Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

Nếu Không Phát Hiện Ngay 7 Dấu Hiệu Này Thì Chẳng Sớm Thì Muộn, Bạn Sẽ Nghỉ Việc Vì Lao Lực Quá Mức!

Đối mặt với áp lực deadline, rào cản từ đồng nghiệp mang tính hơn thua, khối lượng công việc chất chồng như núi, sếp thì mỗi ngày “mặt nặng mày nhẹ”, bạn có thấy đồng cảnh ngộ không? Đừng nghĩ những chuyện này chỉ ảnh hưởng nhất thời đến bạn, nếu kéo dài thường xuyên, bạn sẽ xuất hiện 7 dấu hiệu tiềm tàng dưới đây khiến bản thân trở nên phát ngấy công việc!

Mỗi ngày một ít, những uất ức và mệt mỏi trong công việc tích tụ lâu dần sẽ làm giọt nước tràn ly, bạn bỗng chốc bùng phát nhiều biểu hiện khó lường khiến cuộc sống công sở càng thêm chán nản và áp lực. Hãy kiểm tra xem bạn có 7 dấu hiệu “báo động đỏ” này dưới đây không, để bắt đầu có biện pháp điều chỉnh kịp thời nhé.

1. Bỗng dưng thích… mỉa mai!

Trước đây bạn chẳng “xấu tính” như thế, nhưng rồi dạo gần đây, bỗng dưng bạn nhận ra mình thích mỉa mai hoặc châm biếm người khác với tần suất nhiều hơn hẳn? Thậm chí ngay cả với những đồng nghiệp thân cận và đối xử tốt với bạn, thi thoảng bạn cũng buông ra vài câu cạnh khóe khiến họ khó chịu. Bạn biết không? Đây chính là dấu hiệu bạn đang trải qua một quãng thời gian khó đối phó đấy. Trở thành một người tiêu cực chính là cơ chế điển hình để đối mặt với sự căng thẳng.

2. Chạy ngay đi, trước khi mọi điều tồi tệ hơn!

Đã bao lần bạn có suy nghĩ trong đầu hay là mình vứt hết tất cả phía sau và mua ngay một tấm vé một chiều đi du lịch quên lối về? Những cám dỗ về việc rời bỏ công việc chính là lời cảnh báo bạn đang cảm thấy mệt mỏi quá mức. Bạn luôn có suy nghĩ muốn trốn chạy khỏi tất cả, không muốn nhìn thấy deadline, không muốn đối mặt với KPIs hay phải trình bày với sếp. Các chuyên gia tâm lí cho rằng đây cũng là một hình thức bạn đang chống lại áp lực, bằng cách tránh né khi nhận ra quỹ đạo công việc của mình không còn trong tầm kiểm soát.

3. Việc dễ như bỡn nhưng làm hoài chẳng xong!

Những công việc tưởng chừng như phẩy tay áo là xong lại khiến bạn bối rối, loay hoay suốt cả ngày? Từ chuyện quên mất trả lời email khách hàng, bỏ lỡ buổi họp, làm đi làm lại báo cáo chỉ vì gõ sai số liệu, tất cả những dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu sự tập trung chính là lời cảnh báo bạn đang lao lực rất nhiều. Vì vậy, khi bạn đang gặp vấn đề với việc ghi nhớ và tập trung mọi công việc, dù là chuyện nhỏ nhặt nhất, hãy cẩn trọng xem lại liệu mình có đang stress quá mức hay làm việc quá nhiều hay không nhé.

4. Chữ “mệt” lúc nào cũng đính trên mặt!

Làm bạn với mệt mỏi đã quen? Bạn thèm khát đến cuối tuần chỉ để ngủ, ngủ và ngủ? Đây đích thị là dấu hiệu kinh điển cho thấy bạn đang gặp áp lực đến mức muốn buông xuôi rồi! Tình trạng rối loạn về mặt thể chất luôn là điềm báo chính xác cho những gì cơ thể bạn đang gặp phải. Do đó, đừng chủ quan khi mỗi ngày về nhà bạn chỉ muốn lao vào giường ngủ ngay lập tức hoặc thường xuyên đau đầu, nhức mỏi đấy.

5. Bất mãn với mọi việc mình làm!

Bạn cảm thấy bất lực khi phải xoay sở cách sinh tồn trong môi trường công sở hiện tại? Bạn có hay đi khắp nơi chỉ để rêu rao với bất kỳ ai bạn gặp rằng sếp bạn là một người thích bắt bẻ, gây áp lực với bạn còn đồng nghiệp thì mang tính hơn thua? Có thể những gì bạn nhận định về công việc hiện tại của mình đúng một phần, nhưng tất cả đều bị áp lực công việc vô hình phóng đại lên gấp nhiều lần. Khi bạn đang dồn ép bản thân để đạt mục đích nhưng kết quả không như mong muốn, bạn sẽ bắt đầu có xu hướng đổ lỗi cho văn hóa công ty của mình.

6. Hoài nghi không ngừng về bản thân!

Bạn đã làm việc rất chăm chỉ để đạt được thành công trong sự nghiệp nhưng bạn vẫn luôn tự hỏi bản thân rằng, liệu những điều bạn làm đã đủ hoặc bạn có thật sự thành công? Cảm giác bản thân vẫn chưa hoàn thành tốt, hoài nghi năng lực cá nhân chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang áp đặt quá mức lên chính mình. Biểu hiện tâm lý này đã được chứng minh ở các bác sĩ hoặc vận động viên, họ thường trở nên kiệt sức khi thúc ép bản thân mình làm việc cao độ.

7. Suy nghĩ tiêu cực về mọi việc!

Dù làm bất kỳ công việc gì, cho dù là thế mạnh của bạn nhưng bạn vẫn cảm thấy không hài lòng về mọi thứ. Bạn bắt đầu hình thành suy nghĩ tiêu cực về con đường sự nghiệp của mình ở công ty. Thậm chí, tất cả còn trở nên tồi tệ hơn khi bạn dần trở thành một con người bi quan trong mọi chuyện, ngay cả trong các mối quan hệ và đời sống hàng ngày. Khi sự tiêu cực trong công việc ảnh hưởng sang cả cuộc đời bên ngoài chiếc bàn máy tính, bạn nên cân nhắc cho bản thân sự nghỉ ngơi trước khi mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Làm thế nào để xoa dịu bản thân và cảm thấy thoải mái hơn?

Nếu bạn có tất thảy cả 7 dấu hiệu “báo động đỏ” trên, đã đến lúc bạn cần suy nghĩ biện pháp giảm thiểu áp lực và tăng cường sự thư giãn cho bản thân rồi. Dưới đây là những gợi ý đơn giản giúp bạn đánh tan stress để luôn giữ tâm trí tích cực nhất mỗi khi đi làm:

Dành ra những buổi hẹn cuối tuần hoặc sau giờ làm việc với những người bạn luôn làm cho bạn cảm thấy thoải mái và cười nhiều nhất. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ hạn chế được những ngày làm thêm giờ hoặc làm việc vào cuối tuần, nhưng đây lại là một việc đáng làm khi bạn đang trở nên mệt mỏi quá mức đấy!

Áp dụng những giải pháp trị liệu giúp xua tan căng thẳng như đặt lịch đi spa vào cuối tuần, mua vé xem bộ phim bạn yêu thích, hay dạo một vòng hiệu sách để chọn vài cuốn tiểu thuyết hợp “gu” của bạn. Những việc làm nhỏ này sẽ làm thay đổi góc nhìn tiêu cực của bạn về thế giới bạn sống hàng ngày.

Lên danh sách những việc cần làm. Đừng bao giờ để nước tới chân mới nhảy, hãy bắt tay sắp xếp công việc của bạn gọn gàng trước khi bước vào ngày làm việc để mọi thứ thật trơn tru.

Bày tỏ với lãnh đạo trực tiếp của bạn rằng bạn đang bị quá tải trong công việc hiện tại. Đừng tỏ ra quá gắt gỏng hoặc mâu thuẫn với sếp, bạn chỉ cần yêu cầu sếp đưa ra một biện pháp khắc phục như san sẻ bớt việc hoặc điều động cho bạn một trợ lí là đủ.

Thiết lập lại các mục tiêu sự nghiệp của bạn rõ ràng hơn. Nếu bạn mơ mộng đến những mục đích quá lớn lao, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi khi phải theo đuổi chúng mỗi ngày. Vì vậy, hãy cố gắng chia nhỏ các mục tiêu để bạn luôn cảm thấy thành tựu khi đạt được dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Tìm kiếm những cách để làm mới công việc khiến bản thân cảm thấy hứng thú hơn khi đi làm. Hoặc bạn có thể tham gia các khóa huấn luyện, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực công việc bạn quan tâm để gia tăng kinh nghiệm, kĩ năng cho mình.

Và quan trọng hơn hết, hãy viết ngay giấy phép để xin nghỉ khoảng một tuần thôi nào! Biển xanh nắng vàng hoặc một khu nghỉ dưỡng đúng điệu sẽ giúp tâm trí lẫn cơ thể của bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau một thời gian dài làm việc. Khi quay trở lại với công việc, bạn sẽ cảm thấy có chút hụt hẫng nhưng chắc chắn rằng, bản thân bạn luôn ngập tràn năng lượng để sẵn sàng cho mọi việc!

Theo hrinsider.vietnamworks.com

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

94 lượt xem