Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Bookademy] Sách Khoa Học – Làm Sao Cho Dễ Đọc?

Một thực tế mà ai cũng dễ dàng nhận thấy khi nhìn vào thị trường xuất bản (cả ở trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam): Những đầu sách best-seller thường là tiểu thuyết giả tưởng, sách kĩ năng sống (self-help), rất ít khi những cuốn sách khoa học leo được lên top 100 bảng xếp hạng bán chạy. Tại sao lại như vậy?


Một tác giả sách khoa học bán chạy “hiếm hoi” – Giáo sư Stephen Hawking đã chia sẻ rằng ông cực kì ngạc nhiên khi cuốn sách vật lý của mình (cuốn Lược sử thời gian) bán chạy hơn sách hồi kí với đầy nội dung sex và những câu chuyện giật gân của ngôi sao ca nhạc Madonna. Sự bất ngờ của Stephen Hawking là hoàn toàn có lý. Sách khoa học khó bán vì rất nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân hàng đầu có lẽ là do “khó đọc”. Lược sử thời gian không chỉ nằm trong top best-seller trong những bảng xếp hạng tại Anh, Mỹ, mà còn từng lọt vào danh sách bán chạy tại Việt Nam (theo số liệu trên những trang bán online hàng đầu như tiki, vinabooks, fahasa). Nhưng dám chắc rằng, không phải 100% những người mua cuốn sách này đều đủ khả năng để đọc hiểu hết nó, dù GS. Hawking có lối diễn đạt thực sự thú vị và dễ hiểu.

Sau một thời gian tò mò tìm hiểu, người viết bàng hoàng nhận ra sự thật là, nhu cầu mua và đọc sách khoa học (cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên) của độc giả Việt Nam là không hề ít. Nhưng trừ một cộng đồng nhỏ cực kì đam mê sẽ tự rèn luyện cho mình các kĩ năng săn tìm và nghiên cứu sách khoa học, thì đa phần còn lại khá hoang mang, không biết tìm ở đâu, không biết cuốn nào hay, cũng thường đọc không hiểu hết, và sau đó tàn lụi dần mối quan tâm dành cho dòng sách này. Để góp phần giúp các bạn muốn tăng thêm hiểu biết về các lĩnh vực khoa học nhưng lại e ngại sách khoa học “khó đọc”, người viết xin chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp việc đọc những cuốn sách này trở nên dễ dàng hơn.

Chuẩn bị kiến thức nền: Đừng xem thường sách giáo khoa

Các sách khoa học chứa rất nhiều những từ chuyên môn, những kiến thức nền mà tác giả sẽ không nhắc lại nữa, coi rằng người đọc sẽ nghiễm nhiên hiểu được. Bởi vậy, để có thể hiểu cơ bản một cuốn sách khoa học, bạn cần có kiến thức nền tảng của chủ đề mà bạn sắp đọc.

Với các môn khoa học tự nhiên, thực ra tất cả các nền tảng bạn cần đã được dạy trong chương trình giáo dục phổ thông. Còn với các môn khoa học xã hội, rất tiếc là ở Việt Nam lại chưa được chú trọng nhiều, nên trừ các môn như địa lý, lịch sử, các bạn tốt nghiệp cấp 3 sẽ không có một chút kiến thức cơ bản thế nào là triết học, nhân học, tâm lý học, kinh tế học,… Để lấp lỗ hổng này, các bạn nên tìm đọc những cuốn căn bản, nền tảng trước (đa phần là rất khô khan), có thể ở dạng giáo trình của các trường đại học. Hoặc nếu không thì cần chịu khó hơn ở bước thứ 2 tiếp theo đây.

Trợ thủ đắc lực: Các công cụ của người đọc

1/ Cái gì không biết thì tra google

Việc tra cứu khi đọc sách nên là một thói quen tất yếu, kể cả khi bạn đọc những sách fiction, chứ không chỉ sách non-fiction. Để hiểu sâu sắc một tác phẩm bất kì, bạn đều nên tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và những sự kiện liên quan được nhắc đến. Với sách khoa học, điều này lại càng quan trọng. Các kiến thức khoa học không ở yên một chỗ. Trong bất kì ngành nghiên cứu nào, luôn có những thông tin, kiến thức mới được cập nhật hàng ngày. Gần như mọi cuốn sách khoa học nào, ngay từ khi được xuất bản, cũng có thể đã là lạc hậu, nếu có những phát kiến mới chứng minh được những thông tin đưa ra trong sách là không chính xác. Ví dụ, cuốn Nguồn gốc các loài của Charles Darwin đã từng là cú nổ lớn trong thời đại của ông, thì đến ngày nay, rất nhiều những giả thuyết, phỏng đoán của ông đã được khoa học hiện đại chứng minh là đúng/ hoặc không. Vậy cuốn sách này có còn đáng đọc? Vẫn đáng, nhưng bạn cần xếp nó vào đúng thời đại, và google mọi lúc để cập nhật những thông tin mới hơn về những nghiên cứu liên quan. Một cuốn sách khoa học không thể chỉ đọc trong một ngày hay đọc một lần.


(Một điều kiện khá quan trọng để tra google tốt là phải có khả năng tiếng Anh từ khá ổn trở lên.)

2/ Bút đánh dấu đủ màu + Note

Sách khoa học bao giờ cũng là tập hợp của những câu rất nhiều thông tin, rất nhiều từ chuyên môn, được viết bởi những cấu trúc ngữ pháp rất phức tạp, vô cùng khó hiểu ngay cả khi bạn đọc bằng tiếng Việt. Vì thế, bạn nên thủ sẵn bút đánh dấu đủ màu khi đọc bất kì cuốn sách khoa học nào, đánh dấu những từ khóa then chốt, dán thêm note ghi chú thích của bản thân, hoặc để lại câu hỏi cho những đoạn chưa hiểu rõ. Việc này sẽ giúp bạn cắt nghĩa và hiểu rõ vấn đề hơn, cũng tiện cho việc tra cứu khi đọc đến chương sau mà quên mất khái niệm trong chương trước.


Đừng chỉ đọc như sách giải trí: Đọc sách khoa học là một cấp độ cao hơn

1/ Nghi ngờ mọi thứ mình đang đọc

Cấp độ tiếp theo của việc đọc là nghi ngờ những gì mình đang đọc. Đến bản thân các nhà khoa học cũng chia thành rất nhiều trường phái và theo đuổi những lý thuyết khác nhau, nhiều khi mâu thuẫn nhau. Và với những người đọc không chuyên, rất thường xuyên, bạn không chắc được tác giả mình đang đọc đi theo lý thuyết nào. Ngoài ra, với nhiều “nhà khoa học” giả hiệu, họ thường đưa ra khoảng 20% những thông tin được đông đảo thừa nhận là đúng, và chèn thêm 80% những áp đặt cá nhân (mà người đọc đại chúng không đủ thông tin để biết là có đúng hay không). Theo quán tính, đa số mọi người sẽ tin 100% thông tin mà tác giả đưa ra. Bạn nên tập thói quen nghi ngờ mọi thứ mình được đọc, kiểm chứng xem chúng có chính xác hay không. (May là những tác giả viết sách khoa học thường rất cẩn thận mặt này, nên bạn có thể dám chắc là mọi nguồn được nhắc đến đều có thể tìm kiếm được.) Khi đọc đủ nhiều về một chủ đề, bạn sẽ nhận ra được những điểm mù mà các tác giả cố ý lợi dụng.


2/ Đừng đi vào “sừng trâu”

Trong bài Bàn về đọc sách của tác giả Chu Quang Tiềm (một nhà mĩ học, lí luận văn học nổi tiếng Trung Quốc) có đoạn: Nếu đọc sách mà không biết đến các học vấn liên quan thì “giống như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp, không tìm ra lối thoát”.

Cấp độ cao nhất của việc đọc sách là biết hệ thống lại các kiến thức đã đọc, không chỉ từ một chủ đề, mà từ nhiều chủ đề liên quan với nhau.

 

Khi người đọc bó tay: Các vấn đề của người dịch

Ernst Mach, một nhà vật lý xuất sắc đã nói:

“Khoa học có thể được coi như một vấn đề tối giản bao gồm sự trình bày đầy đủ nhất những sự kiện tiêu phí tư duy ở mức ít nhất có thể.”

(Science itself, therefore, may be regarded as a minimal problem, consisting of the completest possible presentment of facts with the least possible expenditure of thought.)

Rồi. Hãy ngừng lại và phân tích câu này một chút. Bản dịch được lấy trong cuốn Về bản tính người của Edward O. Wilson, xuất bản bởi Nhã Nam. Hãy thử một bản dịch khác do người viết tự dịch:

“Bản thân khoa học nên được coi như một vấn đề tối giản, bao gồm sự trình bày đầy đủ nhất có thể của các sự kiện, mà chỉ cần tốn một mức tư duy tối thiểu để hiểu được.”

Bạn có thấy sự thay đổi trong bản dịch sau không? Chỉ thêm một vài dấu phẩy, bớt một vài từ Hán Việt, đổi một chút cú pháp, văn bản đã trở nên dễ thở hơn nhiều.

Và như một sự mỉa mai, câu nói trên đã chỉ ra vấn đề chung trong rất nhiều sách khoa học tại Việt Nam.


Khá là khó khăn cho chúng ta khi có rất ít sách khoa học được xuất bản là do người Việt tự viết, hầu hết là sách dịch. Đa số các công ty xuất bản cũng rất có tâm khi nhờ đến các dịch giả uy tín, có kiến thức chuyên môn tốt. Nhưng người có kiến thức chuyên môn tốt trong một lĩnh vực, giỏi ngoại ngữ, và cần nhất là giỏi tiếng Việt (để có thể diễn đạt tốt nhất) thì chắc chắn là không nhiều. Thêm vào đó, những dịch giả chuyên gia thường dùng rất nhiều từ chuyên môn (thường là từ mượn, nếu chuyển ngữ sang tiếng Việt thì cũng là Hán Việt), thêm vào đó là rất nhiều cú pháp “trắc trở”, ngoắt nghéo đối với người đọc phổ thông. Và như vậy thì sách khoa học lại càng khó tiếp cận. Việc đọc những sách khoa học, dù là thường thức, cũng trở thành “thách thức” đối với đa số người đọc.

Với tư cách người đọc, bạn không thể hi vọng điều này sẽ thay đổi trong một sớm một chiều. Nên các cách cải thiện là:

  1. -       Cố gắng tăng vốn từ Hán Việt và cải thiện khả năng tiếng Việt của bản thân nếu muốn đọc hiểu những câu từ quá khó trong sách.
  2. -        Dùng bút đánh dấu từ khóa như đã nói ở trên, tự cắt câu và đọc lại nhiều lần
  3. -       Ghi nhớ các nhà xuất bản, công ty sách thường làm sách tương đối dễ đọc hơn để ưu tiên chọn mua, đồng thời ghi nhớ tên dịch giả (hiện nay tên dịch giả luôn phải được ghi ngay trên bìa sách) để chọn những cuốn do dịch giả tin cậy dịch.

 Trên đây là một số kinh nghiệm trong đọc sách khoa học của bản thân người viết – tự nhận là có yêu thích nhưng cũng chưa đọc được đủ nhiều và đủ sâu. Mong là sẽ giúp ích được cho những bạn đọc phổ thông có cùng sở thích.

Nguồn: readbooks.vn

--------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

176 lượt xem