biết được ai đang cần mua khăn cơ chứ? Đây chính là lúc các nền tảng (ở đây là Facebook) phân tích thông tin của người dùng, ví dụ, 1000 người vừa tìm kiếm cụm từ “cửa hàng khăn” trên thanh tìm kiếm.

       Nói tóm lại, tất cả những thao tác trên mạng của chúng ta không hề biến mất (kể cả khi bị xóa), không hề bí mật, chúng được lưu lại, xem xét kĩ càng để sử dụng cho những mục đích khác nhau. Vì vậy, bảng tin của chún ta đã được “cá nhân hóa” cho phù hợp nhất với những mối quan tâm cá nhân của chúng ta và nhu cầu của “người trả tiền”. Hay nói cách khác, chúng ta thanh toán cho những tiện ích công nghệ này bằng thông tin của chính mình!

(Truyền thông không thật sự miễn phí)


        Những mục đích đằng sau sự thật truyền thông phũ phàng này có thể “nhẹ nhàng” như quảng cáo, giới thiệu,...hay nghiêm trọng hơn như can thiệp bầu cử (như trong trường hợp Brexit), mị dân,...

3.  Trở thành người dùng mạng thông minh

Phân tích thông tin một thao tác quan trọng mà hầu hết mọi người thường bỏ qua hoặc thực hiện qua loa. Điều này là kết quả của hiện tượng tâm lí “Thỏa mãn thông tin” (Information Satisficing)-chúng ta dễ dàng chấp nhận những thông tin được đưa ra sẵn để khỏa lấp ngay nỗi tò mò trong trí não, và khi đó, ta khó có thể xem xét nó kĩ lưỡng và khách quan.


Phân tích thông tin tức là đặt ra những câu hỏi cần thiết để nắm chắc về nguồn gốc, ý nghĩa của thông tin, cơ bản và quan trọng nhất là những câu hỏi như:

·         Nội dung này do ai tạo ra và nhằm mục đích gì?

·         Nội dung được đưa ra có bị chủ quan hóa hoặc thêm thắt/lược bỏ một số chi tiết để bóp méo ý nghĩa chung hay không?

·         Nội dung ấy có đơn nghĩa hay không? Tức là ai cũng tiếp nhận thông tin ấy theo một nghĩa hay mỗi nhóm đối tượng lại có một cách hiểu khác nhau?

·         Nguồn tin này đã được kiểm chứng và đáng tin cậy không?

 

 (Học cách phân tích thông tin để tránh bị thao túng)

4. Hỡi những người trẻ, đã đến lúc hành động!

Chỉ trong vài thập kỉ ngắn ngủi, nhân loại đã chứng kiến, trải qua những thay đổi chóng mặt trong hàng loạt các lĩnh vực: khoa học, nghệ thuật, xã hội,... Và một trong những thay đổi có tầm ảnh hưởng nhất chính là: truyền thông-một chiếc chìa khóa thần kỳ.

Tôi đã từng tin tưởng rằng những gì tôi đọc trên mạng hằng ngày, những tờ rơi quảng cáo bên đường hay câu hát “Điện máy xanh u oa u oa...” thật vô hại và đôi lúc cũng thật vui nhộn. Nhưng rồi, tôi nhận ra, chúng không hề vô hại đến như thế. Những xờ-căng-đan hủy hoại danh tiếng, những dòng tin lá cải vô bổ, những hình ảnh phô-tô-sốp lệch lạc dẫn đến cái chết của những ai không chịu nổi sức ép dư luận, những chiến sĩ công an trọng thương khi cố gắng ngăn chặn các cuộc biểu tình gần đây, mà suy cho cùng cũng chỉ là sự thiếu hiểu biết, tiếp cận thông tin sai lệch,... Đi kèm với sự phát triển của công nghệ, đài báo, truyền thông đang ở trong tầm tay con người, họ dùng truyền thông để thêu dệt lên những mẩu chuyện, mạng lưới thông tin theo ý họ, hoặc họ cũng chỉ là những con cá mắc kẹt trong cái lưới ấy.

Chúng ta-những người trẻ cần thực sự biết cách để tận dụng thông tin, chứ không phải làm một nô lệ mù quáng, cần thực sự muốn “hiểu” những gì mình đọc, chứ không phải lướt qua bề mặt con chữ. Chúng ta cần thực sự “đọc” truyền thông và cách nó ảnh hưởng suy nghĩ con người. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu, đào sâu hơn nữa. Chúng ta đang ở giữa tâm bão của thời đại công nghệ mới, hãy hành động, hãy tiếp nhận thông tin một cách chủ động và đúng đắn nhất!

Nếu không phải lúc này, thì là lúc nào?          

 

       


Tác Giả: Tạ Thị Thanh Tâm-Học sinh @ Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100008730078967

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do
Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên
tác giả và nguồn là "Tên
tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết
trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,052 lượt xem, 1,048 người xem - 1055 điểm