Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Khi Cơ Hội, Lo Ngại, Rủi Ro Phía Trước, Liệu Có Ai Còn Muốn Trưởng Thành?

          Một ngày kia con sải cánh vươn vai 
          Trưởng thành ngay và bay đi khắp chốn
          Rồi con sẽ nhận thêm phần bận rộn 
          Bởi thấy rằng cuộc sống đã đổi thay. 

       Khi chấp nhận mình lớn nghĩa là người ta phải nhiều thứ. Thay vì chỉ biết cảm nhận một cách đơn thuần để rồi chóng quên thì họ nghĩ khác hơn, yêu thương khác hơn, ứng xử chững chạc hơn. Theo bạn, bao nhiêu tuổi là trưởng thành? Có vẻ như không có giới hạn về độ tuổi nào cho cột mốc trưởng thành bởi suy cho cùng, ai rồi cũng phải trải qua giai đoạn ấy trong cuộc đời mình. Tuổi trưởng thành, ít ai còn thiết tha với những buổi trưa trốn ngủ chạy chơi, giật mình chạy như bay khi nghe tiếng gọi của mẹ để rồi co ro nép bên vách nhà mỗi buổi xế chiều vì sợ bị mắng.
Hình ảnh có liên quan
Chấp nhận trưởng thành tức là chấp nhận đổi thay, thế mà nhiều người vẫn chấp nhận lớn lên, chấp nhận mất đi những cảm giác mà chỉ thời ngây dại mới có thể có. Người trưởng thành ít khi còn được mơ những giấc mơ “chuẩn” là mơ mà quyết định cả cuộc đời trẻ nhỏ, sẽ không còn câu chuyện về nàng công chúa trong lâu đài nguy nga cũng không còn những siêu anh hùng với những năng lực thần kì có thể giải cứu bất kì ai khi gặp khó khăn. Là trẻ con, người ta còn được sự quan tâm, vỗ về của người lớn. Trẻ con thì ngây thơ lắm, chúng thường biểu lộ rõ và đầy đủ cảm xúc của mình chứ không bận mệt nhọc như người trưởng thành phải “đo đạc” từng lời ăn tiếng nói. Vậy mà vẫn có nhiều người thích thoát khỏi tâm hồn ngây thơ ấy và đương nhiên, chúng ta đang nói về sự trưởng thành trong tâm hồn của mỗi người, sự trưởng thành thực sự. Đó chưa phải là tất cả sự đổi thay khi người ta chấp nhận trưởng thành. Sự ngây thơ tin rằng cuộc đời sẽ có những phép màu vô hạn, xuất phát từ những câu chuyện cổ tích, họ tin rằng điều tốt đẹp sẽ đến với người hiền lương nhưng với người trưởng thành thì có thể đó là sự ngờ vực, hoặc đúng, hoặc sai và không tuyệt đối. Ấy vậy nên khó trách vì sao người lớn chẳng dễ tin nhau, ở họ thường có một khoảng cách nhất định. Còn với trẻ thơ, khoảng trống ấy dễ dàng bị lấp đầy chỉ với một vài viên kẹo, vài món đồ chơi. Những sự thay đổi ấy không phải đột nhiên xảy đến với mỗi người mà nó đến từ từ, làm thay đổi dần dần tính cách của mỗi người khi còn ngây dại giống như số cát bên bờ biển mỗi khi thủy triều dâng, thấm ướt một cách dần dà và chậm rãi. Cứ như thế người ta thay đổi theo năm tháng và đến một ngày nào đó, bất giác nhận ra rằng, ngây thơ chỉ còn là khoảng rộng mênh mông trong ngăn kéo kí ức mà đôi khi đau đớn lắm, họ lại tìm về để xoa dịu những nỗi đau.

      Trưởng thành và sự thay đổi, thích nghi.
      Khi những năm tháng thơ dại qua đi, đến một lúc nào đó trong cuộc đời, bạn phải nói với mình rằng, mình phải lớn, phải trưởng thành. Trưởng thành là bình yên ở chốn tâm hồn, là sự chín chắn trong suy nghĩ, dù vật đổi sao dời thì cũng để tâm suy xét. Trưởng thành là sự hiểu hơn cho những khúc mắc thuở ngây ngô, là an định trong mỗi bước đi, lòng bình an giữa dòng đời hối hả, là hồn nhiên chẳng còn được giữ. Với một số người, đó là lúc họ sống hẹp hơn bởi đó là thời điểm “tự thương mình sau những tháng năm thương người” nhưng với một vài người khác, đó lại là lúc cần quan tâm nhiều hơn đến những người yêu thương, chịu nghĩ rộng như để đưa mình ra khỏi lối nghĩ nhỏ hẹp. Cứ tưởng trưởng thành là chuyện trong tầm tay, với là tới. Nhưng không, trưởng thành đòi hỏi người ta phải nghĩ nhiều hơn, rộng hơn, tích cực hơn,  trải nghiệm nhiều hơn, học hỏi cũng nhiều hơn. Có lẽ không có một mốc tuổi tác hẳn hoi nào quy định cho việc trưởng thành, người sớm, người trễ nhưng người sớm chịu lớn thì sẽ có nhiều lợi hơn nhưng không phải đường đi sẽ bằng phẳng hơn mà khi đó ở khoảng thời gian chuyển tiếp ấy, họ có cơ hội để va vấp, ngã đau, đứng lên và chững chạc. Dù biết khổ đau đến mấy, nhiều người vẫn thích trưởng thành để  ôm lấy đau thương mà thêm tự thương mình để biết rủi ro mà còn sợ hãi, trốn tránh. Rồi một mai, khi cánh cửa trưởng thành rộng mở, hãy bước đến nhẹ nhàng thôi, chịu rơi giữa không trung và đáp xuống thảm cỏ, ấy cũng là đau đớn, cũng là ngọt ngào, những đớn đau, ngọt ngào đầu tiên của những ai tin mình còn trẻ, ngây thơ dám trưởng thành để bước lên con thuyền thanh xuân hạnh phúc mà đâu hay rằng dưới chân mình, sóng dồn dập chông chênh.
Hình ảnh có liên quan

      Đến một ngày kia khi đổi thay nhiều quá mà họ chẳng biết xếp chúng cho đâu vào đó để dễ quản lí hoặc lần theo lối cũ mà chống chọi. Đó là lúc cần để học sự thích nghi, để biến khó khăn thành lợi thế, lấy đá tảng giữa đường mà lót bước chân qua. Trước hết, nên hiểu rằng bạn không còn là một đứa trẻ cần được sự chở che, hướng dẫn để quen với môi trường mới mà dù có chăng nữa thì hàng người trong thế giới ngoài kia cũng sẽ nhanh hơn ai đó được kềm cập. Người đề ra thuyết tiến hóa, Charles Darwin cho rằng: “Trong lịch sử lâu dài của loài người và cả loài vật nữa, những ai học được cách cộng tác và ứng biến tài tình nhất sẽ sinh tồn”, trưởng thành cũng là khi bạn thích ứng được với những thay đổi lớn lao ấy thì lúc đó, trưởng thành mới nhẹ nhàng mở ra những lối đi tiếp theo. Lối cũ đã làm nhiều người quen rằng đường mình đi là bằng phẳng, là yên vui trước mắt bởi đó là con đường đã được dọn sẵn những nhấp nhô cho nên khi chấp nhận trưởng thành, người trẻ có thể bất ngờ hoặc nghiêm trọng hơn là hụt hẫng trước điều mình cần đối mặt. Hãy thích nghi ngay từ lúc này, khi bạn đang muốn tự mình bước đi hoặc là trong giai đoạn chuyển tiếp bởi khi ấy, sẽ không phải là không thể làm quen cho những thay đổi quá lớn lao. Như để quen dần với cuộc sống mới, ta phải bước đi từng bước thật cẩn thận, trưởng thành là con đường đầy rẫy những cạm bẫy mà dù chỉ một bước chân sơ sẩy cũng khiến mình có khả năng rơi xuống vực sâu. Đừng đợi đến những ngày như thế để từ dưới đáy vực mà với giọng kêu cứu, trước khi thực hiện những bước đi ấy, bạn nên tìm hiểu con đường mình đi có gì, là đá sỏi, là vực thẳm, là cỏ cây giăng lối để biết mà mang theo xẻng để lấy đá lên, tránh được những vực sâu nguy hiểm, để men theo những lối mòn. Thích nghi tốt sẽ làm người ta cảm thấy tốt hơn, bạn thấy đấy, giữa mùa hè oi bức và mùa đông lạnh giá là mùa thu mát mẻ và mùa xuân ấp áp. Đất trời hiền hòa còn muốn con người thích nghi trước những đổi thay của vũ trụ nên có hai mùa để người ta kịp phần sửa soạn đoán những ngày thời tiết có phần khắc nghiệt. Giữa thơ dại và trưởng thành, hãy đặt ra một khoảng thời gian không dài nhưng đủ để học hỏi những điều mới lạ và khi đi qua cánh cửa ấy, không cần vội vàng mà có thể chậm rãi bước đi. Dân gian có câu: “Biết người, biết ta, trăm trận, trăm thắng", khi biết mình đang đối mặt với điều gì thì dẫu sao ta cũng có một phần lợi thế. Trưởng thành sẽ không thích hợp cho những ai quen đường đi lối cũ, ngại đường vòng, sợ đường núi cheo leo mà sẽ chấp nhận ai dám thử để quen, dám đi để biết. Nếu bạn muốn trưởng thành, bạn nên tập quen dần trước những đổi thay của thời cuộc, quen dần với những khó khăn, thử thách, quen với sự vấp ngã và quen với những lần chẳng ngại đường vòng mà thử bước đi.

      Trưởng thành và sự chấp nhận khác biệt.
      Trưởng thành cũng là lúc mà người ta chẳng còn đơn thuần quẩn quanh bên các mối quan hệ cũ, họ quen nhiều hơn, gặp gỡ nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn. Từ gia đình để bước ra các mối quan hệ rộng lớn ngoài cộng đồng, người ta phải chấp nhận rằng, giờ đây, những mối quan hệ ngày càng nhiều, càng phức tạp thì chính bản thân họ cũng cần phải học cách dung hòa sao cho có thể bao quát tất cả. Không phải ngẫu nhiên vào độ tuổi mới lớn, mọi người thường chọn cho mình một người hoặc một nhóm bạn thân thiết để cùng san sẻ, cùng buồn vui, đó là nhu cầu tất yếu của tình cảm khi thế giới trong tim mình ngày càng rộng lớn, chẳng thể khỏa lấp hết bằng những tình cảm trước giờ đang có, họ cần yêu thương và được yêu thương nhiều hơn. Trưởng thành cũng là lúc bạn phải chấp nhận cuồng quay nhiều hơn với cuộc sống khi mà các việc cần làm mỗi lúc một nhiều hơn. Bạn có thể đảm đương công việc của mình với một tần suất cao hơn và có phần khắc nghiệt hơn khi quyết định chính mình sẽ là người làm nên sự nghiệp, một tư tưởng điển hình của những ai muốn tự bước đi và muốn trưởng thành. Bạn có thể phải loay hoay nhiều hơn với cuộc sống cá nhân khi rời xa gia đình, từ việc học hành, sinh hoạt đều do bạn quản lí, chính lúc ấy bạn sẽ hiểu được những khó khăn khi người lớn tự chăm chút cho cuộc sống của mình những đừng quá lo lắng, khi đã có ý chí đủ cao, lòng tin đủ lớn thì bạn sẽ có thể làm được. Không còn người theo dõi sát sao cũng là lúc mà bạn phải đối mặt với những khó khăn bước đầu bộc lộ. Nếu bạn là sinh viên, có bao giờ bạn giật mình khi chiếc áo muốn mặc còn chưa kịp giặt, một cuộc hẹn bị bỏ lỡ vì bạn quên đặt lịch cho mình. Đó chỉ là một vài trong rất nhiều câu chuyện dỡ khóc dỡ cười khi người trẻ bước đầu bắt đầu cuộc sống tự lập gặp phải và họ phải quen dần với những điều mới lạ ấy bởi đến một lúc nào đó, những điều nhỏ nhặt hôm nay sẽ giúp bạn tránh khỏi những sai lầm lớn lao vào một lúc nào dó trong tương lai. Cuộc sống của con người thường đổi thay theo môi trường tồn tại. Và một khi đã thích nghi được với môi trường mới thì họ phải chấp nhận những khác biết trong đó mới có thể phát triển tốt trong môi trường ấy. Giống như khi chập nhận thành một con ếch, chúng phải chấp nhận có thêm bốn chi và từ bỏ chiếc đuôi của mình mà sinh sống thường xuyên ở trên cạn, khi chấp nhận trưởng thành, người ta cũng phải chấp nhận thay đổi một vài điều để có thể thích ứng với cuộc sống cũng có phần thay đổi. Khó có thể làm được tất cả trong một sớm một chiều mà hiển nhiên là cần cả quá trình và trong quá trình ấy, nên chấp nhận những điều mới mẻ nhưng phù hợp và không gom nhặt tất cả những cái mới của người khác làm tài sản của mình. Mỗi người trong chúng ta là mỗi cá nhân với những tính cách, hoàn cảnh riêng nên khó có thể gán ghép một điều gì đó của ai đó cho mình. Hãy để những điều mới mẻ mà bạn gặp trong quá trình phải được chấp nhận theo cách riêng của bạn, lắng nghe bản thân, chấp nhận những điều mới mẻ phù hợp với bạn.
Kết quả hình ảnh cho Khác biệt
     Người trưởng thành còn là người biết chấp nhận sự khác biệt không chỉ là sự khác biệt rất xa của những ngày tháng ngây thơ với hiện tại mà còn phải biết chấp nhận sự khác biệt của người khác. Nhiều người cảm thấy như mình xoay một trăm tám mươi độ để hướng suy nghĩ của mình theo một hướng hoàn toàn khác khi đã trưởng thành. Một ví dụ điển hình là khi còn bé, bạn thường hay vòi vĩnh cho bằng được món đồ mà bạn thích nhưng khi đã chững chạc hơn, bạn biết mình nên làm gì hơn, lúc nào là phải cố gắng cho bằng được và lúc nào là gác lại để phấn đấu vì mục tiêu khác. Mỗi chúng ta là mỗi khác biệt không chỉ ở ngoại hình, các đặc điểm nhận dạng riêng mà còn là tính cách, suy nghĩ. Cùng một vấn đề nhưng bạn có thể cho rằng đó là đúng, người khác lại nói đó là sai. Lúc đi ăn, mỗi người lại có một ý kiến khác nhau về món ăn được dọn ra. Những lúc như vậy thì đừng nên tranh cãi mà đánh mát hòa khí bởi mỗi người có cách nghĩ khác nhau, khẩu vị khác nhau và việc bạn cần làm lúc ấy là tôn trọng ý kiến của người khác và chờ sự lên tiếng từ một nguồn đáp án rõ ràng nào đó. Giới trẻ ngày nay thường có thần tượng cho riêng mình, thường là ca sĩ, diễn viên, một nhà khoa học, người nổi tiếng nào đó hay đơn giản là một ai đó trong gia đình mình. Không ai dám khẳng định có thần tượng là xấu, bản thân thần tượng đã là một hình mẫu tương đối lí tưởng với mỗi người, họ có thể xem thần tượng là động lực, là niềm vui mỗi khi nhớ về. Tuy nhiên, thần tượng là một chuyện nhưng nghĩ rằng mình phải là hình tượng ấy trong tương lai lại là một vấn đề khác, tức là bạn sẽ trở thành ai đó trong năm năm, mười năm sau xa hơn nữa. Bản thân bạn là một cá thể độc lập và riêng biệt trong mối quan hệ với nhiều cá thể khác. Do đó, bạn hoàn toàn khao khác trở thành một hình mẫu riêng biệt trong tương lai mà không phải giống hoàn toàn ai đó. Có một điều thường thấy ở nhiều người trẻ đó là sự thiếu tôn trọng với người khác, dù là một người bình thường hay khiếm khuyết thì họ vẫn đáng được tôn trọng. Riêng đối với người có những khiếm khuyết trên cơ thể thì họ nên được có một sự tôn trọng đặc biệt bởi sự tồn tại của họ đã song hành với những khó khăn đáng kể và họ được đẩy đi bưởi một nghị lực, niềm tin hiếm thấy. Họ là sự khác biệt đặc biệt trong sự khác biệt trong chúng ta, là sự khác biệt đáng nể. Sự khác biệt giúp định hình bạn là ai nhưng cần khác biệt trong khuôn khổ của xã hội, không không phải là sự khác biệt tách biệt với thế giới nhưng nói vậy không có nghĩa là không nên học hỏi ở người khác. Xuất phát từ bản chất chất cá nhân kết hợp với sự tiếp thu có chọn lọc sự khác biệt của người khác giúp cho bạn định hình và khẳng định thương hiệu cá nhân.

      Người trưởng thành, người có thể sẽ cô đơn.
      Với người này, trưởng thành là lúc người ta thêm bận rộn với nhiều mối quan hệ mới, nhiều tình cảm mới nhưng với người khác, trưởng thành lại là “tự thương mình sau những tháng năm thương người”. Trưởng thành không có sai, có đúng bởi trưởng thành là do tự bản thân người đi trong quá trình ấy quyết định và suy cho cùng hậu quả hay thành quả, họ đều tự chịu lấy.
Kết quả hình ảnh cho Cô đơn
Và như vậy, có người rồi khi lớn lên, họ thấy bản thân mình bấy lâu nay có thể đã quá mệt mỏi với những mối quan hệ xung quanh, khóa cửa lòng, họ thôi nắm lấy bàn tay của ai đó, họ xoa dịu mình bởi chính mình. Đa phần mọi người sẽ nghĩ đó là những biểu hiện của sự tiêu cực nhưng với những ai trong bị tổn thương quá nhiều khi còn nông nổi thì đó lại là cách xoa dịu cho những vết thương lòng. Người ta có cơ hội yêu thương mình nhiều hơn và sau những ngày tìm về chính mình có thể đến một lúc nào đó, họ sẽ thôi khép kín. Khoảng thời gian trước đã làm cho người ta quá mệt mỏi bởi các mối quan hệ xung quanh, bị lừa dối, khước từ, can thiệp,… để hôm nay họ thích một mình. Nỗi đau của những ngày xưa cũ làm cho họ cứ nhức nhối khi nghĩ về thì cho đến ngày hôm nay, lúc đủ trưởng thành, họ biết mình nên làm gì, lòng nên đối mặt với lòng ra sao. Có lẽ đó cũng là lúc họ thấy thoải mái với chính mình, hài lòng với mình mà không bạn bè bên cạnh. Trưởng thành có thể sẽ cô đơn. Nhưng cô đơn ở một vài người lại rơi vào thế bị động khi những khác biệt hiện tại là do sự đổi thay của mình từ hôm qua, mọi người xung quanh có thể không còn tin, không còn muốn duy trì mối quan hệ như trước, dần dần, họ bị cô đơn. Cho nên dù thế nào đi nữa, trưởng thành là thay đổi nhưng đừng thay đổi giá trị cốt lõi của bạn, điều mà đã gắn kết bạn với mọi người xung quanh và sẽ là chất keo hữu cơ duy trì sự bền chặt ấy.

      Cơ hội và câu chuyện đón nhận, tạo lập.
      Để thành công, ngoài khả năng thì cơ hội là một yếu tố khó có thể thiếu. Bạn sẽ thường xuyên nhận thấy cơ hội khi bạn trưởng thành bởi khi ấy bằng nhiều cách người ta muốn kiến tạo cho mình những điều mới mẻ và bằng nhiều cách, cơ hội đến theo những cố gắng kiến tạo ấy. Bạn cần tinh ý một chút để có thể nhận thấy được cơ hội, đó có thể do người khác mang lại nhưng trước đó, hãy nhớ lời khuyên của Frank Tyger: “Hãy học cách lắng nghe. Cơ hội có thể gõ cửa rất khẽ khàng”. Cơ hội sẽ không đến cùng đèn, hoa hay tiếng nhạc mà có thể sẽ rất âm thầm. Bạn phải luôn giữ cho mình một tâm thế thực vững vàng, chịu khó quan sát, lắng nghe bởi cơ hội có thể ẩn mình đâu đó hoặc có thể vì quá quen thuộc khiến chúng ta chẳng thể nhận ra. Có thể bạn đã từng nghe kể câu chuyện của nhà bác học Isaac Newton về việc tìm ra lực hấp dẫn khi bị quả táo rơi trúng đầu mình trong vườn nhà. Đó là ví dụ điển hình cho việc cơ hội được ẩn giấu bằng cách phổ biến hóa bản thân chúng và chỉ khi tinh ý, người ta mới nhìn ra. Nếu biết cách đón nhận, cơ hội sẽ đưa người ta đi đến những kết quả không ngờ và nếu câu chuyện về quả táo ấy là sự thật thì quả thật, đó đã giúp cho Newton tìm một trong những phát minh, nghiên cứu khoa học có tầm quan trọng lớn lao cho nền khoa học của nhân loại. Có thể bạn sẽ không tạo ra được những điều lớn lao như thế nhưng bằng cách đón nhận cơ hội, bạn có thể tạo được những thành tựu phục vụ riêng cho bạn hoặc ở một qui mô lớn hơn là cho mọi người xung quanh nhưng trước hết hãy chịu khó học cách “lắng nghe".
Hình ảnh có liên quan
      Có một câu chuyện kể về một người đàn ông bán bể cá cảnh mang hàng của mình đến một nơi nọ để bán nhưng chẳng có mấy người để tâm dù cho các bể cá của ông cũng không tệ và giá cả cũng phải chăng. Không nản lòng, ông quyết định đến một cửa hàng bán cá, mua hàng trăm con cá vàng và mang lên đầu nguồn dòng suối thả xuống. Từ một người, hai người bắt được cá, họ đã truyền tay nhau để đi bắt cá cảnh. Nhưng người ta vẫn biết rằng, những con cá sẽ lộng lẫy hơn nhiều nếu được nuôi trong những bể cá phù hợp, thế là người ta đổ xô nhau đến cửa hàng của ông để tìm mua bể cá. Đôi khi chờ đợi cơ hội không phải là cách tốt nhất để có chúng mà phải bắt tay vào việc tạo lập chúng. Khi mua cá thả xuống dòng suối hẳn là ông cũng đã nghĩ đến trường hợp vì một lí do nào đó mà người ta không bắt được những con cá vàng và từ đó ông cũng sẽ không bán được bất kì bể cá nào, đó cũng là sự đánh đổi. Thành công không tự sa vào bạn mà buộc bạn phải phấn đấu để đạt được và cơ hội là một trong những nhân tố cần thiết để cho bạn làm được điều đó. Khi trưởng thành, người ta sẽ ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của cơ hội và khi đó, họ có khả năng tạo lập chúng. Từ những lần thất bại đầu tiên ở một công việc gì đó khi bước vào đời, có thể đúng cách thức, đúng phương pháp nhưng chỉ vì sai thời điểm hay thiếu một nhân tố nhỏ nào đó. Ở những lần tiếp theo, người ta rút được kinh nghiệm, họ bắt đầu thay đổi bằng cách tìm ra  thời điểm thích hợp tìm một thời điểm thích hợp hoặc thêm yếu tố còn thiếu. Thời điểm ấy, yếu tố ấy là cơ hội thúc đẩy quá trình mình đang cố gắng để đi đến thành công. Cơ hội sẽ đến với những ai đang thực sự cố gắng vì chúng, hãy cố gắng tạo lập cho mình một cơ hội thật tốt nếu như bạn cảm thấy mình đã chờ đợi quá lâu.

     Biến khó khăn thành cơ hội.
     Thành công nào mà không chứa đựng những khó khăn. Đôi khi, người ta vì quá chú tâm đến việc tìm kiếm cho mình cơ hội mà quên đi việc giải quyết hoặc vượt qua những khó khăn trước mắt, người trưởng thành cần nhiều cơ hội để gây dựng sự nghiệp hoặc có thể tạo lập các mối quan hệ. Dân gian có câu: “Trong cái khó ló cái khôn”, một khi xung quanh bị bủa vây bởi thử thách thì người ta bắt đầu có sức mạnh để biến hóa chúng thành những cơ hội. Nếu trước mặt đều là đá tảng thì có thể trèo qua chúng hoặc đi đường vòng. Còn nếu không được nữa thì tại sao không thử biến chúng thành đá lát đường đi. Có thể việc ấy sẽ gian nan hơn, vất vả hơn nhưng sau khi đi đến cuối con đường nhìn lại sẽ thấy chúng thật kì công và lấp lánh. Có một ví dụ điển hình về biến đổi những khó khăn thành cơ hội, đó là công việc trồng trọt của một số người nông dân ở Gióoc-đa-ni, một quốc gia ở Trung Đông. Trên sa mạc khô cằn, khi nguồn nước cách đó khoảng 15 km thì người ta vẫn có thể xây dựng lên những nhà kính rộng lớn với cà chua, rau xanh, hoa tươi. Khi đất đai nguồn nước khan hiếm thì những người nông dân nơi đây đã tạo nên những điều kì diệu, biến khó khăn thành cơ hội, động lực để có những bước tiến xa hơn. Khi bế tắc bủa vây thì bằng cách này hay cách khác, người ta vẫn có thể thay đổi nghịch cảnh biến đó thành cơ hội, dẫn lối cho những thành công.
Kết quả hình ảnh cho Cơ hội
      Nhưng nếu cuộc sống luôn thuận theo những điều mà người ta mong ước thì sẽ không có ai phải chịu thất bại. Cơ hội là yếu tố cần thiết, ngoài ra, còn phụ thuộc vào năng lực, phương tiện thực hiện, cách thức thực hiện và một điều cần thừa nhận là cơ hội có thể không phải chờ là có, tạo là ra, tận dụng là thành, biến đổi là được, đó còn phụ thuộc về nhiều nhân tố khác. Và cũng không ai dám khẳng định rằng con đường bạn chọn chỉ phụ thuộc vào một cơ hội, có thể là nhiều hơn và nếu như vậy thì đó là đích đến có nhiều lối đi. Cũng không ai dám nói rằng không có cơ hội thì chắc chắn thất bại hay có cơ hội thì sẽ thành công. Căn bản có thể hiểu cơ hội dẫn đường cho ta đi nhưng bạn cũng có thể đi mà không có người dẫn lối, chỉ cần chịu khó cẩn thận chút thôi. Chấp nhận trưởng thành là khi bạn chấp nhận những cơ hội đến trên những bước đường mình đi và bản thân sự trưởng thành cũng là một cơ hội để mỗi người có thể nhìn lại mình, biết mình đang ở đâu, cần làm gì để vươn tới những điều mong muốn, tốt đẹp hơn tích cực hơn. Trong nhiều cơ hội của đời người, chúng ta sẽ có những cơ hội để gác một bên những muộn phiền, đón nhận những điều mới mẻ, cơ hội để khép lòng cho những khoảng lặng, cơ hội để học hỏi, để chịu rủi ro, để thất bại, để thành công, cơ hội để có được những cơ hội. Hãy mỉm cười đón nhận những cơ hội ấy, bình tĩnh tạo lập cơ hội, tận dụng những điều mình đang có biến đổi khó khăn, để mở ra những cánh cửa mới. Hãy cho mình một cơ hội để trưởng thành.

     Trưởng thành và sự lo ngại về cuộc sống xung quanh.
     Nếu bạn còn tha thiết với tuổi hồn nhiên của mình thì thôi, hãy cứ tha thiết đi, đừng vội trưởng thành. Trưởng thành rồi ít khi gọi được hồn nhiên khi nhìn vào bi quan của chính mình, trưởng thành rồi ít khi còn được cười hả hê giữa chốn đông người mà đôi khi có vài người lại tìm nơi vắng vẻ và ôm mặt rưng rức và trưởng thành rồi còn phải lo thay thế sự, chẳng rỗi nhiều để bàn chuyện bông đùa. Nhưng dù sao người vẫn phải lớn, cười nhiều lên cho đến lúc trưởng thành để khi quen rồi, ta vẫn có thể cười trước những âu lo.
      Khi chấp nhận đặt chân vào cánh cửa trưởng thành cũng là lúc mà người ta cần phải sắp xếp thời gian sao cho hợp lý hơn cho công việc, cho các mối quan hệ, tình cảm cá nhân,… Đôi lúc, không cẩn thận một chút là có thể mất đi một trong những điều ấy, trễ giờ làm thường xuyên thì mất việc, trễ hẹn thường xuyên thì làm phai nhạt các mối quan hệ. Dần dần thành thói quen thì trở nên nguy hiểm. Tiết kiệm thời gian là cần thiết nhưng đối với những ai đang chập chững bước vào ngưỡng cửa mới của cuộc đời thì làm sao để tạo cho mình cách sử dụng thời gian hợp lý thật không dễ dàng.
Hình ảnh có liên quan
Người trẻ thì có nhiều khát khao nhưng để dung hòa giữa thời gian và ước vọng là một điều không dễ dàng vì:
      “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”.
Chính sự nhanh chóng qua đi của tuổi trẻ mỗi đời người làm cho người ta thường loay hoay với cái được, cái mất và chưa kịp quyết định thì:
      “Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.
Tuổi xuân hạn hẹp rồi để khi biết lo toan thì lại thêm lo ngại cho khoảng thời gian không nhiều của mình để chắp cánh cho những ước mơ rồi đây, khi năm tháng dần qua người càng thêm bận rộn thì dễ gì theo kịp những khát khao. Cũng vì thương thời hồn nhiên hoa mộng mà nhiều người ngại trưởng thành bởi vì họ muốn tránh né cảm giác tiêng tiếc cho những tháng năm chẳng thể quay về. Nếu chấp nhận thì họ cũng phải tự dặn lòng phải cố gắng xem đó là những kỉ niệm ngọt ngào cất kĩ trong ngăn kéo kí ức để những lúc khốn cùng quá, lấy ra mà thương, mà nhớ, mà lại một lần bồi hồi những năm tháng trôi qua. Một lúc nào đó, khi người ta muốn cất cánh bay lên thì họ phải chấp nhận rời xa tổ ấm của mình và cũng chính lúc đó khi yêu thương chẳng còn gần những yêu thương thì người ta mới thấm thía cảm giác đau đáu, bồi hồi của những ai lâu rồi chưa một lần về thăm chốn cũ, thăm ngôi nhà nhỏ của mình. Không gian xung quanh bạn khi bạn chấp nhận trưởng thành cũng bắt đầu thay đổi bạn muốn tự lập, thoát li ra khỏi cảnh chăn ấm nệm êm, cơm ngon đợi sẵn, áo phẳng với tay không còn cách nào khác là xây dựng một khoảng riêng mới ở một không gian mới. Có lần được nghe tâm sự của cô bạn trước giờ mới ở xa nhà. Cô nói cảm giác thiếu thiếu, chỗ lạ nên làm gì cũng khó quen, loay hoay một chút là gọi về hỏi mẹ. Nhưng dần dần, cô cũng tự lo được cho mình bởi dù gì đó cũng sẽ là nơi cô gắn bó với phần lớn cuộc đời sinh viên của mình. Có những khoản không mới mà người ta ban đầu phải lo âu về nếp sống, cách sinh hoạt nhưng dù muốn hay không thì họ cũng phải tập quen dần. Lo âu vẫn có thể có nhưng làm sao chế ngự được nỗi lo đó mà thích nghi với những thay đổi mới là điều đáng nói. Chúng ta phải học dần dần, tập quen dần dần kể cả với những chuyện nhỏ nhất khi bắt đầu một cuộc sống mới ở những không gian mới, khi ấy thì mới có thể tiếp tục “mệt nhọc” xoay chuyển “trăm mối ngổn ngang” của câu chuyện trưởng thành vừa được kể.
      Quen êm đềm với những tháng năm nhàn hạ là một lý do lớn cho bao câu chuyện lạc lối của những người trẻ chập chững bước ra thế giới mới, một thế giới cuồng quay, hối hả với dòng người xe tấp nập, một thế giới gần như mọi điều mới mẻ, một thế giới với những sự thay đổi chẳng kịp liếc nhìn, sự hối hả làm cho người ta ngại bước vào đời bởi bản thân nó chứa quá nhiều bất trắc. Một cậu bé quanh năm với đồng ruộng thì làm sao có thể chạy theo kịp sự gấp gáp cùng nhịp sống thị thành của những ngày đầu lên phố. Họ lo ngại, thậm chí là sợ hãi trước sự xoay chuyển ngược lại gần như hoàn toàn với những gì bấy lâu nay chứng kiến để chung sống. Người cũng vội vã chẳng chờ nhau rồi từ đó, miệt mài mà nhưng vẫn theo không kịp thế là sợ bước ra đời với những người bon chen nhau từng xen-ti-mét, những bạn trẻ mới lớn cứ ẩn nấp ở nơi nào đó an toàn, chẳng vội bước chân ra, họ ngại chen chúc, ngại thị phi, tai tiếng, ngại những người chẳng kịp bước chân đi. Nói một cách lạc quan là nếu bạn muốn theo kịp mọi người khi trưởng thành thì hãy bỏ vào ba lô của mình một đôi giày thật mới, thật chắc để còn chạy theo kịp trong những lúc bị bỏ rơi. Chính thế sự cùng quay ấy đã khiến không biết bao nhiêu người xoay tít vào khoảng không nào đó mà chẳng hề quay lại và thế là họ thay đổi bởi cuộc sống bộn bề vốn thích níu kéo người ta thay đổi. Không phải tất cả những ai muốn trưởng thành là điều thích đi nhanh hơn, chạy xa hơn thế nên chính sự vội vã ấy đã trở thành mối quan ngại cản trở người ta hòa nhập với cuộc sống mới. Nếu có gì gọi là khát khao để còn đi kịp cùng những đổi thay thế sự thì nhiều người sẽ mong muốn đời sẽ chậm lại dần để người còn được thong thả, ung dung.

      Trưởng thành và sự lo lắng về sự thay đổi của bản thân.
      Nếu gọi trưởng thành là một hành trình thì tình cảm có lẽ là đỉnh cao nhất, nơi thể hiện sự khác biệt lớn lao với thuở ta còn trong sáng nhất. Lớn hơn, nhiều người ít quan tâm hơn đến gia đình, nơi vun vén cho những tình cảm đơn sơ nhất. Có thể vì sự tất bật, bộn bề của cuộc sống làm người ta phải lo toan nhiều hơn lắm khi chẳng kịp nhớ mà gọi về để một lời hỏi han với những người thân thương. Có thể vì giờ đây, người ta phải “bận bịu” nhiều hơn với những mối quan hệ mới, với những tình cảm vừa được phát sinh rồi họ quên đường về với cánh cửa yêu thương của gia đình nơi trái tim sâu kín.
Kết quả hình ảnh cho Love
Tháng năm dần trôi nhưng có lẽ chỉ những người đang vội trưởng thành kia mới quên lãng nơi mình gắn bó còn nơi ấy thì không. Có một câu chuyện bấy lâu nay vẫn được người ta kể nhau nghe như minh chứng cho sự lớn lao của tình cảm gia đình. Chuyện kể rằng có một người bố đã hứa tặng con trai mình chiếc xe ô tô vào ngày tốt nghiệp đại học và cậu ấy đã cố gắng để có được tấm bằng trên tay với thành tích đáng tự hào. Ngày cậu tốt nghiệp, cậu không thấy bố mình mang chiếc ô tô nào đến mà chỉ cầm trên tay một quyển sách, vì quá tức giận, cậu đã chạy về nhà quyết định dọn ra khỏi nhà mặc cho người mẹ đã ngăn cản. Tháng năm dần trôi, cậu con trai ấy cũng trưởng thành hơn và cũng có nhiều thành công trong trong sự nghiệp nhưng cậu vẫn không liên lạc với gia đình cho đến một ngày cậu nhận được cuộc điện thoại sau nhiều lần gọi liên tiếp của người mẹ, mẹ cậu nói rằng bố cậu đã mất. Cậu nhanh chóng về nhà khi đoàn người đưa bố cậu vừa đi qua chỉ còn mẹ cậu ôm di ảnh của ông và khóc nức nở. Cậu con trai vào phòng mình, căn phòng vẫn như xưa, cuốn sách bố cậu cầm năm xưa nằm ở đầu giường thì ra đó là một quyển sách dạy lái xe, được kẹp trong đó là một chiếc chìa khóa ô tô. Tình cảm là sợi dây để kết nối người ta lại với nhau nhưng cũng bằng tình cảm với sự điều khiển không tốt thì có thể làm cho họ trở nên nông nổi tức thời. Nếu lâu quá rồi chưa một lần hỏi thăm ai đó trong gia đình nhỏ của mình thì hãy gửi nhanh đi vì yêu thương có thể khỏa lấp nỗi nhớ nhung, nối gần hơn những khoảng cách không gian. Khi trưởng thành là lúc người ta thích có nhiều điều mới mẻ và một chút hoài nghi cho chúng. Người ta thích quen biết nhiều hơn, có thêm nhiều mối quan hệ nhưng vẫn cố gắng giữ một khoảng cách đáng kể với sự nghi ngờ đôi lúc không đáng có. Và rồi, người ta lại cứ chông chênh giữa đôi bờ mới, cũ, không rõ cách nào dung hòa để vừa có thể không đánh mất những tình bạn tươi đẹp năm xưa với những tình cảm mới nhưng cũng nhiều nghi kị lúc hiện để rồi cứ quẩn quanh và đau đau như Ingrid Berman nói: “Chúng ta cứ mãi đi lòng vòng, bị những lo lắng, bất an giới hạn với mức ta không còn phân biệt được giữa đúng và sai, giữa ý định bất chợt của kẻ cướp và lí tưởng trong sáng nhất”. Trong những năm tháng chông chênh của tuổi trưởng thành, hãy cố gắng đặt yêu thương đúng chỗ, trao yêu thương đúng người, giữ yêu thương đúng lúc và cũng đừng quên rằng ta còn lắm những tình cảm ngọt ngào vẫn cần vun đắp của thuở thơ ngây.
      Nếu cho rằng tính cách của một người là một điều gì đó bất biến thì có lẽ không hẳn bởi trưởng thành cũng chính là lúc tính cách không ổn định nhất. Người ta có thể sẽ suy nghĩ nhiều hơn bởi trải qua những sai lầm khi trước, họ bắt đầu hoài nghi nhiều hơn, đắn đo và lựa chọn kĩ lưỡng hơn. Có thể bạn sẽ hồn nhiên hơn, tươi tắn hơn nhưng những tươi tắn nhưng vẫn chững chạc hơn, đó là không phải là vì bạn không biết mình nên làm gì, phải ra sao mà là do qua bao thăng trầm của nhân sinh nào bạn thấy, rốt cuộc, bạn nên chọn nụ cười, chọn sự an nhiên. 
Kết quả hình ảnh cho Tính cách
Càng lớn, càng suy nghĩ nhiều, suy nghĩ không phải để mình dằn vặt, khổ đau hay phức tạp hóa vấn đề mà suy nghĩ là để tìm ra phải, trái, đúng, sai, để an nhiên dù đời dâu bể. Chính điều đó làm cho đa phần người bắt đầu trưởng thành suy nghĩ thoáng hơn, mở rộng tầm nhìn, chịu chấp nhận vấn đề. Nhưng nếu sự đổi thay về tính cách luôn tự diễn ra theo chính những gì bản thân mình mong muốn thì có lẽ đã không có những tính cách có phần tiêu cực và phải thừa nhận một điều rằng, tính cách chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi hoàn cảnh sống mà ở đó, chính cách ứng xử với hoàn cảnh là điều làm nên sự khác biệt. Hẳn là nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ tác phẩm “Hai đứa trẻ”, câu chuyện kể về Liên và An nơi phố huyện nghèo cùng với những mảnh đời cơ cực. Chính hoàn cảnh nơi phố huyện nghèo khó đã khiến Liên từ một cô bé đáng lẽ phải hồn nhiên cho đúng với điều mà chị được có thì lại có một sự chững chạc đáng nể khi mà đã lo toan việc nhà phụ mẹ cho đến chi tiết hướng nhìn theo luồng sáng của con tàu đi qua phố huyện với hi vọng vào ánh sáng ấy, ánh sáng của một cuộc sống tươi sáng hơn cho ngần ấy người quẩn quanh với cuộc sống nghèo khó nơi phố huyện. Nếu nói tạo cho mình một lối suy nghĩ thì không hẳn, tuy nhiên, nếu có được một lối suy nghĩ trưởng thành thì người trẻ có thể đứng đắn hơn trong những quyết định của mình và chín chắn hơn trong cách nghĩ. Chính những thay đổi về tính cách ấy sẽ một phần quyết định tuổi trưởng thành của bạn sẽ êm đềm hay dữ dội và cũng sẽ góp phần cấu thành tình cảm cũng như các mối quan hệ xung quanh bởi dường như khi người ta có chung suy nghĩ, đồng điệu về tính cách thì sẽ dễ thấu hiểu nhau hơn.

      Trưởng thành và câu chuyện của những sai lầm, lừa dối.
      Có thể gọi trưởng thành là một cuộc hành trình leo núi mà chông chênh, vấp ngã là điều không thể tránh khỏi. Sai lầm là câu chuyện không của riêng người trẻ nào khi sự nông nổi còn vướng víu đôi chút đâu đó trên tâm hồn mới lớn. 
Kết quả hình ảnh cho Sai lầm
Một vài người khi lần đầu thực sự thoát ra khỏi sự chở che của gia đình có suy nghĩ cuộc sống xung quanh êm đềm như chính tổ ấm của họ. Thế rồi, họ cứ vô tư sống, vô tư theo cách chẳng quan tâm đến sự đời dù đúng hay sai. Cuộc sống sẽ đưa họ đến bến bờ hạnh phúc nhưng thực tế thì không hẳn, sự ầm ỉ dưới sâu, sự hối hả của dòng người trong yêu cầu chuyển biến mau lẹ của thời đại đã khiến những con sóng xô vào nhau rồi đẩy họ đến một nơi xa lạ nào đó. Nói thế không có nghĩa là phải luôn nhìn đời bằng ánh mắt bi quan mà sự trưởng thành nếp nghĩ có thể sẽ giúp ta chạy kịp theo vòng luân chuyển hối hả ngoài kia cũng như cố gắng chống chọi lại biến thiên của cuộc sống. Nhưng ngược lại, có những người như trước khi bước vào cuộc sống mới họ đã sẵn cho mình tâm thế hoài nghi tất cả, cả sự biến chuyển xung quanh. Có lẽ có biến cố nào đó trong quá khứ đã khiến cho những con người ấy thấy cuộc sống là một mối nguy không hồi kết và nhiệm vụ của họ là tránh khỏi những mối nguy ấy bằng một tinh thần cảnh giác cao độ và một cách vô tình họ thu mình lại với thế giới, có thể có những gian dối ngoài kia nhưng người ơi cũng còn nhiều điều tốt đẹp, sao khóa cửa tim mình mà từ chối tình người. Cho thế giới ánh nhìn hào phóng, bạn sẽ nhận lại sự thanh thản, an nhiên. Có một số người hối tiếc về những việc họ đã làm khi còn trẻ, có lẽ lúc thấy họ chưa thực sự chín chắn hoặc ngay lúc hối tiếc, họ nhận lại một cái gì đó không thực sự tốt đẹp từ con đường đã đi. Gần đây, dư luận xôn xao với câu chuyện của người mẹ trẻ “dàn dựng” một vụ bắt cóc con đã làm nhiều người bức xúc Nhưng cũng có nhiều người thương cảm ở tuổi hai mươi hai, độ tuổi mà có lẽ vẫn còn nhiều điều đáng lo hơn là trở thành một người mẹ trẻ trong thời buổi hiện nay. Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, người phụ nữ lấy cảm thấy không thể đảm đương nỗi nhiệm vụ nuôi sống một đứa trẻ nên đã đành lòng cho con mình. Xin được phép gọi đó là một sai lầm. Người phụ nữ ấy đã gây nên một nỗi đau mà hẳn rất lâu về sau, chị khó có thể quên được. Albert Einstein đã từng nói: “Người nào chưa bao giờ mắc phải lỗi lầm cũng là người chưa bao giờ thử làm gì cả”. Chúng ta đều những sai lầm dù lớn hay nhỏ nhưng điều quan trọng là biết mình sai ở đâu, sai như thế nào để khắc phục chứ không phải là trốn tránh hay đổ lỗi cho ai đó. Nếu chúng ta biết đi từ những lần vấp ngã, biết nói từ những bập bẹ ban đầu, hãy thử một lần nhận rằng mình sai để tìm ra điều đúng thực sự và rồi bạn sẽ thấy mình như trưởng thành hơn.
      Giai đoạn chuyển tiếp của trưởng thành làm cho người ta còn vương vấn chút ngây thơ. Thôi thì cứ vương vấn đi để ta còn có thể thấy ánh sáng trong u tối, khổ đau. Nhưng cũng một phần chính sự ngây thơ ấy là nguyên nhân cho những lọc lừa mắc phải. Nhưng nói về tình cảm khi bắt đầu một cuộc sống mới với hầu hết mọi điều về mới đẻ thì những khoảng trống trong tim gửi yêu cầu cần được lắp đầy. Thế là một vài người tìm nơi gửi gắm niềm tin, gửi gắm buồn vui chất chứa rồi một ngày, chỗ dựa ấy không còn vững trải nữa và cũng chỗ dựa ấy cướp đi luôn niềm được gửi gắm bằng một “công cụ” hữu hiệu, sự lừa dối. 
Hình ảnh có liên quan
Khó mà chấp nhận được chuyện ấy lần đầu tiên nhưng cũng hụt hẫng lâu quá bởi đó chỉ là kẻ xấu trong rất nhiều người tốt còn hiện diện nên thế nên ngại gì mà chẳng gửi lại từ đầu ở một nơi mới hơn, người mới hơn, đáng in hơn. Có một câu chuyện vô tình được nghe từ vài tháng trước từ một bạn sinh viên mới lên chốn thị thành nhưng cô ấy cũng là một cô gái khá bản lĩnh và khá khôn ngoan trong nhiều chuyện nhưng đáng buồn là cô ấy bị lừa, trò lừa mà trước khi đi cô và nhiều người đã được nhắc nhở. Chuyện là cô gặp một người nào đó chưa từng quen lại tỏ ra thân thiết, ăn mặc thì lịch sự, nói năng thì lưu loát. Cô cũng là một cô gái thích chuyện trò nên chẳng bao lâu hai người bắt đầu thân dần thế rồi, anh bạn kia mời cô đầu tư vào một chương trình gì đó, cũng chẳng suy nghĩ lâu, cô chấp nhận và nếu đúng như lời của anh bạn kia nói thì là cô sẽ nhận lại gấp nhiều lần số tiền ấy để cô đã bắt đầu chương trình với với hơn bốn trăm đồng. Mặc lời khuyên ngăn, cô ấy còn nói với mọi người đó là khoản đầu tư chân chính cho đến khi cô nhận được yêu cầu số tiền cao hơn. Cô tìm hiểu thông tin và hỏi lại những người đã khuyên ngăn cô cùng mới dừng lại. Từ đó, anh bạn ấy biệt vô âm tính kèm theo khoản tiền mà cô đã đưa cho anh ta. Khi kể lại cô vẫn cười vì thỏa mãn khi lấy hơn bốn trăm nghìn đồng để đổi lấy cơ hội thoát khỏi cái bẫy ấy. Nhưng có lẽ không nhiều người may mắn như vậy, vẻ hào nhoáng bên ngoài làm người ta chẳng kịp nghĩ suy mà quyết định “làm liều” để “ăn nhiều. “Ăn nhiều” đâu chưa thấy chỉ thấy của theo người ra đi. Tỉnh táo là điều cần thiết khi đứng trước những hoàn cảnh như thế. Thành quả chỉ thực sự đến khi ta chấp nhận đổ mồ hôi, công sức và một điều gì đó chứ chẳng lắm người nhàn, gói thành quả vào sản phẩm và mang đến cho bạn đâu. Có thể đôi lúc cần để lý trí xen vào câu chuyện của những trái tim thay vì để lừa dối chen chân vào đó. Trưởng thành thì sẽ tỉnh táo hơn nhưng không phải luôn luôn; và nếu muốn không còn lừa dối nữa thì trước hết, chúng ta hãy sống thật với nhau đi đã.

     Trưởng thành và rủi ro về sự đánh mất, thất bại.
     Bước chập chững bước những bước chập chững đầu tiên vào thế giới của người trưởng thành, thấy họ khác quá, khác từ trong nếp nghĩ, hành động, khác từ trong cách của họ đối mặt với sự đời. Rồi nhiều người cũng học cách đổi khác và có lẽ đã thành công bởi không lâu sau đó, không còn thấy người thân quen nhận ra họ là ai giữa sự chuyện sự chuyển biến lưng chừng mà vun vút của những người vội vàng trong suy nghĩ. Ngày người chịu lớn, nhiều người vây đến làm thân, thế là lại bận rộn với những mối quan hệ mới, ấy không phải là xấu nhưng nếu như vậy thôi thì sẽ không mất gì cho đến khi người ta quên đi những tình cảm ban sơ đồng hành cùng họ trước khi tiễn họ vào cánh cửa trưởng thành và rẽ lối, từ đó, họ không còn gặp nhau nhiều nữa. Thuở trước, họ nhắn tin đến gần khuya kể nhau nghe chuyện trong tận hang cùng ngõ hẻm rồi lăn ra ngủ để mai hốt hoảng khi trễ giờ học. Thuở trước, cuối tuần là thường hẹn nhau ở quán nước đầu ngõ, làm râm rang một góc rồi đứa này chở đứa kia mà đi chỗ nọ chỗ kia đến tận chiều tối. Thuở trước, họ bên nhau như thế. Rồi thời gian trôi qua trong sự xô bồ của chính họ và tình bạn trong trẻo ngày xưa bị khỏa lấp bởi những mối quan hệ mới vây quanh bởi lợi danh, được mất. Lâu rồi, họ chưa gặp nhau, chưa gọi cho nhau một cuộc gọi hỏi thăm cũng chưa nhắn cho nhau tin nhắn chuyện trò, thậm chí có lúc về chốn cũ, chạy ngang nhà nhau, ngoái lại nhìn, lòng vương vấn mà cũng chưa nhớ rõ vì sao, gần như đánh mất. Chính trong thuở ngay thơ ấy, tình bạn đến một cách tự nhiên và trong trẻo nhất nên nếu chẳng được gần nhau nữa thì cũng hãy giữ liên lạc với nhau bằng phải cuộc gọi, vài tin nhắn, lâu lâu có về thì gọi cho nhau nơi quán nước, cùng đạp xe mà ôn lại chuyện ngày nào. Đừng đánh mất những mối quan hệ như thế bởi trưởng thành có đi cho lắm cũng khó có được. Khi trưởng thành, người ta cũng bắt đầu suy nghĩ khác đi và tính cách cũng từ đó thay đổi nhưng có lẽ ăn thường hơn là họ không còn giữ được vẻ ngây thơ như ngày xưa nữa, họ bắt đầu hoài nghi nhiều hơn, liều lĩnh hơn nhưng cũng yếu mềm hơn. Chính nỗi khắc nghiệt ngoài cuộc sống làm người ta đắn đo hơn và chấp nhận đánh đổi hơn. Cái họ nhận lại được không phải lúc nào cũng bằng với cái họ đổi ra, chính những điều ấy làm cho người ta chán nản và dần nóng nảy hơn. Thế nhưng trưởng thành thì không phải lúc nào sự thay đổi tính cách cũng luôn tiêu cực như thế, đôi khi vì quá hiểu sự đời, thương cảm cho người khác mà người ta dịu dàng hơn trong ứng xử để không phải đánh mất tính cách vốn có của mình. Có thể bạn đã từng chịu nhiều đau khổ ở quá khứ nhưng nếu có mang chúng đến cánh cửa trưởng thành thì cũng đừng đánh mất đi bản tính của mình. Nhân vật Chí Phèo là điển hình cho tấn bi kịch của con người bị biến chuyển của cuộc sống tác động để rồi nhân hình và nhân tính đều thay đổi. Bản chất lương thiện ngày nào đã mất đi bởi sự tha hóa và cái kết thì như nhiều người đã biết. Tính cách góp phần cấu tạo nên nhân cách con người, hãy trân trọng và giữ gìn những tính cách tốt đẹp.
      Có những điều bạn nên tập quen dần nếu bạn muốn thực sự trưởng thành, một trong những điều ấy là thất bại.
Kết quả hình ảnh cho Failure
Thất bại và trưởng thành như hai câu chuyện song hành với nhau bởi có thất bại thì sẽ có kinh nghiệm, càng có nhiều kinh nghiệm thì sẽ càng có nhiều hành trang cho hành trình trưởng thành và chấp nhận thất bại là một trong những yếu tố cần thiết cho những ai muốn mình ngày càng khôn lớn. Để tạo ra bóng đèn điện, Thomas Edison đã thất bại hàng ngàn lần, có lẽ bạn chưa từng thất bại cùng một việc nào đó mà nhiều lần như vậy nên đừng nản chí khi chân còn có thể đi dẫu vừa vấp ngã. Ai đi đến cuối đường mà không trầy xước, thất bại nào cản được những người muốn chinh phục bằng được những điều cao đẹp. Một khi nhìn lại sau khi đến đích, bạn sẽ thấy dường như mình tiến nhanh hơn sau những lần đứng lên ấy bởi như nó đang tạo một lực đẩy cho con người ta tiến về phía trước. Nếu lúc nào đó muốn dừng lại bởi đã bao lần thất bại dẫu mình có cố gắng thì hãy xem mình đã đi được bao xa và liệu mình có thể đi đến mục tiêu của mình hay không nếu tiếp chấp nhận thất bạ và cho mình cơ hội thử. Cùng một quãng đường như nhau nhưng sẽ có người đi gần, người đi xa vì có người chấp nhận thất bại, đứng lên và bước tiếp, người thì không. Thất bại không phải là để kết thúc tất cả mà là cơ hội trong nhiều cơ hội để người ta nhìn lại mình, để đi xa hơn nếu có quyết tâm, cố gắng. Và theo một khía cạnh nào đó, ngày trưởng thành là ngày ta lớn lên sau những thất bại của riêng mình.

     Ngày trưởng thành.
     Danh họa Vincent Van Gogh đặt ra cho chúng ta câu hỏi: “Nếu thời niên thiếu và tuổi trẻ còn là thứ gì khác ngoài hư ảo thì chẳng lẽ đó không phải là tham vọng trưởng thành sao?”. Một khi đã gọi là tham vọng thì tức là lợi ích của điều đó khá lớn và thực tế, có vẻ có nhiều người đang có tham vọng ấy. Trưởng thành là câu chuyện, vấn đề nan giải của nhiều người trẻ để có thể tỉnh táo trước cám dỗ, để đứng lên sau nỗi đau, để thăng hoa nội tâm trước thất bại của mình. Con đường của sự trưởng thành là con đường của thử thách, thậm chí là sự đánh đổi và ngày trưởng thành là ngày người ta tập quen với lo lắng, cơ hội, rủi ro. Đâu đó xung quanh ta vẫn có những người theo đuổi hành trình ấy và dĩ nhiên, trưởng thành không có nghĩa là trở nên hoàn thiện, sẽ chẳng còn phạm phải những sai lầm, đó là cơ hội để tôi rèn ý chí để can đảm đối mặt với những sai lầm và vượt qua chúng. 
Hình ảnh có liên quanHình ảnh có liên quan
Nếu bạn vẫn còn chưa muốn thoát khỏi thời niên thiếu và tuổi trẻ của mình thì hãy đắm chìm vào đó lâu hơn một chút nữa bởi khi trưởng thành đó sẽ là cơn gió thoảng qua mang chút hương quá khứ về xoa dịu những tâm hồn đang đầy rẫy những tổn thương, hãy để cho quá khứ thêm hương một chút. Rồi hãy dừng lại khi hương đã đong đầy, chín chắn mà ngẩng đầu lên, vững vàng cho những bước chân đầu tiên bước đến cánh cửa ấy, khẽ khàng mở cửa ra và bắt đầu câu chuyện trưởng thành, có đớn đau nhưng vẫn ngọt ngào, êm dịu.


Tác giả: Phạm Hồng Sơn, sinh viên @ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết bạn và theo dõi Facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100018153271984

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

745 lượt xem, 735 người xem - 735 điểm