Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

10 Điểm Trên Giấy Mấy Điểm Trên Đời

Chắc hẳn tên bài viết sẽ làm mọi người có phần không đồng tình vì chưa gì đã lù lù đem những học sinh ưu tú ra để bàn luận rồi mà còn đặt tên kiểu thách thức nữa chứ. Nhưng hãy đặt những điều đó sang một bên mà tìm hiểu xem mình đang nói về gì nhé. Vốn dĩ việc học là việc các bậc phụ huynh và một số trong chúng ta kì vọng nhiều nhất. Hãy tưởng tượng đến những viễn cảnh quen thuộc rằng khi không đứng “top” môn nào đó thì ba mẹ sẽ cố hết sức để hỏi han chỗ dạy tốt để đi học thêm, để bằng bạn bằng bè, điều đó lại dẫn tới có khi mở mắt ra là trèo lên xe đi học đến khi trăng sao lên đủ cả thì mới về tới nhà.


Nếu cảnh mình vừa đề cập giống hoặc gần giống với những gì bạn đang trải qua thì có lẽ bạn nên sống chậm lại vài phút, vài tiếng để suy ngẫm về những mục đích, những điều mình mong muốn và còn thiếu trong cuộc đời. Khi bạn sang các nước phương Tây, họ sẽ thắc mắc, thực sự thắc mắc vì sao bạn đi học thêm, họ sẽ tự hỏi “Thế nó học cái gì ở trường?”. Mình không phê phán hay khẳng định việc bạn đi học thêm là xấu, nhưng nếu cứ mỗi môn không được con “10 hoàn hảo” thì bạn lại tìm chỗ học thì cũng chẳng phải là ổn. Vì sao á? Vì cuộc sống của bạn không chỉ xoay quanh 13 14 môn học ấy, nó là một biển kiến thức khổng lồ mà bạn có thể tìm thấy và học từ bất kì ai quanh bạn. Cuộc sống chính là nơi bạn phải đấu tranh để tồn tại và phát triển, đấu tranh để bảo vệ mình, quan điểm của mình, cuộc sống của mình. Những điều đó, trường lớp có thể sẽ không dạy bạn, chính vì thế càng quan trọng hơn khi bạn phải tự biết trau dồi những điều đó vững chắc trước khi bước vào đời. Nhưng nếu thời gian đi học của bạn là một vòng tròn khép kín chạy giữa trường và các địa điểm học thêm thì thời gian đâu chúng ta rèn luyện những kĩ năng mềm, những kiến thức thực tiễn. Hãy đặt câu hỏi tại sao chúng ta không bắt đầu một quá trình rèn luyện thú vị nhất trên đời: Tự học.

 

Nếu bạn không quá yếu, bạn không mất căn bản môn học đó ở trường, bạn chỉ “không xuất sắc” vì lười hoặc một chút sai sót và bạn nhận thấy mình vẫn hiểu bản chất vấn đề thì xin chúc mừng, bạn có thể tự tin gạch bỏ lịch học thêm môn đó ra khỏi thời gian biểu của mình rồi, và bạn có thể thở phào luôn. Bạn đã nắm được bản chất của vấn đề thì hoàn toàn có thể tự mình cố gắng để khắc phục những sai sót của bản thân vì rõ ràng không phải đi học thêm bạn mới được dạy mà ở trường các thầy cô cũng dạy cho bạn về môn học đó. Bạn đừng hoảng sợ khi bắt đầu quá trình tự học này, nó thực sự giúp chúng ta nhiều hơn việc đến các lớp học đông người nếu chúng ta thực hiện đúng cách. Thủ khoa Nguyễn Văn Giang ngành Tin học - Học viện Kỹ thuật quân sự chia sẻ rằng "học là một quá trình, nghĩa là lúc học phải học hết mình, chăm chú nghe giảng vì những điều thầy giảng cho mình là những cái hay nhất, có như vậy mới tiếp thu được kiến thức một cách đầy đủ và sâu sắc. Ngoài ra nên tự lập một thời gian biểu tại nhà để ôn tập, học đến đâu làm đề cương tới đó, tạo thành một "xương sống" kiến thức. Đến khi ôn thi thì triển khai những phần học sẽ dễ dàng và hiệu quả” (nguồn: careerbuilder.vn). Bạn có thể tham khảo anh chị của mình về việc những học sinh ở tỉnh lẻ, miền Trung vẫn vào được các trường đại học công lập ở các thành phố lớn. Điều đó sẽ cho bạn thấy bạn cần một kế hoạch đúng đắn, nỗ lực hết sức thì bạn sẽ tu luyện được khóa “học cách tự học."

Trong quá trình tự tìm tòi ấy, bạn có thể hỏi bạn bè, thầy cô ở trường, và đối với việc xin tài liệu bạn bè thì đảm bảo rằng bạn sẽ làm hết mới xin họ vì nếu không bạn sẽ rơi vào tình trạng có một chồng tài liệu “để nhìn” vì quá ngán để làm. Nhiều bạn sẽ đặt ngay câu hỏi rằng tự học thì có nhanh hơn học thêm không mà bảo là có thể trau dồi thêm nhiều kĩ năng. MÌnh sẽ phân tích ngay sau đây:

Quá trình đi học thêm của chúng ta thường sẽ:

 30 phút là thời gian di chuyển, nếu xa có thể lên tới 45 phút

10 phút chuẩn bị khi gần tới giờ đi học (10 phút này là có thật.

15 phút uể oải sau khi đi học về (thời gian này tùy người)

Thời gian học kéo dài từ 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng, gồm:

1. Thầy cô giảng bài

2. Thầy cô cho bài tập

3. Chúng ta làm bài, sửa bài

4. Vân vân.

 

Quá trình tự học của chúng ta sẽ:

5 phút tắt mạng xã hội, tắt thông báo và tránh xa tụi nó

Tìm kiếm thông tin lí thuyết của bài (trong sách giáo khoa, các video bài giảng trên mạng, các diễn đàn cung cấp tài liệu free….)

Làm bài tập theo cấp độ (làm từ bài trong sách giáo khoa, sách tham khảo, bài thầy cô cho.)

Ghi lại thắc mắc, hay những phương pháp hay vào tập để dễ theo dõi


 Các bạn có thể thấy khi tự học ta sẽ tốn một khoảng thời gian nữa để: chọn sách tham khảo uy tín, chọn tài liệu, bài giảng, website uy tín. Nhưng khoảng thời gian đó chỉ tốn một lần so với những khoảng di chuyển của việc đi học thêm, Ngược lại, đi học thêm bạn sẽ luôn có người định hướng hướng đi cho bạn, vì thế mình mới cần bạn hiểu được căn bản của môn học, vì thế sẽ giúp bạn dễ dàng hiểu bài khi được người khác giải đáp thắc mắc. Nếu lần tới bạn chỉ được 9 điểm, thì hãy cố gắng tự học, còn thời gian dư ra chính là khoảng thời gian bạn sẽ tìm kiếm một điểm kia trong đời sống của mình: chơi thể thao, học nấu ăn, học thuyết trình, học vẽ, dự các hội thảo, đi tìm kiếm việc mình yêu thích để chọn ngành phù hợp và hàng tá thứ khác. Bạn đầu tư thời gian vào điều gì thì sẽ thu được kết quả dựa theo đó, bạn dành thời gian vào game thì bạn sẽ dần giỏi chơi game nhưng sẽ không thể giỏi tiếng Anh như một bạn đã dành thời gian vào học tiếng Anh. Chính vì thế, vô cùng quan trọng để có thời gian thử sức với nhiều lĩnh vực và chọn ra thứ thực sự quan trọng để bỏ thời gian vào rèn luyện cho tương lai

 

Mình hoàn toàn không chỉ trích việc đi học thêm là sai mà mình chỉ muốn đề cập việc học thêm quá nhiều, môn nào cũng học là phí thời gian. Nếu bạn đang cần học để ôn luyện đại học, để vào các trường như bạn và gia đình mong ước thì cứ tiếp tục, nhưng cần chọn lọc chỗ học, thời gian, khoảng cách xa quá không để làm sao những buổi học đó thật sự có giá trị của 1 tiếng rưỡi 2 tiếng. Vì các bạn đang có mục tiêu cần đạt được thật sự chính đáng nên mình tin các bạn sẽ tìm ra cách thôi.

 

Việc tự tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi sẽ rèn luyện cho bạn luôn những kĩ năng hết sức cần thiết cho cuộc sống sau này. Khi bạn bắt đầu đi làm, bắt đầu sự nghiệp mà có được hết kĩ năng mình sắp đề cập và cả những kĩ năng khác bạn trau dồi thêm từ cuộc sống thì bạn sẽ có một bước đệm chắc chắn để chạm tay vào thành công:

 

Tự học rèn cho bạn

1. Tính tự lập khi phải dựa vào bản thân là chính, tự công tìm kiếm, học hỏi.

2. Tinh thần thép để rèn bản thân mình vào những kỉ luật như không lên Facebook, Zalo,….

3. Biết quản lí thời gian

4. Biết hệ thống lại các kiến thức, tìm ra cách phù hợp với bản thân mình nhất.

 

Cuối cùng, mình chỉ muốn nhắc lại một điều, học tập là một quá trình suốt đời, ta học từ sách vở, từ thấy cô, từ bất kì điều gì xung quanh ta. Khi bạn nhận ra rằng được 7 8 điểm không có gì là xấu xa vì bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm những điểm còn lại xung quanh mình, bằng chính sức mình. 


Tác Giả: Nguyễn Đỗ Phương Quyên, Học Sinh@THPT Mạc Đĩnh Chi

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/quyen.quyu

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

558 lượt xem, 537 người xem - 541 điểm