Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[A Crazy Mind] Sang Chấn Tâm Lý Thời Thơ Ấu Hình Thành Nên Chứng Lo Âu Xã Hội Như Thế Nào?

Một trong những chứng lo âu phổ biến nhất là lo âu xã hội, hay còn gọi là ám ảnh sợ xã hội. Những người mang hội chứng này thường cảm thấy sợ hãi, lo lắng hoặc bất an khi phải đối mặt với các tình huống xã hội. Ở một số trường hợp, chứng lo âu này biểu hiện rất rõ ràng và dễ nhận ra nhưng cũng có khi nó vận hành một cách lặng lẽ đến mức có thể qua mắt được mọi người, kể cả bản thân người mang hội chứng đó.

Cơ chế hành vi trong sự hình thành lo âu xã hội

Một số triệu chứng (nhưng không phải tất cả) của lo âu xã hội là:

  • Né tránh các tương tác xã hội

  • Cô lập

  • Sợ nói/ trình diễn trước đám đông

  • Sợ thể hiện bản thân trước nhiều người

  • Sợ bị chú ý


Một số ví dụ rõ ràng hơn cho những triệu chứng này bao gồm cảm thấy bất an khi gặp người mới, lựa chọn không giơ tay phát biểu dù biết rõ câu trả lời, chật vật mỗi khi thuyết trình, hoặc né tránh những buổi họp mặt và những môi trường đông người nói chung. Một số người còn có ám ảnh sợ khoảng trống, cảm thấy rất sợ hãi mỗi khi phải rời khỏi nhà.

Nhiều người mang chứng lo âu xã hội càng cảm thấy căng thẳng hơn mỗi khi tương tác với người có uy quyền hoặc khi bị giám sát, đánh giá. Và cũng nhiều người cảm thấy lo lắng khi trở thành trung tâm của sự chú ý. Một số còn có những cơn hoảng loạn khi phải ở giữa giám đông hoặc không gian kín đầy ắp người (ví dụ như nhà thờ, xe buýt, cửa hàng, trung tâm mua sắm, ga tàu ngầm,…).

Bên cạnh đó, nhiều người mang chứng sợ này còn cảm thấy như bị cạn kiệt sức lực mỗi khi thực hiện những việc rất đơn giản như đi đến ngân hàng, trò chuyện với người khác, gọi món ăn, hay gọi một cú điện thoại. Họ còn phải đối mặt với những cơn “sương mù não” (giảm khả năng ghi nhớ, tập trung; đầu óc mơ hồ), phân tán, và mất tập trung khi tương tác với người khác vì họ dễ dàng bị phân tâm bởi những suy nghĩ xoay quanh việc người khác đang nghĩ gì về mình và phải nói chuyện làm sao cho đúng chuẩn. Họ còn có xu hướng tránh giao tiếp bằng mắt, nói lắp bắp, gặp khó khăn trong việc sắp xếp ý hoặc thậm chí chẳng nghe được người khác đang nói gì.

Những triệu chứng về mặt tâm lý và cảm xúc của lo âu xã hội

Về cơ bản, có 2 loại người lo âu xã hội:

Loại người đầu tiên thường được mô tả như những người có lòng tự tôn và tự nhận định về giá trị bản thân thấp trong khi sự nghi ngờ bản thân lại cao. Họ thường bị đeo bám dai dẳng bởi cảm giác xấu hổ và tội lỗi. Họ có xu hướng là người luôn muốn làm hài lòng người khác và né tránh xung đột. Họ cực kỳ nhạy cảm với những suy nghĩ, đánh giá và phán xét của người khác.

Loại người thứ hai thường rất khó để nhận ra vì họ thể hiện một hình ảnh rất tự tin, hướng ngoại, khéo ăn nói, lôi cuốn (kiểu người ái kỷ). Nhưng nếu bạn có những cuộc nói chuyện cởi mở với họ hoặc quan sát họ thật kỹ thì sẽ có thể nhận ra rằng họ vẫn rất để tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình. Họ cảm thấy rất tự ti, họ không thực sự thích tương tác với người khác như vẻ bề ngoài.

Nói cách khác, họ đang khoác lên mình một chiếc mặt nạ như một cơ chế phòng vệ để bảo vệ bản thân khỏi những nỗi tự ti chưa được giải quyết và đôi khi thậm chí chưa được nhận ra. Và vì thế, trong khi kiểu người thứ nhất – để thích nghi bản thân vào xã hội – có xu hướng trở nên né tránh và phục tùng, thì kiểu người thứ hai sẽ trở nên hung hăng và chống đối xã hội hơn. Họ có thể hạ thấp người khác, khao khát quyền lực và địa vị, không ngừng cố gắng khẳng định bản thân,…



Nguồn gốc và cơ chế của lo âu xã hội

Phần lớn, chứng lo âu xã hội được hình thành và phát triển như một cách thích ứng với những môi trường xã hội căng thẳng và gây đau khổ thời thơ ấu.

Ở thời thơ ấu, cả thế giới của một đứa trẻ chủ yếu xoay quanh những người chăm sóc chính cho mình (bố, mẹ, thành viên gia đình, một số người có chức trách). Thế giới này dần dần mở rộng theo sự phát triển của đứa trẻ, nhưng cách hiểu về tương tác xã hội của chúng đã trở nên cố định. Nói cách khác, những mối tương tác xã hội mà ta có thời thơ ấu đã trở thành bản phác thảo cho những mối quan hệ trong tương lai của chúng ta.

Đáng buồn thay, phần lớn (nếu không nói là tất cả) chúng ta đều gặp sang chấn thời thơ ấu ở mức độ nhẹ hoặc nặng. Mức độ tổn thương do những sang chấn đó gây ra cũng chính là mức độ phức tạp của những vấn đề liên nhân cách sau này của chúng ta. Một trong những vấn đề liên nhân cách phổ biến nhất chính là chứng lo âu xã hội.

Những đứa trẻ chịu tổn thương và bị đối xử tệ sẽ trở thành những người lớn đầy thất vọng, đa nghi hoặc dễ tin, cay đắng, giận dữ, đeo bám, căng thẳng, trơ lì, không cảm xúc (emotionally unavailable) trong những mối quan hệ và tương tác xã hội với người khác. Họ đã được “lập trình” để cảm thấy như vậy qua cách mà người khác đối xử với họ khi họ vẫn còn nhỏ bé, dễ tổn thương, dễ bị tác động và lệ thuộc. Ở thời đó, sự chấp nhận và công nhận là rất quan trọng đối với họ.

Như tôi đã viết trong cuốn “Human Development and Trauma”:

“Những sang chấn tâm lý thuở ấu thơ khiến đứa trẻ trở nên sợ hãi thế giới. Khi mà những mối liên kết đầu tiên và quan trọng nhất cuộc đời của mình bị lung lay, thì bằng một cách rất tự nhiên và dễ hiểu, đứa trẻ sẽ chuyển cảm giác thiếu thốn sự an toàn này lên người khác.”

Những nỗi đau chưa được giải quyết từ những mối quan hệ sơ khởi có thể ám ảnh cả một cuộc đời. Những thương tổn và nỗi đau ấy có thể khiến chúng ta cảm nhận và tin tưởng rằng con người rất nguy hiểm và đáng sợ. Họ sẽ tổn thương, cười nhạo ta, lợi dụng, lạm dụng, trừng phạt ta, ghét bỏ ta, mong muốn ta chết hoặc thậm chí muốn giết ta. Chứng lo âu này có thể được xem như là một dạng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD hoặc C-PTSD) mà yếu tố khởi phát là con người và các tình huống xã hội – vì nó đã từng là nguồn gây đau khổ to lớn ở thời thơ ấu.


Lời kết

Hầu hết mọi người, hoặc thậm chí có thể là tất cả mọi người, đều có những triệu chứng của chứng lo âu xã hội. Với một số người thì triệu chứng nặng nề hơn, như cô lập hay hoảng loạn, trong khi với những người khác thì có vẻ bình thường như sợ nói trước đám đông hay cảm thấy căng thẳng khi nói chuyện với người khác. Và mặc dù một số triệu chứng có vẻ như là “bình thường”, thì nó cũng có thể khiến cuộc sống của một người trở nên khó khăn hơn vì phần lớn những việc ta làm trong đời đều có liên quan đến con người.

Quản lý chứng lo âu xã hội có thể tiêu hao rất nhiều năng lượng và khiến ta cảm thấy kiệt quệ. Đó là lý do một số người mang chứng này cũng phải đối mặt với trầm cảm. Sống cùng với nó có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, nhưng bạn hoàn toàn có khả năng kiểm soát được nó và học được cách giải quyết nó tốt hơn.


[A Crazy Mind là một tổ chức cộng đồng hợp tác với YBOX - Kênh Thông Tin Chất Lượng Cao Của Giới Trẻ & Sinh Viên Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng. Với sứ mệnh này, chúng tôi cung cấp cho bạn đọc những đa dạng chủ đề về tâm lý học giúp cho việc nhận thức về sức khỏe tinh thần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết]
Dịch: Lyo

Nguồn: psychcentral.com

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,167 lượt xem