Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Youth Confessions] Chia Sẻ Của Chàng Trai Trẻ: Làm Thế Nào Để Mở Mang Kiến Thức Một Cách Tự Động

Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận một sự thật rằng: việc tiếp thu thông tin, hay ở một mức độ cao hơn là bổ sung thêm kiến thức, là một nhu cầu không thể thiếu của con người. Nếu dùng thước đo của Maslow, chúng ta có thể mạnh dạng xếp nhu cầu về thông tin ở tầng thứ nhất (phisiologycal), và chúng thuộc nhóm nhu cầu căn bản của con người (basic needs). Nếu như chúng ta đồng ý với nhận định trên, xem thông tin là một nhu cầu không thể thiếu đối với con người, thì làm thế nào để đáp ứng nhu cầu này một cách tốt nhất.

Có vẻ vấn đề được đặt ra ở tựa đề bài viết là một phần trong câu hỏi tổng quát hơn: Con người mở mang kiến thức bằng cách nào? Câu trả lời có vẻ không khó đối với tất cả mọi người: có thể bằng cách chủ động (trực tiếp), có thể bằng cách bị động (gián tiếp). Vậy hai từ “tự động” không nằm ở câu trả lời tổng quát đồng nghĩa với việc vấn đề đặt ra bị sai. Chắc chắn là không sai nhưng nó hơi lòng vòng một chút, để làm rõ câu hỏi và sau đó là phương pháp để có thể “tự động”, chúng ta cần tìm hiểu một chút về hai cách mà con người dùng để tiếp thu thêm thông tin: cách chủ động, và cách bị động.

Cách chủ động.

Ví dụ, cá nhân mình mỗi buổi sáng thường hay đọc các bản tin kinh tế từ các nguồn online, đây là một trường hợp về cách tiếp cận thông tin chủ động. Ví dụ khác, một người bạn của mình hay tìm hiểu xem các cô gái hiện tại đang vui hay đang buồn, đã chia tay người yêu chưa hay vừa đi xem phim gì, đó cũng là một hình thức cập nhật thông tin chủ động. Có thể lý thuyết hoá quá trình này bằng định nghĩa do mình tự nghĩ ra như sau: Tiếp thu thông tin chủ động là hình thức cập nhật thông tin có mục đích cụ thể nhằm thoả mãn nhu cầu thông tin. Như trường hợp của anh bạn mình, anh ta muốn cập nhật thông tin về tình trạng các cô gái nhằm thoã mãn sự quan tâm đặc biệt của mình cho các thiên thần. Ngắn gọn, đời thường hơn là “tôi quan tâm đến chủ đề gì đó nên tôi chủ động tìm hiểu thông tin về nó”

Cách bị động.

Ví dụ, bạn đang mất động lực và lang thang lướt facebook thì đập vào mắt bạn tựa đề bài viết vô cùng hấp dẫn “Làm thế nào để mở mang kiến thức một cách tự động” và như thế là cả buổi sáng của bạn tràn đầy động lực, đây là một trường hợp về cách tiếp cận thông tin bị động. Ví dụ khác, chúng ta thường tiếp cận thông tin bị động thông qua các cuộc trò chuyện của người khác, thông qua nghe các bản tin thời sự một cách vô tình. Một lần nữa, chúng ta có thể định nghĩa như sau: Tiếp thu thông tin bị động là hình thức cập nhật thông tin không có mục đích cụ thể nhằm thoả mãn hoặc không thoả mãn nhu cầu thông tin. Như ở ví dụ lướt facebook, rõ ràng bạn không có ý định tìm kiếm thông tin, chỉ là bạn đang buồn và cầm điện thoại lướt facebook như một thói quen, nhưng cái duyên cũng đến là bạn vô tình thấy bài viết hấp dẫn kia, bạn đọc và ít nhất là có thêm thông tin gì đó (không xét đến thông tin có giá trị hay không, cũng là vì sao mình định là nghĩa có thể hoặc không thoả mãn như cầu thông tin). Đời thường, ngắn gọn hơn là “tôi không quan tâm đến chủ đề gì cả chỉ là tôi vô tình nghe (nhìn) thấy thôi”

Từ việc phối hợp hai cách trên theo một công thức nào đó bạn sẽ tìm ra phương pháp tiếp thu thông tin một cách tự động. (Bạn có thể dừng một chút để thử đoán nó là gì).

“Hãy tìm đọc thông tin có mục đích và bạn sẽ vô tình bắt gặp một số vấn đề mới. Hãy tìm đọc vấn đề mới và bạn sẽ lại vô tình bắt gặp một vấn đề mới khác.”

Hãy lấy một ví dụ minh hoạ. Bạn là một người quan tâm đến kinh tế, do đó bạn muốn đọc nhiều thông tin về chủ đề này. Sáng hôm đó, bạn vào mục Kinh tế trên các báo online và bắt gặp chủ đề như sau: “Nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu từ các ngân hàng Trung Quốc”. Và bạn có lẽ sẽ không hiểu nhiều khái niệm trong bản tin này như “khủng hoảng tài chính”, nếu áp dụng phương pháp tự động, bạn sẽ tiếp tục google về khái niệm “khủng hoảng tài chính”. Cứ như thế, bạn sẽ bắt gặp nhiều khái niệm mới. Rèn luyện phương pháp này nhiều lần, kiến thức về một chủ đề nào đó của bạn sẽ tăng lên một cách đáng kể.

Phương pháp này mang lại cho chúng ta nhiều lợi thế. Thứ nhất, bạn sẽ có nhiều thông tin trong lĩnh vực bạn quan tâm. Thứ hai, bạn sẽ thích thú hơn khi đọc vì những thông tin mới bạn bắt gặp phần lớn sẽ nằm trong chủ đề mà bạn quan tâm. Thứ ba, bạn sẽ có cơ hội gặp lại những thông tin hay kiến thức mà bạn đã đọc trước đó, nó giống như một cơ chế ôn bài tự động.

Nhưng cũng cần có một lưu ý nhỏ khi áp dụng phương pháp này, sẽ có những thông tin hay kiến thức mới sẽ ít liên quan đến chủ đề bạn quan tâm, vì vậy bạn nên hạn chế mở rộng những thông tin hay kiến thức đó, hãy để lại nó vào một dịp khác hoặc bạn có quá nhiều thời gian để làm chuyện này.

Hi vọng bài chia sẻ này sẽ giúp các bạn cải thiện khả năng đọc cũng như tìm tòi kiến thức mới cho bản thân.

Tác giả bài viết: Mai Kiên Trung

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

>>> Giới trẻ Việt Nam thiếu định hướng nghề nghiệp, các anh chị hãy cùng YBOX giúp các bé một tay vì một thế hệ trẻ không lãng phí bao năm đại học bằng những chia sẻ rất thật của mình tại đây nhé: Link

(*) Đăng kí làm CTV cho dự án Youth Confessions để có cơ hội đóng góp cho cộng đồng và tích lũy thêm những kiến thức định hướng cho nghề nghiệp tại đây: Link

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

85 lượt xem