Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Truyền Cảm Hứng] Sao Em Đi Làm Sớm Thế?

Mình bắt đầu công việc đầu tiên ở một tổ chức phi lợi nhuận vào năm mình vừa hoàn thành xong kỳ thi tuyển sinh lớp 10, lúc đó mình chỉ mới 15 tuổi.


Năm 15 tuổi, mình bắt đầu ứng tuyển thành viên cho một tổ chức phi lợi nhuận nọ. Lúc đó trong dàn đơn ứng tuyển chỉ có mình là nhỏ tuổi nhất. Không có kinh nghiệm, không có kỹ năng, giấy chứng nhận và bằng cấp càng không có. Mình chỉ ngây thơ tới hỏi thẳng anh Founder ở đó là em có thể xin phỏng vấn với anh 5 phút được không, em rất muốn được làm việc chung với mọi người.

Anh Founder còn khá trẻ, anh hỏi mình khoảng 5 câu hỏi. Những câu hỏi khá quen thuộc như:

"Em thấy điểm yếu / điểm mạnh của mình là gì?"

" Em có hay đọc sách không? Và em thường đọc những quyển sách gì?"

"Em định nghĩa như thế nào là một người lãnh đạo tốt?"

"Em có những kỹ năng gì phù hợp với vị trí này?"

Lúc đó mình chẳng chuẩn bị được gì trước cả, trả lời lần lượt các câu hỏi một cách ngây thơ và chân thật nhất có thể.

Sau khi mình đã trả lời xong, anh bảo thôi em cứ về đi, anh sẽ gửi email báo kết quả ứng tuyển cho em.

Đó là email đầu tiên mình nhận được và anh Founder đó là người đầu tiên gửi email cho mình. Mình trằn trọc mãi không ngủ được, máy tính bật xuyên đêm bấm refresh hộp thư liên tục chỉ để chờ duy nhất một cái email.

Email đó đến bây giờ mình vẫn giữ. Đó là một email báo rớt, một kết quả buồn nhưng nội dung email còn hơn cả thế. Đó là một bài học về lòng tử tế và sự phù hợp mà mình mang theo mãi suốt 3 năm, cho đến khi mình bước đến vị trí Co - Founder của dự án mình đang làm hiện tại.

Đây là nội dung của email đó, được chính anh Founder đó soạn nội dung, không hề theo khuôn mẫu, không copy paste mà là những lời viết chân thành của một người anh gửi một đứa em gái:

"Gửi Chi,

Anh là ..., đại diện bên ... hôm qua có nói chuyện trực tiếp với em.

Anh rất vui khi thấy em chủ động liên hệ bày tỏ mong muốn tham gia với team bọn anh, cũng như trình bày việc buổi chia sẻ hôm qua đã truyền cảm hứng và mang lại giá trị cho em như thế nào - đó là tất cả những gì bọn anh mong muốn.

Anh biết Chi đã phải thu nhặt dũng khí để đến gặp anh chị cũng như gửi riêng cho anh tin nhắn như thế nào, vì lúc mới bắt đầu ai cũng như vậy cả. Và anh hoàn toàn hi vọng em sẽ ngày càng mạnh dạn và tự tin chủ động hơn như vậy. Lý do anh chưa trả lời sớm vì thực sự anh khá khó xử: anh rất thích những người mạnh dạn, nhưng thực tế vẫn là cả team anh đã quá đủ người rồi và các bạn đã đi vào guồng hoạt động khá tốt rồi. Lần tuyển này thật sự trong team có nhiều bạn cũng chưa có nhiều kinh nghiệm nên bọn anh vừa làm vừa hướng dẫn, nên nếu nhận thêm một người sẽ thức sự khó cho bọn anh. Anh hi vọng em hiểu, cũng như không bị nản chí trong những lần cố gắng tiếp theo.

Đôi khi không phải do mình, mà là do bên tuyển dụng họ thật sự không có nhu cầu nữa. Nên em cứ thử và cứ nộp đơn cho nhiều chương trình, đến một lúc nào đó khi em không còn sợ bị từ chối nữa (vẫn theo hướng tích cực là mình có thể cải thiện bản thân), là em đã đạt đến một "cảnh giới" nhất định.

Em còn nhỏ, vẫn còn rất nhiều cơ hội để thử và mắc sai lầm, hãy cứ mắc sai lầm nhiều nhất có thể, và sau mỗi sai lầm đó lại tự hỏi bản thân mình có thể làm gì để lần sau tốt hơn."

Cho đến 3 năm sau, mình mới có thể hiểu được nội dung lá thư này một cách trọn vẹn, sau một khoảng thời gian dài trải nghiệm những việc nằm khỏi vòng tròn an toàn của mình, cho đến thời điểm này mình mới nhận thấy được những lợi ích của việc mắc rất nhiều sai lầm khi tuổi đời còn quá trẻ.

Những lợi ích mà mình có được khi mắc quá nhiều sai lầm khi còn trẻ:

--------------------------------------------------------------------
1. Mình đã đạt đến "cảnh giới nhất định" của sự từ chối. Sau khi rớt đơn của hơn 10 tổ chức và rớt vòng phỏng vấn hơn 5 lần.

Mình chẳng còn sợ bị người khác từ chối nữa, vì mình biết lý do đằng sau của lời từ chối đó chỉ là sự không phù hợp. Hai bên hợp tác với nhau đều không có lợi, vậy thì tiếp tục níu kéo nhau làm gì trong khi có cả hàng ngàn cơ hội khác "vừa vặn" hơn với năng lực của bạn.

Quan trọng là luôn biết mình đang có trong tay những gì rồi tìm cách đưa những gì mình có trong tay cho những người phù hợp.

Mà nếu không có gì trong tay, thì cũng cứ ra ngoài đó thu thập cho mình thật nhiều thất bại. Thất bại cũng là một loại kinh nghiệm, chỉ là nó khiến cho bạn cảm thấy xuống tinh thần hơn thôi. Sử dụng thất bại của mình là bàn đạp cho tất cả thành công sau này là một việc không ai nghĩ tới, cũng không ai dám làm. Nhưng mình thấy nó thật sự hiệu quả, ít nhất là đối với mình.

--------------------------------------------------------------------
2. Mình không sợ khi phải làm việc với những người lớn hơn mình rất nhiều tuổi.

Từ đối tác, khách hàng đến sếp của mình lớn hơn mình ít nhất là 10 tuổi. Mình có cảm thấy ngại khi trao đổi công việc với họ không?

Không, mình có thể đủ tự tin vào những kỹ năng mình đang có có thể giúp ích được những gì cho họ. Những công việc tưởng chừng như nhỏ bé nhưng trong một mắt xích lớn, hóa ra lại quan trọng hơn mình tưởng.

Vậy nên khi đi làm, mình là một người có thể sử dụng được, cho dù mình đang trong độ tuổi bao nhiêu hay đang thiếu những kỹ năng gì. Cho mình một vị trí trong bất kỳ doanh nghiệp nào và mình cũng có thể tồn tại được.

--------------------------------------------------------------------
3. Mình hiểu được như thế nào là sự tử tế trong công việc.


Không cần phải thảo mai hay giúp đỡ người khác mới là thể hiện sự tử tế.

Trong một môi trường mang tính chất cạnh tranh và căng thẳng, không làm hại ai khác đã là sự tử tế, không nói xấu đồng nghiệp đã là sự tử tế, cố gắng làm tốt phần việc của mình để hệ thống được vận hành trơn tru đã là biểu hiện của một sự tử tế rồi.

Cứ làm bản thân mình tốt lên, tự nhiên bạn sẽ giúp được những người xung quanh mình tốt lên. Không cần phải cố gắng rao giảng đạo đức cho ai cả, mọi người nhìn bạn là có thể tự hiểu được mình nên đối xử như thế nào với bạn.

--------------------------------------------------------------------
4. Mình buộc phải có những suy nghĩ trưởng thành và có tác phong làm việc chuyên nghiệp.

Công việc không phải là sân chơi của những đứa trẻ con. Cảm xúc có thể cần để bắt nguồn cho một ngày làm việc hứng khởi, nhưng tư duy cầu tiến sẽ khiến bạn đi xa hơn, deadline sẽ khiến bạn quản lý thời gian của mình tốt hơn và task được phân chia ra để bạn có thể giải quyết từng cái một mà không bị ngợp trước một đống công việc.

Không cần biết ngày hôm nay của bạn như thế nào, quá khứ của bạn là ai. Đối tác chỉ quan tâm bạn có thể cung cấp được gì cho họ, khách hàng chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà bạn đưa ra và sếp chỉ kiểm tra công việc chứ không phải tình trạng quan hệ của bạn.

Muốn đi một quãng đường vui hơn thì có thể vừa đi vừa dùng cảm xúc, nhưng muốn đi xa hơn thì cần rất nhiều lý trí và tính toán chi li.

Sau này khi đã sử dụng quá nhiều nơron thần kinh cảm xúc trong công việc, mình mới nhận ra được giá trị thật sự của tính kỷ luật và kỹ năng phân tích tình huống trong mọi vấn đề mình gặp phải. Cảm xúc giúp bạn hiểu được vấn đề cốt lõi, trong khi tư duy của bạn giúp bạn tìm ra hướng giải quyết đúng đắn và phù hợp.

 

-------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Nguyễn Mỹ Chi

Tác giả blog Nguyễn Mỹ Chi's Inspiration Blog 

 

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

221 lượt xem