Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Quan Điểm Sống] Vị Ngọt Từ Món Ăn Bình Dị Nhất

Chào bạn,

Vị ngọt từ món ăn bình dị nhất đối với Phương đó chính là vị ngọt từ những hạt cơm.

Một vị ngọt rất riêng, không thể lẫn với bất cứ cái ngọt nào. Nó không ngọt lịm như mía, không ngọt bùi như sầu riêng, không ngọt gắt như nhãn, không ngọt chua như táo...

Vị ngọt của nó không dễ dàng cảm nhận ngay khi ăn vào.

Điều kiện lý tưởng nhất để cảm nhận hết cái vị ngọt thơm đó là: thứ nhất, hãy ăn cơm không, đừng gấp thức ăn khác bỏ chung vào; thứ hai: phải nếm, phải nhai từ từ.. nhè nhẹ.. chầm chậm.. từng chút một những hạt cơm vẫn còn đang bốc khói nong nóng.

Rồi, hãy bắt đầu tự mình cảm nhận...

Với những vị ngọt khác, người ta nhanh chóng có nhận xét, định nghĩa ngay chúng ngọt gì, ngọt gì... Còn với vị ngọt của cơm, mỗi người sẽ cảm nhận nó theo một cách khác nhau. Nó là cả một sự thưởng thức, không đơn giản chỉ là ăn. Theo cảm nhận của riêng Phương, vị ngọt đó thanh thanh, dìu dịu và mang đến cảm giác thật nhẹ nhàng.

Mỗi lần muốn thưởng thức vị ngọt của cơm, Phương vừa nhai, vừa ngậm, vừa nhắm mắt.

Vừa nhai cơm, Phương miên man nghĩ về quê nội, quê ngoại. Là dân thành phố, nhưng Phương may mắn có tuổi thơ được gắn bó với vùng sông nước chín nhánh rồng miền Tây. Phương biết thế nào là tắm sông, lội đồng. Phương ở nhà của ông bà ngoại khi còn rất nhỏ. Lúc đó mẹ đi dạy ở Cần Thơ, ba thì dạy ở Đồng Tháp. Hầu hết thời gian Phương ở bên ông bà ngoại. Chạy lon ton theo ông đi cho cá ăn, cho dê ăn, đi hái rau muống, so đũa. Rồi được ông thưởng cho uống sữa dê. Đến bây giờ Phương vẫn không thấy món sữa nào thơm ngon hơn món sữa dê ngày đó. Nhờ uống sữa dê mà hồi nhỏ Phương rất bụ bẫm, trắng trẻo.


Hình Phương hồi bé

Phương lại vừa nhai cơm, vừa ngậm, vừa nhắm mắt...

Rồi Phương theo ba mẹ trở về thành phố. Thỉnh thoảng về quê nội, quê ngoại chơi.

Ngày xưa ở miền Tây chưa xây nhiều cầu lớn như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ... Từ thành phố muốn về quê ngoại phải qua một lần phà, còn về quê nội phải qua hai lần phà, một lần đò. Đi phà chờ đợi chậm chạp nhưng Phương rất thích. Bây giờ thì quá tiện rồi, cứ ngồi trên xe chạy một mạch qua cầu, nhưng những trải nghiệm đi phà thú vị đã không còn.

Trải nghiệm vui mừng hớn hở khi đã tới lượt mình qua phà sau một hồi chờ đợi rất lâu, rất nóng bức dưới trời nắng gắt.

Trải nghiệm xuống xe đi bộ qua mấy chiếc cầu cây mà khe hở của những thanh gỗ còn to hơn cả bàn chân nhỏ của mấy đứa con nít. Hồi đó Phương phải bước chầm chậm, cẩn thận, sợ lọt chân xuống cầu, trong khi người lớn thì cứ giục mình đi nhanh.

Trải nghiệm xin mẹ mua những trái bắp nấu còn thơm lừng mùi cỏ, những món ăn vặt miền Tây mà chỉ có ở phà mới có bán.

Đi phà mới thấy mình gần gũi với sông nước, với quê hương. Lên phà, Phương thích xí chỗ đứng lên băng ghế ngay cửa sổ phà nhìn ra ngoài để ngắm từng chùm lục bình trôi trên sông, đón từng cơn gió mát thổi ùa vào mặt, đo khoảng cách giữa phà của mình và những chuyến phà khác đang chạy qua chạy lại...

Phương lại vừa nhai cơm, vừa ngậm, vừa nhắm mắt...

Phương nhớ con sông trước nhà nội gió thổi vào mát quanh năm, nhớ cánh đồng lúa bát ngát xanh rì, nhớ mùi khói đốt đồng mỗi khi thu hoạch xong vụ lúa. Phương nhớ cái ghế xích đu cứ kêu kẻo cà kẻo kẹt mỗi khi Phương và mấy anh chị em cùng lên ngồi đu đưa. Phương nhớ cái đèn măng-xong ông nội hay mở lên khi trời tối, ngày đó điện chưa vào đến nhà.

Ngày đó đường dẫn về nhà nội chỉ là con đường đất đỏ. Gặp mùa nước lên thì ôi thôi cứ xăng quần lên mà đi qua bùn xìn. Nếu sang hơn thì kêu xe lôi chở.

Phương thích đi xe lôi vô cùng vì thấy nó ngồ ngộ, chớ lúc đó đâu có biết người chạy xe lôi phải còng lưng để đạp xe chở khách.

Chiếc xe lôi nhỏ xíu, theo lý thuyết có 4 chỗ ngồi. Nhưng thực tế có khi một chiếc xe lôi có thể chở hơn 4 người, cộng với đống hành lý, tùy thuộc vào việc sắp xếp chất lên được bao nhiêu.

Xe lôi miền tây

Đi xe lôi tính tiền theo chuyến chứ không tính theo từng người. Cứ lấy số tiền một chuyến đi chia đều cho những người đi xe. Nếu xe chở ít khách thì số tiền mỗi khách trả sẽ nhiều hơn. Do đó đôi khi khách “tự nguyện” nhét thêm người vào để giảm bớt tiền phải trả, chứ không phải do người chở tự nhồi nhét khách vào như những chuyến xe khách bây giờ. Vì phải chở nhiều nên người chạy xe lôi phải có sức khỏe dữ lắm. Vậy mà theo Phương nhớ thì có nhiều người ốm nhom, nhỏ con cũng chạy xe lôi. Người miền Tây chịu khó lắm. Dù hiện nay đô thị đang tiến gần tới nông thôn hơn, nhưng bản chất của đa số người miền Tây vẫn không thay đổi nhiều, vẫn hiền hòa dễ gần và hiếu khách.

Phương lại vừa nhai cơm, vừa ngậm, vừa nhắm mắt... 

Vị ngọt của những hạt cơm không dễ dàng cảm nhận ngay. Nhưng khi đã cảm nhận được thì khó mà quên.

Một vị ngọt thanh tao, mộc mạc mang nhiều hình ảnh quê hương.

Một vị ngọt rất bình dị luôn sẵn sàng tặng cho chúng ta như một món quà quý. Chỉ cần ta hãy chầm chậm lại, chịu trải lòng mình ra để thưởng thức.

Phương lại vừa nhai cơm, vừa ngậm, vừa nhắm mắt...

Nếu bạn có những trải nghiệm nào về miền Tây hiền hòa thì cùng chia sẻ với Phương bạn nhe.

 

 --------

[ Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY ]

Tác giả: Đông Phương Võ

Cũng như bao phụ nữ bước qua hàng băm khác, hiện tôi đang là vợ, là mẹ, có một gia đình nhỏ ấm cúng. Tôi hạnh phúc với gia đình và công việc yêu thích của mình, không phải bởi vì nó hoàn hảo, mà bởi vì nó luôn là động lực giúp tôi luôn cháy và giữ lửa đam mê kinh doanh của mình mỗi ngày.

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại:  Võ Ngọc Đông Phương

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

65 lượt xem