Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Youth Confessions] Chia Sẻ Về Kinh Nghiệm Học Dịch

Dạo này rất nhiều bạn inbox hỏi thăm cách học dịch thế nào? Tự học dịch phải làm như nào? Làm thế nào dịch ngon không bị word by word, nhìn phát dịch được ngay, nghe phát bật ra ngay, bờ la bờ la…

Mà tính mình thì lười hơn con chó, cứ trả lời đi trả lời lại chả lẽ lại cóp pi, không trả lời chúng bạn lại bảo kiêu, thôi ghim cái bài này lên đây, bạn nào cần mò vào đọc coi xem có giúp được giề không nhé.

Viết thế này sợ nhiều người tưởng khoe khoang, chắc phải giỏi lắm giỏi vừa, dịch như gió các kiểu con đà điểu. Xin thưa với các bạn là cái pờ rô phai của mình nó không đóng, mở 100%, có nào chắc cả làng nhìn thấy luôn, mình cũng mới học tiếng trung được có 7-8 năm thôi, đi làm có 5-6 năm thôi. Không thể khiêm tốn quá bảo là mình dốt không biết gì, nhưng thực sự không dám nói đến chữ “ giỏi”, từ này nó còn xa vời lắm. Lắm khi đi dịch vẫn run bỏ mẹ, nếu mà bỗng dưng đi dịch một lĩnh vực mới toanh, bên kia nó lại chưa gửi cho tài liệu giới thiệu gì cho trước, đếch biết j về cái chuyên ngành ấy khéo tim đập chân run hơn cầy. Chẳng qua là đi làm lâu nó tạo thành 1 cái phản xạ xử lý tình huống mà thôi. Thôi lan man dài, vào vấn đề chính nhé

Môn dịch chia thường chia ra làm hai: dịch nói( dịch khẩu ngữ) và dịch viết. Trước khi học môn này tất nhiên sẽ phải học một vài môn đại cương như lý thuyết dịch, từ vựng, từ pháp, cú pháp vân vân và vân vân. Trước hết phải xem bạn học dịch theo cách nào? Bạn là sinh viên chuyên ngành chính quy tiếng trung? Hay bạn chỉ học thêm tiếng trung và bập thêm kiến thức để đi dịch? Dịch cũng có năm bẩy loại dịch: dịch ăn chơi, dẫn khách du lịch, dịch hội trợ, triển lãm, đi lấy hàng, buôn hàng, hợp đồng văn bản, kí kết làm ăn, mua bán, luật liếc, báo bủng vân van, và đẳng cấp nhất là dịch cabin chui thùng đen cho các cơ quan tổ chức cao cấp. Vậy bạn đang ở trường hợp nào? hoàn cảnh chúng ta không giống nhau thì sẽ không thể có phương pháp học giống nhau được ợ.

Đầu tiên xin đội ơn đã cho khổ chủ là mình được học tập trong một ngôi trường đào tạo dịch chuyên nghiệp hàng đầu tại Việt Nam- Hanu. Thật sự môi trường học tập ảnh hưởng rất nhiều đến kĩ năng dịch sau này của mọi người. Có thể nói hai trường đào tạo ngoại ngữ tốt nhất hiện nay phải kể đến ULIS( Đại học ngoại ngữ đại học Quốc Gia Hà Nội) và HANU( Đại học Hà Nội). Hai trường này trường nào tốt hơn không bàn ở đây nhé. Trường tốt quan trọng thật, nhưng 50% nữa là do ý thức học tập của từng người. Có rất nhìu bạn tốt nghiệp chuyên ngành từ hai ngôi trường trên vẫn không dịch đc 1 câu nên hồn. Đâu cũng có người nọ người chai, không phải ai ai cũng giỏi. Khi học ở HANU, hai năm đầu tiên chúng mình học như con trâu con chó cầy như điên các kĩ năng nghe, nói , đọc , viết, phát triển toàn diện từ sơ cấp, trung cấp, mời cả giáo viên nước ngoài để có môi trường nọ kia, rồi còn liên kết với một số trường bản địa bên kia để trao đổi sinh viên, nâng cao 4 kĩ năng của sinh viên.

Bây giờ cũng rất nhiều trường đều đã mời giáo viên nước ngoài cũng như có các chương trình liên kết, nhưng thật sự phải cảm ơn rằng: KHÔNG PHẢI ĐẠI ĐA SỐ CÁC TRƯỜNG KHÁC ĐỀU CÓ 1 CHƯƠNG TRÌNH HỌC LÝ TƯỞNG NHƯ HANU. Điển hình là dạo gần đây lớp học con con của mình có rất nhiều em cũng học cùng chuyên ngành tiếng ở các trường khác, nhưng 2 năm đầu tiên các em đc học rất ít, hầu như 2 năm mới học xong 6 quyển hán ngữ, năm thứ nhất mới học hết 3-4 quyển đầu. Vậy thì thật là khó để bổ sung làm vững nền tảng tiếng được. Trong khi HANU thời mình học năm nhất quất hết 6 quyển, năm 2 học hẳn nghe, nói, đọc, viết trung cấp. Mỗi kĩ năng học tận mấy quyển,rồi còn đóng kịch, thuyết trình, nói năng tung bời. Mình còn được bonus thêm 1 năm tiếng tại bên Tàu ,sáng nào cũng ra chợ nói chuyện với mấy bà bán rau bán cá, tối xem show , phim truyền hình cầm từ điển tra, quyết làm cho cái khả năng nghe nói nó lên tới đỉnh. Vị chi tận 3 năm học thực hành tiếng, thử hỏi như vậy thì nền tảng ở đâu chắc hơn, xuất phát điểm của sinh viên chuyên ngành bên nào sẽ tốt hơn? Chưa kể các bạn không học chuyên ngành tiếng như chúng mình, chỉ có điều kiện 1 tuần ba buổi tại trung tâm, thì nền tảng tiếng thật sự mình chỉ nói là khó bằng, chứ không tính các trường hợp xuất chúng giỏi đặc sắc.CÁI bọn óc thiên tài nó kinh khủng ,học ít hiểu nhìu,lắm điều bất ngờ lắm các bác ợ. Đấy hoàn cảnh môi trường , lịch trình học vô cùng quan trọng. Các cụ bảo muốn xây tòa tháp cao phải làm vững cái móng, đây móng còn chưa vững sau này xây lên dễ sập, rồi chắp vá, kiểu gì cũng không đẹp bằng cái nhà móng vững phải không ợ?

Thế rồi 2 năm cuối tất cả tập trung vào học dịch cả. Tiếng là chuyên học dịch, nhưng trước khi học phải làm quen tất cả các môn cơ bản để xây thêm cái nền móng cho chắc hơn như: Đất nước học, văn học, từ vựng, ngữ âm, cú pháp, ngữ pháp, lý thuyết dịch, tiếng trung thương mại… vân vân và vân vân. Bởi muốn dịch được đòi hỏi mỗi thứ đều phải biết một tí, dịch làm sao cho hợp văn cảnh, hợp thuần phong mỹ tục của nó khó lắm các bạn ạ. Không hiểu gì về đất nước văn hóa nó dịch lằng nhằng phạm húy nó đấm cho bỏ mẹ. Ăn được tiền của nó có phải dễ đâu . Vẫn nhớ cái lần đầu năm nhất gì đó bập bõm đi dịch tạm biệt cái thằng tàu mà chào nó 1 câu:“你走好!” mình thề mặt nó tái như đít nhái. Sau này về hỏi mới biết câu đấy là định tiễn nó về với suối vàng , chết mẹ mình chỉ muốn có ý tốt kiểu mày đi thong thả, đi cẩn thận nhé thôi mà. Đấy nó khổ thế đấy. Học các môn từ vựng ngữ pháp các thứ để củng cố nền tảng ngữ pháp, hình thành cấu trúc câu, form câu vân vân. Viết một câu ra phải biết đâu là chủ ngữ , vị ngữ, định ngữ, bổ ngữ, từ loại nào đóng vai trò chức năng gì, hơn thế nữa từ nào nó sẽ đi với từ nào ví dụ với 梦想 nên dùng 实现, còn 达到 thì nên dùng cho 目标 thì hay hơn.Rồi vì sao nó không đi được với từ khác, rồi hai từ gần nghĩa với nhau nhưng sao dùng từ này mà không dùng từ kia. Các bạn bỏ qua cái bước quan trọng ấy thì hỏi làm sao viết một câu nó cứ loạn tùng ngậu, dùng từ lắm lúc thấy nó cứ sai sai, mãi không được lên câu. Từ Việt sang Trung nó khó ở cái định ngữ, khó không tải được, khi định ngữ dài sắp xếp thế nào mới là quan trọng, khi có nhiều tầng định ngữ phải sắp xếp câu như thế nào đây, vân vân và vân vân.

Sau khi được học mấy môn ấy xong bọn tớ được làm quen với môn “lý thuyết dịch” trước khi bước vào học dịch chính thức. Học thì nhiều lắm, dài lắm, và tóm lại lan man lắm, hồi đấy thầy cũng nói lắm nhưng mà lười không nhớ cái gì cả, chỉ tóm lại mỗi ba chữ khi dịch phải chú ý đó là : TÍN, ĐẠT, NHÃ.

TÍN : đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Tín có nghĩa là đúng, ý nghĩa và ngôn ngữ văn bản đích phải chính xác so với ý nghĩa và ngôn ngữ của văn bản nguồn. Chính xác ở đây là “phải dùng từng chữ, đủ từng ý và hệt với giọng của hạng người nào về thời đại nào” .

ĐẠT : văn bản đích phải mạch lạc và dễ hiểu.Ông Nghiêm Nghiêm gì đó cho rằng mục đích cuối cùng của Đạt là để có Tín, do vậy nếu một bản dịch không thể lĩnh hội được thì coi như dịch giả thất bại.

NHÃ :bản dịch phải có tính thẩm mĩ. Kiều Thanh Quế cho rằng Nhã nên hiểu theo nghĩa “điểm nhã êm tai. Có khi dịch ra tiếng ấy thì đúng, nhưng theo văn ý nước mình thì nghe lại ra thô, lại phải dùng tiếng khác cùng tính cách ấy có ý nhã hơn thay vào”.
Đôi khi, để bản dịch có được “Tín, Đạt, Nhã”, dịch giả phải thực hiện công việc tái cấu trúc từ, ngữ, câu so với văn bản nguồn, nhưng vẫn giữ được ý chính của tác phẩm gốc. Trong trường hợp văn bản nguồn có những thuật ngữ mới và khó tìm thấy trong ngôn ngữ đích, dịch giả có quyền tạo ra một từ mới có nghĩa tương đương. Nói thật không ít lần dịch báo chí từ tiếng Việt sang Trung còn phải viết lại câu tiếng Việt, do lối nói tiếng Việt rườm rà, lắm thì mà là, trong khi tiếng Trung ngắn gọn súc tích đâm ra còn phải cắt nghĩa lại tiếng mẹ đẻ mình nói cái gì, lắm lúc thật sự còn đếch hiểu mấy ông nhà báo, mấy ông lãnh đạo viết cái giề mới khổ, nhưng vẫn phải cho ra một cái bản dịch không thì đi học cô mắng, đi làm thì chết đói.

Tạm nói về nguyên tắc dịch vậy thôi, đến quá trình học dịch thật còn gian khổ hơn. Dịch nói khác với dịch viết. Dịch nói cho phép bạn dùng từ ngữ ngắn gọn, khẩu ngữ dễ hiểu, tóm ý, dịch đại khái, người khác hiểu là được, châm chước một số lỗi nhỏ, thế nhưng con số cấm có được sai, và yêu câu phải phản ứng nhanh.Đặc biệt khi kinh tế mà trót bớt hay thêm cho nó 1 số 0 thì vỡ mồm đền ốm. Dịch kí hợp đồng văn bản sai quả giá thì ăn đủ hành. Dịch ngoại giao báo cáo kinh tế các kiểu quan hệ ngoại giao hai nước mà sai thì xác định mất việc luôn. Trót chui cabin mà dịch sai thì xác con nhà bà định tìm cái lỗ nào mà chui, đồng thời ngày công hôm ấy khéo đi đứt, léng phéng hai nước nó mà có vấn đề gì xác định đi tù mọt gông… Ây haz, khổ lắm. Dịch viết yêu cầu còn cao hơn, từ câu chữ đến văn phong, làm sao cho thuần tiếng Việt nếu dịch Trung- Việt hoặc thuần tiếng Trung nếu dịch Việt- Trung. Nói cách khác văn bản dịch phải dịch thế nào giống cách biểu đạt của người nước đó nói, hơn nữa phải sử dụng ngôn ngữ văn viết, cấu trúc ngữ pháp xương câu chặt chẽ, chọn lọc từ chau chuốt, chọn cấu trúc biểu đạt trang trọng nếu là dịch ngoại giao, chọn câu trúc biểu đạt điển hình xúc tích nếu là dịch kinh tế… Tóm lại là mỗi một loại dịch có cái khó riêng.

Thế nên bắt đầu vào học dịch nói, chúng tớ mỗi ngày cô cho bật băng phải nhại lại đớp theo băng lải nhải theo văn bản gốc người ta nói cái gì, làm như vậy để luyện cho mình khả năng nghe là một, tính tập trung là hai, nghe không sót người ta nói cái gì. Có một thời suốt ngày bật VTV4, quốc phòng an ninh, rồi cả Thông tấn xã Việt Nam .. các kênh mà có bản tin tiếng trung, rồi youtube các kiểu, nó có bao nhiêu bản tin lảm nhảm theo bằng hết. Sau khi luyện được tính tập trung cao độ, cũng như khả năng nghe siêu thủ, chúng ta bắt đầu công tác THỨ 2 là hình thành 1 số kí hiệu riêng cho bản thân. Bởi khi ta nghe người khác nói 1 câu dài, hoặc một tràng giang đại hải, óc ta cũng chỉ là óc người không phải óc máy tính hay đại loại thứ gì siêu việt mà nói cái khỉ gì cũng nhớ. Nếu không tập ghi chép, có 1 hệ thống ký hiệu riêng , không ghi chép kịp người ta nói cái gì thì còn nhớ cái khỉ gì mà dịch. Dạo đi dạy gần đây có mấy em đi học chả ghi chép j, bảo cô nói j e nhớ hết. Mình ngẫm nó cũng tài, chắc tuổi trẻ nó tài cao hơn mình. Mình không thể ảo tưởng sức mạnh của mình được. Đi học không ghi chép gì mà nó vẫn giỏi được, có lẽ mình phải cắp bút đến hỏi bí quyết xem sao. Thế nên điều quan trọng thứ hai là phải biết GHI CHÉP, chọn hệ thống kí hiệu ngắn nhất mà mình hiểu, để trong thời gian ngắn nhất ghi đc nội dung chính của đoạn băng, đoạn văn bản, đoạn mà người cần dịch đã nói. Sau đó mới nói lại được. Thế nên yêu cầu các bạn phải tập trung cao độ, lơ là một chút là không còn nhớ cái gì nữa ớ.Đó là lý do vì sao mà cứ phải đớp nhại băng ng ta nói trước. Tiếng trung với tiếng Việt khác nhau về hệ thống số. Đâm ra lại còn cần lập hẳn một cái công thức nhanh ví dụ 1 triệu= 一百万;10 triệu =一千万;1 trăm triệu=一亿;1 tỷ =十亿, 10 tỷ =百亿; 100 tỷ=千亿; 1000 tỷ= 万亿. Học thuộc lòng không sót cái j, chỉ cần nhắc đến là phọt, nhắc đến là bật không cần nghĩ luôn. Mình vẫn nhớ mình mất hẳn 4 ngày, cùng với lũ bạn, mỗi đứa cho bất kì con số gì, hỏi đứa kia phải bật lại thật nhanh, đổi ngược xuôi, nhuần nhuyễn không sai tý nào luôn mới đi học cái khác tiếp.Bây giờ đôi khi đi dịch cứ thấy số vẫn còn kinh, kiểu não không load được nhanh ấy, chỉ sợ nhầm.

Bước THỨ 3 quan trọng nhất vẫn là cấu trúc ngữ pháp và từ vựng. Điều này cả dịch viết và dịch nói giống nhau. Bạn muốn dịch được cái gì bạn phải có kiến thức từ vựng về cái đó, không được học thì phải tự mày mò tìm hiểu , tra cứu. Chúng mình vô cùng may mắn vì toàn được các sư phụ cao thủ dạy các cấu trúc xương câu và một số từ vựng, mà ra đời chỉ cần chạm đến thôi là bắn, chạm đến thôi là phọt. Thế mà hồi ấy ham chơi ,chữ được chữ mất nhiều khi muốn vẫn không phọt ra được. Để bây giờ lắm lúc điên lại phải đi tra cứu tốn nhiều công sức. Bạn phải phân tích văn bản gốc, xác định thành phần chính của câu, hình thành cấu trúc xương câu, chọn lọc từ hay phù hợp, động từ nào đi với tân ngữ nào, cái nào nên đứng trước đứng sau. Khi này nhìu bạn hỏi làm thế nào chọn được từ, chọn được xương câu. Xin thưa đây chính là nền tảng mà hai năm trước chúng tớ đã dầy công xây đắp học 4 kĩ năng nghe nói đọc viết, cách phân biệt từ các kiểu để đến bây giờ cần là lôi ra dùng. Những cái đó để đáp ứng hai tiêu chí: TÍN và ĐẠT đó. Mà dịch thì không có đáp án nào là chuẩn nhất, mà chỉ có đáp án, cách dịch nào hay hơn, phù hợp hơn mà thôi. Nhiều khi nó là một cái ngữ cảm do người dịch tích lũy nhiều mà ra.
Tóm lại, Ngoại ngữ thật sự không ăn bớt được giai đoạn, nó là một quá trình tích lũy, thóc bạn chưa đủ thì làm sao lấy ra phân cho ai được ạ? Hơn nữa muốn biểu đạt văn bản dịch hay, đạt đến cái NHÃ, đòi hỏi văn phong tiếng mẹ đẻ của bạn phải ổn, diễn đạt mạch lạc. Nhưng mà vốn văn mẹ đẻ của bạn ngày đi học còn chỉ vừa đủ điểm qua, thì muốn có văn bản dịch hay hơi khó. Lúc này chúng ta lại phải dựa vào kĩ năng đọc. Ngày ấy đi học , mỗi ngày mình đều lên đủ các trang báo thời sự, kinh tế, ngoại giao, chính trị, thương mại, du lịch như sina,ifeng, weibo, quân đội nhân dân, Vn expess, dân trí,gov......để đọc, đọc hết không còn gì thì thôi, không chỉ đọc tiếng Trung, mà đọc cả tiếng Việt, chỉ với mục đích bù đắp sự thiếu sót nguy hiểm trong vốn liếng từ vựng hẹp hòi của bản thân mà thôi. Thế nhưng các bạn bây giờ các bạn chỉ đi hỏi người ta dịch như thế nào, mà chính bản thân các bạn đang mất đi thói quen đọc. Thật sự muốn dịch hay, muốn viết được câu hay, văn giỏi đều là do đọc. Đọc để làm gì, đọc để học hỏi xem người ta viết như nào, lười thì coppy, chăm hơn tý thì bắt trước có đổi thay. Tóm lại là phải đọc. không đọc có mà còn lâu mới biết một câu còn có thể viết hay như thế nào. Thế mới có những dịch giả nổi tiếng, người ta viết 1 câu chúng ta phải vỗ mông cái đét: “Mẹ ,ổng viết hay thế!” Trong khi mình cũng hai chân, hai tay, cũng từ điển ,laptop riêng, cũng có não mà không dịch được hay như người ta. Đôi khi dịch được một câu, tìm đc một từ khéo khi lại phải mở google, baidu ra tra lại xem người ta có hay viết thế không, có chuẩn không. Nói thật, tớ cũng còn non, nhiều cái tớ đéo biết bỏ mẹ, mình là cái đinh gỉ gì đâu, không ha oai được. Cứ phải tra cứu lại, tỷ mỷ cẩn thận, đôi khi cả ngày chỉ dịch được vài dòng tâm đắc. Chưa kể đến dịch thơ, dịch bài hát, ca dao các kiểu phải đảm bảo vần luật, giai điệu. Nói thật khó thầy mồ. Toát mồ hôi không xong nổi cái bài thơ. Thế mà thế đéo nào giờ chúng nó trả có 25k/ trang thì có đúng là dẫm đạp lên trí óc người khác không cơ chứ. 
Và giờ đây sau nhiều năm ra trường, ngày ngày vẫn đang phải học hỏi tích lũy, lắm cái ngu như heo, không biết đều phải hỏi các cao thủ khác,và khi được chỉ dậy, lại thấy như kiểu “ Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim”. Nói chung đừng có ảo tưởng sức mạnh, cái nghề dịch này xin thưa “Gừng càng già càng cay, người càng nhiều kinh nghiệm càng giỏi”. Người ta làm nhiều va vấp nhiều lĩnh vực, vốn từ vựng phong phú mới có thể này nọ nọ kia, không cần ghi chép gì, khua mép một phát hót ra một đống vàng. Chứ mình chân ướt chân ráo, chữ còn chưa vững, bập bõm phì phọt vài câu giao tiếp thì được, chứ động đến dịch đích thực nó là một nghệ thuật. Và người phiên dịch đúng là một nghệ sỹ. Đã bao giờ bạn đi cầu thang mấy chục lần, mỗi lần đi bật băng lẩm bẩm nhại lại, dịch lại, dịch xong ghi âm về nhà lại bỏ ra nghe lại xem sai xót chỗ nào, chữa lại, thu lại. NGÀY đê m ăn ngủ với các hợp đồng văn bản ,tin Tức,hai con mắt dán vào máy tính giờ to như hai cái đít chai.Đêm mơ vẫn lẩm bẩm dịch cái khỉ gì. Văn bản đọc nhiều chất như núi, ổ tư liệu full, văn bản giấy đầy cả tủ. Thế mà ra đời vẫn ú ớ, chui vào Cabin vẫn run như chó dấp nước, hót chẳng lên câu.

Thế cho nên là phiên dịch có năm bẩy kiểu, tiếng bạn ở mức nào, lương bạn ở mức đó. Có đánh đổi vất vả khó khăn mới có thành quả ngồi hai ba tiếng CaBin tính bằng Đô, mới được theo quan này quan nọ đi nước này nước kia. Cơ mà nói thật, nghề dịch chả khác gì con ô sin cao cấp, người ta ăn mình nói, người ta chơi mình nói, người ta nghỉ mình cày tài liệu. Thế mà phí hoài mất hẳn cả cuộc đời để trau dồi kiến thức, không một ngày nào nghỉ để theo đuổi nó. Túm lại phải kiên trì, không có thành công nào bỗng dưng đến, không có quả ngọt nào chỉ ngồi há mồm nó rơi vào. Tất cả chỉ có trong mơ, mơ quả mơ có hột, không học không trau dồi hột mơ không có mà gặm. Tất nhiên nếu như được học bài bản như chúng tớ là một điều may mắn cho các bạn thích học dịch. Nhưng không đc học bài bản cũng không sao, chỉ cần mình cố gắng nỗ lực không ngừng, ham học hỏi, hỏi ng nọ người kia, bây giờ tớ thấy bên mấy trung tâm cô Hoài Phương các thứ đều có video dậy dịch, có khóa dậy dịch, mình có thể lên tìm hiểu, học theo. Không gì là không thể, thành công không bao giờ đến với người lười. Mình đi đường vòng tất nhiên phải lâu hơn các bạn đi đường thẳng, đi đường thẳng rồi vẫn nhởn nha thì thỏ cũng thua rùa thôi. Lười thì chấm hết.

Chúc các bạn tìm được một phương pháp học đúng đắn và thành công.Trân trọng và thân ái!

~ Hiền Meek~ (Tác giả bài viết)


Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: http://bit.ly/YboxShare2017 🍁

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy them những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: http://bit.ly/YouthCfs-Ybox

Đọc và chia sẻ nhiều hơn tại:  https://www.facebook.com/YboxConfession/posts/626609954398644

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,142 lượt xem