Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Ngày Thứ Hai An Yên

Mỗi tối chủ nhật bạn có thường suy nghĩ rằng “Ước gì ngày mai vẫn là chủ nhật” không? Một bóng ma uể oải, chán chường trỗi dậy khi ngày mai là ngày thứ Hai. Thế Thứ Hai thật sự là cái gì?


Thứ Hai, thật ra người ta chẳng làm nên tội tình gì với bạn và tôi cả. Chỉ đơn giản là cái tên nó được định sẵn như thế, cái điều mà những người mang “Hội chứng Ngày thứ hai” (Monday morning syndrome) mắc phải chính là sợ công việc phải làm sau khi đã phải làm việc căng thẳng liên tục trong một tuần, chứ không phải sợ cái ngày Thứ Hai kia.


Nhưng để định nghĩa chính xác hơn thì còn phải xác định lại các loại bệnh nhân của căn bệnh xã hội này. Trong số những bệnh nhân của “Hội chứng Ngày thứ hai”, sẽ có hai loại, một là giả bệnh và hai là bệnh thật.


Trường hợp 1: Mỗi công việc có một áp lực khác nhau, nhưng nếu bạn vẫn tự ngộ nhận mình mắc “Hội chứng Ngày thứ hai” trong khi áp lực công việc của bạn vẫn chưa vượt khỏi mức an toàn, nghĩa là công việc chồng chất nhưng đây đều là những công việc nằm trong lĩnh vực mà bạn yêu thích, tự lựa chọn cho chính mình. Cũng có thể nói những người như thế này là lười nhác, nhưng không hoàn toàn là như thế, vì thật không dễ dàng gì khi phải phân biệt giữa nhu cầu cá nhân và cảm xúc bi lụy.

Chúng ta đã sắp xếp các hoạt động, thời gian sinh hoạt cá nhân và làm việc hài hòa hay chưa?

Hãy yêu bản thân mình hơn một chút, ăn uống điều độ hơn, ngủ đủ giấc để có một tinh thần tuyệt vời nhất khi đối mặt với những khó khăn trong xử lý công việc. Nếu như bạn ngủ không đủ giấc vào đêm hôm trước, thì hôm sau đến cơ quan, trường học hay bất kỳ nơi đâu, bạn sẽ luôn cảm thấy thật nhiều điều tiêu cực hơn thực tế, hành vi của người khác ác ý hơn thực tế.

Nhận thức thực tại của bạn bị chi phối bởi trạng thái căng thẳng, mệt mỏi của cơ thể.


Trường hợp 2: Bạn là những cô cậu học sinh, sinh viên đang học tập trong môi trường giáo dục, nơi mà bạn chưa thể phát huy hết khả năng thiên bẩm của bản thân, hay không có cơ hội học tập và làm những điều mình đam mê, trong khi luôn luôn bị ép buộc làm những điều trái ngược với mọi nguyện vọng và ước mơ? Bạn là những người tác phong chuyên nghiệp với giấc mơ trở thành “workaholic” nhưng trớ trêu thay khi bạn bất đắc dĩ phải vớ trúng một công việc không thuộc sở trường, có thể vì miếng cơm manh áo hay vì một lý do cá nhân đặc biệt nào khác?

Điểm chung của những người rơi vào trường hợp 2 chính là đều cảm thấy môi trường học tập, làm việc, thậm chí là môi trường sinh hoạt không phù hợp với mình. Cô nàng “Kiêu hãnh” của đam mê chiến đấu từng giây từng phút nhưng không sao thoát khỏi ách thống trị của một đế chế hùng mạnh, hình như là “Lạc hậu”, hình như là “Lầm đường lỡ bước”, hình như là ….

Không chỉ đơn thuần sợ mỗi ngày thứ Hai đâu, nhóm những người thuộc trường hợp 2 đang chán ghét cái công việc mà mỗi ngày họ đều phải dành thời gian của cuộc đời ngắn ngủi để hoàn thành nó.


Tim Cook bắt đầu làm việc từ 4h30 sáng, luôn là người đầu tiên đến công ty và cũng là người cuối cùng rời khỏi công ty. Mark Zuckerberg viết code vào kì nghỉ. Bill Gates viết email cho nhân viên về công việc vào cuối tuần và các công việc hằng ngày luôn bắt đầu từ sáng sớm. Sức mạnh vô hình nào đã khiến những nhân vật này đạt tới đỉnh cao của “workaholic”?


Những nạn nhân đáng thương của “Hội chứng Ngày thứ hai”, phải làm việc trong môi trường mà những em bé “Sáng tạo” không thể cất lên tiếng ca của mình để tạo thành một bản hòa nhạc, một công việc rất đỗi đơn giản cũng là một trở ngại lớn, làm việc nhỏ cũng cảm thấy gánh nặng trên vai, họ rơi vào tình trạng đóng băng của sự ghét bỏ, chán chường. Và hơn thế nữa, lâu ngày sẽ dẫn đến ảnh hưởng về mặt tâm lý sinh học.


Tìm một lối đi mới


Dũng cảm vứt bỏ mọi điều đang xảy ra ở hiện thực và đi tìm một con đường mới, dù cho con đường bạn chọn là đi ngược lại với đám đông, nhưng bạn được là chính mình một cách tuyệt vời nhất. Lý thuyết này dành cho tất cả mọi người, nhưng không phải áp dụng cho tất cả mọi người.

Chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta không sợ Thứ Hai đâu, chúng ta đang sợ một nỗi chán ghét công việc. Và chúng ta thật sự chán ghét điều gì ở công việc?

Cái chúng ta cần thay đổi thật sự là gì, cải thiện kỹ năng, mức độ uyên bác của bản thân hay môi trường làm việc?

Nếu là vì tác động từ môi trường làm việc thì tôi luôn hy vọng mỗi chúng ta thay vì trở thành nạn nhân sống dưới áp lực đè nặng thì sẽ trở thành những người tiên phong tân tiến môi trường làm việc đó. Thế giới này hoàn hảo khi mọi thứ đều không hoàn  hảo. Môi trường làm việc cũng thế, sẽ có những biến động và cơ hội khác nhau, quan trọng là bạn có thể nuôi em bé “Sáng tạo” của mình lớn lên. Hãy cố gắng thay đổi những gì đang ở gần bạn nhất thay vì cứ mãi đứng núi này trông núi nọ.

Muốn có được điều mình muốn thì phải biết hy sinh

Cách mạng bản thân hay cách mạng môi trường bên ngoài đều có một điểm giống nhau là không hề dễ dàng.

Mao Trạch Đông đã có một câu nói khá ấn tượng rằng “Cách mạng không phải buổi dạ tiệc, không phải bài tham luận, không phải tác phẩm hội họa, cũng không phải bức tranh thêu; không thể tiến hành cách mạng một cách nhẹ nhàng, từ tốn, chu đáo, thận trọng, lễ phép, lịch thiệp, đơn giản và vừa phải”.





Cái gì cũng phải có giới hạn của nó, không phải cứ cách mạng là phải tàn sát lẫn nhau, nhưng chắc chắn phải theo quy luật “Cây đắng sinh trái ngọt”.


“If it doesn’t challenge you, it won’t change you” - Fred DeVito


Chúng ta lại vừa bắt gặp cụm từ “Thử thách”. Cách mạng đồng nghĩa với việc đối mặt với thử thách, và để duy trì cách mạng thì thử thách lại xếp chồng xếp lớp. Để vượt qua hàng rào thử thách đó thì trước hết phải vượt qua sức kiên trì bền bỉ của bản thân. Cái gì nằm ngoài tầm với bao giờ cũng gây hứng thú nhưng lại dễ chán, dẫn đến bỏ cuộc đối với phần đông mọi người.

Tôi vô cùng trân quý sự ra đời của quy luật Goldilocks để giải quyết vấn đề trên.

Chúng ta sẽ học cách dung hòa giữa nỗ lực và hạnh phúc, học cách thỏa mãn với thành quả.

Thử thách có độ khó có thể kiểm soát được, tiếp đến là đo lường sự tiến bộ, và tạo các vòng tuần hoàn tương tự như thế cho đến khi đạt đến thành công mà bạn mong muốn có được.



Cuối cùng, bạn được …


Cũng không có quá nhiều điều có thể điền vào dấu ba chấm trên, chỉ có một điều duy nhất tôi tin chắc chắn sẽ phù hợp là vứt bỏ được cuộc sống sống dưới mức định sẵn của xã hội, thay đổi để tốt hơn, để không phải tiếp tục bị ám ảnh chán ghét công việc mỗi ngày. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội, khả năng thành công hơn, đóng góp nhiều hơn cho nhân loại nếu như chúng ta được đắm mình trong niềm đam mê công việc và hoạt động trong môi trường phù hợp, tân tiến.

Khi trở nên khác biệt, ngoài việc vượt qua thử thách để tạo ra một con đường mòn mới, bạn và tôi đều phải đối mặt và vượt qua định kiến xã hội hay ngay cả sự cản trở từ người thân. Nhưng bạn biết không, có một câu nói truyền cảm hứng yêu thích của tôi được trích từ video của các bạn Amser trong “Ngày hội Anh tài 2018”, mà tôi nghĩ nó sẽ đem đến một ý nghĩa tốt đẹp cho độc giả của mình.

“Thành công không phải là có thật nhiều bạn bè, nhận được thật nhiều sự ngưỡng mộ hay có một bề dày thành tích thật tự hào. Thành công là cho dù có chuyện gì xảy ra, sau cùng ta vẫn có đủ cam đảm để là chính mình mà không sợ hãi cô đơn hay sự khác biệt”


“Thời gian không công bằng với tất cả mọi người, không phải ai hết đêm cũng đến ngày. Với ai đó một đêm có thể dài hơn cả đời người”.Nếu đã may mắn hơn cậu bé mang căn bệnh hiểm nghèo dưới ngòi bút của nhà văn Cho Chang-in thì đừng lãng phí thời gian của mình vì định kiến của người khác nữa, hãy chọn cho mình một lối đi thật đúng đắn và cũng thật đậm màu bản ngã của bạn, và phấn đấu hết mình để mỗi ngày thứ Hai là một ngày an yên, theo đúng nghĩa đen chúng ta nên hiểu để tân hưởng khoảnh khắc sống của bản thân mình.


Nguồn ảnh: Internet

Tác Giả: Phù Thị Lan Tiên @Trường THPT Chuyên Lê Khiết
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/lanntien

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

236 lượt xem, 232 người xem - 244 điểm