Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đừng Thô Lỗ Nữa, Tôi Mệt Rồi!

Người hiện đại không thể tưởng tượng cuộc sống của họ mà không có mạng lưới toàn cầu. Và chắc chắn là đã có đôi lần bạn để lại một vài nhận xét hay bình luận nào đó trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Youtube và bạn có thể sẽ vấp phải sự thô lỗ. Mọi người thường khiêu khích lẫn nhau, và từ đây bắt đầu những cuộc giao tranh bằng lời nói. Thật không may, không phải ai cũng có thể phản ứng với sự thô lỗ. Vậy thì, phía sau màn hình đang sáng kia, bạn thấy mình là người như thế nào?

Hãy cùng đọc mẩu chuyện ngắn sau:

Trên phố Giảng Võ có một người phụ nữ nhìn bề ngoài có vẻ thành đạt. Chị chắc chỉ tầm 40 là cùng. Chị rảo bước trên vỉa hè dưới cái nắng chói chang tháng 8 của Hà Nội.

“Phựt”! – Sợi dây chuyền vàng trên cổ của chị vừa mới hoàn tất thủ tục “sang tên đổi chủ”! Chị ngã sõng soài. Sự việc diễn ra quá nhanh, nhanh tới mức khiến chị bất ngờ và không còn cất nổi tiếng kêu cứu.

Camera của tòa nhà gần đó ghi lại được toàn bộ sự việc. Ngày hôm sau, một clip ghi lại cảnh người phụ nữ ấy bị giật dây chuyền được lan tỏa trên mạng xã hội Facebook. “Phiên xét xử” của cộng đồng mạng bắt đầu diễn ra!

Phần lớn các “thẩm phán” đều cảm thông cho vận xui mà người phụ nữ phải chịu. Thế nhưng, trong số đó vẫn có một bộ phận những “thẩm phán” đưa ra phán quyết như sau:

Khoe của bị giật là đúng!

Ai bắt đeo trang sức đắt tiền ra ngoài đường đâu! Đáng đời!

Chú Giang quá đỉnh!

Trong Thiện, Ác và Smartphone, chú Đặng Hoàng Giang đã đưa ra một luận điểm đầy tinh tế:

Sự thô lỗ đang phá hủy không gian dân chủ mà Internet đem lại, phá hủy khả năng lắng nghe, và qua đó khả năng cùng nhau đưa ra những quyết định quan trọng.

Luận điểm của chú Giang đề cập tới một trong những mặt trái vẫn còn đang rất nhức nhối của quyền tự do biểu đạt – sự thô lỗ. Trải qua hàng ngàn năm đấu tranh, ông cha ta đã không biết bao nhiêu lần đánh bại các thế lực thù địch, quét sạch từ “thù trong” cho tới “giặc ngoài” để rồi ngày nay chúng ta được sống trong một đất nước hòa bình, được kiến tạo mọi cơ hội để có thể phát triển kinh tế – xã hội. Khi viết một lá đơn, chúng ta đều luôn mở đầu nó bằng Quốc hiệu “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” và Tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, nhưng bạn có biết rằng, để có thể khai sinh ra những con chữ thiêng liêng trong Quốc hiệu và Tiêu ngữ mà chúng ta vẫn dùng hàng ngày đó, biết bao xương máu của thế hệ đi trước đã đổ xuống chỉ để chúng ta có được một không gian dân chủ như ngày hôm nay.


Không gian dân chủ kiến tạo cho người dân quyền tự do và mưu cầu sự tự do. Nhờ không gian này, mọi công dân trong cộng đồng đều được thụ hưởng quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt. Nhưng hiện tượng nào cũng có tính hai mặt của nó và quyền tự do biểu đạt không phải là ngoại lệ.

Sự suy giảm của “thính giác”

Không cần biết bạn bao nhiêu tuổi, giới tính gì, công tác trong lĩnh vực nào, thuộc tầng lớp nào trong xã hội, tiềm lực kinh tế “khủng” cỡ nào, nhờ có không gian dân chủ, tất cả mọi người, kể cả bạn, đều có quyền lên tiếng. Ở khía cạnh bình đẳng và tự do về khả năng lên tiếng, Internet và mạng xã hội đã đem lại những điều kiện tuyệt vời mà các thế hệ đi trước không thể nào mơ tới được. Nhờ quyền tự do biểu đạt trong cộng đồng mạng, bạn sẽ không khó để có thể biết được nhà cung cấp nào đang sử dụng thịt bẩn, shop nào có nhân viên biểu hiện vô lễ hay nhà hàng nào đang có dấu hiệu “chặt chém” du khách.

Nhưng đó mới chỉ là mặt “Thiện”! Song song với mặt “Thiện” của quyền tự do biểu đạt, mặt “Ác” cũng đang trở thành một “cái nhọt” không dễ dàng gì có thể “nặn” đi trong ngày một ngày hai, biến một phần của quyền tự do biểu đạt trở thành góc khuất vô cùng tối tăm.

Trong góc khuất ấy, tự do biểu đạt chỉ còn là một hình thức. Nó không còn giữ được đúng cái bản chất của “tự do biểu đạt” nữa. Trong “góc khuất tối tăm” ấy, chính “thính giác” của con người lại bị suy giảm chứ không phải là “thị giác”. Một sự thật đầy tính phản trực giác.


“Khả năng lắng nghe nhau của những thành viên trong xã hội” khi kết hợp với “khả năng lên tiếng” sẽ làm cho quyền tự do biểu đạt được là chính nó. Chúng ta vẫn nói với nhau là “người nói thì phải có người nghe” và căn nguyên của nó chính là sự kết hợp của hai khả năng này.

Nhưng buồn thay, ngày nay, “thính giác” của chúng ta có vẻ như đang có dấu hiệu suy giảm, và theo như cách nhận định của chú Giang, khả năng lắng nghe nhau của những thành viên trong xã hội chúng ta “đã thụt lùi ghê gớm so với thế kỷ trước”.

Phải chăng đây là tiến trình “tiến hóa ngược” của xã hội loài người?

Nguyên nhân của sự thoái hóa “thính giác”

Phải có đầy đủ cả “Kẻ nói” và “Người nghe” thì quyền tự do biểu đạt mới được là chính nó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mặc dù có sự tham gia của cả hai phe, thông điệp của “Kẻ nói” vẫn không thể được truyền đạt hoặc được truyền đạt không đúng như mong muốn tới “Người nghe”. Nếu bạn không tin thì hãy nhìn hai ví dụ rất đời thường dưới đây:

  • Trong một hội trường ầm ĩ tiếng nói cười, hai người ngồi cạnh nhau chưa chắc đã có thể nghe thấy nhau nói. “Chú vừa nói cái gì? Anh không nghe rõ. Ở đây ồn quá!”, “Nói to lên, mị không nghe thấy!”,.... Quen thuộc không?
  • “Tôi vô phúc mới lấy phải cô!” – anh chồng nói với cô vợ của mình. Và cô vợ cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài im lặng. Cũng chẳng xa lạ mấy!

Hai ví dụ này là đủ để minh chứng cho những tác nhân khiến cho quyền được lên tiếng mất đi hoàn toàn ý nghĩa thiêng liêng của nó. Quyền được lên tiếng sẽ không còn bất cứ ý nghĩa nào nếu như tất cả chìm trong một biển âm thanh hỗn độn, gây ra hiện tượng nhiễu thông điệp.


Hoặc....

Nếu những phát ngôn của “Kẻ nói” đầy tính hung hãn, làm cho “Người nghe” phải im lặng vì sợ hãi. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường hay gọi những “Kẻ nói” hung hãn này là....

Kẻ thô lỗ

Nhóm người này chính là tác nhân trực tiếp phá hủy không gian dân chủ mà Internet đem lại. Họ phá hủy khả năng lắng nghe của “Người nghe” bằng uy quyền nạt nộ của mình và qua đó phá hủy luôn cả khả năng cùng nhau đưa ra những quyết định quan trọng. Sự thô lỗ trong tính cách của họ chi phối toàn bộ những hành động hung hãn mà họ gây ra đối với đối phương. Các “thẩm phán” đưa ra phán quyết “người có tội là người phụ nữ” trong câu chuyện ban đầu là một ví dụ điển hình.

Với quyền năng của mình, những “Kẻ thô lỗ” đã vùi dập cuộc sống của rất nhiều người. Họ luôn giữ cho mình một tư duy rất xấu xí: “Cái xấu chỉ xảy ra với kẻ xấu, nạn nhân “xứng đáng” bị nạn”. Họ cho rằng nạn nhân đang phải hứng chịu quả báo từ những việc xấu mà nạn nhân đã gây ra trước đây dù cho thực tế chưa chắc đã phải là như vậy. “Thích khoe của thì sẽ mất của”, có thể các “thẩm phán thô lỗ” đã suy nghĩ như thế!

Bất cứ ai cũng đều có quyền biểu đạt ý nghĩ của mình bởi không gian dân chủ kiến tạo môi trường bình đẳng cho tất cả mọi người. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn thích nói cái gì cũng được. Bạn có thể bày tỏ suy nghĩ của mình, miễn là nó không vi phạm tới phẩm giá của người khác. Tất cả những khác biệt về thế giới quan, quan niệm tôn giáo, cách học tập, làm việc hay kể cả cách luộc một quả trứng gà thôi, đều không phải là lý do để chúng ta lợi dụng quyền tự do biểu đạt nhằm hạ nhục người phát ngôn. Câu ca dao Việt Nam:

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

đã đúng, vẫn đúng và sẽ vẫn đúng với mọi thời đại.


Lời nói tựa như con dao hai lưỡi. Trong bài diễn thuyết “The Power Of Words” (Sức mạnh của ngôn từ), quán quân Toastmasters International 2015, Mohammed Qahtani, đã từng nói rằng: “Ngôn từ, khi được sử dụng đúng, có thể làm thay đổi suy nghĩ của một người, và cũng có thể làm thay đổi niềm tin của người đó. Bạn có quyền năng để vực dậy một ai đó từ vũng bùn của cuộc sống và giúp họ thành công, hoặc phá hoại niềm hạnh phúc của họ mà chỉ cần dùng lời nói của mình”. Bài diễn thuyết của ông như lời cảnh tỉnh cho nhận thức của rất nhiều người.

Đừng đổ lỗi cho nạn nhân nữa. Họ khổ đủ rồi!

Chẳng lẽ tất cả những tai nạn mà chúng ta phải hứng chịu đều là hậu quả của những việc xấu chúng ta từng làm sao? Đây là một nếp tư duy hết sức thiển cận. Nếu bạn cho rằng mình không làm việc gì xấu xa thì sẽ không bao giờ phải nhận quả báo thì hãy nhìn Đường Tăng mà xem. Đường Tăng đến một con kiến cũng không dám giết mà vẫn phải chịu 81 kiếp nạn kìa!

Nạn nhân đã phải hứng chịu đủ những xui xẻo rồi. Họ đã khổ đủ rồi. Vậy mà bây giờ họ vẫn phải nhận thêm “gạch đá búa rìu” từ những “Kẻ thô lỗ” thì hỏi xem, sao mà họ có thể chịu nổi đây?

Những “Kẻ thô lỗ” đang hiểu sai giá trị của sự tự do mà quyền tự do biểu đạt mang lại. Họ mượn sự tự do đó để thoải mái phán xét người khác và cho rằng đó là đặc quyền của mình. Họ tự hào với những phán quyết mà họ đã đưa ra và luôn cho rằng các bình luận của mình xứng đáng được ngợi ca. Trong bài hát Phán xét, Rapper tài năng Rhymastic đã làm bật lên mặt tối của những “Kẻ thô lỗ” này mà chỉ cần dùng 4 câu rap:

Mày ghét vì mày không hiểu được ra

Dò xét mọi chuyện một chiều vội vã

Mày đâu biết cảm nhận những điều mới lạ

Chỉ biết dùng chiêu trò để mong vơ vét về mình thật nhiều ngợi ca

Cuối cùng, người chịu hậu quả vẫn chỉ là các nạn nhân kém may mắn mà thôi!


Tôi muốn nói gì thông qua bài viết này?

Ngôn ngữ và tiếng nói là hai yếu tố quan trọng làm cho con người khác biệt so với con vật. Mỗi dân tộc sẽ có một ngôn ngữ và một tiếng nói riêng. Thế nhưng, có biết bao dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam, đã phải đứng lên đấu tranh chỉ để bảo vệ những thứ vốn dĩ mặc định thuộc về dân tộc đó rồi – chính là ngôn ngữ và tiếng nói. Nếu bạn phải đổ máu để giành lại một thứ vốn dĩ là của mình thì bạn biết là thứ đó thiêng liêng tới mức nào rồi đấy!

Thế nhưng không phải ai cũng sử dụng những đặc quyền thiêng liêng ấy theo cách giống nhau. Cách mà mỗi người sử dụng đặc quyền ấy góp phần tạo nên nhân cách trong từng cá nhân. Đó chính là điều tạo nên sự khác biệt giữa một công dân văn minh và một công dân lùn văn hóa.


Một cộng đồng có văn minh hay không phụ thuộc vào cách ứng xử của những thành viên sống trong đó. Vì vậy, chúng ta hãy sử dụng quyền năng ngôn từ của mình để trở thành một thành viên văn minh, góp phần thúc đẩy cộng đồng phát triển. Hãy lên tiếng phản đối ngôn từ bạo lực và đẩy lùi sự thô lỗ. Hãy bày tỏ sự cảm thông và tinh thần đoàn kết với những nạn nhân kém may mắn.

Tác Giả: DO @ Bookademy – Ybox 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/i.am.king.of.assist

________________________

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ/tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên tác giả – Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

779 lượt xem, 720 người xem - 724 điểm