Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nhân Vật Chính Trong Bộ Phim “Cuộc Đời”



Bạn đã bao giờ xem một bộ phim và mong muốn được trở thành nhân vật chính của bộ phim ấy? Bạn đã bao giờ cảm thấy cuộc sống của mình cũng giống như những thước phim? Và liệu đã bao giờ bạn nhận ra bản thân là một vai chính trong bộ phim về cuộc đời mình? Quả vậy, mỗi người chúng ta từ khi sinh ra đã đảm nhận một vai chính cho chính cuộc đời của mình, có điều chúng ta có thực sự làm tròn vai diễn ấy không?


Tôi đã từng xem bộ phim “She was pretty – Cô ấy từng xinh đẹp” của Hàn Quốc và tôi cảm nhận được một cách vô cùng rõ nét thông điệp mà bộ phim ấy gửi gắm “Hãy là nhân vật chính trong cuộc đời của riêng mình.” Cũng nhờ biết đến “Cô ấy từng xinh đẹp” mà tôi nhận ra bản thân cũng là một diễn viên chính trong chính cuộc đời mà tôi được ban tặng.

 


Đôi nét về “She was pretty” – bộ phim kể về hai người bạn thân từ thưở nhỏ nhưng cả hai không chỉ đơn thuần là những người bạn, họ dành cho nhau sự cảm mến đặc biệt và có lẽ cả hai ngầm coi nhau như mối tình đầu. Nhưng rồi thông điệp ấy dần xuất hiện xuyên suốt cả bộ phim khi cô bạn xinh đẹp, nổi tiếng ngày xưa ấy gặp lại cậu bạn thân của mình là một người to con, xấu xí và thường xuyên bị bạn bè bắt nạt sau khi cả hai đã lớn. Giờ đây mọi thứ dường như bị đảo lộn, cậu bạn ngày xưa ấy bây giờ trở nên bảnh bao, tài giỏi và giàu có trong khi cô gái trở nên xấu xí lại thất nghiệp. Cũng chính vì thế mà từ một nhân vật nữ chính hóa ra trở thành một nhân vật phụ. Cảm thấy tự ti, mặc cảm về bản thân mình của hiện tại mà nhân vật chính ấy đã nhờ người bạn thân của mình đóng giả là cô để gặp lại người bạn năm xưa và trốn tránh người bạn ấy. Rồi dần dần, cũng bắt đầu từ đó, mọi chuyện dường như trở nên mất kiểm soát và nhân vật nữ chính không còn làm chủ được cuộc đời của mình nữa. Rắc rối cũng từ đó mà ra.


Tôi cũng từng được biết đến bức họa “Dance in the country” của họa sĩ người Pháp tài hoa Pierre Auguste Renoir thông qua chính bộ phim “She was pretty”


Bức tranh này cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng khi góp phần thể hiện và truyền tải thông điệp mà bộ phim đem lại. Với những ai đã từng theo dõi “Cô nàng xinh đẹp” thì chắc hẳn ý nghĩa của bức họa phẩm “Dance in the country” vẫn còn đọng lại trong trí nhớ. Theo như bộ phim, nếu nhìn qua bức tranh ấy, chúng ta chỉ đơn thuần nhận thấy đây là một tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu. Vẻ đẹp ấy được toát lên qua điệu nhảy đầy say sưa và tình tứ giữa một người đàn ông với một người phụ nữ. Ánh mắt và cử chỉ đầy sự âu yếm cùng với gam màu tươi sáng, ấm áp đã tạo nên một khung cảnh lãng mạn và bình yên đến lạ. Thế nhưng ít ai để ý được rằng ở góc trái của bức tranh ấy là một cô gái đang hướng mắt nhìn về phía cặp đôi đang khiêu vũ. Có thể đó là một khán giả đang chiêm ngưỡng điệu nhảy lãng mạn ấy nhưng với thông điệp mà bộ phim đem lại “Hãy là nhân vật chính trong cuộc đời của riêng mình” thì cô gái ấy giống như đang nhìn người mà cô ấy yêu bên cạnh một người phụ nữ khác, một nhân vật phụ trong cuộc đời của người khác.


Có lẽ nhiều người, thậm chí ngay cả bản thân tôi cũng từng cho rằng mọi chuyện xảy ra trong cuộc đời chúng ta đều là do số phận sắp đặt và định đoạt. Nhưng cho đến giờ, tôi nhận ra tất cả những gì diễn ra đều là do chính bản thân mỗi người tự quyết định để câu chuyện của cuộc đời sẽ thành ra như thế nào. Có điều bản thân chúng ta sẽ chọn làm chủ cuộc đời mình hay là trở thành một diễn viên vô danh trong cuộc đời người khác.



Có vô vàn những kiểu vai phụ ngay trong chính những thước phim của cuộc đời mỗi người. Chắc hẳn bạn đã từng gặp hay đã từng vô tình để bản thân trở thành vai diễn chạy theo người khác, trở thành cái bóng của người khác.

Không thể phủ nhận rằng, khi bắt gặp một người nào đó hơn mình, dù chỉ là chút ít, con người ta vẫn thường có xu hướng ganh tị với người khác, ghen tị về những gì họ có mà bản thân mình không có được. Như vậy, để xua tan cái cảm giác đố kị, con người ta thường cố gắng đạt được những gì mà người khác có để rồi dần dần trở thành một bản sao của người khác, một vai phụ ngay trong chính thước phim của cuộc đời mình và tệ hơn nữa, bản thân dường như quên mất rằng mình là ai, liệu mình thực sự cần những điều gì?


Hay cũng vẫn là khi bạn thấy một ai đó tài năng và giỏi giang hơn mình, bạn có thể sẽ mong muốn được trở nên giống như họ để được mọi người quan tâm, để ý đến. Trường hợp này có khả năng phát triển theo một chiều hướng tích cực bởi khi đó bạn muốn tạo nên một phiên bản tốt hơn của chính bản thân mình. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng khi muốn tạo ra những điều tích cực cho chính mình theo hình mẫu mà bạn theo đuổi thì đừng quên đi mất những điều đặc biệt, những cá tính tạo nên sự khác biệt của mỗi một cá thể. Nếu không thì bản thân sẽ vô tình trở thành cái bóng của người khác.

“Đừng so sánh bản thân với người khác. Làm như vậy là bạn đang tự xúc phạm mình đấy!” – Bill Gates


Hãy bắt trọn từng khoảnh khắc trong cuộc đời của bạn! Cớ sao không để bản thân bạn trở thành một người đạo diễn, một nhà biên kịch viết nên kịch bản mà ở đó bạn là nhân vật chính trong cuộc đời mình?


Để trở thành một vai chính trước hết là ở chính nội tại con người bạn. Bạn cần biết rõ bản thân mình là ai? Mình muốn gì? Mình ghét gì và thích gì? Mình cần phải làm gì và đạt được những điều như thế nào? Khi mà bạn đã nắm rõ được những điều đó ở bản thân thì khi đó bạn gần như đã làm tròn vai chính của mình rồi. Hãy luôn ghi nhớ những câu hỏi đó cho mình để không bao giờ bị gặp phải những sự cám dỗ không thuộc về mình. Ví dụ đơn giản như khi bạn nhìn thấy một chiếc áo rất đẹp, mọi người thử chiếc áo đó cũng thấy đẹp và bạn bị kích thích bởi chiếc áo đó, thế nhưng khi bạn thử nó thì hoàn toàn ngược lại. Tuy vậy, bạn vẫn quyết định mua nó vì nó hợp thời hoặc vì nó rẻ. Mở rộng ra, ví dụ khi bạn chọn ngành nghề tương lai của mình, chắc hẳn có bạn sẽ gặp phải cảm giác mông lung hay mơ hồ, thế nhưng lúc đó bạn hãy tĩnh tâm lại và trả lời những câu hỏi kia, liệu lựa chọn nghề nghiệp nào mới thực sự làm cho bạn trở nên hạnh phúc sau này?


Đừng để bản thân dễ dàng trở nên bị giao động bởi những gì mà người khác nói. Bạn biết đấy, khi để bản thân bị động và bị “dắt mũi” bởi người khác, bạn chẳng khác nào một con rối trong thước phim của họ cả. Bất kì những ý kiến nào của người khác bạn cũng hãy tôn trọng lắng nghe nhưng đừng để họ điều khiển được bản thân bạn. Hãy biết chọn lọc những gì mà bạn nghe được bởi nếu tương lai bạn ra sao, bạn cũng chẳng thể đổ trách nhiệm hay lỗi lầm lên họ được. Vậy nên quyết định cuộc đời bạn là do bạn, những thước phim dù tồi tệ hay tốt đẹp cũng là ở bạn. Nhưng một khi bạn là vai chính trong bộ phim của mình, bạn sẽ luôn làm chủ được những thước phim mà bạn tạo ra. “Sống cuộc đời của mình theo mong muốn của người khác là lãng phí cuộc đời của bạn” – Steve Jobs


Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng khi bạn muốn trở thành một nhân vật chính, hãy bỏ qua những lời đàm tiếu, dèm pha về bạn. Quả đúng như vậy, những lời lẽ tiêu cực ấy chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, bất an hơn mà thôi. Nếu để tâm quá nhiều vào những gì mà người khác nói về bạn thì cứ thế, từ lúc nào bạn chẳng hay biết bản thân đã trở thành một vai phụ luẩn quẩn trong những thước phim của họ. Thế nhưng, cũng đừng nên quá bàng quang và thờ ơ với những gì người ta nhận xét về bạn bởi có thể những điều đó sẽ giúp bạn hoàn thiện bản thân mình hơn, góp phần làm tròn vai chính của bạn.




Hơn hết, hãy sống hết mình và thể hiện được cá tính của mình. Mỗi một người trên thế giới này đều có điều đặc biệt cho riêng mình, có điều bạn hãy biết tận dụng, bộc lộ điều đặc biệt ấy ở bản thân để luôn là một diễn viên chính trong kịch bản của cuộc đời mình.


Những điều trên chắc hẳn đã giúp bạn tìm thấy vai chính của cuộc đời mình. Nhưng đừng để bản thân lầm tưởng rằng nhân vật chính là một nhân vật trung tâm. Bởi là một nhân vật chính, bạn đâu chỉ sống cho riêng bạn, xung quanh bạn còn biết bao các tuyến nhân vật có liên quan và tác động đến bạn. Là một nhân vật chính, bạn không chỉ làm chủ cuộc đời mình mà cần biết quan tâm tới các vai diễn khác bởi bộ phim cuộc đời mà bạn tự tạo ra đều có những ảnh hưởng qua lại tới các nhân vật khác. Còn đối với nhân vật trung tâm, đúng như cái tên của nó, bản thân bạn chính là trung tâm, mọi thứ đều phải xoay quanh bạn. Nhưng đừng quên, những người khác có thể là vai phụ trong cuộc đời bạn nhưng họ cũng nắm giữ vai chính trong thước phim của chính họ. Như vậy, đừng bao giờ biến bản thân trở thành một nhân vật trung tâm và để người khác phải chạy theo bạn.


Vậy nên, những thước phim của bạn sẽ ra sao, bộ phim của bạn sẽ như thế nào đều là nhờ cả vào vai chính của bạn đấy!



Tác giả: Mạc Khánh Vi
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,669 lượt xem, 1,553 người xem - 1573 điểm