Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Ông Nguyễn Hồng Lam - Rời Quân Ngũ Đi Kinh Doanh, Khởi Nghiệp Bằng Âm 20 Cây Vàng, Vượt Qua Khó Khăn Đưa Thương Hiệu Ô Mai Hồng Lam Đi Khắp Đất Nước

Hương vị ô mai mang đến đôi khi không chỉ dừng lại ở một thức quà, "Nhiều người thích ăn ô mai không chỉ vì hương vị cay nồng của gừng già, vị dịu ngọt của cam thảo, vị chua nhẹ nhàng của khế chín mà đó còn là hương vị của tuổi thơ. Dù sống ở nơi đâu thì trong những lúc thảnh thơi bất chợt, chúng ta bỗng thấy nhớ da diết hương vị ấy và thèm được trở lại thuở ấu thơ. Tôi bán ô mai mà bán luôn cả những cảm xúc về thời quá khứ êm đềm, như câu ca “Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng” (Khúc hát sông quê).." - Ông Nguyễn Hồng Lam chia sẻ với báo Doanh nhân Sài Gòn.

Ông chủ của thương hiệu Ô mai Hồng Lam - ông Nguyễn Hồng Lam

Đến với ô mai như một cái duyên, trước đó ông Nguyễn Hồng Lam vốn không được học về kinh doanh. Năm 1974, ông Lam nhập ngũ và trở thành nam sinh Học viện Kỹ thuật Quân sự. Năm 1975, ông được cử sang Liên Xô học về điện ảnh. Sau 6 năm, ông tốt nghiệp về nước công tác tại xưởng Phim Quân đội Tổng cục chính trị. Nhưng nhận thấy điện ảnh không giúp bản thân lúc đó có thể "làm giàu", đến năm 1991, ông quyết định ra quân sau 16 năm phục vụ trong quân đội để bắt tay làm kinh doanh.

Ban đầu ông làm tăm, hương bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên tăm hương phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu mà thị trường Trung Quốc thì khá thất thường không chủ động được nên ông lại làm quen với nghề buôn hoa quả khô - công việc này giúp ông chủ động về đầu ra đầu vào, tổ chức sản xuất. Ông Lam chung vốn với một người anh mua một quầy hàng ở chợ Đồng Xuân, chủ yếu bán buôn từ chỗ này sang chỗ khác. Nhưng sau làm một thời gian, nhận thấy nghề buôn hoa quả khô đem lại lợi nhuận thấp, lại bấp bênh, ông quyết định học chế biến.

Việc kinh doanh bước đầu thuận lợi thì tai họa lại ập đến khiến gia sản ông tiêu tán. Đầu thập niên 90, ông cho những người đi buôn ở biên giới phía Bắc vay tiền làm ăn dẫn đến vỡ nợ và lâm vào khủng hoảng tài chính nặng nề, phải bán nhà.

Năm 1992, ông Lam lâm vào cảnh nợ nần với số tiền lên đến 20 cây vàng.

Chặng đường làm giàu, gây dựng lại sự nghiệp có những lúc thất bại tưởng chừng như không thể vượt qua nhưng sau 15 năm cần mẫn nghiên cứu, tìm tòi và học hỏi, ông gắn mình với thức quà quê "ô mai", sản phẩm của ông Lam trở thành một thương hiệu ghi dấu ấn sâu sắc với người Việt.

Ông trải lòng: "Ban đầu khi tôi mở ra làm thì bị rất nhiều người ghen gét đố kỵ bởi họ sợ mình cạnh tranh nên tìm cách phá đặt điều nói xấu, tìm cách tẩy chay… khiến tôi rất thất vọng và chán nản. Rồi cũng khá nhiều lần tôi đã bị vấp ngã và thất bại bởi chính sự tính toán sai lầm của mình. Ví dụ những cải tiến của tôi về thiết bị trong tính toán thì rất tốt nhưng vào đến thực tế thì không dùng được khiến các sản phẩm không đạt phải bỏ và lại phải làm lại. Hay có những sản phẩm mới tôi sáng tạo ra, lúc đó tôi nghĩ nó rất hay bởi mùi vị khá đặc biệt nhưng khi đưa ra thị trường lại không được chấp nhận. Thất bại cũng khá nhiều nhưng tôi luôn nghĩ 'mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dạ' nên sau những thất bại ấy tôi lại cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và lại bắt đầu từ những thất bại đó", theo Tri thức trực tuyến.

"Tôi mê cả những mùa trái chín quanh năm tạo nên những sản vật thiên nhiên mang danh đất Việt"

Không ai trở nên giỏi giang sau một đêm ngủ dậy, hiếm người khởi nghiệp lần đầu là có thể thành công. Từng bước đi, từng thất bại trong cuộc đời là cơ hội để trở nên cứng cáp, mạnh mẽ. Nếu được làm lại, ông vẫn muốn được trải qua tất cả, vẫn là những lần cố gắng vượt qua khó khăn, những lần thất bại và gây dựng lại từ đầu. Thời gian và sự thất bại đúc kết những kinh nghiệm, rèn luyện ý chí, và có thể là cơ hội chiêm nghiệm cuộc sống.

"Tôi làm kinh doanh tốt có lẽ là nhờ đam mê sản phẩm mình tạo ra và bán cho người mua. Tôi mê hương mơ, trám, mận… vùng núi rừng Bắc Kạn, Mộc Châu, mê những cây trĩu quả sấu, khế, chanh, me… vùng đồng bằng, mê cả những mùa trái chín quanh năm tạo nên những sản vật thiên nhiên mang danh đất Việt..."

Về cánh tiêu thụ, bản thân nghề sản xuất ô mai vốn không công nghiệp hóa: không có thiết bị, cũng không có kỹ sư ô mai nào cả. Cho nên, trong quá trình xây dựng và mở rộng nhà máy ông gặp khá nhiều khó khăn. Về phần máy móc, ông nhập rời một số máy móc, còn chủ yếu tự nghiên cứu, thiết kế và đầu tư. Nhà máy chế biến ô mai hoa quả hiện nay của Hồng Lam tọa trên khu công nghiệp Quang Minh (Vĩnh Phúc) rộng 2 hecta. 

Hồng Lam cũng tuyển các kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa, kỹ sư vi sinh tham gia vào quá trình sản xuất. Định kỳ công ty đưa mẫu đến viện vệ sinh kiểm tra. Công ty cũng trang bị phòng thí nghiệm để kiểm nghiệm cản phẩm.

Dẫn dắt thành công bằng đổi mới

Hồng Lam từng bước phát triển đồng bộ giữa sản xuất và kinh doanh. Trong ngành hẹp ô mai, công ty đã dẫn đầu về số lượng cửa hàng và thương hiệu. Bản thân chuỗi cửa hàng với nhiều địa điểm và biển hiệu đồng nhất chính là một phương tiện truyền thông cho công ty. Bên cạnh đó, thương hiệu cá nhân của ông chủ Hồng Lam cũng được biết đến rộng rãi khi ông thường xuyên tham gia vào các sự kiện cộng đồng.

Được hỏi rất nhiều doanh nghiệp không tập trung vào giá trị cốt lõi, mà đầu tư ngoài ngành, ông Lam cho biết: “Hồng Lam có đầu tư vào bất động sản nhưng vào mục đích bán hàng”. Trong số các cửa hàng Hồng Lam, có một số thuộc sở hữu của công ty đem lại ba giá trị: tài sản để bảo đảm cho kinh doanh, tăng độ phủ cho thương hiệu và phục vụ mục đích doanh thu hàng ngày.

Tháng 5 vừa rồi, ông Lam có tham gia vào một đoàn khảo sát sang Dubai dự định mở một trung tâm thương mại nông sản của Việt Nam. Nếu thành hiện thực, ông sẽ tham gia một quầy hàng để giới thiệu tinh hoa quà Việt đến bạn bè thế giới. Ông cũng thường xuyên đi khảo sát nhiều nước, tham quan các nhà máy thực phẩm để học hỏi, áp dụng đổi mới vào công ty.

Sở hữu doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường ô mai với đội ngũ lao động sản xuất và mạng lưới bán hàng bao phủ trên nhiều tỉnh thành trên cả nước, ông Lam tiết lộ bí quyết quản trị sản xuất và quản quản trị kinh doanh của ông là xây dựng “sức mạnh mềm”, tức quản trị trên nền công nghệ thông tin. Ông chẳng giấu nhẹm những bí quyết mà sẵn sàng chia sẻ cho tất cả nhân viên. Ông biến hiểu biết, hành vi, kỹ năng của những cá nhân đơn lẻ thành hiểu biết, hành vi, kỹ năng của nhóm và tổ chức, từ đó quay trở lại phân phối cho các cá nhân với khẩu hiệu “Chia hiểu biết – nhân sức mạnh”.


Theo TTVN/CafeF và Báo Doanh nhân sài gòn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

230 lượt xem