Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

Jacinda Ardern - Từ DJ Trở Thành Nữ Thủ Tướng Trẻ Nhất Thế Giới: Người Phụ Nữ Lan Toả Năng Lượng Tích Cực

Kể cả khi đã là thủ tướng, phong cách hành xử của bà Ardern vẫn đầy cá tính. Đầu năm 2018, Thủ tướng Ardern tuyên bố mang thai, trở thành vị lãnh đạo đầu tiên trên thế giới mang thai khi còn tại nhiệm kể từ năm 1990 đến nay.

“Chúng tôi chỉ cần sự đồng cảm và tình yêu!”. Đó là những gì mà nữ Thủ tướng Jacinda Ardern đã trả lời khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hỏi liệu ông có thể làm gì để giúp đỡ người dân New Zealand sau vụ xả súng hàng loạt, những ngày mà truyền thông mô tả nước này đang ở trong “những ngày đen tối nhất lịch sử New Zealand”.

Bà Jacinda Ardern là nữ lãnh đạo trẻ nhất trên thế giới khi tiếp quản chức thủ tướng New Zealand lúc mới 37 tuổi.

Tuy nhiên điều ít ai biết là trước khi trở thành nhà lãnh đạo đầy quyền lực, bà Ardern từng có một cuộc sống rất khác với vai trò là một DJ chơi nhạc. Bản thân bà đã từng chơi nhạc 45 phút tại Lễ hội âm nhạc Laneway-Auckland năm 2014.

Từ khi trở thành lãnh đạo đảng lao động, bà Ardern quan tâm nhiều hơn đến tình hình đói nghèo của trẻ em hay sự nghiệp của phái nữ, nhưng trước đó người phụ nữ quyền lực này lại có niềm đam mê với các lễ hội và âm nhạc.

"Trong nhiều năm, Ardern đã chơi DJ trong thời gian rảnh", Biên tập âm thanh Isabell Truman của hãng thu âm Marie Claire, đồng thời là một trong những người bạn thân của bà Ardern nói.



Người phụ nữ dám hành động

Gia đình bà Ardern vốn theo đạo thiên chúa nhưng bà đã từ bỏ đức tin vào năm 20 tuổi do thấy bất bình với quan điểm chống hôn nhân đồng tính.

Ngay từ nhỏ, bà Ardern đã có thiên phú về chính trị khi vận động chiến dịch tại trường cấp 3 để yêu cầu nhà trường cho phép nữ học sinh mặc quần dài thay vì chỉ được mặc váy. Bước sang tuổi 17, bà Ardern tham gia đảng Lao động và đi gõ cửa từng nhà để phát tờ rơi cũng như làm các công việc vặt, đồng thời vẫn đi làm thêm cho các cửa hàng cá ở địa phương.

Mặc dù gia đình khá bình thường khi cha chỉ là một nhân viên cảnh sát còn mẹ làm tạp vụ trong trường học, nhưng bà Ardern lại có lý lịch khủng khi làm trong phòng nghiên cứu của Thủ tướng New Zealand thời đó là Helen Clark ngay sau khi bà tốt nghiệp. Tiếp theo đó, bà Ardern lại làm cố vấn chính sách cho văn phòng của Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair.

Vào năm 2008, người phụ nữ tài năng này đã tranh cử và chiến thắng chức chủ tịch đảng Lao động, vị trí mà bà đã nắm giữ suốt gần 10 năm trước khi chính thức đắc cử thủ tướng New Zealand vào năm 2017.

Trước đây New Zealand đã có 2 nữ thủ tướng nhưng chưa có người nào thu hút được sự chú ý như bà Ardern. Với khẩu hiệu "Let’s do this" (Hãy cùng làm chúng), bà Ardern đã đề xuất hàng loạt các cải cách về giáo dục, môi trường, y tế… qua đó thu hút được lượng lớn cử tri cũng như người ủng hộ.

Kể cả khi đã là thủ tướng, phong cách hành xử của bà Ardern vẫn đầy cá tính. Đầu năm 2018, Thủ tướng Ardern tuyên bố mang thai, trở thành vị lãnh đạo đầu tiên trên thế giới mang thai khi còn tại nhiệm kể từ năm 1990 đến nay.


Từ một DJ đam mê âm nhạc và lễ hội...

Theo thông báo, bà Ardern sẽ trở lại làm việc bình thường trên cương vị thủ tướng chỉ 6 tuần sau khi sinh, đồng thời cam kết sắp xếp công việc ổn thỏa trong khi mình vắng mặt.

"Tôi không phải là người phụ nữ duy nhất trên thế giới có con khi đang đi làm. Tôi biết đây là một trường hợp đặc biệt nhưng có rất nhiều nữ lãnh đạo đã từng lâm vào tình cảnh như vậy trước tôi", Thủ tướng Ardern nói.

Người đàn bà thép của New Zealand

Trước thập niên 1980, New Zealand vẫn còn là một nền kinh tế phi tự do dưới sự kìm kẹp của chính phủ. Sự kiểm soát đối với tài sản nước ngoài, thuế và lạm phát cao, nợ công lớn đã cuộc chính phủ nước này phải có nhiều thay đổi.

Trong vài thập niên trở lại đây, New Zealand bắt đầu trở thành một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới, chỉ đứng sau Hong Kong và Singapore trên các bảng xếp hạng. Quốc gia này cũng trở thành một trong những nước giàu có trên toàn cầu.

Ngoài ra, Ngân hàng trung ương New Zealand là ngân hàng đầu tiên trên thế giới đề xuất về mức lạm phát mục tiêu, qua đó khiến nhiều ngân hàng trung ương khác học tập theo.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ardern lại khiến các chính trị gia New Zealand ngạc nhiên bởi bà đã phá vỡ định kiến về tỷ lệ lạm phát mục tiêu, một trong những thành công sáng giá làm nên tên tuổi đất nước. Theo bà Ardern, tỷ lệ lạm phát hiện ở mức quá thấp và cần phải có các chính sách thúc đẩy kinh tế, hạ tỷ lệ thất nghiệp 4,6% xuống dưới 4% bất chấp điều này có thể thúc đẩy giá cả sinh hoạt.

Thủ tướng Ardern cho rằng việc giá hàng hóa tăng cũng sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư, thuê thêm nhân công, tạo thêm việc làm và đẩy mạnh đà tăng trưởng của New Zealand. Đồng thời, bà Ardern cũng thách thức truyền thống khi có kế hoạch thành lập hội đồng thẩm định chính sách tiền tệ tại ngân hàng trung ương, qua đó kiểm soát các quyết định của cơ quan vốn có truyền thống độc lập này.

...Thủ tướng Ardern trở thành một nhà lãnh đạo, một người vợ và sắp làm mẹ

Bên cạnh đó, trước thực trạng bong bóng thị trường bất động sản phình to vào hàng bậc nhất thế giới theo đánh giá của tạp chí Forbes, bà Ardern đã quyết định cấm người nước ngoài tham gia thị trường này, một động thái mạnh mẽ ngay khi lên nắm quyền thủ tướng năm 2017.

Không những vậy, Thủ tướng Ardern còn muốn hạn chế dòng người nhập cư vào New Zealand bất chấp việc các lao động nước ngoài là một trong những nhân tố chủ chốt làm nên tăng trưởng kinh tế nước này thời gian qua, đặc biệt là trong ngành du lịch. Tuy nhiên, Thủ tướng Ardern có lý do riêng khi cho rằng quá nhiều người nước ngoài đang lấy mất việc làm và tàn phá môi trường trong nước. Quan điểm của bà Ardern nhận được nhiều sự ủng hộ của những cử tri trẻ tuổi.

Mặc dù nhiều chính trị gia khá lo lắng việc thị trường New Zealand sẽ khó tiếp cận hơn trước, tuy nhiên những chính sách của bà Ardern cần vài năm để có thể chứng minh tính hiệu quả. Từ giờ cho đến lúc đó, phần lớn người dân vẫn bị thu hút bởi vị thủ tướng mang thai khi đang tại nhiệm này.

Cần có sức mạnh để trở thành một nhà lãnh đạo đồng cảm

Trong những giờ sau vụ nổ súng, Thủ tướng Jacinda Ardern – dù là một người vô thần – đã trùm một chiếc khăn hijab, đến thăm cộng đồng người Hồi giáo tại Christchurch, đến an ủi từng gia đình nạn nhân, ôm hôn và chia sẻ sự buồn đau. Bà cam kết, các gia đình nạn nhân sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ New Zealand. Ngay sau thảm kịch, người ta đã thấy một nữ thủ tướng đầy tính nữ, cảm thông và có phần ủy mị như thế.


Dù là người không theo đạo, bà vẫn sẵn sàng đeo khăn choàng hijab – một nghi lễ tưởng nhớ người đã mất của đạo Hồi

Chỉ sáu ngày sau vụ khủng bố nhắm vào những người nhập cư Hồi giáo, Thủ tướng Jacinda Ardern đã nhanh chóng ban hành lệnh cấm mua bán, sở hữu vũ khí, hiện thực hóa cam kết siết chặt quy định sở hữu súng đạn của chính quyền nước này. Bà tuyên bố: “Chúng ta đang nói đến những khẩu súng có thể dễ dàng cướp đi mạng sống của người khác. Tôi tuyên bố New Zealand sẽ cấm toàn bộ vũ khí bán tự động kiểu quân dụng và tất cả các loại súng trường tấn công”. Ngoài ra, bà Ardern cũng công bố các biện pháp tạm thời nhằm chấm dứt ngay việc mua vũ khí ồ ạt trước khi đạo luật mới có hiệu lực. Hình ảnh một nữ Thủ tướng cứng rắn hiện lên, đầy quyết liệt và mạnh mẽ.

Bằng sự bình tĩnh và lòng trắc ẩn, bà dẫn dắt những người dân New Zealand bước qua nỗi sợ hãi và oán giận, mang đến thông điệp của tình yêu thương dành cho tất cả nạn nhân nói riêng, và cộng đồng người nhập cư nói chung. “Họ đã chọn New Zealand làm nhà. Và đây là nhà của họ. Họ là chúng ta, và chúng ta là một” – những ngôn từ được bà lựa chọn hàm chứa sự cảm thông thay vì nhấn mạnh vào sự oán hận; kêu gọi đoàn kết thay vì khoét sâu vào chia rẽ, để cho tất cả những kẻ khủng bố khác thấy đằng sau những cuộc tấn công nhằm vào họ, vẫn luôn có một sức mạnh lớn hơn đến từ tình yêu.


Bức ảnh được chụp khi bà Ardern có mặt tại thủ đô Wellington và làm việc với Quốc hội nước này, được xem là bức ảnh nổi bật nhất trong tuần vừa qua khi ẩn dụ rằng, người đứng đầu New Zealand luôn sẵn sàng lắng nghe mọi tâm tư nguyện vọng của người dân nước này.

Trong một bài phát biểu trước Quốc hội New Zealand, bà từ chối nói ra tên của nghi phạm. “Hắn ta là một kẻ khủng bố, là một tên tội phạm, một kẻ cực đoan, nhưng tôi từ chối nêu tên hắn ta. Hãy nói tên của những người đã mất thay vì tên của kẻ đã lấy đi sinh mạng của họ. Hắn ta có thể mưu đồ tìm kiếm sự nổi tiếng nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ không để hắn thỏa mãn ý muốn đó, dù chỉ là nhắc về tên hắn”. Bà đã cho cả thế giới thấy rằng các nhà lãnh đạo chính trị không nên chống lại bạo lực bằng bạo lực, mà cần đau buồn cùng người dân, suy nghĩ và hành động cùng họ.

Trước đó, bà từng thẳng thắn chỉ trích quan điểm của một nhà lập pháp người Úc là “sự ô nhục” vì ông này khẳng định bạo lực là hệ quả của việc cho phép tình trạng nhập cư. Thủ tướng Ardern liên tục truyền tải “năng lượng tích cực” như đúng tôn chỉ bà đã đề ra lúc tranh cử. Thời gian đã chứng minh thông điệp tranh cử từng bị coi là “ngây thơ” này không phải để lấy phiếu bầu của cử tri mà phản ánh quan niệm làm người của Jacinda Ardern. Bà đã chứng minh, để trở thành một nhà lãnh đạo đồng cảm, phải cần đến rất nhiều sức mạnh, và sự kiên định.


Suốt thời gian đương nhiệm, bà Ardern đã chứng minh tuyên ngôn “truyền đi những giá trị tích cực” từ thời kỳ tranh cử của mình không phải chỉ là lời nói sáo rỗng để giành lấy lá phiếu của cử tri

Lan truyền “năng lượng tích cực” ra thế giới 


Những hành động kịp thời, đầy thấu hiểu, mạnh mẽ của bà nhanh chóng nhận được sự hoan nghênh của các nhà lãnh đạo từ khắp các đảng phái trên toàn thế giới. Ông Mohammedad Faisal, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Pakistan, đã viết trên Twitter: “Bà đã giành được trái tim của người Pakistan vì lòng trắc ẩn và tài năng lãnh đạo của mình”. Thị trưởng London, Sadiq Khan hồi tưởng về lần bà Ardern nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hòa nhập và bình đẳng xã hội trong một chuyến bà ghé thăm nơi này. Ngay cả Judith Collins, một chính trị gia người New Zealand và là đối thủ của đảng Công đảng, đã dành lời khen ngợi bà vì hành động đội khăn trùm đầu, tưởng nhớ các nạn nhân.

Hay mới đây, hình ảnh bà ôm chầm và an ủi một người Hồi giáo đã được chiếu lên tòa nhà cao nhất thế giới – Dubai Lau Burj Khalifa. Hành động này giống như một lời tri ân sâu sắc mà Thủ tướng Dubai Dubai Sheikh Mohammed gửi đến bà: “Cảm ơn Thủ tướng Jacinda Ardern và New Zealand vì sự đồng cảm và hỗ trợ chân thành của bà. Bà đã giành được sự tôn trọng của 1,5 tỷ người Hồi giáo sau vụ tấn công khủng bố làm rung chuyển cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới!”, ông chia sẻ.


Hình ảnh bà Jacinda Ardern an ủi một người Hồi giáo được chiếu lên tòa nhà cao nhất thế giới – Dubai Lau Burj Khalifa

Chứng minh bằng hành động và những chính sách quyết liệt, Jacinda Ardern đã trở thành một hình mẫu nhà lãnh đạo lý tưởng, không chỉ trong mắt người dân New Zealand mà với nhiều người trên thế giới. Những hành động, quyết định của bà luôn khẳng định một điều: trong những hoàn cảnh khó khăn, lòng tốt chính là hành động mang tính quyết liệt nhất.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,028 lượt xem