Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Kỹ Năng] Cách Làm CV Ứng Tuyển - CV Và Những Bí Ẩn Nguy Hiểm

Thật ra cũng không có gì nguy hiểm đâu, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao không nên ngừng nâng cấp CV, tại sao không nên để ảnh trên CV, tại sao nên và không nên ghi một số nội dung trong CV.

—————–

Sau khi tốt nghiệp Mik có với tham gia một chương trình đào tạo 3 ngày tại thành phố Bonn (ở Đức) về viết CV và ứng tuyển việc làm.

Trước đây, tôi cũng đã có không ít kinh nghiệm với việc xử lí các hồ sơ này và tôi nghĩ mình đã chuyên gia lắm rồi. Nhớ công việc đầu tiên, khi giám đốc nhân sự vỗ vai Mik và nói: ”Anh phải đọc vô số hồ sơ, rồi phỏng vấn hơn 50 người mới chọn được hai đứa em (một bạn khác và Mik), vậy em cố gắng làm việc để chứng minh mình nhé!’‘. Rồi sau này, tôi cũng thành công khi xin các học bổng 100% đi Nhật, rồi đi Đức. Có một học bổng cũng nói tương tự như anh giám đốc: ”Bạn là người được chọn trong 1.900 hồ sơ gửi tới chúng tôi, xin chúc mừng!’‘. Tuy không rõ có bao nhiêu hồ sơ trúng tuyển, nhưng tôi cũng hoan hỉ về sự nổi bật trong hàng ngàn hồ sơ của mình lắm chứ. Hẳn là mình cũng ngầu lắm, không phải dạng vừa đâu, hí hí.

Thế mà, khi tham gia khóa đào tạo tại Bonn, tôi đã tụt xuống vực. Ở đây, Mik vẫn bị các chuyên gia chỉ ra bao nhiêu lỗi sai cần cải thiện. Không chỉ từ chuyên gia, tôi cũng tận mắt chứng kiến các bạn bè quốc tế ”show hàng” những bản CV đầy thành tích từ chuyên môn sâu, ba bốn ngoại ngữ trình độ B, C; đến kinh nghiệm dày dạn ở các tổ chức lớn (dù họ chỉ tầm tuổi mình). Nhìn lại cái CV của mình thấy nó thật ‘cùi bắp’. Rồi khi họ trả lời phỏng vấn trong các buổi rèn luyện, Mik mới nhận thấy mình còn tệ hơn mình nghĩ mình tệ! Họ có chuyên môn tốt, sự tự tin, thần thái chuyên nghiệp, nhưng vẫn thể hiện sự chân thành khi phỏng vấn. Nhất là khi có một bạn Mông Cổ đứng lên thuyết trình, dù chỉ bất chợt mang tính tự phát, nhưng sự thể hiện về hiểu biết và tình yêu đất nước của bạn ấy đánh bại người nghe luôn. Tóm lại 3 ngày căng thẳng này khiến tôi choáng váng và về tự xem lại bản thân quá! Sau hôm đó tôi phải bỏ ngay tính tự ảo tưởng, đặc biệt nhớ là không bao giờ ngừng nâng cấp CV. Dù mình là ai, đã có thành tích gì, thì cũng không được ỷ lại, phải cố gắng tham gia các hoạt động, các khóa học liên tục vào (từ giờ đến già luôn)! CV của mình không tốt như mình nghĩ đâu!

Trong lúc Mik ôn lại những kiến thức này, có lẽ nên chia sẻ với các bạn một chút nhỉ. Để ai không cần tới Đức vẫn có được một vài bí kíp chứ. Tất nhiên tôi không đưa toàn bộ chương trình 3 ngày ấy, vì nó rất dài và nhiều phần không ứng dụng được với số đông. Dưới đây là các lưu ý về việc làm hồ sơ CV xin việc.

CV và những điều bí ẩn 

Nguyên tắc hàng đầu của CV là bạn có nội dung gì để viết, hay còn là câu trả lời cho ‘Bạn có thể có tiềm năng tạo ra giá trị gì cho công ty mới?’. Đây là điều cơ bản nhưng hài hước là mọi người hầu hết bỏ qua nó, vì ai cũng chăm chăm ghi lại toàn bộ ‘nhật ký lịch trình’ của bản thân, thay vì ghi những thứ ‘đáng giá’. Thứ đáng giá ở đây là những nội dung mà nhà tuyển dụng thực sự muốn biết. Nếu bạn đang hỏi rằng ‘họ muốn biết gì vậy’, thì bạn có thể bắt đầu với việc tìm hiểu họ. Tìm hiểu thế nào thì hãy tham khảo cách làm hồ sơ du học nhé.


Cụ thể, một CV cần những gì?

Nội dung cơ bản: Tất nhiên bạn sẽ tìm thấy rất nhiều hướng dẫn làm CV cơ bản từ nhiều nguồn. Vậy nên tôi sẽ bỏ qua phần này để đi tới những điều chưa ai đề cập.

Chuyên nghiệp: Một CV tốt phải thể hiện được ‘chủ nhân của CV là ai‘ một cách chuyên nghiệp. Chữ quan trọng nhất ở đây là chữ chuyên nghiệp. Vì vậy, có thể bạn phải tra cứu thật kỹ về cách trình bày câu chữ, ngôn từ thể hiện tính chất này đấy nhé, ví dụ sai chính tả là thiếu chuyên nghiệp chẳng hạn. Một bí kíp cho những ai muốn nộp đơn cho những công ty yêu cầu tiếng Anh là nên sử dụng thì quá khứ khi viết.

Ảnh: Theo lời khuyên của các chuyên gia thì đừng cho ảnh nếu không có yêu cầu. Ảnh thực sự khiến người đọc bị phân tâm khỏi nội dung. Vì nhà tuyển dụng cũng là con người, sẽ bị thiện cảm hay ác cảm ảnh hưởng trước khi lướt đến phần chính của CV. Nhất là nếu bạn có khuôn mặt bẩm sinh thuộc nhóm: mặt trẻ thơ, mặt ngầu, mặt nhăn nhó, mặt hài hước, mặt khó gần… thì đều ảnh hưởng cả.

Từ khóa: Nếu bạn nào đang có âm mưu tiến vào các tổ chức lớn, thì nên để ý thứ quan trọng nhất, đó là từ khóa trong mô tả công việc. Bởi một yếu tố quan trọng là các công ty này đang sử dụng máy quét để tìm đọc hàng ngàn hồ sơ gửi về một lúc. Máy đọc theo từ khóa để kết nối với mức độ phù hợp của mô tả công việc. Vì vậy đừng viết mấy từ lãng mạn bay bổng, mà phải đọc thật kỹ mô tả vị trí làm và xem những gì hay được nhắc lại nhiều nhất.

Người tham chiếu: là người đã từng làm việc với bạn, nhất là ở vị trí quản lí hoặc giáo sư hướng dẫn cho bạn. Trong một số trường hợp, đây được gọi là người hướng dẫn, mà ngôn ngữ đời thường chúng ta vẫn hay gọi là ‘sư phụ’.  Hãy đặt tên và thông tin liên hệ của họ trong CV, dù rất ít khi nhà tuyển dụng sẽ liên hệ. Nhưng sự xác nhận của người tham chiếu sẽ tăng sự đáng tin.

Phong cách viết: Hãy chọn phong cách thể hiện CV sao cho hợp với phong cách của công ty mà bạn muốn xin vào. Ví dụ công ty Siemens của Đức nổi tiếng chỉn chu, toàn diện; còn Starbuck lại thiên về sáng tạo. Các công ty bạn xem cũng có những phong cách trình bày khác nhau, thể hiện nhất là qua website của họ. Còn đợi gì mà không kiểm tra thật kỹ trên đó nhỉ?

Số hóa: Thay vì dài dòng, hãy trình bày các con số. Chúng biết nói còn nhiều hơn ngôn từ của chúng ta. Nhà tuyển dụng sẽ hài lòng nếu bạn nói bạn đã làm được 100 dự án, mang lại doanh thu 10 tỉ cho công ty cũ, hoặc tổ chức được 600 sự kiện ở tầm cỡ 10 triệu người tham dự. Đây mới được gọi là nói có sách mách có chứng chứ. Mà nhớ đảm bảo chúng đạt 2 tiêu chí: chính xác và rõ ràng, tốt nhất có link đi kèm để kiểm chứng được.

Phỏng vấn: Cần tự làm sẵn bảng 1 tỉ câu hỏi tiềm năng, và luyện tập trả lời trước ở nhà. Nhất là với những câu thường được hỏi như: Bạn mong bản thân sẽ thế nào trong 5 năm tới? (Gợi ý trả lời: tham khảo tầm nhìn của công ty mà bạn đang xin vào để kết nối với câu trả lời của mình)

Kỹ năng quản lý thời gian: Tôi đã từng được nhà tuyển dụng phỏng vấn một câu thế này: ‘Em hiểu thế nào là kỹ năng quản lý thời gian?’. Nếu bạn đã đọc và thực hành theo các bài trên Flownes về PomodoroETS và Giờ Mở Cửa, thì bạn đã có một phần lợi thế trong mảng Kỹ năng quản lý thời gian để ghi vào CV rồi đấy.

Chú ý: Nếu đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, thì việc liệt kê cả lúc thực tập sẽ gây dài lòng không cần thiết, ít nhất cũng chỉ lấy từ vị trí trợ lí. Ngoài ra, việc ghi sở thích cá nhân sẽ được ghi nhận, nhưng đừng lạm dụng để ghi một vài sở thích ‘quá ấn tượng’, kiểu như thích hát dân ca khi tắm, nó có thể không trở nên cá tính mà còn gây phản cảm.

Bonus cho ai đang ở Đức: (1) Ngoài LinkedIn, bạn nên sử dụng xing.com. (2) Để chuẩn bị sẵn cho câu hỏi lương lậu, bạn có thể tham khảo trang glassdoor.com (Đây là bí kíp của hội thảo thôi chứ Mik cũng chưa dùng thử ahihihi)

Đừng quên theo dõi trang Facebook của Mik để thi thoảng cập nhật các thông tin nữa

————————–

Ừ hứ, và có thể bạn đã trúng tuyển vào công ty mới rồi! Vậy bước tiếp theo là làm gì?

Hãy tham khảo bộ phim về một thực tập sinh 70 tuổi ở một công ty khởi nghiệp trẻ. Học cách thực tập sinh này chuyên nghiệp ra sao khi làm việc từ quần áo, dụng cụ làm việc, sự đúng giờ đến thái độ học hỏi. Học cách tận tụy và quan tâm của một người tới đồng nghiệp và công ty, bất chấp họ ở vị trí thực tập nhỏ bé hay ở vị trí già cả lão làng. Học cách trở nên nổi bật và hữu ích trong công việc, nhưng cũng hòa đồng với các nhân viên khác. Tất tần tật cái cần học hãy xem ở đây nhé:

 

p/s: trong phim có câu hỏi của CEO là thực tập sinh ở cấp 3 hay đại học.

Ở Việt Nam chúng ta không thấy học sinh cấp 3 đi thực tập. Nhưng ở nước khác, cụ thể là Đức, các bạn ấy rất năng động ở tuổi này và các công ty cũng vô cùng chào đón. Ở công ty chồng tôi, bạn thực tập sinh nhỏ tuổi này phải viết nghiên cứu và tiếp cận tất cả các phòng ban. Các nhân viên cũng phải hợp tác hết sức chuyên nghiệp với bạn ấy như đồng nghiệp. Hỗ trợ thế hệ sau gần như là trách nhiệm của mọi người rồi, nên chỉ cần bạn trẻ có tâm thì có tất.

Nếu bạn mới chỉ 17-18 tuổi, nhưng muốn bản thân có chất lượng làm việc cao, có thể cân nhắc xin thực tập càng sớm càng tốt (dù không dễ tìm ở Việt Nam). Cũng như ý nghĩa của bộ phim trên: đừng để hạn chế bởi tuổi tác

------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Mik Flow

Blogger tại Mik Flow

Xem thêm nhiều bài viết khác của tác giả tại trang Flownes

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

174 lượt xem