Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Con Nhà Người Ta - So Sánh Tích Cực Hay Áp Lực Tâm Lí


Con nhà người ta trong cuộc sống của chúng ta

   Hẳn là ai cũng biết thế lực siêu nhiên “ con nhà người ta”, thế lực ấy dễ dàng xuất hiện ở bất cứ đâu quanh chúng ta từ cha mẹ, thầy cô,…Vậy ta muốn tự hỏi “ con nhà người ta” ấy thực sự là một lối so sánh tích cực để ta từ đó có thể bật lên, có thể phát huy mọi khả năng, chăm chỉ chuyên cần để làm sao biến thành “ con nhà người ta” hoàn hảo hay là một áp lực tâm lí, luẩn quẩn bên ta từ ngày này qua ngày khác, tháng này tháng khác rồi năm này năm khác để ta sợ hãi, tự ti, mặc cảm và đầu ta muốn nổ tung khi nghe thấy nó. Và có lẽ, tôi cho rằng nó phần ít mang “ luồng khí tích cực” và còn lại là sự tiêu cực của nó. Cụm từ mang tính “thần thánh” này xuất hiện trong cuộc sống của tôi từ khi tôi bắt đầu học tiểu học cho đến nay, khi tôi đang học lớp 11. Đối với nhiều bạn học trung học phổ thông, khi các bạn các đủ lớn để có thể gạt bỏ nó qua một bên, khi các đủ hiểu để không quan tâm đến nó, dù cho nó thực sự như một tảng đá đè nặng trong nặng bạn thì khả năng chịu đựng của chúng ta ắt hẳn hơn một đứa trẻ. Một đứa trẻ ư??? Đầu óc thơ ngây với đôi mắt trong sáng chưa xuyên thấu sự đời mà người lớn đem chúng ra đặt lên bàn cân của mọi tiêu chuẩn, khi tôi hỏi thực sự có hay không “ con nhà người ta “ ấy, cái tiêu chuẩn đến mức tuyệt đối ấy và những đứa trẻ đã nghĩ được vậy chưa? Hay những bậc cha mẹ vô tình thả chúng vào một không gian tăm tối, xung quanh chúng cái gì cũng hoàn hảo đến đáng sợ rồi chúng tự ti về bản thân mình, chúng nghĩ rằng : “ Ôi! Bản thân mình thật yếu kém!” và cứ thế nhiều lần cho đến khi trẻ không chịu đựng được nữa, chính là lúc tất cả mọi thứ sụp đổ trong lòng chúng . Và đứa trẻ nào như vậy mà chẳng sợ hãi, tuổi thơ chẳng còn gì ngoài những bóng đen tâm lí đó. Cũng có thể “ con nhà người ta” thực sự có thể giúp trẻ học hành chăm chỉ nhưng đằng sau đó hình thành nên một mặt cá tính rất đáng sợ: ghen tị. Chúng muốn vượt lên vượt lên tất cả để không phải nghe những lời mắng mỏ nữa, thế rồi khi có một bạn nào đấy học giỏi hơn, xuất sắc hơn, trẻ ghen tị, ghét bạn thậm chí cầu mong người bạn không tồn tại. Há phải rất đáng sợ sao ? Không phải giống một con quỷ đang từng ngày nhen nhóm trong tâm hồn chúng à? Con người nào cũng có bản chất đáng sợ của chính mình, chỉ là ta cất giữ nó, ta giam cầm nó ở một nơi nào đấy để sống tốt với đời nhưng hình như nhiều bậc cha mẹ thực sự là chiếc chìa khóa tặng cho nó tự do để xóa bỏ sự hồn nhiên trong trẻ. Hồi tôi học lớp 5, có lần thi học sinh giỏi, khi các bạn đều đạt giải cao thì duy nhất mình tôi đạt giải khuyến khích, tôi rất sợ về nhà, thực sự sợ hãi nhưng các bạn biết đấy, tôi có thể trốn đi đâu được chứ, thế là tôi vừa đến cổng , cả mẹ và chị tôi đều nó : “ Đã thấy gì chưa? Đã thấy nhục chưa?” Tôi có thể nói gì chứ, cứ thế lầm lũi đi vào nhà, khóc rất nhiều, khóc đến không thở nổi nữa và thực sự tôi phải mất một khoảng thời dài khá dài để cân bằng mọi thứ nhưng dường như tuổi thơ sẽ không bao giờ xóa đi được những kí ức mỏi mệt ấy.


Mọi thứ đối với cuộc sống không dễ dàng. Nếu thực sự “ con nhà người ta” trở thành cụm từ đặc biệt, được cha mẹ “ ưu ái” thì một lần rồi hai lần và thường thì không bao giờ họ lãng quên chúng .Chúng ta nói về những học sinh trung học phổ thông sống trong nó, những thiếu niên chuẩn bị bước vào kì thi cam go nhất cuộc đời – trung học phổ thông quốc gia.  Là sau mỗi lần khảo sát, bạn sẽ được mời đến trước mặt phụ huynh để tiếp tục truyền thuyết “ con nhà người ta”, nghe nhiều cũng chán đi kèm “ chán đời”. Với một gánh nặng bài tập từ trên lớp và áp lực từ thầy cô cũng đủ để teen phải dần dần “ tiêu hóa” nhưng thêm cả áp lực từ cha mẹ nữa thì thực sự teen phải lên bệnh viện rồi. Có lẽ cấp 3 là khoảng thời gian tươi đẹp nhất của đa số các bạn nhưng lại là khoảng thời gian đen tối của một số người mà thực sự muốn chấm dứt khoảng thời gian này ngay và luôn.Thời gian đều đều, không nhanh không chậm, ta làm sao để dừng lại ? Tự tử??? Vấn nạn xảy ra thường xuyên trong xã hội của chúng ta, liều thuốc hữu dụng của một số bạn trẻ. Ngay trong năm 2018 thôi, vụ tự tử của nam sinh lớp 10 tại trường THPT Nguyễn Khuyến như phần nào phản ánh về thực trạng “ áp lực tâm lí”, “ áp lực học tập”. Sẽ thực sự như vậy nếu cha mẹ không ủng hộ và quan tâm đến học sinh? Sẽ khác đi nếu cha mẹ một lần hiểu con mình hơn? Tất cả trở thành nỗi tuyệt vọng, nỗi tuyệt vọng mang tên học hành, mang tên thầy cô và mang tên cha mẹ. Không chỉ ở Việt Nam, năm 2015, hai nữ sinh 16 tuổi đến từ Daejeon – Hàn Quốc nhảy lầu tự tử, để lại tờ giấy nhắn viết dòng chữ ngắn gọn: "Chúng em ghét trường học". Họ ghét bạn bè vượt họ, họ ghét thầy cô tạo áp lực học hành và cả cha mẹ khi đưa con mình vào đường cùng. Chúng như một hồi chuông cảnh tỉnh, nhưng tôi phải tự hỏi nó cảnh tỉnh được mấy ai.


Làm sao để thoát khỏi nỗi sợ “ con nhà người ta”?

Chúng ta – các bạn trẻ đang sống trong nó và ngay cả tôi cần một lần ngồi lại nói chuyện cùng cha mẹ để cha mẹ hiểu những áp lực mà chúng ta chịu đựng, những bóng đen của chúng ta. Nhưng thật sự, nó có phải điều quá xa xỉ ? Với công nghệ 4.0 ngày nay, mạng internet phát triển vượt trội thì những tin tức về các vụ tự tử ấy sao không đến cha mẹ? Là phớt lờ hay không thể xóa bỏ tín ngưỡng? Có một số ít phụ huynh đã thực sự và đang giảm thiếu sự so sánh này, giảm thiếu áp lực tâm lí cho con cái. Nhưng số còn lại thì sao? Không có gì có thể làm lung lay phụ huynh được. Vậy thì, làm sao để chúng ta thoát khỏi nỗi sợ “ con nhà người ta”. Là một nỗi sợ tâm lí thì chúng ta hãy bắt đầu từ vực dậy bản thân, đánh bay nỗi sợ từ tâm lí, tâm hồn của chúng ta. Thực sự đấy, mỗi ngày của chúng ta  có thể nghe vài lần cụm từ này nhưng nếu chúng ta dùng khoác cho bản thân một chiếc áo giáp kiên cường, mỗi ngày phát triển toàn diện bản thân, từng chút thôi cũng được, chúng ta cảm thấy những việc mình là tốt, thực sự tốt, có thể không nhanh nhưng sẽ sớm thôi các bạn sẽ được sống là chính mình, các bạn sẽ không còn sợ điều gì cả. Và khi miễn nhiễm với nó, các bạn hãy sống theo lí tưởng của mình, phát huy được những thế mạnh của mình, đừng để ý đến những điều tiêu cực nữa, làm chính mình không phải tốt nhất hay sao? Nhưng cũng đừng vì vậy mà bỏ qua những lỗi sai ở mình, hãy sửa, hãy cố gắng để hoàn thiện bản thân một cách có thể nhất. Mỗi người có một điểm mạnh, có thể cha mẹ thường đặt mục tiêu ở tôi để trở thành sinh viên Đại học ngoại ngữ thì bản thân tôi lại muốn phát triển thành một bác sĩ tâm lí, tuy có vẻ còn mơ hồ nhưng đó là những gì ta hiểu bản thân muốn trở thành ai và làm gì. Hy vọng một ngày không xa chúng ta có thể xóa bỏ cụm từ “ con nhà người ta” và thành công với những điều ta mong muốn.

           Nguồn ảnh : Sưu tầm         
                                                                                                                                       


Tác giả : Nguyễn Quỳnh Chi

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100017272350449

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,765 lượt xem, 2,310 người xem - 2312 điểm