Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Trang Trịnh - Từ Những Tháng Ngày Cô Đơn Trên Phím Đàn Trở Thành "Hiện Tượng" Nhạc Cổ Điển Việt Nam

Trang Trịnh, cô gái hiếm hoi từng tạo nên “hiện tượng nhạc cổ điển” với những buổi biểu diễn độc tấu piano “cháy vé”, luôn tạo cho người yêu nhạc những ánh nhìn ấm áp qua cách trò chuyện.


Trang Trịnh sinh năm 1986 tại Hà Nội; khẳng định tài năng với hàng chục giải thưởng danh giá thế giới khi vừa tròn 20 tuổi.
Năm 2006 cô đoạt giải nhất tại Paganini Festival (Anh). Cũng năm 2006, sau đêm diễn ra mắt khán giả châu Âu dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Edward Gardner OBE tại Duke’s Hall, London (Anh), Trang Trịnh được khán giả thế giới biết đến. Cô tốt nghiệp xuất sắc cử nhân và thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (chuyên ngành biểu diễn piano).
Năm 2007 đoạt giải thưởng Francis Simmer và Gretta Parkinson Prize (đều của Anh).
Năm 2008 nhận học bổng Sterndale Bennett. Từng là pianist chính cho dàn nhạc Leverhulme Orchestra (Anh) và từng đoạt giải trình diễn Mozart Sonata tại cuộc thi Jacques Samuel London Competition (Anh).
Năm 2011 đoạt giải nhì tại Liszt Competition (Crescendo Summer Festival) Hungary.
Được xem là “hiện tượng nhạc cổ điển” VN qua các dự án: Nhật ký dương cầm, Beethoven A Fantasy, The Preludes, Lễ hội Muông thú… Được tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi đáng chú ý nhất tại VN 2015. Đầu năm 2018 được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music - Anh) cho những cống hiến tiêu biểu về âm nhạc chuyên nghiệp thế giới.
Trang Trịnh còn tham gia nhiều buổi giảng dạy, truyền cảm hứng về âm nhạc cổ điển qua các buổi trò chuyện trên truyền hình quốc gia.



Tiếng dương cầm của Trang Trịnh luôn làm nao lòng người dù trong không gian tĩnh lặng hay giữa chốn ồn ào náo nhiệt. Tuần báo Linz của Áo từng viết: “Kỹ thuật chơi đàn của Trang Trịnh rất điệu nghệ và sự tinh tế của cô đã chạm vào trái tim người nghe”. Ít người biết rằng, khi vừa bước vào tuổi 21, Trang Trịnh đã được trao bằng chứng nhận của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (nằm trong top 5 học viện âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới) với tư cách là một giảng viên piano chuyên nghiệp.
Cảm xúc khó gọi tên với tình yêu nhạc cổ điển
Một cô gái trẻ lẽ ra thường đam mê nhạc trẻ, vì sao Trang Trịnh lại mê nhạc cổ điển?
Tôi làm quen với âm nhạc cổ điển từ lúc mới 4 tuổi và có thời gian dài sống trong thế giới của các bản nhạc ấy. Lúc đầu chỉ là chơi đàn vì mong muốn của cha mẹ, nhưng khi đã nhận ra vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển thì thấy nó tuyệt vời, sâu sắc và thú vị lắm. Tôi vẫn nghe nhạc trẻ thường xuyên đó thôi, nhưng dĩ nhiên là bên cạnh các loại nhạc khác như jazz, world music, folk... Với tôi, không loại nhạc nào khiến mình trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như cổ điển. Những cảm xúc rất khó gọi tên và không thể diễn tả bằng lời được.
Không ít người cho rằng để cảm và yêu nhạc cổ điển là cả một quá trình cực kỳ khó. Nhưng khi đã “mê” và “yêu” rồi thì khó dứt ra?
Cũng giống như tình yêu, khi đã yêu rồi thì thấy thế giới âm nhạc cổ điển rất rộng lớn và đầy hấp dẫn. Tôi tin là ai cũng có thể bước vào thế giới ấy. Nhưng cũng không sai khi nói rằng để có thể cảm nhận sâu sắc cần cả một quá trình. Khi thưởng thức những vẻ đẹp đến từ âm sắc nhạc cụ và giai điệu cổ điển thì có thể ngay lập tức. Nhưng để cảm nhận sự vui thú của trò chơi âm nhạc mà các tác giả đã tính toán kỹ, hay độ khó của một kỹ thuật nào đó thì cần phải tìm hiểu lâu dài.


Giới trẻ ngày nay không nhiều người mê và yêu nhạc cổ điển. Với người chưa yêu, bạn sẽ nói gì và “giải thích” ra sao để họ có thể say mê như mình?
Tôi không cố khiến cho mọi người say mê nhạc cổ điển vì đó là sở thích cá nhân. Tuy vậy tôi rất muốn tạo ra những cơ hội để ai đó có thể tiếp xúc, từ đó biết đâu họ lại tìm thấy được những điều đẹp đẽ cho cuộc sống của chính mình. Nhạc cổ điển có một dáng vẻ hàn lâm và khó hiểu. Đã có những rào cản tâm lý khiến cho nó tưởng khó gần. Ví như sự tách biệt của nghệ sĩ với khán giả, hay những từ chuyên ngành khó hiểu, rồi văn hóa nhà hát… Tôi cũng như mọi người luôn muốn “tháo gỡ” những điều này và khi “tháo” và “gỡ” được sẽ rất yêu.
Trong số nhiều giải thưởng và thành tích đạt được, giải nào đã thay đổi cuộc đời Trang Trịnh?
Tôi sẽ không bao giờ quên ngày mình được chọn ra mắt (debut) với khán giả London (Anh) trong Paganini Festival. Cho tới lúc đó, dù đã được nhận vào Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh nhưng tôi vẫn chỉ là một cô bé không có kinh nghiệm nhiều, chân ướt chân ráo đến từ VN. Buổi biểu diễn ra mắt đó chính thức bắt đầu sự nghiệp biểu diễn quốc tế, và đem lại cho tôi sự động viên rất lớn, rằng điều gì cũng có thể nếu như ta cố gắng.


Suýt bỏ cuộc vì quá cô đơn 
Trang Trịnh rời xa gia đình đến Anh du học từ ngày còn rất trẻ? Bạn hãy kể về hành trình này.
Tôi từng rất muốn bỏ học đàn khi 15 tuổi bởi có lúc học đàn tôi thực sự rất cô đơn. Việc phải ngồi tập đàn vài tiếng mỗi ngày khi còn bé (thay vì được chơi, được học cùng các bạn) luôn là thử thách với tôi. Tôi nhớ không dưới một lần mình đã ngồi cùng cô bạn thân dưới gốc cây ở sân trường tâm sự và tự hỏi rằng liệu có nên tiếp tục học nhạc hay không. Tuy vậy tôi cũng quá hiểu mình rất mê chơi đàn. Cha mẹ đã muốn tôi thử sức bằng cách tìm đến người thầy giỏi nhất, và tìm lời khuyên từ họ xem tôi nên tiếp tục hay dừng lại. Vậy là tôi sang Anh tìm thầy học trong sự mông lung về con đường trước mắt. Thật may mắn lúc đó cha mẹ cũng đã vững vàng và động viên tôi thử sức. 
Cuộc sống của một cô gái nơi xứ lạ học nhạc cổ điển như Trang Trịnh ra sao? Những lúc buồn, cô đơn bạn phải vượt qua như thế nào?
Không phải lúc nào tôi cũng có khả năng thuê được một chiếc đàn về phòng riêng để tập. Mà kể cả khi thuê được thì cũng phải nói chuyện với hàng xóm vì sợ phiền tới họ. Vì vậy cứ 7 giờ sáng tôi có mặt ở trường và cứ thế chờ phòng học, đọc sách, tập luyện và ăn ở trường cho tới tận 11 giờ khuya. Ngày tết, tôi chỉ dám “thưởng” cho mình một buổi sáng nghỉ ngơi gọi điện về nhà. Cuối cùng, chính âm nhạc như người bạn giúp tôi vượt qua cảm giác buồn, cô đơn nơi xứ người. 


Hẳn bạn không chỉ cô đơn mà còn gặp nhiều khó khăn. Đến giờ, điều Trang Trịnh nhớ mãi là gì?
Trong thời gian đi học, giai đoạn khó khăn nhất là khi tôi bị chấn thương ở vai trái và phải nghỉ chơi đàn một thời gian. Mỗi ngày tôi tập đàn 12 giờ liên tục đến nỗi vai trái bị chấn thương. Cái này các anh chị hay gọi “bệnh nghề nghiệp”. May nhờ bác sĩ giỏi, tôi mới được hồi phục hoàn toàn. Nhưng kinh khủng nhất là tôi không thể chơi đàn khoảng 7 tháng. Đó thực sự là những đêm lo lắng về tương lai, buồn bã khi thấy bạn bè tập luyện hăng say mà mình phải giậm chân tại chỗ. Sau những ngày chờ đợi đó tôi đã trưởng thành lên nhiều, cả về tiếng đàn lẫn tư duy nghệ thuật. 
Với những bạn trẻ đang sắp xa gia đình, quê hương để du học nhạc, bạn hãy chia sẻ một chút kinh nghiệm để họ vượt qua?
Tôi chỉ muốn nói ngắn rằng con đường nghệ thuật là con đường rất dài. Nếu ta cứ đi một cách chân thành, miệt mài, cố gắng vượt qua những trắc trở thì chắc chắn ta sẽ trở thành một con người có giá trị.


“Hiện tượng” qua các buổi diễn “cháy vé”


'Hiện tượng' nhạc cổ điển Trang Trịnh: Từng cô đơn bên phím đàn! - ảnh 3
Nhắc tới VN, mọi người thường nhắc về NSND Đặng Thái Sơn và họ luôn ấn tượng bởi sự tinh tế trong cách xử lý tác phẩm. Thế hệ trẻ chúng tôi vẫn còn phải cố gắng nhiều mới có được những dấu ấn tích cực như vậy
'Hiện tượng' nhạc cổ điển Trang Trịnh: Từng cô đơn bên phím đàn! - ảnh 4

Được biết, trong các buổi biểu diễn gần đây, bạn không chỉ đưa một số điều mới mẻ vào mà còn đóng luôn vai trò biên tập, dàn dựng… Một nghệ sĩ phải “bao” luôn những việc như thế liệu có quá vất vả?
Trong dự án biểu diễn mới nhất Kaleidoscope - kính vạn hoa (vừa diễn ra tại Hà Nội - NV), tôi đã ứng dụng phương pháp giám tuyển thường thấy trong nghệ thuật thị giác để xây dựng chương trình. Đó là việc lên ý tưởng, chọn tác phẩm, cách tiếp cận, kết nối khán giả. Đây là một phương pháp có sức thuyết phục lớn khi chương trình không còn là các tác phẩm đơn lẻ, mà được xâu chuỗi lại với chủ đích và thông điệp rõ ràng. Công việc này vẫn nằm trong mảng nội dung, nên nó không khiến cho nghệ sĩ bị quá tải. Đây là phương pháp đang thịnh hành ở châu Âu và thế giới, bởi nó cho thấy dấu ấn cá nhân cũng như sự liên hệ giữa các tác phẩm và khán giả.
Từng trở thành một “hiện tượng” qua các buổi diễn “cháy vé”. Điều này khá hiếm với nhạc cổ điển, bạn nghĩ sao?
Việc các chương trình “cháy vé” có lẽ bởi khán giả thực sự cảm thấy có thể kết nối được với âm nhạc qua tiếng đàn Trang Trịnh. Họ quan tâm tới những điều đẹp đẽ, mới mẻ mà âm nhạc đem lại, và họ yên tâm rằng sẽ không bị đánh giá bởi việc mặc gì tới xem hay vỗ tay ở chỗ nào… Có thể sự mới mẻ từ nhạc cổ điển là thứ mà giới trẻ luôn tìm kiếm.

Trang Trịnh và chồng.

Người ta hay nói nghệ sĩ nhạc trẻ thường sống khỏe, sống tốt; còn nghệ sĩ nhạc cổ điển hơi vất vả, nhất là về thu nhập, ngay cả show diễn cũng khá ít. Những điều này có khi nào làm một người trẻ như Trang Trịnh thấy chạnh lòng?
Những khó khăn càng làm cho tôi muốn làm được một điều gì đó có ý nghĩa hơn.
Là người từng đi khắp thế giới biểu diễn, điều mà bạn bè quốc tế hay nhận định về nghệ sĩ VN, nhất là ở mảng cổ điển như Trang Trịnh thường là gì?
Có lẽ chưa có mẫu số, nhận xét chung nào vì vẫn còn quá ít nghệ sĩ VN được nhắc đến so với các nước khác. Các nghệ sĩ châu Á từng bị xem nhẹ hơn trên trường quốc tế, nhưng điều này đã dần thay đổi bởi ngày nay có rất nhiều nghệ sĩ tuyệt vời đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Nhắc tới VN, mọi người thường nhắc về NSND Đặng Thái Sơn và họ luôn ấn tượng bởi sự tinh tế trong cách xử lý tác phẩm. Thế hệ trẻ chúng tôi vẫn còn phải cố gắng nhiều mới có được những dấu ấn tích cực như vậy.
Trong tương lai, bạn có dự định sẽ làm một bước đột phá mạnh mẽ cho nhạc cổ điển VN để giới trẻ yêu nhạc cổ điển nhiều hơn?
Sẽ thật may mắn nếu sự miệt mài nhỏ bé của tôi tạo nên một tình yêu mới nào đó với âm nhạc cổ điển. Mà thật ra chỉ cần khán giả có thêm một giây phút xúc động khi được âm nhạc chạm vào, đó đã là một kết quả quá tuyệt vời đối với tôi. Kế hoạch mới nhất là tôi sẽ biểu diễn tại Anh, Hồng Kông, Thái Lan… trong năm nay. Tôi còn đang tập trung để tạo ra các sản phẩm dành cho các bạn nhỏ VN để chúng được tiếp cận với âm nhạc cổ điển thật sớm, một cách tự nhiên và thú vị nhất.
Hiện tại cuộc sống của Trang Trịnh thế nào? Có vẻ như hiếm người biết về cuộc sống riêng tư, chuyện tình cảm của bạn ngoài công việc?
Tôi hiện rất hạnh phúc với vai trò mới là làm mẹ. Con gái tôi vừa tròn một tuổi và đó cũng là lúc tôi quay lại sân khấu với các dự án mới. Ông xã vẫn luôn ủng hộ bởi anh làm cùng nghề nên rất hiểu vợ. Anh ấy là ca sĩ opera Hàn Quốc nên cả hai luôn tạo điều kiện cho nhau trong công việc.

Theo thanhnien.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

248 lượt xem