Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Bạn Có Đang Để Mạng Xã Hội Giết Chết Tuổi Trẻ Của Mình?

Ở một quán cafe nọ, có một đôi bạn trẻ ngồi với nhau. Không trò chuyện. Không nhìn nhau… Không gì cả. Mỗi người một chiếc Smartphone, những ngón tay lướt lướt trên màn hình. Thi thoảng lại có tiếng “ ting ting ” thông báo của Facebook.

Ở một gia đình nọ, người chị gái một tay bế em, một tay cũng tranh thủ “ up ” mấy tấm hình vừa Selfie lên Instagram. Người mẹ ngồi cạnh cũng bận rộn trả lời bình luận của dòng trạng thái vừa đăng Facebook. Thằng bé 9 tháng tuổi mếu máo, ngọ ngoạy vì không ai chơi với nó. Nhưng cả mẹ và chị nó có vẻ không quan tâm. Ai nấy đều tập trung vào chiếc điện thoại của mình.

Ở một phòng kí túc xá nọ, đã 3h đêm nhưng tất cả các giường vẫn sáng điện thoại. Không phải là học bài. Không phải là nghe tiếng anh. Không phải là đọc ebook. Là mạng xã hội. Chính xác là mạng xã hội. Mọi người không thể kiểm soát được hành động của mình. Và vẫn lướt Facebook một cách vô thức mỗi đêm, để rồi hôm sau cả ngày mệt mỏi, tiêu cực.

Tôi tự hỏi: “ Chúng ta đang sống trong thế giới thực cơ mà? Tại sao lại để cho cái thế giới ảo là mạng xã hội kia đánh cắp thời gian của mình? Tại sao không quan tâm hay tương tác trực tiếp với những người thân quen ở trước mặt chúng ta thay vì những kẻ thậm chí ta chẳng bao giờ gặp trong đời? Tại sao không không quan tâm đến sức khỏe của mình nhiều hơn mà chủ động từ bỏ những thói quen xấu? ”.



Không biết bao nhiêu lần tôi nghe những người trẻ quanh mình than buồn, than chán, than mệt mỏi, áp lực, không biết phải làm gì. Rồi vì không biết phải làm gì mà giết thời gian với những thú vui nhỏ nhặt, rong chơi quan ngày, ngủ vùi trong lười biếng và lướt mạng xã hội bất kể ngày đêm. Không biết bao nhiêu lần tôi nghe những bạn trẻ nói rằng muốn từ bỏ mạng xã hội để tập trung cho một việc gì đó quan trọng hơn như đọc sách, học một kĩ năng mới, học thêm một ngoại ngữ, đi du lịch hay làm tình nguyện. Rồi vì việc học tập ở trường lớp, hoạt động câu lạc bộ, công việc làm thêm thường thông báo trên Facebook nên việc từ bỏ mạng xã hội bị chết yểu từ trong suy nghĩ. Cũng có những bạn tâm sự với tôi rằng các bạn ấy cần mạng xã hội để xây dựng cho mình một thương hiệu các nhân với hình ảnh chỉn chu, chuyên nghiệp, để làm quen, kết bạn với nhiều người giỏi, để tìm kiếm những cơ hội mới. Nhưng điều này khiến các bạn mệt mỏi vô cùng vì luôn trong trạng thái gồng mình lên mà “ đánh bóng ” bản thân, để thể hiện bản thân một cách mù quáng. Và sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi nghe thấy vô số những câu chuyện về một người tìm được việc làm sau khi theo dõi và tham gia các group tuyển dụng trên Facebook hay sau khi chat chit làm quen với giám đốc nhân sự của một công ty nào đó. Lại có những bạn trẻ nói rằng: “ Thời đại nào rồi mà không dùng Facebook. Giờ ai chả dùng mạng xã hội. Không dùng thì lậc hậu quá đi! Lên núi sống thì có vẻ hợp hơn ”.

“ Các bạn ấy đang nói mình thì phải? ”. Có lẽ tôi nên lên núi sống thật. Nhưng tôi vẫn ở đây - ở cái thủ đô nhộn nhịp, bon chen và viết ra những dòng này. Tôi cũng không có bất kì một tài khoản Facebook, Instagram, hay Twitter nào cả.

Tôi đã “ SUÝT ” đánh rơi tuổi trẻ của mình vào tay những gã khổng lồ mang tên “ mạng xã hội ”

Tôi đã từng là con bé không thể sống thiếu mạng xã hội trong suốt một thời gian dài. Ít nhất điều này đã từng diễn ra cho đến giữa kì 1 năm nhất Đại học. Tôi không thể kiểm soát được thời gian của mình trên Facebook. Phần nhiều do công việc của lớp – tôi phải liên hệ, trao đổi với thầy cô rồi thông báo cho lớp, rồi hoạt động câu lạc bộ, các cuộc thi tôi tham gia, các mối quan hệ và cả việc tán gẫu với bạn bè.

Mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên tôi làm là check mail, check thông báo Facebook. Thời gian tôi dành cho mạng xã hội chiếm gần hết quỹ thời gian của bản thân. Và tôi vẫn vỗ ngực tự hào rằng mình là con người của công việc, rằng mình thật bận rộn. Cho đến khi nhìn lại, tôi tự hỏi mình đã làm cái quái gì trong suốt nửa kì học vậy? Tôi không thấy bản thân học được điều gì mới mẻ - một kĩ năng mới hay những trải nghiệm mới. “ Nothing ” – Không gì cả. Việc mải mê xây dựng hình ảnh cá nhân và duy trì những mối quan hệ sáo rỗng chỉ khiến tôi mệt mỏi, áp lực và bí bách. Tôi cảm giác như mình đang phải gồng lên thì phải?

Cho đến một ngày, một người anh mà tôi rất ngưỡng mộ đang làm cho một công ty công nghệ đã gửi cho tôi một món quà thay cho lì xì năm mới. Món quà đó là về những gì mà anh học được, trải nghiệm được trong một năm vừa rồi. Và anh gửi cho tôi nguyên tắc “ Deep Work ” của Cal Newport – Phó Giáo Sư ngành khoa học máy tính, Đại học Georgetown. Trong nguyên tắc “ Deep Work ” thì Cal Newport có đề cập đến việc từ bỏ và tránh xa mạng xã hội. Những lí lẽ mà Cal Newport đưa ra khiến tôi hoàn toàn bị thuyết phục.

Tôi cảm thấy từ bỏ mạng xã hội là quyết định đúng đắn nhất của tôi từ trước đến giờ. Tôi không còn phải mệt mỏi, uể oải check tin nhắn, thông báo Facebook mỗi sáng. Tôi không còn phải bận rộn lên nhóm lớp thông báo này kia vì tất cả tôi thay thế bằng Google Groups. Tôi không còn tiêu cực đến nỗi lướt Newfeed like dạo mỗi ngày, vào Profile của những người tài giỏi, thành công hơn mình rồi so sánh với bản thân. Tôi không còn phải gồng mình lên mà đánh bóng bản thân, mà thể hiện ta đây giỏi giang, hiểu nhiều biết rộng. Tôi có thêm thời gian dành cho bản thân và những người tôi yêu thương. Tôi học những thứ mới, đọc những cuốn sách mới, đặt chân đến những vùng đất mới, gặp gỡ, nói chuyện với những người trước đây tôi chưa từng quen biết. Tôi nhận ra đây mới thực sự là điều tôi mong muốn. Bởi tôi là người yêu sự tự do và đam mê xê dịch.



Cuộc sống bây giờ có quá nhiều cơ hội, nhiều điều phải làm, nhiều thứ để học. Những ngày tuổi trẻ tưởng dài rộng mênh mông nhưng kì thực rất hữu hạn, ngắn ngủi. Vậy tại sao chúng ta phải dành thời gian cho những thứ không thực sự làm ta hạnh phúc?

Theo thống kê của Hootsuite và We are social thì Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng các quốc gia có số lượng người dùng Facebook lớn nhất với khoảng 58 triệu người dùng. Thời giant rung bình của mỗi người Việt Nam trên Facebook mỗi ngày là khoảng 2,5 giờ.

Bạn có biết sự thật về các trang mạng xã hội?

Mạng xã hội có tính gây nghiện rất cao và rất dễ khiến chúng ta chán nản, stress. Với mỗi lượt like, share, comment, chúng ta lại có được sự phấn khích và cảm giác thỏa mãn. Nhưng việc ham muốn những thứ viển vông này chỉ làm bạn tốn thời gian mà thôi. Cal Newport có nhận định rằng: “ Hầu hết các mạng xã hội có đặc điểm chung là một kho tổng hợp những dịch vụ giải trí tầm thường nhưng được số đông ưa chuộng ”.

Các công ty như Facebook luôn đưa ra các chính sách đãi ngộ tốt nhất để thu hút được những kĩ sư và những người giỏi nhất. Từ đó, những thuật toán thông minh nhất được ra đời. Và nhiệm vụ của chúng là thu hút sự chú ý của bạn càng nhiều càng tốt, níu thời gian bạn ở lại với mạng xã hội càng lâu càng tốt.

Các công ty mạng xã hội lợi dụng sự quan tâm của công chúng để thu lợi nhuận. Đó là những gì mà Mark Zuckerberg trả lời trước Quốc hội Mỹ: “ Quý vị lấy tiền ở đâu? – Chúng tôi kiếm tiền từ quảng cáo ”. Với hai tỷ người dùng hàng tháng, các nhà quảng cáo không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải lên Facebook.



Trên thực tế, các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram sở hữu nguồn thông tin cực lớn về những thói quen người dùng, từ nội dung quan tâm cho tới từng cú click chuột. Đây là nguồn dữ liệu cực kì quý giá được các công ty sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Facebook hay các mạng xã hội khác không thực sự là một dịch vụ miễn phí. Bởi người dùng cung cấp cho Facebook dữ liệu mỗi ngày để đổi lấy khả năng sử dụng nền tảng. Đổi lại, Facebook có thể biến các lượt thích, địa điểm, hình ảnh và hoạt động trực tuyển khác của bạn thành tiền.

Theo báo cáo tài chính công bố hồi tháng 1/ 2019, Facebook đạt doanh thu kỉ lục 16,9 tỷ USD quý 4/2018, tang 30% so với cùng kì năm trước. Đây là cách Facebook làm được điều này: Quảng cáo, quảng cáo và nhiều quảng cáo hơn.Gã khổng lồ này sử dụng rất nhiều thứ mà nó biết về bạn để hiển thị cho bạn những quảng cáo mà bạn có thể thích. Và các nhà quảng cáo trả tiền cho Facebook để kết nối sản phẩm của họ tới đúng khách hàng.

Theo các nhà tâm lí học, mạng xã hội đánh vào những nhu cầu cơ bản của con người. Thậm chí đã có những trào lưu trên mạng xã hội kêu gọi xóa bỏ Facebook như #DeleteFacebook, hay có những quan ngại về quyển riêng tư. Thế nhưng mọi người hầu như không thể từ bỏ. “ Hầu như ai cũng quay lại ” – Catalina Toma, Phó Giáo Sư về khoa học giao tiếp, Đại học Wisconsin nói : “ Các mạng xã hội đánh vào những gì định hình con người – chúng ta muốn kết nối với những người khác ”. Và ở cái muốn kết nối với người khác ấy nhiều khi là “ cái nhìn khao khát ” – tức dò xét, xăm soi vào cuộc sống của những người có vẻ thành công hơn bạn. “ Họ cảm thấy tệ hơn. Nhưng họ không thể dừng lại ” – Toma nói.

Theo IIanna Gerson - nhà nhân chủng học thuộc trường đại học Indiana, Bloomington và là tác giả của cuốn sách "Down and out in the New Economy: How People Find (or don't Find) Work Today" (tạm dịch: Sự thăng trầm của nền kinh tế mới: Tại sao hiện nay người ta kiếm được việc làm và tại sao không), việc cập nhật mọi thứ về bản thân lên mạng xã hội là hoàn toàn vô ích và tốn thời gian.

Sau khi phỏng vấn các ứng viên để làm việc cho đầu sách mới, IIanna cho rằng việc xây dựng hình tượng cá nhân không phải một cách để dành được việc làm. Dưới góc nhìn của bà, đó chỉ là một cách chúng ta tự ép mình hòa hợp vào một nền kinh tế đang ngày càng lung lay.

Nói cách khác, việc cập nhật profile ảo là một dạng triệu chứng mà người ta tự huyễn hoặc bản thân để trở nên chuyên nghiệp hơn, từ đó tạo ra viễn cảnh của một con người thành công.

Để duy trì độ "hot" của bản thân, bạn phải luôn online 24/24 nhằm tìm kiếm thêm nhiều lượt tương tác ảo như like, share hay follow. Điều này vô tình làm cho việc kết nối với các mối quan hệ xã hội vốn rất cần thiết bị bỏ qua một bên. Người dùng mạng xã hội sẽ luôn sống trong ảo tưởng về các mối quan hệ ảo đó, dẫn tới việc tự thu mình trước những cơ hội béo bở ngoài đời thật.

"Tự dán nhãn cho bản thân là một việc làm tầm bậy quá thể. Nó làm tiêu tốn nhiều thời gian, và chẳng thể nào giúp chúng ta tìm được việc làm. Con người không phải là hàng hóa để được dán nhãn, Bạn nên dành thời gian tự phát triển bản thân để trở nên nổi bật, và độc nhất trong xã hội này" IIanna chia sẻ.

Giáo sư Cal Newport cũng khuyên mọi người hãy thử từ bỏ mạng xã hội một thời gian xem chuyện gì sẽ xảy ra, xem có thực sự chúng ta không thể sống thiếu mạng xã hội hay không. Trong một bài viết đăng trên tạp chí The New York Times, ông có giải thích cho lời khuyên này: “ Thị trường sẽ thưởng cho những gì hiếm có và giá trị. Sử dụng mạng xã hội tất nhiên không được coi là quý hiếm hay giá trị ”. Theo ông thì thâm chí nó còn làm giảm khả năng được tuyển dụng của mỗi người.

Từ bỏ mạng xã hội là điều điên rồ, là điều không thể?

“ Nếu không sử dụng mạng xã hội thì tôi trở thành người tối cổ mất ”.

“ Không dùng mạng xã hội thì làm sao tôi có thể cập nhật tình hình công việc ”.

“ Không dùng mạng xã hội thì làm sao mọi người biết tôi là ai ”.

“ Tôi cũng muốn từ bỏ mạng xã hội lắm, nhưng chắc tôi không thể đâu. Vì tôi còn phải giữ liên lạc với bạn bè của tôi ”.

“ Thời buổi này ai cũng dùng mạng xã hội mà, tôi không muốn khác người và cũng không muốn từ bỏ những cơ hội mới mẻ, hay ho ”.

Vậy thì có lẽ bạn đang bỏ lỡ những điều tốt đẹp, những điều thực sự quan trọng với bản thân rồi đấy! Tôi nghĩ bạn chỉ đang ngụy biện cho việc dành 2-3 tiếng online mạng xã hội mỗi ngày, thậm chí là nhiều hơn. Christopher McDougall từng viết: “ Mỗi buổi sáng ở Châu Phi, một con linh dương thức giấc. Nó biết nó phải chạy thoát khỏi con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị giết. Mỗi buổi sáng ở Châu Phi, một con sư tử thức giấc. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, hoặc nó sẽ chết đói. Không quan trọng bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời lên, bạn đều phải chạy ”. Đúng vậy, thời gian một đi không trở lại, không ai có thể tắm hai lần trên dòng sông cuộc đời, còn trẻ thì còn phải “ chạy ”, còn phải không ngừng nỗ lực và phấn đấu, tự kiếm tìm cho mình những trải nghiệm quý giá ngoài kia. Người trẻ ơi, đừng ngồi yên một chỗ lướt mạng xã hội rồi thở dài ngao ngán, rồi tiêu cực bi quan. Không hành động sinh ra nghi ngờ và sợ hãi. Hành động tạo ra tự tin và can đảm. Hãy thôi suy nghĩ, hãy lao ra ngoài kia và khiến mình thật bận rộn.

Khoác balo lên nào! Và đi thật xa nhé!



Anthony Bourdain từng nói: “ Nếu bạn còn trẻ, có sức khỏe, khao khát được học hỏi và trở nên tốt hơn, thì tôi khuyên bạn nên đi, càng xa và càng điên càng tốt. Hãy ngủ trên sàn nhà nếu cần. Hãy tìm hiểu về cách người khác sống, ăn uống và nấu nướng. Học từ họ - bất cứ nơi nào bạn đi ”. Một mình cũng được, cùng ai cũng được, miễn là đi. Và đi giúp ta làm quen với cuộc sống dấn thân, tìm kiếm trải nghiệm và lăn xả hết mình.

“ Tại sao bạn lại ra đi? Để bạn có thể quay về. Để bạn có thể nhìn lại nơi chốn cũ ngày trước với những góc nhìn mới và màu sắc khác. Và những người ở đó cũng nhìn bạn theo cách khác. Trở lại nơi bạn bắt đầu không hề giống với việc bạn chẳng bao giờ rời đi ” – Terry Pratchett.



Đi để lớn, đi để trưởng thành hơn, đi để hiểu chính bản thân mình và khám phá được “ hình hài ” đất nước. Trước đây tôi mơ về những chuyến đi xa. Tôi mơ về những vùng đất mới, những con người mới. Tôi mơ về những ngày được rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường xa lạ. Tôi mơ về những cung đường trekking hiểm trở, những đại dương xanh. Nhưng rồi… Giờ đây tôi lại mơ đường trở về nhà. Hạnh phúc của những chuyến đi không phải được nay đây mai đó, không phải được chìm đắm trong những cảnh đẹp hùng vĩ xứ người, không phải được gặp gỡ bạn bè năm châu. Mà hạnh phúc là khi trở về nhà, là được xà vào vòng tay bố mẹ. Hạnh phúc là khi nhìn thấy những người thân yêu còn khỏe mạnh. Hạnh phúc là khi lũ trẻ rối rít đòi quà. Và những niềm hạnh phúc ấy là món quà thật sự ý nghĩa bạn dành cho tuổi trẻ của mình. Một chút liều lĩnh, một chút can đảm, một chút phiêu lưu. Bạn sẽ chẳng thể tìm kiếm được khi ngao ngán online Facebook.

Những chuyến đi sẽ thêu dệt nên những gam màu sáng tối khác nhau cho tuổi trẻ của bạn. Hãy làm cho tuổi trẻ của mình thật nhiều màu sắc nhé!

Đọc sách nhiều vào!

Bất cứ khi nào cảm thấy tiêu cực hay chán nản, tôi đều lôi sách ra đọc. Tôi thích đọc về Elon Musk. Những trang sách thơm mùi giấy lấp đầy bởi những con chữ luôn hấp dẫn tôi. Đọc sách giúp tôi cảm thấy lạc quan, tích cực mỗi ngày, giúp tôi có thêm năng lượng, có thêm niềm tin rằng mình không hề cô độc trên hành trình chinh phục ước mơ.

Tôi nhận thấy rằng những ai yêu sách và ham đọc sách đều rất đặc biệt và sâu sắc. Tôi có một người bạn. Cậu ấy là Việt – người sáng lập dự án “ Thư viện Smile ”, quê ở Đắc Lắc – mảnh đất đầy nắng, gió và cà phê. Tôi và Việt quen biết nhau qua Shark Tank Việt Nam. Việt là một người yêu sách. Số lượng sách cậu ấy đã đọc lớn hơn gấp nhiều lần số lượng sách trung bình của một người Việt Nam đọc đến hết đời. Hành trình đi bộ từ Đắc Lắc vào Sài Gòn của Việt làm tôi ngưỡng mộ vô cùng. Việt muốn lan tỏa tinh thần đọc sách đến nhiều người ở mọi miền Tổ quốc. Đó là lí do “ Thư viện Smile ” ra đời. “Thư viện Smile” – “ Đó sẽ là nơi mà những tiếng lạch xạch của những đầu ngón tay chuyển trang không bao giờ ngưng, nơi mà ánh đèn vàng đọc sách sẽ không bao giờ tắt và cũng là nơi không bao giờ thiếu bóng dáng người… Tôi biết rằng ở ngoài kia có nhiều người rất rất giỏi mà điều kiện còn khó khăn, muốn được học, được đọc, được tìm hiểu thế giới nhưng tiền đâu ra mà mua đây chứ tiền ăn còn không đủ nữa là. Và tôi cũng biết ở ngoài kia có nhiều người đang có cho mình những cuốn sách chắt chiu, dành dụm mới có, muốn tinh thần đọc sách được lan tỏa hơn nữa. Một cuốn sách mình mua về đọc nghiền ngẫm vài ba lần rồi cũng kê lên kệ để nó chết ỉu thế thì tiếc quá, chuyền tay cho nhau đọc thì hay biết bao. Dấu ba chấm trên kia tôi để lại là mong các bạn cùng tôi viết tiếp giấc mơ của chúng ta cho nó đẹp và ý nghĩa hơn. Kiến thức sẽ bay tới tất cả vùng miền và cho mọi người”.

“ Sách làm nên cuộc đời ”. Bạn có tin không?

Làm tình nguyện

Người ta thường nói rằng tuổi trẻ thì ít nhất phải một lần đi làm tình nguyện. Đi tình nguyện để thấy mình đang còn trẻ, để thấy bản thân đang sống có ích và ý nghĩa. Đi tình nguyện để được cảm thông và sẻ chia, để cảm thấy mình vẫn còn may mắn và hạnh phúc.Đi tình nguyện để thấy cái nhiệt huyết của tuổi trẻ chưa bao giờ tắt.

Chăm sóc sức khỏe và tập cho mình những thói quen tích cực

Sức khỏe là quan trọng. Càng trẻ thì ta càng phải quan tâm đến sức khỏe của mình. Mỗi sáng thức dậy sớm hơn một chút, tập thể dục cho đổ mồ hôi, rồi tắm nước lạnh là ta đã có một ngày tràn đầy năng lượng. Bản thân cảm thấy thật tươi mới và hứng khởi.

Tối thay vì ôm laptop, điện thoại lên giường lướt newfeed thì đi ngủ sớm hơn một chút.

Thấy không? Chúng ta có quá nhiều thứ để làm. Chúng ta hoàn toàn có thể trở nên tốt hơn phiên bản cũ của mình. Nên nhớ rằng tuổi trẻ dài rộng mênh mông nhưng kì thực lại rất ngắn ngủi. Hãy làm những thứ khiến bạn thức sự vui vẻ và hạnh phúc.

Đừng để mạng xã hội giết chết tuổi trẻ của mình !




Tác giả: Trần Thu Hiền - ĐH Kinh Tế, ĐHQGHN

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/profile.php?id=100009959313868


--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,604 lượt xem, 1,571 người xem - 1592 điểm