Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Truyền Cảm Hứng] Cuộc Sống An Bài. Nhưng Đời Đẹp Lắm!

Ông lão ngồi đó, trước mặt là cái ghế nhựa đỏ, trên ghế có duy nhất ly cà phê đen. Thứ nước đặc quánh đã nguội, màu đen sẫm sâu xa xôi, vài hạt bột cà phê lợn cợn dưới đáy, cốc nước còn nguyên. Ông cứ ngồi đó, chắc từ lúc sáng sớm trời chưa hửng rõ, cái kính râm to sụ choáng gần hết khuôn mặt. Ông lão hướng ánh nhìn ra con đường phía trước, chỉ mới có những xe hàng rong lọc cọc và vài người quét đường buổi sớm, sau cái kính râm kia có lẽ là ánh nhìn vô định bình thản.

Cô gái nhỏ dừng xe trên đường, gọi với vào quán:

– Bà ơi một sữa tươi mang đi nhé! Mập Lù!

Con chó tên Mập Lù đánh hơi quen, chạy ra phía đường, cái đuôi cụt ngủn ngoe nguẩy vô tự lự. Cô gái xoa đầu con chó, liếc nhìn đồng hồ, vẫn còn khá sớm để đến trường lúc này.

– Bà ơi cháu ngồi lại đây uống một tẹo rồi đi!


Nói rồi cô gái tấp xe vào lề, con Mập Lù ngoe nguẩy đi sau cô. Bà chủ quán đặt ly sữa tươi lên cái ghế nhựa trước mặt cô gái, quan tâm:

– Nay đi sớm thế?

– Dạ hôm qua vẽ chưa xong, nay lên sớm để hoàn thành.

Không gian thênh thang tinh sạch sớm mai, chỉ có ba người ở đây: bà chủ quán, ông lão ngồi cạnh và cô. Con Mập Lù khều khều thu hút sự chú ý của cô. Con chó tên Mập Lù nhưng lại nhỏ nhí cỡ một còn mèo vừa đủ tuổi sinh sản, mắt con chó to lồ lộ và lúc nào cũng ươn ướt, cái chuông nhỏ ở cổ kêu lên tinh tang vui tai mỗi khi Mập Lù di chuyển.

Có lần, khi đã đủ thân, cô nói với bà chủ quán nước:

– Đeo chuông như thế tội nó quá bà ơi!

Bà chủ quán vẫn đều tay khuấy nước, ậm ừ lơ đãng:

– Hửm?

– Ý cháu là, với thính giác tinh nhạy của nó, cứ mãi nghe tiếng tinh tang tinh tang như thế chắc nó phiền lắm. Hoặc là sẽ thấy chán ngấy với thứ âm thanh cứ lặp lại.

Ánh nhìn của cô và bà chủ quán chạm nhau, như vô tình, từ mắt bà hắt ra tia sáng màu màu lam mềm và lạnh:

– Dù sao vẫn tốt hơn những thứ âm thanh hỗn tạp đầy rẫy, và còn nhiều thứ chán ngấy hơn nhiều so với việc nghe tiếng chuông lặp lại. Không phải sao?

Cô im lặng, uống nhanh cốc nước rồi rời đi, quên mất việc xoa đầu con Mập Lù.

Hôm sau, vẫn như thói quen, cô gái nhỏ ghé quán. Lục tìm trong cái ba lô lộn xộn đầy nhằng các thứ của mình, lấy ra cái chuông có màu bạc, bé hơn nhiều lần cái chuông con Mập Lù đang đeo, vẫn thanh âm tinh tang nhưng tiếng nhẹ nhàng bớt gay gắt hơn. Cô tháo cái chuông cũ bằng đồng, đeo cái chuông màu bạc vào cổ con vật. Xoa xoa đầu Mập Lù, cô bảo:

– Thích không Mập Lù?

Bà chủ quán nhìn cô, vẫn ánh nhìn màu lam, không phản đối hành động của cô gái nhỏ. Ông lão có cốc cà phê đen bên cạnh cũng quay sang, liếc nhìn thật nhanh rồi lại chuyển ánh mắt ra phía hàng me đối diện, ông hớp một ngụm nước đầy.

Cô gái nhỏ nựng con Mập Lù thêm tí chút rồi rời đi. Con chó quyến luyến chạy theo chân cô.

Ông lão ngồi thêm một lúc, khi các dòng xe bắt đầu túa ra đường chật kín, như lũ cá mồi bị nén chặt trong hộp thiếc, bụi và khói vẩn thành từng luồng tựa nước sốt đỏ quánh tanh trong hộp cá, ông đứng dậy, thanh toán, và tản bộ về căn hộ của mình ở chung cư gần đó.

Bà chủ quán vẫn đều tay pha nước cho những người khách mới, vội vả, luôn hối thúc. Những người khách chào bà bằng tiếng còi xe tin tin giòn và đứt gãy. Nhận nước, trao tiền, rồi rời đi, tất cả diễn ra cơ hồ chỉ như một thói quen, chán ngấy và lạnh lùng.

Tiếng xe cộ lấn át hầu như tất thảy các thanh âm trong trẻo đầu ngày. Gió vẫn thổi làm cây me cổ thụ rùng mình ớn lạnh, thả lá những mẫu lá nhỏ xíu xuống vỉa hè, nhưng vội quá, chẳng ai kịp ngắm nhìn. Chim sẻ vẫn lích chích tám chuyện trên mấy hàng dây điện, phố xá ồn ả quá, chẳng ai lắng nghe chúng, tổn thương, chúng bay đi nơi khác chẳng thèm ở phố.

Năm hôm rồi cô gái nhỏ không ghé quán, con Mập Lù lảng vảng phía gần đường, cái đuôi cụt ngủn ngoe nguẩy mỗi khi nghe thấy tiếng xe dừng, nhận thấy không phải người quen, con chó quay vào, nằm gác mõm lên hai chân lười nhác. Bà chủ quán kêu con chó nhỏ lại gần, cái chuông kêu tinh tang tinh tang, bà nói vu vơ:

– Chắc nó không ghé nữa.

Ông lão hớm ngụm nước đen nguội ngắc quánh đặc, giọng người có tuổi khàn khàn:

– Mai là nó ghé lại thôi.

Đúng thật, ngày hôm sau cô gái nhỏ ghé lại quán. Con Mập Lù mừng rỡ, nhón lên người cô, móng vuốt con vật cào cào vào quần cô làm hằn lại những vết bụi xám mờ. Cô gái bế thóc con vật lên.

– Chỉ có Mập Lù là tốt!

Cô ngồi lại khá lâu. Tự nhiên cô sợ cảm giác hòa vào dòng người ngoài kia, lọt thỏm và bị nhấn chìm bởi những thứ rời rạc và chán ngấy.

– Mấy nay sao cháu không ghé? – Ông lão quay sang cô, hỏi, đây là lần đầu tiên ông nói chuyện với cô, nếu không tính những lần cô chủ động hỏi chuyện ông.

– Cháu bị mệt ông ơi!

– Ốm hả? – bà chủ quán nói vọng ra, giọng bà quan tâm, nhưng vẫn lạnh lùng vừa đủ.

– À dạ cũng không hẳn.

Rồi cô nói thêm:

– Nếu phát ốm vì những thứ đang diễn ra thì có gọi là ốm được không bà?

Không có tiếng trả lời, bà chủ quán mang ra cho cô một đĩa nhỏ đựng bánh bông lan mềm xốp, liếc sang ông lão, bảo:

– Của ổng, ổng kêu để dành!

Cô đón đĩa bánh, lòng rưng rưng biết ơn.

– Ăn đi, để cả năm bữa nay, đợi hoài không thấy ghé! Ăn đi không nó hư thì uổng.

Năm ngày vừa qua, cô gái nhỏ rơi vào cơn khủng hoảng, cô chới với và tuyệt vọng như thể bị nhấn chìm ở một cái hố sâu, sâu thăm thẳm. Hố sâu của sự cô đơn và thất vọng. Tựa hồ như cả thế giới đều quầy quả lao về phía trước, chỉ còn cô trơ trọi đứng đó, bất lực, tức giận, đớn hèn. Bị hụt một học bỗng gần như chạm tay, bức tranh cô mất nhiều công sức vẽ, ấp ôm vô vàn cảm xúc và tâm huyết, bức tranh được các nhà thẩm định đánh giá cao, chỉ trong một đêm, chỉ một đường cọ vô tình của một kẻ hữu ý nào đó, trở nên mất giá trị hoàn toàn. Học bỗng trao cho người khác, cô đấu tranh đòi công bằng và nhất quyết tìm ra kể chủ ý, nhưng thất bại. Họ bận quá, chẳng ai đủ kiên nhẫn cùng cô gái nhỏ chẳng có kinh nghiệm và chưa từng có tác phẩm trưng bày ấy lùng sục tìm kiếm sự minh bạch cả. Học bỗng đó có đáng là gì? Chỉ là một năm học chẳng phải quay cuồng với vấn đề kinh tế, tiền đâu mua bút mua màu, tiền đâu đóng tiền học phí. Thì ra cô cũng như bao người, cũng quay cuồng với những con số trừng trừng nơi những tờ bạc nhầu nhĩ. Thì ra cô cũng chỉ là con cá mồi trong hộp thiếc chật chội nồng tanh mà thôi. Chia tay người yêu, cái kết có thể đoán trước cho những mối tình bề nổi, loay hoay tìm sự đồng điệu trong hơi thở tâm hồn nhưng càng tìm càng thấy xa xôi. Bạn chung phòng không chịu được thói quen thức khuya dậy sớm của cô, không chịu được mùi màu vẽ ngai ngái, những khung tranh chiếm nhiều không gian và bờ tường lúc nào cũng dính các vệt màu, vậy là bạn chung phòng chuyển đi, những đêm thức khuya cô pha mì tôm ăn một mình, không có người cùng cô trùm chăn nghe nhạc The Beatles, căn phòng giờ là của cô, tự do nhưng trống vắng. Công việc làm thêm, chép tranh, đều đều tẻ nhạt, những bức vẽ được cô họa lại như một thói quen, lòng chẳng một gợn sóng xúc cảm.


Chỉ vỏn vẹn trong mấy ngày, mọi thứ ập đến như một cơn bão. Bão lòng? Tựa như một trận chiến mà ở đó cô lại là kẻ bị động hoàn toàn.

Cô để mặc cái suy nghĩ thế giới đang nhấn chìm ta và ta sẽ sớm bị chết chìm chảy trong óc. Thôi thì chẳng vẽ vời nữa, thôi thì yêu đương làm gì, thôi thì ở trong phòng tối om cho nỗi cô độc gậm nhấm vẫn đỡ hơn là vác khiêng đi khiêu chiến với thế giới. Không phải ta đang khướt từ thế giới, là thế giới đã vứt ta ra bên lề. Chính là như thế!

Cô ngủ nhiều, ngủ li bì.

Nếu không vì cần đến trường sớm vào hôm nay để thảo luận bài thuyết trình thì cô sẽ không thức đâu. Dù sao thì cũng là làm nhóm, ta không thể để bản thân ảnh hưởng đến những kẻ khác được, nếu thế, ta sẽ trở nên xấu xa, ta ghét sự xấu xa, ghét những kẻ đã tệ bạc với ta, vậy nên ta không được phép cư xử như thế. Không được phép.

Cô gái nhỏ chạy xe trên đường vắng bóng người, cảm giác quen thuộc vô cùng, quen thuộc trong từng làn gió, hơi thở. Ô kìa, cây me già rùng mình run rẫy vẫn đứng đó đợi ta, có phải lá nhỏ vừa rơi lên vai ta, thật mềm và êm? Lũ sẻ vẫn đứng trên hàng dây điện cao cao vừa cất tiếng chào ta. Những xe hàng rong lọc cọc di chuyển. Và kìa, quán nước tí hon ở góc đường, bà chủ quán có ánh nhìn màu lam, ông cụ đeo kính râm luôn uống độc một thứ nước sánh đặc nguội ngắc, họ đợi ta.

Cô ăn miếng bánh mềm, không quên lấy một ít cho Mập Lù. Quay sang hỏi vì sao ông lão cứ đợi nước nguội rồi mới uống trong khi cà phê đen uống nóng sẽ ngon hơn?

– Vì mỗi ngày ta chỉ có nửa tiếng thôi.

– Dạ?

– Vì mỗi ngày ta chỉ có nửa tiếng là thật sự của ta. Là lúc sáng sớm thế này đây, bà ấy dọn hàng, và ta là khách hàng đầu tiên. Ta ngồi đây, ngắm nhìn phố xá. Yên ả. Ta chẳng muốn làm gì, kể cả việc đưa ly nước lên uống ta cũng quên khuấy vì mãi chìm đắm trong sự tinh sạch sớm mai. Vì mãi đợi ta nên cà phê trở nên nguội ngắc, nhưng vẫn ngon cháu ạ! Cà phê bà ấy pha luôn ngon.

Không ai nói gì, ông lão nói thêm:

– Sau nửa tiếng đầu ngày, phố xá ồn ả, ta nghĩ nó chẳng dành cho ta. Nhưng biết sao, các con muốn ta sống cùng, ở đây. Nhưng thế giới luôn có những góc riêng cho những người cần nó, với ta là quán nước này, góc phố này.

– Cháu đã có khoảng thời gian khó khăn ông ạ!

– Rồi sẽ ổn cả thôi cháu ạ, tuổi trẻ luôn khó khăn, nhưng quyến rũ. Đúng không bà? – Ông quay vào trong, hỏi:

– Số phận an bài. Nhưng đời đẹp lắm! – bà chủ quán nước khẳng định.


[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả:  Giang Trương

Chả có điểm đầu, náo đâu điểm cuối.

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại Tròn Vo – chả có điểm đầu, nào đâu điểm cuối

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

79 lượt xem