Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Youth Confessions] Chia Sẻ Của Một Thực Tập Sinh Metropole: Tản Mạn Chuyện Thực Tập

Lâu lâu mình cũng không viết bài, ngứa tay nên chia sẻ chút ít về chuyện đi thực tập trái ngành vậy.

1. Mình nhớ hôm đầu tiên đến phỏng vấn, gặp chị Giám đốc Nhân sự Metropole, phỏng vấn thì mỗi 3 phút cuối thôi, còn lại thì chị tư vấn cho mình xem đi làm trái ngành thế này thì nên làm ở vị trí nào cho phù hợp với khả năng, rồi công việc nào hấp dẫn, học hỏi được nhiều. Rồi chị hướng dẫn cho mình phỏng vấn tiếp với anh Vincent (người Pháp nên đọc là Văng Xoong), Giám đốc Bộ phận Nhà hàng Ẩm thực. Đứng đợi ngoài văn phòng của anh ý mà tim mình như trống đập vì cũng lo, không biết lần đầu tiên đi xin việc sẽ thế nào. Thế rồi hoá ra lo cũng thừa, vì phỏng vấn mà anh nói chuyện cực kì thoải mái như hai người bạn. Anh kể về hồi xưa anh đi làm ở D.C. thế nào, rồi hỏi trường mình có xa D.C. lắm không, thời tiết thế nào, thích điều gì ở Mĩ nhất. Mình cũng hỏi lại anh về công việc của anh ở đây, anh nghĩ mình làm vị trí này liệu có hợp không, tóm lại là rất thân thiện và dễ chịu, cảm giác chỉ như hỏi chuyện một người bạn lớn tuổi của mình thôi vậy. Kết thúc là mình làm Trainee trong văn phòng của anh có 5 người – có anh Văng Xoong Director và anh Louis (Lu Y) Assistant Director là người Pháp, chị Khánh Manager của Le Club Bar, và chị Hạnh Secretary du học sinh Sing hơn mình 4 tuổi. Phỏng vấn xin việc lần đầu trong đời xong mới nhận ra, quan trọng nhất là mình cứ thoải mái và tự tin là chính mình. Công việc sẽ tự dành cho mình nếu mình phù hợp, còn cố gắng tô vẽ quá, lo lắng về nó quá, nhiều khi cũng không để làm gì .

2. Mình làm việc trực tiếp chủ yếu cùng đại ca Hạnh, cực kì thông minh và nhanh nhẹn, lúc nào cũng vui vẻ bay lượn nhưng làm việc thì hiệu quả và tập trung lắm. Ngày đầu tiên đi làm, chị hướng dẫn mình từng tí một, từ chỗ để đồ, tới toilet, tới mỗi sáng lấy đồng phục ở đâu như thế nào, rồi kéo mình đi khắp nơi giới thiệu với từng phòng một đây là em trainee mới của F&B Office để mọi người biết mặt, sau này làm việc cho dễ. Hai ngày đầu tiên, mình chủ yếu chỉ quan sát và học hỏi chị Hạnh và mọi người, gần như chưa được làm gì vì chưa đủ kiến thức và chưa quen với hoạt động trong khách sạn. Nhưng chị trước khi làm gì cũng giải thích cho mình rất tỉ mỉ, rồi mình take notes để sau không bị quên, đỡ phải hỏi lại nhiều. Gần như những việc duy nhất trong hai ngày đầu của mình là: nhìn, nghe, uống nước, chạy đi đưa đồ này đồ kia cho các phòng ban, giới thiệu bản thân, rồi lại tiếp tục quan sát.

Nếu là ai không có đủ kiên nhẫn, chắc sẽ bảo, tưởng gì chứ làm thế này thì khác gì chân sai vặt? Nhưng sự thật là, bất kể bạn có giỏi thế nào và CV của bạn có hoành tráng ra sao, thì khi vào một môi trường mới toanh, bạn cũng cần thời gian để làm quen, và cũng chẳng có nhà tuyển dụng nào giao ngay cho một đứa vừa học xong năm nhất, lại còn trái ngành, những việc trọng đại ngay cả. Không lạ là dần dần, nhờ chạy đi chạy lại nhiều mà mình bắt đầu quen cấu trúc khách sạn và không bị lạc nữa, và nhờ quan sát nhiều, mình hạn chế được những lỗi mà nếu bắt đầu nhảy vào làm ngay từ đầu khi không có sự chỉ dạy, mình sẽ sai rất nhiều.

Từ xuất phát điểm là chỉ được quan sát và làm những việc nho nhỏ, thì bây giờ, chị Hạnh có thể đi vắng cả một ngày để mình ở văn phòng giải quyết công việc, có gì không hiểu thì hỏi anh Lu Y, hay cứ vài hôm anh Văng Xoong hoặc anh Lu Y lại giao cho mình một dự án cá nhân với deadline cho mình làm riêng. Cũng “không tệ”?

3, Mình nhớ có lần, hồi mới đầu thôi, đồng hồ của anh Văng Xoong bị hỏng mà hãng đó ở Hà Nội rất hiếm, mình search thì tìm ra được chỗ bán đồng hồ đó ở gần nhà mình, thế là xung phong mang đồng hồ đến kia hỏi cho anh. Nhưng đến nơi mới nhận ra, trong thời gian mình đi du học thì cái toà nhà này đã chuyển tên đổi chủ từ lâu rồi, thế là đành mang về cho anh Văng Xoong, bảo là xin lỗi anh em không giúp được 😦 Xong anh bảo, “quan trọng nhất là em đã cố gắng và không ngại giúp đỡ anh, mặc dù việc này không có trong job description của em”. Từ đó, mình mới rút ra được bài học là, khi mới bắt đầu một công việc, thì đừng ngại làm những việc nhỏ bé. Hãy luôn giữ một thái độ tích cực và cầu tiến, không ngại khó, vì nhà tuyển dụng đánh giá khả năng và thái độ của bạn từ những chuyện rất nhỏ thế này. Tuy nhiên, cũng không có nghĩa là bạn nên gật đầu với tất cả yêu cầu của họ – hãy xác định điều gì là xứng đáng hay không, và vạch ra một giới hạn giữa sự giúp đỡ và sự phục vụ, vì mình biết có những nơi họ không trân trọng khả năng của nhân viên đâu. Họ sẽ bắt bạn làm những việc không xứng với năng lực của bạn trong một thời gian vô hạn như một chân sai vặt, và khi đó, chỉ có bạn mới có thể biết đâu là điểm dừng.

4, Trong ngày đầu tiên đi làm, anh Văng Xoong gọi mình và chị Hạnh vào văn phòng rồi dặn chị Hạnh: “Việc huấn luyện, chỉ dạy một người mới có thể sẽ cảm giác rất tốn thời gian, khi mà xung quanh còn bao nhiêu việc cần giải quyết thế này. Nhưng nếu em dạy với cái tâm một cách hết lòng, thì sớm thôi, nó lại trở thành một sự đầu tư thời gian vô cùng hiệu quả, vì em sẽ có thêm một người đồng nghiệp mà em có thể tin tưởng chia sẻ công việc cùng.” *mình dịch từ tiếng Anh ra cũng có tí hoa mĩ hơn, nhưng đại ý vậy*. Rồi anh quay sang nói với mình: “Em nhớ quan sát và học hỏi chị Hạnh nhé, anh tin chị ấy sẽ dạy em được nhiều thứ lắm. Nhưng mà nhớ đi làm thì phải về đúng giờ, không được ở lại muộn. Em phải có cuộc sống riêng của mình để cân bằng bản thân, và việc hoàn thành việc đúng giờ cũng để em học được cách sử dụng thời gian một cách hiệu quả hơn.”

Mình nghe mà vừa xúc động, vừa bán tín bán nghi, vì vừa hôm trước đọc được đâu đó bảo rằng, là thực tập sinh thì luôn phải về muộn hơn sếp. Nhưng hỏi mọi người thì ai cũng xác định những gì anh Văng Xoong nói là thật, mà thật ra các anh làm ca khác mình, toàn 10h tối mới về thì mình ở lại cũng chết trôi ra đấy à…

5, Từ khi đi làm đến giờ, có khá nhiều người tò mò hỏi tại sao mình lại làm ở đây khi mà ngành của mình khác hẳn. Mình bảo vì trước nay mình vẫn thích làm trong khách sạn nhưng không có điều kiện để học, thì phần lớn mọi người đều hỏi: “Thế ai xin cho vào đây làm à?” làm mình cũng khá tự ái. Có lẽ cái suy nghĩ rằng cách duy nhất để có được một công việc tốt là nhờ mối quan hệ đã in sâu vào đầu nhiều người quá rồi, khiến cho sự nỗ lực và thử thách bản thân đã bị ăn mòn đi nhiều. Trong quá trình mình tìm hiểu về ngành này, mình hỏi khá nhiều các anh chị đi trước xem nên thực tập ở đâu, thì phần lớn nói Metropole là tốt nhất rồi, nhưng chỉ tuyển sinh viên đã ra trường và trong thời gian ít nhất là nửa năm thôi em ạ. Nếu mình nghe lời và tặc lưỡi, thôi, biết thế rồi thì nộp hồ sơ làm gì, thì có lẽ mình đã tự tước mất của mình một cơ hội lớn. Nhưng mình mặc kệ, vẫn lên LinkedIn tìm email phòng Nhân sự của Metropole và viết email thật trau chuốt, gửi CV chuẩn bị thật cẩn thận, và cuối cùng thì mình được nhận, còn đàm phán được để chỉ làm trong 2 tháng rưỡi mùa hè nữa.

Túm lại ở đây là, nếu bạn thực sự thích công việc nào, thì hãy cứ chủ động tìm hiểu về nó và tự tin nộp hồ sơ, bất kể người khác có nói gì. “Con ông cháu cha” là một hiện trạng không hiếm trong bất kì xã hội nào, đặc biệt là xã hội Việt Nam, nhưng như vậy không có nghĩa là mình nên hoàn toàn mất niềm tin về sự công bằng, và rồi lại tự giới hạn những cơ hội của mình. Những anh chị mình quen ở đây đều là những người trẻ tự tin, hiểu được khả năng của mình và biết nắm bắt cơ hội, và mình tin, người giỏi và quyết tâm thì ở đâu cũng sẽ có chỗ đứng, dù có khó khăn thế nào đi nữa.

6, Dậy từ 6:45, làm từ 8:30 đến 6-6:30 chiều, cảm giác một ngày có 24 tiếng là không bao giờ đủ, vì làm xong mà đi với bạn thì sẽ không còn thời gian cho gia đình, mà dành thời gian được cho gia đình thì sẽ cảm giác mình không có cuộc sống bên ngoài, túm lại là nhận ra làm người lớn cũng khổ, không sướng như mình tưởng. Đi làm thì vui thật đấy, nhưng sau khi ra khỏi bốn bức tường kia, bạn lại phải trở về với những trách nhiệm khác nhau trong cuộc sống của mình, phải trở về làm một người con, một người chị, một cô người yêu, một người bạn thân lắng nghe bạn mình tâm sự, và một con người với những nhu cầu về thời gian và khoảng không cá nhân nữa, mà 5 tiếng còn lại trong ngày thì không đủ để hoàn thành được hết những trách nhiệm đó.

Mình muốn đi gym cho khoẻ cũng không có thời gian, muốn ra siêu thị để mua ít đồ cũng mãi không sắp xếp được, và cảm giác mỗi ngày trôi qua cái vèo, một tuần chóng vánh không kịp chớp mắt.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đã xác định đi làm là xác định đánh đổi, và tự bản thân phải học cách đặt ra những ưu tiên để đặt những điều không quan trọng lại phía sau. Có những đêm 2 giờ mới ngủ và 6 giờ hơn đã phải dậy, mình chỉ muốn mặc kệ ngủ đến trưa cho đã, nhưng mình vẫn phải dậy thôi, vì hôm nay mệt thế này sẽ là bài học cho hôm sau phải cố gắng cân bằng tốt hơn, điều khiển cuộc sống của mình hợp lí hơn.

Ngày mai tuổi 19, cũng chẳng biết bản thân đã trưởng thành đến đâu, nhưng mình biết, cái con bé ham chơi hồi xưa đã không còn nữa rồi.

Đi thực tập để biết mình còn thiếu sót nhiều. Đi thực tập để biết thương người lớn và trân trọng tuổi học trò. Và đi thực tập để học hỏi và trưởng thành.

Chúc các bạn thực tập sinh như mình sẽ luôn mạnh mẽ để sống sót qua khỏi khoảng thời gian nửa trẻ nửa lớn này, và chúc những bạn còn đang lưỡng lự và lo lắng, hãy thật tự tin nắm bắt cơ hội của mình, để kể cả nếu không như ý thì cũng không có gì phải hối tiếc cả .
-----------------------------------------------------
>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé:http://bit.ly/YboxShare2017 🍁

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy them những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: http://bit.ly/YouthCfs-Ybox

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

260 lượt xem