Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

Trương Thanh Thuỷ - "Nữ Hoàng Khởi Nghiệp" Sau Hai Năm Tái Sinh



Hôm nay em thấy trong người như thế nào?" Phạm Hợp Phố bắt đầu hỏi người ngồi kế bên bằng tông giọng trầm. "Hôm nay, em tới diễn đàn hơi trễ. Sáng nay em bị đau lưng, nên uống thuốc giảm đau rồi tới," Trương Thanh Thủy thẳng thắn đáp, không giấu nỗi đau thể xác mà cô đang chịu đựng. Hai năm trước, Thủy phát hiện bị ung thư phổi, khi bệnh đã ở giai đoạn cuối.


"Ngày em phát hiện ra mình bị ung thư, em cảm thấy thế nào, lúc đó em nghĩ gì?" anh Phố hỏi.

Thủy lúng túng khi phải miêu tả cảm giác đó bằng lời. "Khi mà anh Phố hỏi câu này, em có một suy nghĩ là mình phải diễn tả cảm xúc như thế nào thì mọi người mới hiểu được. Hay là hôm nay mình thử nghiệm đi!"

Vừa dứt lời, như ngầm định mọi người trong khán phòng đã đồng ý, Thủy chuyển micro sang tay trái và nghiêng đầu sang phải. Đưa tay còn lại lên đầu, cô nhanh chóng lật mái tóc giả và để lộ mái đầu thật, không còn tóc. 

Phố ngước sang nhìn Thủy, người bạn học cũ với cái nhìn có phần hoảng hốt. Anh đưa micro lên gần miệng, định nói gì đó rồi thôi, lặng lẽ đặt xuống, để câu chuyện chống lại căn bệnh ung thư của Thủy bắt đầu. 

"Không biết mọi người có bất ngờ khi Thủy tháo mái tóc giả ra không? Cảm giác ngày hôm đó của Thủy cũng như vậy," cô giải thích. 

"Đầu tiên cũng cảm thấy rất bất ngờ (...) Khi nhận được tin mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối từ một người bác sĩ mà mình rất tin tưởng, đó là cảm giác mình chưa sẵn sàng chuẩn bị."



"Ai lớn lên đều trải qua nỗi đau, bị sốt, bị cảm, bị đau lưng. Nhưng khi bị đau lưng đến mức đó thì mình nghĩ rằng trên đời này không có cái gì đau như vậy được hết (...) Khi bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy thông báo Thủy bị ung thư, mình cũng dự đoán là chỉ có ung thư mới đau như thế." 

Mỗi người có một cách chịu đựng nỗi đau khác nhau. Khi rất đau, Thủy "không khóc được, mà la rất to."

Nhưng những cơn đau đó thực sự bắt đầu từ đâu thì vẫn còn là bí ẩn đối với Thủy. 

"Em nghĩ mọi thứ trên đời xảy ra đều có lý do. Em không nghĩ ông trời không công bằng mà chỉ nghĩ rằng không biết lý do bị ung thư là gì."

Thủy mắc ung thư phổi, loại ung thư phổ biến nhất nhưng là đối với nam giới. Thủy "không hút thuốc" và "ngày nào cũng ăn uống và tập thể dục bình thường."

"Vậy tại sao bị bệnh? Không biết lý do là gì, lúc đó mình nghĩ là nếu mình sống đủ lâu thì sẽ tìm được lý do, cho nên mình cố gắng sống đủ lâu để biết được lý do là gì," Thủy nói. 

Nguyên nhân không được xác định chính xác, hiệu quả của các phương pháp điều trị phổ biến như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, uống thuốc trúng đích vẫn còn gây tranh cãi. Makoto Kondo, 65 tuổi, bác sĩ xạ trị bệnh viện đại học Keio, với 40 năm kinh nghiệm điều trị ung thư từng nêu quan điểm không nên tìm cách chữa trị khi mắc ung thư.

Còn Thủy, cô đặt niềm tin vào tương lai của phương pháp sử dụng hệ miễn dịch. "Giải Nobel gần đây (trao cho James Allison và Tasuku Honjo) vinh danh phương pháp hệ miễn dịch, đó là việc sử dụng hệ miễn dịch trong chính cơ thể để chống lại tế bào ung thư," Thủy nói. 

"Ở Việt Nam, phương pháp trên vừa được chấp nhận áp dụng và còn nhận được sự hỗ trợ về giá của Bộ Y tế. Đây là phương pháp hiện nay cả thế giới đều tin sẽ là tương lai đối với điều trị ung thư. Bản thân Thủy cũng vừa hóa trị và vừa sử dụng phương pháp hệ miễn dịch để chống lại tế bào ung thư."



Lỡ sáng mai, mình không thức dậy được?

Thủy tự đặt câu hỏi, rồi tự trả lời. "Thủy tự hỏi lỡ ngày mai không thức dậy được thì sao? Nếu lỡ không thức dậy được thì cũng không sao vì những gì muốn làm mình đã làm rồi, những nơi muốn đi mình đã đi rồi, những điều muốn nói mình đã nói rồi. Nên nếu ngày mai không thức dậy thì cũng không có gì để tiếc."

Được mệnh danh là "nữ hoàng khởi nghiệp" (Queen of Startups), chưa đầy 30 tuổi, Thủy đã có trong tay tới ba startup thuộc các lĩnh vực khác nhau. Trong đó có Tappy, được bán thành công cho một công ty tại Thung lũng Sillicon với mức giá triệu đô. Thủy cũng là người duy nhất góp mặt trong cả hai danh sách uy tín của Forbes Việt Nam: 30 gương mặt xuất sắc dưới 30 tuổi (năm 2014) và 50 gương mặt phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam (năm 2017).

Một cô gái Việt Nam với dáng người nhỏ bé đã trở thành niềm cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp trên thế giới. Thủy được chọn là một trong năm gương mặt nữ nổi bật để đưa vào bộ phim tài liệu mang tên "She started it" năm 2013. 

Từ nữ hoàng khởi nghiệp, Thủy trở thành chiến binh chống lại căn bệnh ung thư. "Trận chiến" mà cô lựa chọn lần này lớn hơn bản thân mình rất nhiều. 

Sau khi phát hiện mắc ung thư, Thủy đã thành lập tổ chức Salt Cancer Initiative (Sáng Kiến Ung Thư Muối) tại Việt Nam.



Nữ hoàng khởi nghiệp không coi SCI là một dự án startup, mà đơn giản là người đi giải quyết vấn đề cho các bệnh nhân ung thư. "SCI thực ra là tổ chức giải quyết những vấn đề mà bản thân em và bệnh nhân ung thư Việt Nam gặp phải và cách duy nhất để giải quyết vấn đề, em nghĩ là mình phải kêu gọi rất nhiều người cùng mình giải quyết vấn đề đó, nên mới sinh ra cái tổ chức này thế thôi."

Anh Phố tinh ý phát hiện: "Quý vị có thấy nói về SCI, Thủy có nhiều năng lượng hơn nói về bản thân không?" Thủy vẫn giữ tiếng cười giòn tan với niềm vui lấp lánh trên sân khấu và kể tiếp về SCI. 

Mỗi tháng, SCI tổ chức hai buổi gặp mặt tại TP.HCM và Hà Nội để mời bác sĩ, chuyên gia chia sẻ thông tin cơ bản về điều trị, chế độ ăn uống, làm sao để người bệnh giữ tinh thần ở trạng thái tốt nhất.

"Tất cả những hoạt động của SCI dành cho bệnh nhân ung thư hoàn toàn miễn phí," Thủy cho biết.

SCI cũng thường xuyên mở những lớp yoga đặc biệt dành cho người bệnh ung thư; tổ chức những buổi chiếu phim cộng đồng và giao lưu với đạo diễn, diễn viên; tổ chức nhảy flashmob ngoài trời... để bệnh nhân có những "trải nghiệm lần đầu trong đời".

Tuần trước, SCI tổ chức một diễn đàn ung thư ở Đà Nẵng dành cho 250 bệnh nhân ung thư và người thân. SCI đã kêu gọi rất nhiều để có đủ kinh phí tài trợ toàn bộ tiền vé máy bay và khách sạn cho bệnh nhân và người thân. "Có những người bệnh nhân và người thân nói là cả cuộc đời chưa bao giờ được ở những chỗ này, lần đầu tiên trong đời được đi máy bay,” Thủy xúc động kể lại. “Chúng ta cần phải sống đủ lâu mới có những trải nghiệm này."

SCI cho đến nay nhận được nhiều hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước nhằm đem tới những trải nghiệm miễn phí cho bệnh nhân ung thư. Sắp tới đây, SCI sẽ ra mắt một hệ sinh thái cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ của doanh nghiệp cho bệnh nhân ung thư, như chở bệnh nhân đi khám bệnh, xét nghiệm máu tại nhà...


Những người ở cạnh

Mắc ung thư, "nữ hoàng khởi nghiệp" có dịp suy nghĩ lại về tình yêu và các mối quan hệ. Trước tiên là mối quan hệ giữa cô với chính bản thân mình. 

"Tôi đã học cách tạo mối quan hệ với chính bản thân mình. Tôi thực sự tin đó là mối quan hệ tuyệt vời nhất mà tôi- từng có. Tôi học cách chấp nhận bản thân và thành thật với cảm giác của mình. Tôi ngừng lo lắng về những vấn đề mà tôi không thể giải quyết và cảm xúc của mọi người không còn ảnh hưởng tới cuộc sống của tôi," Thủy viết trên Medium trong bài viết mang tên "One year...", một năm kể từ ngày cô mắc bệnh.


Trân trọng bản thân, Thủy cũng suy ngẫm về các mối quan hệ xung quanh mình. 

"Trong những lúc đau đớn, mệt mỏi nhất, những người mắc ung thư phải cố gắng nhờ người nhà, người thân, bạn bè hoặc chính bản thân họ đi mua đồ ăn," Thủy nói. Bản thân cô cũng vừa trải qua cuộc phẫu thuật lớn cách đây hai tháng.

Hồi tháng 7, Thủy đã quyết định thực hiện phẫu thuật can thiệp tràn dịch màng phổi, sau khi căn bệnh đã gây ảnh hưởng đến toàn bộ lá phổi trái. Bác sĩ của Thủy quyết định chọn Pleurodesis, phương pháp phức tạp nhất và cũng gây nhiều đau đớn nhất. 

"Có lúc đau tưởng chết," Thủy kể lại ca phẫu thuật trong nhật ký ngày thứ 643 mắc bệnh. "Thậm chí, có những ngày không thể tự làm vệ sinh cá nhân được. Thủy nhận ra mình thật may mắn khi còn mẹ để có thể nhờ giúp đỡ."

Không chỉ có mẹ, Thủy nhắc đến những người đồng hành khác để cùng bệnh nhân ung thư vượt qua cơn bạo bệnh. 

"Nhưng lúc đó em cũng nghĩ, những người ở bên cạnh mình, như người chồng, bạn đồng hành, liệu rằng những lúc đó, họ có sẵn sàng làm những việc rất nhỏ nhoi cho người phụ nữ của mình hay không (...) Khi chúng ta đối mặt bệnh tật, người đàn ông hôm nay nắm tay mình vào lễ đường có nắm tay mình bên giường bệnh hay không?"

Thủy nói: "Một thông điệp em muốn chia sẻ là khi chọn người bạn đời, không chỉ là để đăng hình lên Facebook mà còn là khi nằm trên giường bệnh nắm tay mình và đi qua bất kỳ khó khăn nào trong cuộc đời."



Mỗi năm, có hàng trăm ngàn người phải bắt đầu hành trình mới, theo cách mà không ai mong đợi. Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc Top 2 của bản đồ ung thưtrên thế giới theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với hơn 126 nghìn người mắc ung thư ở Việt Nam mỗi năm. Thủy là một trong số đó. 

Thời điểm phát hiện mắc ung thư, Thủy gọi đó là ngày đầu tiên.

"Là một kĩ sư, tôi thích bắt đầu đếm từ số 0. Nhưng hôm nay là ngày số 0 (Day 0) của tôi trong trận chiến chống lại ung thư phổi," Thủy tự viết trên trang Medium cá nhân vào tháng 10 hai năm về trước.

Một năm sau, Thủy viết tiếp: "Nếu ung thư là cơ hội thứ hai của tôi để sống, thì ngày hôm nay tôi tròn một tuổi trong cuộc đời tái sinh." 

"Ung thư không phải là căn bệnh của một người, mà là căn bệnh của một gia đình, vì khi một người bị bệnh ung thư là cả gia đình phải chịu áp lực tài chính và khi là vấn đề của nhiều gia đình thì đó là vấn đề của cả xã hội. Cả xã hội phải cùng nhau có trách nhiệm giải quyết vấn đề này với nhau," lần này Thủy nói trên sân khấu Forbes Việt Nam tháng 10 năm 2018, tròn hai năm kể từ ngày cô tái sinh.


Theo forbesvietnam.com.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

942 lượt xem