Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Có Phải Nơi Ta Thay Đổi Là Nơi Ta Đánh Mất Chính Mình?

“Thế giới thuộc về người đang sống
Và người đang sống phải chuẩn bị sẵn sàng cho thay đổi”
- Johann Wolfgang von Goethe -
Có bao giờ bạn tự hỏi, liệu bạn có đang sống thật với chính bản thân mình? Liệu những tác động của cuộc sống có làm bạn thay đổi vỏ bọc tính cách bề ngoài, để rồi mãi mãi bạn không biết đâu là bản ngã? Đó là một quãng đường dài để tôi nhận ra một chân lý đơn giản về chính bản thân, để khi nhìn lại câu chuyện cuộc đời mình đã đi qua, cũng phần nào hiểu hơn về cuộc sống.

Câu chuyện mà tôi đi qua, có thể với các bạn sẽ thật tẻ nhạt. Nó chẳng có gì ngoài cách mà tính cách hướng nội của tôi nhìn nhận cuộc sống.
Tôi biết rằng, tính cách hướng nội của tôi đã có từ bé, mai này khi bắt đầu lớn lên, tôi nghĩ có cố đến mấy cũng không thay đổi được. Tôi đoán rằng, sự hướng nội của tôi một phần bắt nguồn từ sự tự ti, và nó cứ thế lớn dần, mặc dù tôi không hề muốn như vậy.
Không khuyết tật, không quá xấu xí, không học kém, không ăn cắp ăn trộm, vậy cuối cùng, tôi tự ti về điều gì? Đó là cái nghèo, là hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tôi chấp nhận nó, nhưng không bao giờ tự tin với nó được. Ngôi nhà của tôi, tôi không dám rủ bạn bè tới chơi. Lâu lâu mới có một đứa đến, tôi nhanh chóng rủ nó đi chơi chỗ khác, tôi không dám cho chúng nó vào nhà...Chính vì vậy mà trong 9 năm học, tôi chỉ có đúng một đứa bạn thân. Quần áo không rộng thùng thình hay giống con trai vì đi xin cũng bị cộc, sờn cũ. Tôi không dám xin mẹ nhiều vì cũng hiểu nỗi khổ gia đình bốn đứa con. Mỗi lần có bộ quần áo mới, lòng tôi vui như Tết vậy, và cứ muốn mặc nó. Có khi tối về giặt vội để ngày mai mặc tiếp. Vì quần áo của tôi đều cũ và mặc lại cả. Có đợt, tôi được thưởng một chuyến lên Hà Nội cùng một số bạn vì có kết quả tốt trong kì thi Tiếng Anh. Tất nhiên, tôi vui lắm. Lần đầu được đi chơi mà. Ngày hôm trước khi đi, tuy lớp có mấy đứa được thưởng nhưng cô phụ trách gọi mỗi tôi ra, hỏi: “ Nhà có giày hay dép quai hậu gì không, hay cô cho mượn một đôi của cái Hương nhé” (Hương con gái cô, bạn tôi và cũng được thưởng chuyến đi này). Tôi biết cô quý tôi và thông cảm cho hoàn cảnh của tôi, nhưng nghe cô nói vậy, tôi vẫn có chút chạnh lòng, ái ngại và xấu hổ. “May cô gọi ra ngoài hành lang mà không phải ở trong lớp” – Tôi tự nhủ. Và tôi yên tâm đi vào lớp. Thế nhưng khi tôi vào trong lớp rồi, cô phụ trách vẫn đứng ngoài cửa lớp, nói to: “ Nhớ chọn cái áo trắng đẹp nhất đi nhé”. Một nhịp tim khi ấy bỗng đập mạnh vào lồng ngực tôi. Mặt tôi nóng ấm và ướt át. Và không đợi lâu hơn, con bạn ngồi sau tôi nói luôn: “Có mỗi cái áo đẹp nhất cậu ấy đang mặc rồi” . Trời ơi!! Ai mượn nó nói đâu!! Nó không có ý gì đâu, nhưng thẳng tính quá. Cái áo tôi đang mặc chẳng có gì đặc biệt, nhưng tôi quý nó nhất vì nó đẹp nhất trong số quần áo của tôi. Lúc ấy trước bao nhiêu bạn bè, cô chủ nhiệm, cô phụ trách, tôi không biết nói gì, chỉ muốn chui đầu xuống đất cho xong. Và tất nhiên tối đó, tôi phải giặt và hong chiếc áo tôi mặc hôm ấy thật nhanh cho khô.
Một lần nữa, trong giờ học tiếng Anh, bài học là hỏi về giá cả. Một con bạn cùng lớp tôi được gọi đứng lên lấy ví dụ. Nó thuộc loại khá giả và như muốn trêu tôi, nó lấy ví dụ là cái áo tôi đang mặc có giá 15.000 đ. Sự tủi thân, ấm ức lại trào lên trong đôi mắt. Tôi như nghẹn ứ trong cổ họng, không nói gì, chỉ cúi đầu viết bài. Có lẽ những chuyện như vậy cứ xảy ra làm tôi càng ngày càng thấy chán ghét chính mình. Tôi cứ thế khép tâm hồn mình lại... Cái bề ngoài quê mùa, ngôi nhà luộm thuộm, tất cả những gì thuộc về tôi, tôi đều tự ti về nó.
Lên lớp 9, gia đình tôi vào diện hộ nghèo. Cô chủ nhiệm hỏi để xác nhận trong lớp có những nhà ai thuộc diện trên, tôi không dám nói, chỉ vờ như đang mải viết bài mà không nghe thấy. Tôi biết mình có thể đang quá sĩ diện, nhưng tôi không dám. Tôi không biết vì sao...


Hoàn cảnh gia đình có lẽ chỉ là một phần làm nên sự tự ti, tính cách hướng nội của tôi. Không hiểu sao từ bé tôi đã thế rồi. Những đứa bạn gái cá tính, kiểu nhanh nhảu, hoạt bát, luôn được các thầy cô yêu quý. Còn tôi, tuy học tốt nhưng cảm giác như là hư vô trong lớp vậy. Thực sự trong giờ ra chơi, ngồi nhìn chúng nó mà tôi thấy cô đơn vô cùng. Tôi không giao tiếp nhiều từ nhỏ, nên đến bây giờ tôi vẫn rất ít nói chuyện với hội bạn gái trong lớp. Tôi thấy mọi thứ mình nói đều là ngớ ngẩn, không hợp lý.  Thấy tôi khép nép, chẳng mấy đứa muốn chơi với tôi. Có hôm, thằng ngồi cùng bàn hỏi tôi, tôi biết tính nó nói thẳng, nghĩ gì nói nấy: “ Tao thấy mày chẳng có bạn thân gì nhỉ. Chúng nó ít nói chuyện với mày thế.” Tôi định cãi lại, trong đầu cố tìm kiếm lại những lần chúng nó nói chuyện với tôi để tự chứng minh với bản thân mình, nhưng nó nói tiếp: “ Chúng nó mà nói chuyện với mày tao toàn thấy là hỏi bài thôi.” Tôi im lặng. Phải rồi, tôi chợt nhận ra. Mọi sự thân thiết mà khi chúng nó lại chỗ tôi, chỉ là cái thiếu tự nhiên, thiếu chân thật, chỉ để hỏi mượn vở hay nhờ giảng bài. Tôi thấy mình cô đơn thực sự.

Lặng người một lúc, tôi đáp lại nó: “ Chắc vậy”. Nhưng sau lần đó, tôi suy nghĩ rất nhiều, những lúc ngồi một mình, câu nói của nó cứ ám ảnh vang lên trong đầu, tôi thấy tủi thân phát khóc. Đôi lúc,  tôi muốn mình được khác đi. Nhưng tôi lại tự nhủ rằng, dù thế nào, sinh ra tôi đã là khác biệt, tín cách tôi đã như thế. Sao tôi cứ phải không là chính mình mà phải giống những bạn gái kia, làm vừa lòng những người kia. Có thế nào, là chính mình vẫn là thoải mái nhất. Lúc nói chuyện với chúng nó, tôi có thấy vui hay tự nhiên gì đâu. Chúng nó thậm chí còn chẳng để ý tôi nói gì. Thế nhưng dần dần quan niệm của tôi thay đổi. Những năm cuối cấp, tôi thích thầm một bạn. Đó là một mối tình đơn phương tôi giữ cho riêng mình. Tôi không biết câu ấy có thích lại không, mà chỉ biết cậu ấy quý tôi, tôi thấy vậy. Tuy ít nói chuyện với nhau, nhưng lúc nào cậu ấy cũng tỏ ra thân thiện và nhẹ nhàng với tôi. Đúng vậy, nhưng tôi chấp nhận đó là sự yêu quý thôi. Tôi luôn luôn chỉ biết nhìn cậu ấy nô đùa hay nói chuyện với những bạn gái cá tính, nhanh nhảu hoạt bát kia. Tôi chẳng bao giờ tự bắt chuyện với cậu ấy cả. Thế là hai chúng tôi cứ như hai người bạn cùng lớp như thế, đi qua quãng thời gian cấp 2. Sau khi tốt nghiệp cấp 2, chia tay cậu ấy, tôi buồn và thất vọng về mình. Tôi tự nhủ rằng, nếu tôi cứ tiếp tục như thế này, sẽ có ngày tôi chẳng được coi ra cái gì, chẳng có những thứ mình muốn có như sự yêu quý của thầy cô, sự thân thiết chân thành từ bạn bè và chẳng có cậu ấy nữa. Tôi sẽ mãi mãi cô đơn. Tôi không thích bản thân ở hiện tại, tôi không muốn bị mọi người dán cho mình những nhãn mác: tự ti, lập dị, chỉ biết học lên người nữa. Tôi không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng tôi có thể thay đổi tính cách. Tôi muốn thử thay đổi một lần, liệu có được không? 
Tôi đã làm được. Vậy thực ra thay đổi có khó không? 
Nếu đọc hay nghe đến câu “ Thay đổi có khó không?”, có lẽ một số bạn sẽ nghĩ tôi đã làm được và chắc chắn tôi sẽ nói: “Nó không khó như bạn nghĩ đâu”. Nhưng không, nó rất khó. Bước vào cấp 3, tôi đi học xa nhà. Vì tương lai của mình, vì hoàn cảnh gia đình, tôi quyết học thật giỏi và  quyết định sẽ thay đổi mình bằng cách luôn nở nụ cười trên môi, luôn bắt chuyện và kết thân với bạn mới. Nhưng khó một điều, tôi khép mình từ lâu, nên khi nói chuyện cùng bạn hay một nhóm bạn, tôi không biết phải nói gì. Nếu nói được dăm ba câu, tôi cũng thấy ngượng, thiếu tự nhiên. Làm bài tập nhóm với tôi như một cực hình, tôi không muốn tiếp xúc nhiều, giao tiếp nhiều, không dám đóng góp suy nghĩ của mình. Nhưng nghĩ lại những gì mà sự tự ti, hướng nội đã hại tôi những năm trước , tôi cố gắng từ từ. Lâu dần tôi cũng quen với hình ảnh rạng rỡ và hòa đồng, biết chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ với người khác nhiều hơn. Nhưng khó khăn nữa tôi gặp phải là thuyết trình và nói chuyện với thầy cô. Tôi vốn chẳng giao tiếp với thầy cô bao giờ, cũng như việc thuyết trình. Tôi sợ việc phải đứng trước mấy chục con người. Sợ lắm. Nhưng tôi quyết định mỗi lần có buổi thuyết trình, tôi vẫn xung phong trong tổ. Tất nhiên mấy lần đầu, dù đã chuẩn bị rất kỹ, tôi run, sợ, có lần ấp úng quá, níu lưỡi, nói sai chính tả khiến cả lớp cười ồ lên. Nhưng tôi chợt nhận ra, qua những lần ấy, tôi dũng cảm lên rất nhiều. Và những lúc ấp úng hay nói sai, lũ bạn tôi cười vậy nhưng sau đó thì thôi, chúng nó chẳng nhớ gì hay nói gì, chê bai gì tôi. Chúng nó vẫn vui chơi bình thường với tôi. Chỉ là tôi tự đánh giá rồi sợ chính mình. Cứ như thế, tôi dũng cảm nhận những việc khó hơn để thử thách mình. Tôi nói nhiều trong những cuộc tán gẫu, biết tự bảo vệ quyền lợi của mình, nói năng mạnh mẽ, rõ ràng và to tiếng hơn, biết bày tỏ thẳng thắn suy nghĩ, và quyết đoán hơn. Bây giờ khi nhớ lại, với tôi nó không dễ dàng gì, bao rào cản, khó khăn, giọt nước mắt thất vọng, tôi vẫn còn nhớ mãi...nhưng tôi đã có ba năm cấp 3 thật đẹp.
Tôi nghĩ tôi đã hài lòng với chính mình.
Nhưng lên đại học, tôi một lần nữa có duyên học cùng trường với cậu ấy. Một hôm chúng tôi tình cờ gặp nhau. Chút xao xuyến trong tôi bỗng ùa về. Sau khi tiếp xúc với tôi, cậu ấy nói tôi thay đổi nhiều quá, không giống trước kia. Cậu ấy nói tôi có vẻ “ đanh đá” hơn, không có sự trầm tính, dịu dàng nữa. Cậu ấy nói mà mặt cứ ỉu xìu. Cậu ấy không nói gì với tôi nữa.
Sau hôm ấy, nét buồn buồn của cậu ấy làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi tự hỏi có phải khi bắt đầu bước vào cấp 3, tôi đã thay đổi hoàn toàn để rồi, tôi quên mất chính mình ngày xưa? Có phải tôi đã bị sự đánh giá, nhãn mác của người khác dán lên mình làm méo tính cách của mình không? Hay chỉ là mấy năm nay, tôi đang cố giả vờ như tôi bây giờ để che đi bản chất của mình, mặc dù tôi không muốn không? Người ta nói, dù thế nào đi nữa hãy cứ là chính mình cơ mà.
Những ngày sau đó, tôi phải tự tìm hiểu lại mình. Tôi thử ngồi trong lớp một mình, trầm tư suy nghĩ. Tôi thử không đi chơi với bạn bè. Tôi chỉ cố gắng đâm đầu vào học. Gặp cậu ấy, tôi nói ít và nhẹ nhàng. Duy trì được một thời gian, tôi nghĩ mình đã lấy lại được chính mình.
Nhưng không, tôi cảm giác mình đang bị giả tạo. Như thế tôi rất khó chịu. Khi tôi khép mình thì mọi cơ hội đều vuột mất. Tôi muốn vui đùa, nói chuyện với bạn bè, tôi muốn nói lên suy nghĩ và mạnh mẽ bảo vệ chính mình. Bây giờ tôi không bắt ép mình làm những thứ mình không muốn được.
Sau những ngày tìm hiểu lại bản thân ấy, tôi mới nhận ra rằng: Nơi tôi chọn thay đổi là nơi tôi học cách yêu chính mình.

Tại sao ư? Tôi rút ra được một vài điều mà tôi luôn suy đi ngẫm lại về thay đổi chính mình:
- Khi tôi thay đổi, tôi có bạn bè, có sự tự tin, mạnh mẽ, không bị cười đùa, tôi luyện cho mình sự dũng cảm. Tôi thay đổi để trở thành con người mà ngay từ đầu tôi đã mong muốn, vậy chẳng phải tôi đang yêu chính mình sao?
- Tôi của hiện tại đang rất thoải mái và tự nhiên. Tôi không tự gượng ép mình. Tại sao tôi phải bắt tôi cứ là con người ngày xưa?
- Tôi thay đổi để tôi biết rằng, thực ra con người  tự ti không phải con người thật của tôi. Khi ấy, tôi chỉ là một phiên bản xấu trong bản ngã của mình. Bây giờ chỉ là tôi đang tự tìm hiểu phiên bản tốt nhất của mình mà thôi.
- Thay đổi là do bản thân cần thích nghi. Chỉ cần thật thoải mái, thoải mái với chính mình từ tận thâm tâm, đó là dấu hiệu của tình yêu bản thân.
- Nỗi sợ thay đổi sẽ đánh mất chính mình sẽ mãi giữ tôi lại với ngày xưa. Nó chỉ là một trong vô vàn cái cớ cho nỗi sợ phải thay đổi của chính mình mà thôi.

Lần sau tôi gặp lại cậu ấy. Tôi quyết định vẫn cứ là mình của hiện tại. Tôi đã bày tỏ suy nghĩ của của tôi về sự thay đổi này của mình với cậu ấy. Cậu ấy vẫn không nói gì...

Dù sao, tôi quyết định sẽ không để lời nói của cậu ấy ảnh hưởng tới tôi nữa. Tôi nghĩ rằng, không thể làm theo sự yêu thích của một người mà tôi phải làm vậy. Dù là với cậu ấy, tôi thấy rất khó.
Bạn trẻ ơi, thay đổi là yêu chính mình, tại sao lại không hành động?
Thay đổi bản thân là cả một quá trình dài như quá trình của tôi vậy. Trong quá trình ấy, bạn có thể phải hi sinh nhiều điều. Nhưng bạn không hài lòng với bản thân hiện tại thì còn định để đến bao giờ? Bạn không dám thay đổi, vì sao? Trong quá trình thay đổi, với tôi không chỉ là những điều tôi đã kể trên mà còn vô vàn điều khó khăn khác. Tôi nhận ra những điều cản trở sự thay dổi của tôi cũng như các bạn:
- Bạn không dám thay đổi vì bạn chịu thua bản thân. Bạn cố gắng được một thời gian nhưng sự lười biếng cứ bao quanh bạn. Bạn lại bị cái ý nghĩ "giữ lấy cá tính" của mình làm chùn bước.
- Bạn không thay đổi vì bạn luôn bi quan, không tin vào chính mình. Bạn nghĩ rằng “ cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Bạn luôn nghĩ, khi sinh ra mình đã không được như này như kia.
- Bạn không dám thay đổi vì bạn sợ Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI KHÁC. Tôi cho rằng đây là lý do cản trở bạn nhiều nhất. Bạn sợ lên thuyết trình vì bạn sợ ánh mắt của người khác, họ cười bạn, bạn bị chê bai. Bạn không dám bày tỏ ý kiến vì sợ người khác nói sai và đánh giá thấp về bạn,… Bạn sợ thay đổi vì sợ lời nói mỉa mai từ người khác: “ Dạo này kinh thế” “Con này dạo này thay đổi rồi. Nó còn như trước nữa đâu”. Bạn ơi, cuộc đời này là của chính mình, sao cứ phải sống theo ánh nhìn của người khác? Đôi khi chỉ là bạn đang tự phóng đại mọi thứ lên, nhưng thực ra người ta không để ý tới bạn nhiều như bạn tưởng đâu. Hãy dám sống là chính mình. Họ đánh giá chê bai có phải để bạn hạnh phúc hơn không? Chỉ có bạn mới có thể mang lại hạnh phúc cho chính mình thôi. Tôi tâm đắc câu danh ngôn Einstein từng nói: “Có một câu hỏi đôi khi tôi thấy mơ hồ: Tôi điên hay người khác điên?” Cái đúng sai, tốt xấu chỉ là tương đối, tin vào chính mình mới là con đường tốt nhất.
Tuổi trẻ còn nhiều cơ hội, nhưng rồi bạn sẽ nhận ra nó cũng sẽ thoáng qua như cơn mưa rào mùa hạ. Khi còn trẻ, người bản lĩnh là người dám thay đổi.

Đôi khi ta không nên "cứ là chính mình". Thay đổi bất cứ thứ gì, kể cả tính cách, chỉ cần tâm hồn thanh thản, cuộc sống tốt đẹp hơn, mọi sự thay đổi đều đáng trân trọng, khuyến khích. Như chính tôi năm ấy, tôi đã lựa chọn trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.

Tác giả: Junet - học sinh
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/moon.truc.585

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.





 



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

501 lượt xem, 473 người xem - 478 điểm