Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Câu Chuyện Tiếng Anh - Làm Sao Để Chinh Phục IELTS Reading 9.0? (Phần 1)

Dù bạn có làm ngơ hay phủ nhận tầm quan trọng của chứng chỉ IELTS đối với sự thăng tiến của bản thân trong xã hội cạnh tranh hiện nay thì đó vẫn là sự thật. Chỉ là…cao trào chưa xuất hiện nên bạn vẫn cảm thấy thong dong.

Ba mình là một công chức nhà nước, làm giáo viên cũng hơn 20 năm, nhưng có biết được chữ tiếng Anh tiếng ung gì đâu. Mà không chỉ riêng ba mình, cả thế hệ giáo viên 7x , 8x đời đầu (trừ giáo viên dạy Anh văn ra) đều chung tình cảnh này. Ừ thì…cũng chẳng sao, cứ có chuyên môn lĩnh vực mình dạy là đủ rồi. Nhưng bất thình lình mới đây, Bộ yêu cầu tất cả giáo viên tiểu học phải có chứng chỉ Anh Văn B1 gì gì đấy, mình cũng không rõ loại chứng chỉ theo khung Việt Nam. Thế là “đám người già” (mình mượn từ của ba mình) phải kéo nhau đi học, mà các bạn biết đấy, ở cái tuổi không còn trẻ trung gì nữa mà đi học một ngoại ngữ mới có dễ dàng đâu, vì khả năng nhạy bén của não bộ đã giảm, vì cơ miệng đã quá cứng để phát âm chuẩn tiếng Anh trong ngày một ngày hai. Mình kể chuyện người lớn để thức tỉnh các bạn trẻ ngày nay, chúng ta cái gì cũng hơn, từ điều kiện sống, khả năng tiếp thu kiến thức đến nắm bắt xu hướng, thế mà chỉ thua họ một điểm đó là “sự chịu khó”. Quay lại bối cảnh đất nước những năm 70, hậu chiến tranh và đang chìm đắm trong thời bao cấp, cái ăn còn không đủ huống chi đến những “món xa xỉ” như học Anh văn, chưa kể nhà nào có điều kiện khá giả lại cho con cái đi học tiếng Nga là chính. Một thời đại xám xịt của đất nước kéo theo nhiều hệ lụy và thiệt thòi cho cha anh chúng ta, vậy mà sống trong thời đại no ấm, đủ đầy hiện nay, chúng ta lại không ngừng than khổ và chán học.

Mình biết có một số bạn cũng quyết chí bỏ tiền đi học trung tâm để lấy lại căn bản, để có động lực hơn là tự học, nhưng quyết tâm ấy chỉ cháy được vài ba ngày rồi…đâu lại vào đấy. Giữa hứng thú nhất thời với quyết tâm lâu dài khác nhau một trời một vực, các bạn cũng không thể chỉ dựa vào thầy cô, đến giờ thì đi học (mặc dù cũng rất chăm đấy) nhưng về nhà lại không hề đụng đến bài vở và viện lý do rất khó bắt bẻ là “quá bận và quá mệt”. Thế nhưng có bao giờ bạn mơ thấy mình dõng dạc đứng thuyết trình tiếng Anh trước sếp và đồng nghiệp? Có bao giờ bạn ước mình có thể giao tiếp trôi chảy với bạn bè quốc tế? Có bao giờ bạn ngưỡng mộ thu nhập của một người vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi tiếng Anh? Mình nghĩ sâu trong thâm tâm các bạn rất muốn, vậy thì đừng chỉ ngừng lại ở việc ngưỡng mộ phiên bản không có thật của chính mình mà hãy biến mình thấy phiên bản đó: Học tiếng Anh đi!

Để giúp các bạn không nhụt chí và từ bỏ giữa chừng, mình có một câu thần chú như sau: “Mình biết thế nào mình cũng chán nản thế này cho xem. Học mãi cũng chẳng vào chữ nào, chắc là họ nói đúng, mình quá dở để có thể học tiếng Anh, mà có nói được cũng chẳng ra hồn nữa, hay là mình bỏ qua học thử tiếng Nhật xem sao? Nhưng…lúc mình muốn từ bỏ hãy nghĩ tới lý do mình bắt đầu. Mình cần công việc lương cao, mình phải nói tiếng Anh thành thạo để không bị khinh miệt ở chỗ làm (ở lớp) nữa, mình phải chứng minh cho họ thấy mình không bất tài vô dụng như vậy đâu… Phấn chấn lại, mình không thể bỏ cuộc dễ dàng như vậy!”. Đó là triết lý của người cứng đầu và chai lì, phần lớn họ đều thành công. 

Giờ thì bạn có tí động lực nào chưa? Nếu có thì hãy đọc tiếp những chiến lược làm Reading IELTS bên dưới nhé, còn nếu không thì bạn có thể dừng tại đây, uống tách trà và tận hưởng cuộc sống dễ chịu của mình. 

-----

LÀM SAO ĐỂ ĐẠT 9.0 READING?

pencil and ruled paper 

Chiến lược chung (General Strategies)

Khi bước vào một cuộc chơi hay một kì thi bất kì, điều quan trọng nhất không phải là bạn có đủ kiến thức hay kĩ năng để tham gia không mà là “phải biết luật chơi”, và kì thi IELTS cũng không ngoại lệ. Mình sẽ không đề cập lại về giới hạn thời gian hay số lượng câu hỏi trong phần Reading mà là các chiến lược hiệu quả nhất để “công phá” những quy định ngặt ngèo đó và hướng tới mục tiêu cuối cùng là điểm số 9.0.

1. Khi được cho phép mở Booklet và bắt đầu làm bài, điều đầu tiên bạn cần làm là xem lướt qua tất cả 40 câu hỏi và tiêu đề 3 đoạn passage, đừng bao giờ cắm đầu cắm cổ vào đọc bài trước và đợi làm xong đoạn 1 rồi mới biết đoạn 2 là bài gì, dạng câu hỏi là gì.

Tại sao? Mình sẽ chỉ ra cho các bạn một số lý do quan trọng:

- Dù nội dung bài đọc có hay đến cỡ nào hay chủ đề có đúng “gu” của bạn đi chăng nữa, việc bạn mải miết đọc và hiểu 100% nội dung của bài không có nghĩa bạn sẽ làm đúng hết tất cả câu hỏi của đoạn đó. Đối tượng (Subject) bạn cần hướng tới là câu hỏi, còn bài đọc chỉ là phương tiện. Mà đã là đối tượng chính thì chắc chắn bạn phải đọc ở khoảnh khắc mình tỉnh táo và tự tin nhất để tìm hướng tiếp cận tốt nhất.

- Việc đọc lướt tất cả câu hỏi ngay trước khi đọc từng đoạn văn giúp bạn có cái nhìn tổng quát và nắm gọn đề trong lòng bàn tay ở những phút đầu tiên, từ đó tạo tâm thế chủ động và quản lý thời gian tốt hơn. Hơn nữa, việc biết trước sự phân bố dạng câu hỏi và chủ đề của cả 3 đoạn rồi thì bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn đọc và làm trước đoạn nào mình cảm thấy dễ và hứng thú hơn, đầu xuôi thì xác suất đuôi lọt cũng sẽ cao (ít nhất về mặt tâm lý).

Ví dụ:

+ Passage 1: Title “The “Extinct” Grass in Britain”

+ Passage 2: Title “Keep the water away”

+ Passage 3: Title “What do babies know?”

Chỉ nhìn sơ qua tiêu đề thì bạn thấy có vẻ chủ đề đoạn 3 gần gũi với mình nhất và dung lượng câu chữ ngắn hơn nên quyết định sẽ làm trước, thay vì đi từ 1 đến 3. Đó là tiếp cận theo hướng chủ đề, còn nếu như bạn chả thấy cái nào dễ hơn cái nào thì cứ nhìn đoạn văn có nhiều câu “Gap Filling” hay “MTCs” làm trước (strongly advise) vì dạng này siêu dễ làm, đừng khờ dại lao vào những câu matching trước nhé.

- Lý do cuối cùng, không nhất thiết phải đọc hết bài để trả lời hết câu hỏi, hỏi cái gì thì tìm đúng thông tin trong bài để trả lời thôi. Thử tưởng tượng bạn mất một lần thời gian để đọc qua hết bài rồi, nếu kĩ năng đọc của bạn nhanh thì không nói gì còn những bạn có vấn đề về từ vựng thì quả thật rất vất vả, và…đọc xong rồi rốt cuộc bạn cũng không biết mình phải trả lời cái gì trong khi trí nhớ ngắn hạn của mình rất tệ, lát nữa đến câu hỏi đó bạn chỉ nhớ mang máng thông tin và chắc chắn phải đọc đi đọc lại nhiều lần à mất thời gian. Ngược lại, việc đọc trước câu hỏi giúp bạn định vị và tập trung đọc những chỗ quan trọng tốt hơn, tránh đọc chồng chéo và lãng phí thời gian quý báu.

2. Đã là một IELTS learner thì đòi hỏi bạn phải nắm rõ và sử dụng thành thạo 2 kĩ năng đắc lực, đó là “Skimming” và “Scanning”.

Chắc hẳn có bạn sẽ nghĩ mình đang lôi những điều cũ rích trong sách luyện thi IELTS ra viết lại vì “skimming” và “scanning” là 2 thuật ngữ đầy nhàm chán. Đúng, mình cũng công nhận điều này, bạn có thể phớt lờ và không nhất thiết phải làm theo tip này nếu như bạn đã ở trình độ master hoặc có chiến lược khác tốt hơn. Nhưng từ quan điểm của một người học và dạy IELTS, cũng đã từng thi được điểm tối đa phần Reading, mình vẫn “trọng dụng” hai kĩ năng này như hai cánh tay trái và phải vì chúng không lý thuyết và thực dụng như bạn nghĩ đâu, nhất là khi ta biết áp dụng chúng đúng lúc đúng chỗ.

Về phần định nghĩa, đơn giản bạn chỉ cần nhớ:

- Skimming: đọc lấy ý chính (main ideas)

- Scanning: đọc hay “rà” để tìm từ, cụm từ cụ thể (specific words, information)

Sở dĩ bạn cần nắm vững 2 kĩ năng này vì chúng là tiền đề để bạn áp dụng các tips cho từng dạng bài cụ thể mà mình sắp sửa đề cập. Nếu như tóm tắt ngắn gọn thì skimming sẽ hỗ trợ trả lời nhanh những câu hỏi về “main ideas” như Matching Heading, câu MTC cuối bài, thường là: “Which may be another title of the passage?” hay “What is the main opinion of the author in the passage?”, etc. Còn Scanning sẽ rất hữu hiệu để trả lời các câu hỏi rời rạc, chỉ liên quan đến một lát cắt thông tin trong bài mà không cần đọc hết như Sentence Completion, MTCs, T/F/NG, etc. 2 kĩ năng này không tồn tại độc lập mà có thể được kết hợp khéo léo để giải quyết những dạng phức tạp hơn.

 white pen on table

Chiến lược cho từng dạng câu hỏi (Strategies for specific types of questions)

Mình cảm thấy phần thi Reading là phần thi đa dạng câu hỏi nhất trong 4 kĩ năng. Để tránh không bị “khớp” khi làm bài thì buộc thí sinh phải dành trung bình 2 tuần (mỗi ngày 2 giờ) để làm quen và luyện tập tất cả dạng bài điển hình. Sau khi đã nghiên cứu kĩ các đề của Cambridge và Actual Test, mình đã tóm tắt thành 7 dạng chính và 2 nhóm lớn (nếu các bạn tham khảo các bài viết khác thì có thể họ phân loại chi tiết hơn và đặt tên cũng khác đi, nhưng về bản chất vẫn là một).

Types of questions

Group 1

1. Sentence/Chart/Summary Completion (Gap Filling)

2. MTCs – Picking from a list

3. True/False/Not Given (Yes/No/Not Given)

Group 2

4. Locating Information (Matching ideas with the correct paragraph)

5. Categorization (Matching each statement/description/deed with the correct category)

6. Matching Heading

7. Matching each sentence with the correct ending

Mình xếp 3 dạng đầu chung nhóm không phải vì chúng có điểm chung nào đặc biệt mà là chúng đều là các dạng riêng lẻ, còn nhóm 2 đều là dòng họ Matching (Matching information; Matching category; Matching Heading; Matching ending) và nhóm này được nhận định là khó hơn nhóm 1.

Vì không phải dạng nào nêu trên cũng làm khó được các bạn nên mình sẽ chỉ xoáy sâu vào cách làm nhanh và hạn chế bẫy ở T/F/NG và nhóm Matching.

 white ruled paper with assorted rings

True/False/Not Given hay Yes/No/Not Given

Thoạt nhìn có vẻ hai dạng này chẳng có gì khác nhau, vậy bạn có từng thắc mắc tại sao người ra đề lại “đẻ” ra thêm một tên gọi khác để làm gì? Người ra đề đều là các experts, scholars, họ đủ thông minh để giải thích được lý do của mình. Thật sự là có sự khác nhau nhỏ như thế này:

- True/False/Not Given là dành cho đoạn văn mang tính khoa học, nghiên cứu cao, khi hỏi về FACTS/ SCIENTIFIC INFORMATION

- Yes/No/Not Given là dành cho đoạn văn mang tính chất chủ quan của người viết (thường có author trong câu hỏi), khi hỏi về OPINION, IDEAS

Chúng ta chỉ dám thừa nhận ĐÚNG, SAI đối với tri thức khoa học như Trái Đất quay quanh Mặt Trời, chứ đối với quan điểm của một người thì chỉ có đồng tình hay không mà thôi, ví dụ như câu phát biểu“Cô ấy hát hay”, giữa câu hỏi ĐÚNG hay SAI và câu hỏi ĐỒNG Ý hay KHÔNG ĐỒNG Ý thì bạn thấy cách hỏi nào OK hơn? ^^

Vậy thôi đó, còn cách làm hoàn toàn tương tự. Phần lớn mình thấy học sinh làm nhầm lẫn giữa False và Not Given rất nhiều còn giữa True - False đều dễ dàng làm đúng. Điều này cũng rất dễ hiểu, thông thường người Việt mình đi học từ tiểu học đến đại học cũng ít khi gặp đề thi tiếng Việt đọc hiểu có phương án “KHÔNG CHO SẴN”, và cũng thông thường ta đánh đồng hễ thông tin khác với những gì được cho đều là “SAI”. Còn bây giờ đọc hiểu tiếng Anh, có thêm “NOT GIVEN”, và tất nhiên các bạn sẽ không thể tránh khỏi bối rối thế nào là “NOT GIVEN”, và thế nào là “FALSE”? Nếu đem định nghĩa ra giải thích thì dễ như ăn cháo, nhưng khi bắt tay vào làm bài thì các bạn mới vỡ ra nó “confusing” cỡ nào. Vậy thì nhớ kĩ:

- Chọn FALSE khi và chỉ khi thông tin hoàn toàn “trái ngược” với bài đọc. Mình nhấn mạnh từ “trái ngược” (opposite), không phải là khác biệt.

- Chọn NOT GIVEN khi và chỉ khi thông tin đó hoàn toàn không xuất hiện hay chỉ một vài chữ có mặt nhưng xét tổng thể nội dung vẫn hoàn toàn khác biệt với bài đọc.

Đó là 2 căn cứ để bạn phân biệt được chúng, tuy rằng làn ranh cũng rất mỏng manh. Thường đối với câu NOT GIVEN, exam makers sẽ không dễ dàng ra cái gì từ trên trời rơi xuống để mà liếc qua bạn cũng biết nó khác xa trong bài đâu, mà họ chỉ thay một vài từ nhỏ để biến nó thành một thứ khác và nếu không tỉnh táo bạn rất dễ sa vào bẫy FALSE. Mình cũng từng chịu nhiều bài học xương máu từ lỗi sai này.

Ví dụ:

- Statement: “The distance from the moon to the sun is nearly 150 million km”

- Trong bài, bạn đã định vị được thông tin: “The Earth is about 150 million km far from the sun”.

Vậy bạn chọn đáp án nào?

Chắc chắn sẽ có người chọn “FALSE” vì họ lí giải phải là Trái Đất mới cách Mặt Trời gần 150 triệu km chứ đâu phải Mặt Trăng, mà đề cho là Mặt Trăng, vậy câu này chắc chắn sai. Nghe cũng có lý vì họ đang lấy “150 million km” làm chuẩn, nhưng muốn đúng phải là thế này: Trong bài cũng có nói tới con số 150 million km kia, nhưng nó xuất hiện để chỉ khoảng cách từ Earth đến Sun chứ không hề có chỗ nào đề cập khoảng cách từ Moon đến Sun, vậy câu này là “NOT GIVEN”. Thậm chí khi bạn là một người có tri thức uyên thâm, biết chắc khoảng cách từ Moon đến Sun là một con số khác đi nữa thì cũng không thể chọn FALSE, vì chỉ dựa vào thông tin cho sẵn chứ không dựa vào kiến thức và suy đoán cá nhân. OK, bạn hiểu chưa?

Vậy khi nào chọn “FALSE”?

Chỉ khi thông tin trong statement “opposite”với bài, đại loại như “distance from the Earth to the sun is around 150 billion km”, lúc này họ bóp méo thấy 150 tỉ km mất rồi, còn trong bài chỉ có 150 triệu thôi, rõ ràng là sai.

Qua ví dụ nhỏ ở trên thì hy vọng bạn đã ngộ ra sự khác nhau mình vừa nói. Chắc chắn khi làm bài thực tế thì sẽ có chỗ lắt léo và đánh đố hơn nhiều. Và nhiều khi mình cũng rất ức chế vì đã làm theo phương pháp này mà vẫn bị bẫy và sai đáp án. Nhưng yên tâm trường hợp đó không nhiều, xui lắm thì gặp phải một hai câu như thế. Lý do là ở người ra đề, tư duy của mình và họ bị chệch nhau một tí, đúng không nào? Điều đó không có nghĩa hễ làm sai là đổi thừa người ra đề nhé, “tiên trách kỉ, hậu trách nhân”, bạn phải suy nghĩ thật kĩ trước khi chọn, chọn sai thì phải tìm đúng chỗ trái ngược với nó, chọn “Not Given” thì chỉ khi rà toàn bộ bài và hiểu hết mà vẫn không thấy, chứ không phải mới đọc sơ, đọc ẩu thấy không liên quan là vội vàng làm “Not Given” cho khỏe. Và cuối cùng là luôn luôn check lại những câu sai, vì sao mình sai? Có phải do lệch tư duy hay do mình không hiểu hết? Cố gắng hiểu tư duy của người ra đề, giải mã tư duy, tìm thấy sự logic trong cái phi logic, etc,

Một cái bẫy nữa cần lưu ý đối với dạng T/F/NG đó là việc thêm thắt từ và paraphrasing. Kinh nghiệm là những câu nào không hề paraphrase mà phần lớn y hệt câu tìm thấy trong bài thì đừng vội vàng chọn TRUE, bẫy đấy. Lý do là không ai mà ra đề dễ thế, nếu câu nào cũng vậy thì chẳng lẽ “READING COMPREHENSIVE” phải đổi thành “FINDING INFORMATION” rồi hay sao? Họ có thể đổi một số quantifiers như sau: most, more, few, some, no,… hay thêm một vài từ như: first, second, last… kiểu rất tinh vi để mà nhận ra.

Ví dụ: Statement “Nancy Athfield first discovered the ancient remains in Cambodia.”

Trong bài cũng có nói Nancy discovered pla pla, giống hệt, khác mỗi chữ “first”, cũng không biết first hay không nữa thì câu này phải là “Not Given” chứ không phải “True”

Hoặc:

Statement “Most people in Kenya believed that they were protected by a God”

Trong bài có nói “Some Kenyan people held a belief that they were protected by a God” thì giữa “some” và “most” cũng là cơ sở để các bạn chọn “False” được rồi.

Về paraphrasing, cái này thì chỉ có cách nâng cao vốn từ vựng của mình để hiểu hết câu đề cho, đôi khi chỉ thay một cái tính từ mà bạn không biết nó là synonym hay antonym của tính từ trong bài cũng sẽ đẩy bạn mất đi nửa band điểm.

Đó là tất cả các tips tự mình đúc kết được qua quá trình làm dạng bài này. Mình chỉ nêu ra lại các tips mình cảm thấy phù hợp và có tính ứng dụng cao cho những bạn có target 9.0. Còn nếu như bạn chỉ cần 6.0, 7.0 thì cũng không cần nhớ quá nhiều tips đâu, tập trung xây nền móng vững và làm những câu vửa sức mình là đủ rồi.

Bài đến đây cũng khá dài, mời các bạn đón đọc tips làm dạng Matching của mình ở bài đăng sau nhé. 

---


Tác Giả: Trịnh Thủy Ngân, Đại học Ngoại Thương CS2

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009566226395

--------------------------------

 

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

716 lượt xem, 714 người xem - 736 điểm