Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Than Phiền Khiến Mình Bớt Đau? Tại Sao Cứ Ép Mình Không Được Than Phiền?

Đôi khi tôi hay tự hỏi mình những câu hỏi mà tôi nghĩ không một ai đang trưởng thành không tự hỏi mình: “Rốt cuộc tại sao mình lại sống như thế này?”

Tôi biết, tôi biết, mọi người cũng đang không hề dễ dàng mà sống. Tôi biết chứ, cuộc sống của tôi, khó khăn của tôi, chưa là gì cả, nếu so với những người khác. Tôi biết mình vẫn đang may mắn và hạnh phúc hơn cả triệu người vô gia cư ngoài kia. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không có những nổi khổ của riêng mình. Họ có nỗi khổ của họ, nỗi khổ ấy, tôi biết rất khổ. Nhưng nổi khổ của tôi, họ có biết là cũng rất khổ hay không? Chỉ là tôi không thể hiện ra, không có nghĩa là tôi đang không quằn quại vì mệt mỏi.


Thế nhưng mà, chúng ta không thể tránh được cậu ạ, làm sao có thể tránh được những khổ đau đây? Hãy nghĩ như việc chúng ta phải uống một bát thuốc đắng thật đắng, không thể không uống, nếu không uống thì không thể sống tiếp chặng đường tiếp theo, nhưng muốn sống thì phải nếm thử qua cái vị đắng của nó. Những khổ đau giống như bát thuốc đắng, uống thì đắng nhưng uống xong thì khỏe hơn, ánh nắng sau những cơn mưa bao giờ cũng trong trẻo hơn và bầu trời bao giờ cũng cao hơn.


Trong suốt một thời gian dài, tôi đã ép mình sống trưởng thành hơn, cái “trưởng thành hơn” ở đây chính là ép bản thân mình giấu cảm xúc vào trong, không cho phép mình được than phiền với bất cứ ai. Đến mãi sau này, tôi mới hiểu ra, tại sao mình đã bị cuộc sống quay cho mệt mỏi như vậy, mà đến chính mình còn ép bản thân thêm nữa?

Nhiều người thực sự không muốn than phiền, không muốn kêu ca, càng không muốn mọi người nhìn vào những lời than phiền và đánh giá mình, hay thậm chí là tặng cho mình một cái nhếch mép, như cách họ vẫn thường làm khi vô tình lướt phải dòng trạng thái than phiền nào đó. Họ cho rằng than phiền không giúp ích gì cho bản thân họ, không thể giúp họ từ vũng lầy của tâm trạng bay vút lên cao hoặc chí ít là lấy lại trạng thái cân bằng.

Nhưng không phải “than” là bản năng của con người sao? Không phải từ khi còn được ẵm ngửa, bạn vẫn thường hay khóc để thể hiện mình đang đau, đang đói hay khó chịu ư? Không phải khi gặp nguy hiểm hay đau đớn bạn vẫn vô thức cất lên tiếng kêu rên, hay cầu cứu ư?

Khoa học đã chứng minh: Khi bạn khóc trong thời gian dài sẽ giải phóng oxytocin và opioid nội sinh, còn được gọi là endorphin. Những chất này có thể giúp bạn giảm đau cả về thể chất và tinh thần. Endorphin được coi là liều thuốc giảm đau tự nhiên của cơ thể giúp ngăn chặn cơn đau và giảm cảm giác khó chịu. Oxytocin hay còn gọi là hormone tình yêu có thể mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc.             


Bởi vậy bản chất của việc “than” chỉ là sự thể hiện cảm xúc, một cách giải tỏa cảm xúc, giải tỏa khỏi những áp bức trong lòng, và mong cầu một liều thuốc an ủi từ những người xung quanh với hi vọng làm giảm bớt nỗi đau đớn trong mình. “Than” có gì là sai đâu, tôi “than phiền” vì tôi “đau”, tôi cần được “tiêm thuốc”, nhưng nếu tôi không nói ra, ai biết tôi đau, và ai biết được nên tiêm thuốc nào?

Hà cớ gì bạn mạnh mẽ, có nghĩa là tôi phải mạnh mẽ theo bạn? Hà cớ gì, bạn không than phiền, thì bạn có quyền nhìn những người than phiền nhiều hơn bạn bằng ánh mắt không tôn trọng, hay chép miệng với họ?

Hà cớ gì chính bạn, một người đang trải qua quá nhiều đau khổ trong những năm tháng trưởng thành khắc nghiệt lại vì những nguyên lí sống của người khác mà để mặc cho những đau đớn ấy đục khoét chính mình, hút cạn dần sức sống trong mình và đến một lúc nào đó, lại tự hỏi: “Tại sao mình lại không thể chia sẻ với ai đó?” Không ai ép cả, chính bạn với những tư tưởng quá hẹp hòi đã ép bạn đến ngộp thở.



Nhìn đi cũng không thể không nhìn lại, theo nguyên lí lợi ích cận biên giảm dần, khi đạt đến ngưỡng cao nhất của sự thỏa mãn, nếu cứ tiếp tục gia tăng số lượng, sự thỏa mãn sẽ giảm dần theo đồ thị hình sin, và đến một ngưỡng nào đó, sự thỏa mãn ban đầu sẽ đạt ngưỡng không và thậm chí âm. Chính bản thân từ “than phiền” theo một khía cạnh thông thường, đã mang nghĩa tiêu cực, tuy nhiên, nếu được than phiền một cách hợp lí, đúng chừng mực, chúng ta có một công cụ hữu ích để giải tỏa con quỷ cảm xúc của mình.

Nhưng, hãy nhớ từ “nhưng” vô cùng quan trọng, có đôi khi nó còn quan trọng hơn toàn bộ những câu chữ đứng trước nó. “Than phiền” giống như một viên thuốc giảm đau, dùng quá liều sẽ dẫn đến tác dụng phụ cực lớn. “Bệnh nhân” rất dễ bị phụ thuộc vào thuốc, mất kiểm soát hành vi của bản thân, dần dần có dấu hiệu nghiện thuốc.


Mọi sự so sánh đều chỉ là tương đối, tuy nhiên, trong trường hợp, chúng ta có thể thấy được sự tương đồng khá lớn. Con người ta một khi không thể tự mình vượt qua những thống khổ của bản thân, ỷ lại vào liều thuốc “than phiền”, luôn tìm cớ để thoái thác, để yếu đuối, để biện hộ cho lí do tại sao mình không hạnh phúc? Sẽ không hơn không kém trở thành những người bất hạnh mà đến chính họ cũng không nhận ra.

Và đáng buồn thay, những người như vậy dường như đang xuất hiện ngày càng nhiều, giống như một thứ bệnh dịch, một thứ virut lan tỏa rất chậm trong không khí, lây bệnh từ người này sang người khác. Thứ virut ấy có lẽ chính là mạng xã hội, một công cụ dùng để chia sẻ những cảm xúc, kết nối mọi người. Nếu bạn không quá vô tâm, chắc chắn mỗi ngày bạn sẽ vô tình đọc được vài bài post than vãn trên Facebook hoặc các mạng xã hội khác, những câu chuyện, những dòng trạng thái đôi khi chỉ xuất phát từ những câu chuyện vặt vãnh, nhỏ nhoi, nhưng không biết tự bao giờ, người ta đã trầm trọng hóa những nỗi buồn của mình, dường như chỉ để kiếm một cái cớ, một lí do “đủ” hợp lí để có thể cập nhật, chia sẻ lên thôi.



Có một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không dùng mạng xã hội có cảm giác hạnh phúc hơn 40% so với những người thường xuyên sử dụng và cập nhật thông tin của họ trên mạng xã hội. Chưa nói đến việc chúng ta bị chi phối như thế nào bởi thứ phát minh tân tiến này, chỉ riêng việc luôn làm mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn, tự tạo ra cho mình những nỗi buồn không đâu, như việc sống ảo, hay thèm được quan tâm, khao khát được than phiền và được an ủi bằng những bình luận sáo rỗng, đầy phép lịch sự và đôi khi có chút giả tạo, chúng ta đã tự biến mình thành “con bệnh” mà nguyên nhân của căn bệnh này xuất phát từ hai lí do nổi bật: mạng xã hội và thói quen xấu - thích than phiền.

Thuốc có tốt đến đâu, cũng chỉ là thứ thuốc giảm đau, dùng để giảm đau nhất thời thì được, nhưng để sử dụng lâu dài, sẽ là một liều thuốc độc, giết chết những hạnh phúc, biến chúng ta trở thành những kẻ yếu đuối, hèn nhát, những “con nghiện” coi than phiền như một thói quen cố hữu, những “con nghiện” chỉ biết sống ảo.

(Nguồn ảnh: Pinterest)

Đó là một chút của góc phản biện, tuy nhiên mình không viết bài viết này dành cho những người “đam mê” than phiền, mình viết cho những ai, giống như mình của những năm tháng vất vả đi tìm cho mình một lối sống tích cực. Mình đã ép bản thân phải chịu đựng, phải nén những cảm xúc, những đau đớn trong lòng, không được phép, dù là với bất cứ ai, chia sẻ những cảm xúc ấy. Bởi vì, mình từng cho rằng, than phiền chỉ khiến bản thân thêm mệt mỏi, thêm chán nản, không những thế còn truyền những cảm xúc tiêu cực ấy đến những người đang lắng nghe mình.

Thật may, vì mình đã nhận ra rằng than phiền khiến mình bớt đau, việc nén giữ cảm xúc khiến mình như một quả bóng đang căng tràn, chỉ trực nổ tung, và mình không biết rằng, sau khi nổ, quả bóng ấy sẽ trở thành hình thù như thế, bản thân sẽ trở thành như thế nào?



Việc mình nên làm, chính là tìm một nơi an toàn, chia sẻ một chút những cảm xúc tiêu cực, giải tỏa chúng, chỉ cần được nới lỏng sợi dây thắt nút một chút, quả bóng sẽ được an toàn. Và biết đâu, lắng nghe suy nghĩ của người khác, ta sẽ có được cái nhìn khách quan, nhẹ nhàng hơn về những rắc rối của chính mình, từ đó nỗi buồn cũng sẽ tự nhiên vơi đi, giống như bệnh cảm cúm vậy, chỉ là một thứ bệnh thông thường, thực sự không cần đến thuốc giảm đau, hễ miễn dịch có thể giúp ta đánh đuổi nó đi, việc ta nên làm chính là chờ đợi, suy nghĩ đơn giản và học cách “uống thuốc” đúng lúc, bạn có nghĩ vậy không?

Đừng suy nghĩ quá tiêu cực về hai từ “than phiền” mà hãy học cách “than phiền” bạn nhé! Cuộc sống có những cái bơm liên tục liên tục bơm căng đầy những quả bóng, nhưng những nút thắt được làm từ cao su, có thể nới lỏng bất cứ lúc nào, để khi quả bóng không thể chịu được nữa, mà cái bơm kia vẫn không ngừng, chúng ta sẽ có thể nới lỏng nút thắt, để lấy lại sự cân bằng cho quả bóng, chúng ta sẽ có thể lấy lại sự cân bằng cho cảm xúc của chính mình.

Mong rằng, bạn sẽ không ép mình nữa. Hãy đấu tranh với cuộc sống ấy, chứ đừng hùa theo nó làm khổ bản thân mình. Bạn hãy yêu thương mà nói với chính mình: “Vất vả cho cậu rồi, từ giờ trở đi, ta chung một chiến tuyến.”


  

Tái bút: Tôi vẫn duy trì quan điểm của mình, dùng chữ viết để ghi lại cảm xúc, để phát tiết cảm xúc, bởi vì suy cho cùng, cái não nhỏ bé của chúng ta cũng không phải là cái tủ đàn hồi với số ngăn là vô tận để ta có thể chứa mọi thứ trên đời. Mà chúng ta cũng chẳng thể nào gói ghém cảm xúc của mình rồi ném nó vào tủ kính để trưng bày, những cảm xúc mãnh liệt một ngày nào đó cũng sẽ phai nhạt dần và mất dạng, không để lại chút ý niệm gì trong đầu ta.

Bởi vậy, tôi viết, viết vì chính tôi, chính cảm xúc của tôi.

Đẹp xấu gì cũng là thanh xuân, phải không?


Tác Giả: Kaylee Canavaugh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100005537329044

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN?

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,088 lượt xem, 2,078 người xem - 2115 điểm