Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

Giám Đốc Công Ty May No Hashi Lê Thu Hiền: Hãy Bắt Đầu Với Chính Mình

"Bắt đầu với chính mình, điều đó khó khăn hơn tất thảy. Bởi vì, sẽ không có những long lanh ảo mộng như mọi người vẫn tưởng đâu!", Giám đốc Công ty may No Hashi Lê Thu Hiền bộc bạch.


Lụa là vải vóc cao cấp Nhật Bản từ lâu đã trở thành niềm mơ ước của những nhà thiết kế thời trang và người tiêu dùng tinh tế, sành điệu Việt Nam.
Nhưng điều ngạc nhiên là chưa có nhà phân phối vải Nhật nào chính thức, nạn hàng giả, hàng nhái mặc sức hoành hành… 
Lê Thu Hiền, một người từng làm báo hơn 10 năm đã chọn một thị trường rất ngách để khởi nghiệp với May No Hashi, và trở thành nhà phân phối của những thương hiệu danh tiếng Nhật Bản như Yuwa Shoten, Uni, Kokka, Mizorogi, Cosmo…
Sau thành công với thị trường Sài Gòn, Lê Thu Hiền đang làm cuộc “trở về” với mảnh đất Hội An, nơi nối liền con đường tơ lụa trên biển qua ba đại dương từ xa xưa.
Bằng tất cả tình yêu và niềm đam mê, cô nguyện làm cầu nối giữa văn hóa Nhật Bản và Việt Nam, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm thú vị từ cái đẹp trong cuộc sống, trong tiêu dùng, trong ăn mặc…

Chị Lê Thu Hiền - Giám đốc công ty may No Hashi.

Phong trào khởi nghiệp đang trở thành một làn sóng đầy hấp lực với giới trẻ, nhưng với riêng chị, để rời bỏ nghề báo bước vào kinh doanh hẳn là một quyết định không hề dễ dàng?

Tôi từng làm báo trong lĩnh vực mua sắm, tôi nhận thấy ngành thời trang nước mình phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu, đa phần chỉ dựa chủ yếu vào Trung Quốc. 
Có dịp đi Nhật nhiều lần, và sau nhiều tìm tòi khám phá, tôi thấy thị trường Việt Nam chưa có vải Nhật được nhập chính hãng, người tiêu dùng rất ít sự lựa chọn, nhất là chất liệu lụa chirimen, lụa kimono, linen 100% nổi tiếng của Nhật lại chưa được biết đến.
Mê đắm văn hóa Nhật từ rất lâu rồi, sau khi từng làm vai trò quản lý nội dung cho một số tờ báo rồi làm truyền thông, tour Nhật một thời gian… để tích lũy kinh nghiệm, cách đây khoảng 2 năm, tôi quyết định sống tận tâm với đam mê lớn nhất của mình.
Cụm từ “khởi nghiệp” đang là thời thượng, nhưng tôi muốn nói một cách đơn giản hơn, hãy bắt đầu với chính mình. 
Đúng vậy, “bắt đầu với chính mình”, điều đó khó khăn hơn tất thảy. 
Bởi vì, sẽ không có những long lanh ảo mộng như mọi người vẫn tưởng đâu! 
Cũng không đơn giản trải qua vài phút tích góp là thay đổi được cả cuộc đời.
Bắt đầu với chính mình: là không dòm ngó ai, không bị tác động bởi những thành công của người khác, không được dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn, không sốt ruột nóng nảy khi những đồng tiền cứ “lần lượt bỏ ta đi”, không từ bỏ niềm tin và hy vọng, không thỏa hiệp với những điều đi ngược những giá trị mình đã lựa chọn...
Bắt đầu với chính mình, lắng nghe chính mình. Có những ngày sẽ như cuộn phim rất chậm và rất buồn.
Ai mà không muốn đến nhanh phần kết thúc có hậu, nhưng người kinh doanh - người trong cuộc, có đủ kiên nhẫn không?
Thành công, rất nhiều người nói không cần quy ra tiền mà chỉ cần “mình hôm nay hơn mình hôm qua”.
Ai cũng có thể hiểu như vậy, nhưng bản thân có chấp nhận thực tế đó không, và thực tế có chấp nhận không, là hai điều khác hẳn.
Hãy cứ ước mơ, hãy cứ dại khờ. Nhưng hãy luôn “chân chạm đất”, cả nghĩa đen và nghĩa bóng!

Làm thế nào mà một nhà báo trẻ với vốn liếng vô cùng khiêm tốn và kiến thức kinh doanh… bằng không lại có thể chinh phục được những thương hiệu vải danh tiếng và trở thành nhà phân phối độc quyền của họ tại Việt Nam?

Khoảng 3 năm gần đây, tôi đã có đến gần 40 chuyến đi Nhật. 
Lúc đầu, khi đi gặp đối tác, hành trang của tôi chỉ là một bộ hồ sơ công ty và vài ba bộ quần áo có chủ đích, ví dụ đi gặp công ty lụa là tôi mặc lụa của công ty đó luôn. 
Có lẽ ấn tượng đầu tiên đó đã tạo cho họ sự cảm nhận rằng tôi có thể làm gì với sản phẩm của họ. 
Tôi cũng thuyết phục họ khi nói về kinh nghiệm báo chí, truyền thông và vốn kiến thức về văn hoá Nhật.
Tôi muốn đưa vải Nhật về Việt Nam với mong muốn truyền tải câu chuyện vải vóc không phải chỉ để che cơ thể, mà còn là những câu chuyện văn hóa. 
Vì thế tôi chọn tên công ty là May No Hashi, dịch tiếng Việt là “chiếc cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản” cùng slogan của thương hiệu là “Tình yêu cùng cảm hứng từ Việt Nam và Nhật Bản”…
Lê Thu Hiền (giữa) bên áo dài vải Nhật ở showroom chính của Công ty Cosmo - một trong những đối tác của May.

Với thế mạnh về truyền thông, chị đã có những cách đi khác biệt nào để tạo dấu ấn cho May?

Tháng 3/2017, tôi chính thức nhận được quyền phân phối vải Nhật chính hãng tại Việt Nam. 
Tại sự kiện họp báo, tôi thuê trọn show diễn của nhà thiết kế Sĩ Hoàng ở bảo tàng áo dài.
Tôi mời 200 khách hàng của mình thưởng thức kịch bản về áo dài và lồng ghép vào đó là áo dài may từ vải Nhật thông qua câu chuyện lịch sử giao thương hai nước đã từng có cách đây hơn 350 năm…
Tôi muốn kể một câu chuyện về văn hóa, thời trang nhẹ nhàng và dễ cảm thụ như vậy. 
Sau đó tôi còn làm nhiều sự kiện khác, như “Triển lãm vải Nhật” đúng vào dịp Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko sang thăm Việt Nam, “triển lãm vải Nhật và nghệ thuật cắm hoa Ikebana, bánh wagashi truyền thống Nhật Bản”...
Tôi kiên trì với con đường và cách làm của mình: kinh doanh gắn liền với văn hoá.

Bỏ ra số vốn ban đầu 300 triệu để nhập lô hàng đầu tiên, chưa kể chi phí mặt bằng, thách thức lớn nhất với chị là gì khi gầy dựng cửa hàng May đầu tiên ở đường Nguyễn Đình Chiểu? 

Vải Nhật còn rất mới ở thị trường Việt Nam mà tôi là người đem vải Nhật chính hãng về Việt Nam một cách chính thức, khó khăn hiện nay là phải cạnh tranh không lành mạnh với hàng nhái, hàng xách tay không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Hành lang pháp lý ở mình còn nhiều kẻ hở, việc bán hàng online tràn lan chưa được kiểm soát.
Khi phát triển lên, cái khó của mình là vừa phải phát triển nhóm khách hàng mới, lại vừa đối diện với tệ nạn copy, hàng xách tay, hàng giả... 
Người tiêu dùng Việt Nam chưa hiểu nhiều chất liệu, cứ thấy trên mạng hoa văn đó có hơi hướng Nhật nghĩ là vải Nhật, nhưng thực sự hoa văn thì dễ in lắm. Thậm chí không phải vải Nhật cũng được marketing là vải Nhật rầm rộ và không ai kiểm chứng.
Lễ ký kết giữa May No Hashi và Yuwa Shoten.

Làm ăn với người Nhật, chị học được điều gì quý nhất về triết lý kinh doanh?

Ông Masui Kentaro, Giám đốc kinh doanh khu vực nước ngoài của công ty Yuwa Shoten chia sẻ với tôi về triết lý hàng trăm năm qua của họ, đó là: “Người bán tốt, người mua tốt, thế giới tốt”. 
Phương châm ba tốt này đã có từ thời kỳ đầu Edo ( 1603-1691) của những thương gia thành công nhất, xuất thân từ vùng Omi, Nhật. 
Và Yuwa cũng mong muốn được mang những sản phẩm tốt nhất của Nhật đến Việt Nam thông qua May No Hashi.
Còn người Việt Nam lại có câu: “Người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm” thì làm sao phát triển? 
Người bán có thể nói gì tùy ý, đó là lý do vì sao trên thị trường nhan nhản vải Pháp, Ý... nhưng ai đi Ý, Pháp thì quá hiểu giá trị đi cùng giá tiền, không thể nào có giá như ở Việt Nam. 
Đáng buồn là hiện vẫn có rất rất nhiều khách hàng “ngây thơ”, dễ tin.

Ở một ngưỡng mới của cuộc đời, chị lại có quyết định hơi… ngược đời, trở về Hội An khi kinh doanh ở Sài Gòn đang phát triển?

Nói về du lịch, khách Nhật đến Việt Nam không còn tốt như trước, làn sóng người Hoa, người Hàn đã khiến cho người Nhật ít đến… 
Tìm những điểm chất lượng phù hợp người Nhật ở Hội An không nhiều. 
Hội An cứ lấy số đông là chết đó, các cửa hàng cứ na ná như nhau, không sáng tạo, không đầu tư thiết kế sản xuất mà chỉ đi buôn mua về bán lại...
Tuy nhiên các đường bay thẳng qua lại giữa hai nước ngày càng nhiều cùng nhiều yếu tố khác lại là trong  “nguy” có “cơ”. 
Đến lúc này, mục đích kinh doanh gắn với văn hóa ngày càng trở nên rõ ràng hơn đối với tôi.
Chọn một ngôi nhà gỗ xưa kết hợp nội thất dùng vải Nhật làm chủ đạo trên đường Lý Thái Tổ làm nơi thử nghiệm, tôi thấy có phản hồi tốt.
Toàn bộ cửa hàng, homestay tôi đều dùng vải Nhật, từ rèm cửa đến chăn drap, tranh treo tường, áo ngủ … để khách được trải nghiệm trực tiếp... có cả dịch vụ may đo luôn. 
Sâu thẳm trong tôi là muốn phục vụ cho người Việt trước, muốn đem sản phẩm tốt nhất của Nhật về cho người Việt sử dụng.
Ca sĩ Hồ Trung Dũng và Giám đốc Công ty May No Hashi.
Và chị đã “nhận” được gì từ cuộc hồi hướng này?
Tôi đặt tên cho ngôi nhà là Nhu, vừa là biểu trưng cho vải vóc mềm mại, vừa là điều tôi nhận được lớn nhất từ Hội An. Về đây tôi thực hành nhiều hơn hai chữ “nhu” và “nhẫn”.
Tôi thấy cuộc đời sao vi diệu lắm. Tôi đã gặp rất nhiều người đến Hội An tự chữa lành nội tâm, hay đơn giản chỉ là nghỉ ngơi tái tạo năng lượng nhưng cùng lúc lại đem lại các giá trị mới cho Hội An. 
Xác định chưa đặt lợi nhuận lên hàng đầu, phải mưa dầm thấm lâu, hội nhập văn hóa con người, 6 tháng đầu tôi dành thời gian chỉ để hiểu, chơi với con người ở đây, sau đó mới làm quen, thuyết phục và làm bạn cùng với họ.
Ra đây khó nhất là nhân sự, người Hội An vẫn giữ được sự tử tế, thật thà, nhưng bảo thủ, khá mất thời gian để đào tạo chứ không phải dùng tiền là có thể giải quyết…
Tôi xác định gắn bó lâu dài ở đây. Ngoài kinh doanh, tôi muốn đóng góp cho cộng đồng mình cùng sống, mới đây tôi có tặng “Tủ sách Nhật Chiêu” cho trung tâm văn hóa Hội An và tham gia biểu diễn áo dài vải Nhật cùng làng gốm Thanh Hà tại Festival gốm. 
Sắp tới sẽ có thêm nhiều hoạt động khác nữa. Chính quyền Hội An cũng đang muốn khôi phục lại “Phố Nhật Bản ở Hội An”. Tôi hy vọng mình đến đây đúng lúc.

Theo bizlive.vn



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

147 lượt xem