Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Du Lịch] Bali Không Xa Như Bạn Nghĩ

Trước khi đi Bali, mình đã nghĩ nơi này xa xỉ và xô bồ. Đi rồi mới biết, Bali thật sự rất dễ thương với văn hóa bản địa đậm đà, cảnh sắc thiên nhiên đa dạng và môi trường cởi mở cho người nước ngoài vượt trội so với phần còn lại của Indonesia. Bài viết này của mình sẽ ghi lại lịch trình và chi phí ở Bali của mình, mong rằng bạn sẽ tận hưởng Bali như mình đã từng nhé!

Kiến trúc đặc trưng Hindu với tượng thần Ganesha. Tại Ulun Danu Beratan, Bedugul, Bali

Tỉ giá: VND = IDR x 1,75 (xấp xỉ)

Kiên tốt nghiệp Học viện Ngoại giao, cũng là Darmasiswa năm 2017 – 2018 như mình, đang học ở Universitas Gadjah Mada (UGM), trường đối thủ của UI đấy haha. Kiên là bạn đồng hành của mình ở Yogyakarta, Malang và Bali.

Ngày 1: 27/12 – Di chuyển từ Malang đến Bali

Sáng hôm ấy mình đi leo núi lửa Bromo về xong (sẽ review ở một bài khác), ăn uống nghỉ ngơi một lúc rồi pack đồ tạm biệt bạn host ở Malang thân thiện đáng yêu nhất quả đất, thẳng hướng tới Terminal Arjosari. Nói thêm một chút, trước khi bắt đầu hành trình kéo dài 3 tuần của mình, mình đã hỏi đi hỏi lại các thầy và các bạn ở Malang để biết chắc rằng có thể đi xe bus từ Malang đến Bali. Là thế này, Malang ở phía Đông đảo Jawa, Bali lại là một đảo nhỏ khác tách biệt hoàn toàn. Tức là từ Malang qua Bali mình phải băng qua đại dương, lúc đầu không hiểu xe sẽ đi kiểu gì, đi rồi mới thấy… vi diệu cực kỳ hehe.

Loại xe mình chọn là Pahala Kencana, là loại xe lớn đi đường dài (nhưng không có giường nằm) và cả toilet bên trong. Xe bắt đầu lăn bánh khoảng 4 rưỡi chiều, đến Terminal Mengwi ở Denpasar, Bali là khoảng 7 rưỡi sáng hôm sau (giờ Bali nhanh hơn giờ Jakarta 1 tiếng). Vé có giá 220k, đã bao gồm 1 phần ăn nhẹ (snack) gồm bánh và nước + 1 bữa ăn tối dạng buffet cũng gọi là ăn được nhưng tầm 10h tối mới được ăn, đói meo meo. Điểm đặc biệt của xe này là check code trên vé rồi mới được vào ăn, cũng hiện đại phết. Thắc mắc ban đầu của mình về việc xe làm thế nào để đi từ đảo này qua đảo khác cũng được lý giải ngoạn mục bằng việc xe lên một chiếc phà và cứ thế đi qua biển thôi. Thời gian trên phà cũng không quá lâu, tầm nửa tiếng, mọi người có thể ra ngoài xe, lên boong ngắm trăng rất lãng mạn.

Chào mừng đến Bali

Ghi chú:

  • Vé của mình mua là thời điểm người Indo đang được nghỉ lễ Noel và năm mới nên đắt hơn bình thường. Như ngày thường vé có giá 160k IDR thôi.
  • Từ Jakarta, bạn có thể đặt vé máy bay tới Bali, sân bay Ngurah Rai. Giá vé khoảng chừng 500k IDR/chiều.

Ngày 2: 28/12 – Đặt chân đến Bali, thưởng thức món ăn Hawaii và thử cà phê Việt, ngắm hoàng hôn ở đền Uluwatu và xem điệu nhảy truyền thống Kecak.

Mình và Kiên đến Bali xong, Kiên về hostel Bedplus của cậu trên Kuta, còn mình về nhà bạn mình (người Indo) trên Uluwatu. Kuta là khu vực trung tâm của Bali, có biển Kuta (tiếng Bali đọc chuẩn là Ku-tờ), khu phố mua sắm Legian (đọc là Lê-ghi-an). Ấn tượng đầu tiên của mình về Bali là:

  • Cực nhiều người nước ngoài, đa phần là châu Âu.
  • Rất nhiều tượng, cổng chào theo kiến trúc Hindu. Tôn giáo chính ở Bali là Hindu.
  • Các món ăn từ thịt lợn (babi) có ở rất nhiều nơi.

Trưa hôm đó, mình về nhà bạn mình, vốn là một căn hộ chung cư ở Uluwatu. Bạn mình là co-founder của quán cà phê kiêm nhà hàng có tên He’enalu theo phong cách Hawaii. Trong tiếng Hawaii, He’enalu nghĩa là “surf”, quán của bạn mình hướng đến đối tượng khách nước ngoài, đến đây để lướt sóng. Ở đây, mình đã được thử món Poke Bowl và cà phê Việt Nam. Bạn mình mong mình đến để người Việt Nam đầu tiên này cho một lời nhận xét xem có giống cà phê Việt Nam chân chính hay không :D.

Poke Bowl là món ăn đậm vị biển khơi với cá tươi, ngô ngọt, bơ, cà rốt thái sợi, dưa chuột cắt lát, bắp cải tím, vừng đen và trắng.
Bali cà phê sữa đá
He’enalu đã vươn lên thành quán #1 ở Uluwatu theo đánh giá từ TripAdvisor

Ăn uống no say xong, bạn mình đưa mình ra đền Uluwatu. Đây là một trong năm địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Bali. Có một điều mình thấy khá lạ ở đây và các ngôi đền Hindu khác ở Bali là không được vào bên trong khu vực thờ cúng. 

Nếu như các ngôi chùa Phật giáo bạn có thể vào thắp nhang khấn vái tự do thì các ngôi đền Hindu lại không cho phép bạn làm điều tương tự nếu tôn giáo của bạn không tương thích. Khi mới bước vào đền, bạn hãy thật chú ý kính mắt, túi xách và đồ ăn (nếu đang cầm) vì khỉ ở đây rất đông và hung hãn đấy ;). Đến ngôi đền này, chắc chẳng ai kìm lòng nổi mà chụp một bức ảnh vịnh biển với ba màu xanh: xanh biển, xanh mây, xanh cây đẹp như một vịnh nào đó ở trời Âu. Có thể bạn chưa biết, ngày xưa những bậc vua chúa ở Bali thường lệnh cho xây đền ở những nơi có vị trí cao, trông ra đại dương. Thế nên bậc con cháu bây giờ mới có thể thưởng ngoạn cảnh tượng tráng lệ đến thế ở ngôi đền Uluwatu này.

Sóng ở Bali rất rất mạnh
Đền thiêng luôn được xây dựng ở nơi có vị trí cao hướng ra biển

Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc điệu nhảy Kecak Dance được bắt đầu. Xem Kecak Dance lọt vào danh sách những việc nhất định phải làm khi bạn đến Bali. Người Bali tin rằng sự kết hợp hoàn hảo nhất cho việc xem Kecak Dance phải là tại ngôi đền Uluwatu nhìn ra đại dương xanh thẳm và khi mặt trời đỏ rực từ từ lặn xuống biển như hòn lửa. Toàn bộ vũ công tham gia Kecak Dance đều là nam giới. Kecak Dance mô phỏng cuộc đời và câu chuyện của vua Rama, xen lẫn với các nhân vật hư cấu, ví dụ như chú khỉ trắng. Người dẫn chuyện thuyết minh bằng cả tiếng Indonesia, tiếng Anh lẫn tiếng Nhật. Khán giả được phát tài liệu để biết rằng hiện tại nội dung của đoạn này đang là gì. Vé xem Kecak Dance không rẻ, màn biểu diễn lại kéo dài chỉ chừng 1 giờ đồng hồ, nhưng điệu nhảy này vẫn là một trong những điểm khiến mình yêu nhất ở văn hóa Hindu đặc trưng của Bali.

Người Indo nói chung trước khi làm gì cũng đều cầu nguyện
Châm lửa để mong màn trình diễn được thuận lợi
Hoàng hôn dần buông
Khách tham quan đến kín đặc

Màn mở đầu của Kecak Dance, bạn có thể thấy toàn là nam giới

Bạn sẽ chẳng hề tiếc khi xem Kecak Dance đâu

Xem xong buổi biểu diễn, bạn mình quay sang cảm ơn mình. Bạn bảo, nếu không có mình, bạn sẽ chẳng bao giờ đến đền Uluwatu để xem Kecak Dance đâu, mặc dù đền chẳng ở cách bạn xa lắm, bạn lại đến đây rồi. Nghịch lý này xem chừng phổ biến nhỉ, khi chúng ta mải miết tìm vẻ đẹp và sự thú vị ở tận đẩu tận đâu, trong khi những điều ngay gần lại chẳng mấy bận tâm.

Kế đó, bạn mình đưa mình đi ăn ở nhà hàng Việt Nam (được mệnh danh là) ngon nhất Bali. Bạn mình gọi bánh mì, mình ăn bún bò xào, 2 đứa thêm một phần nem cuốn và 2 chai Bintang. Vì sao lại là bún bò xào? Mình mong mỏi lắm lắm được ăn sợi bún tươi sau 4 tháng ròng rã không được ăn. Thế nhưng cuối cùng trước mắt mình lại là sợi bún khô không khốc, buồn hẳn.

Ghi chú:

  • Giá vào đền Uluwatu: 20k IDR/người Indo, 30k IDR/người nước ngoài. Vé xem Kecak Dance: 100k.
  • Kiên ở hostel tên là Bedplus, giá ngày thường khoảng 80k IDR nhưng đợt đó là năm mới nên tăng lên khoảng 100k IDR.

Ngày 3: 29/12 –  Linh thiêng Tanah Lot

Sáng ngày thứ 3, bạn mình quay trở lại với việc điều hành nhà hàng vì không thể nghỉ nhiều hơn 1 ngày. Vậy là như giao hẹn từ trước, mình sẽ đi chơi với Kiên. Chúng mình thuê xe máy để đi chơi. Gặp Kiên rồi, hai đứa té đi ăn ngay thịt lợn cho bõ cơn nhung nhớ. Babi guling là một trong những món ăn nổi tiếng nhất Bali, kiểu như lợn quay nguyên con đó mà. Một đĩa như vậy gồm nhiều bộ phận của con lợn và cách chế biến có đôi chút khác nhau nên ăn không cảm thấy ngán.

Phải sống ở Indo thì mới hiểu cảm giác thèm thịt lợn như thế nào
Những cửa hiệu thế này khá phổ biến ở Bali, phần còn lại của Indo thì không.

Việc đầu tiên 2 đứa thống nhất làm đó là … ra bến xe mua vé, đứa mua vé về Yogyakarta, đứa về Jakarta.

img_0238

Mua vé xong cũng tầm trưa, hai đứa lao đến đền Tanah Lot. Đây cũng là đền rất nổi tiếng ở Bali, nếu như Uluwatu chỉ là một – trong – những – điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Bali thì ngôi vị cao nhất chính là đền Tanah Lot. Thường người ta đến đây vào hai thời điểm chính trong ngày: khi bình minh và lúc hoàng hôn buông. Thế nhưng, nếu bạn đến đây khi mặt trời mọc, thủy triều dâng khiến bạn không thể ra những hòn đá ngoài khơi xa được. Kể cả vào buổi chiều tà, hãy cẩn thận khi đứng chụp ảnh ở khu vực ngoài xa nhé, vì rất có thể sóng biển cực mạnh ở Bali sẽ chồm đến làm bạn ướt nhèm nhẹp luôn đó.

Đền thiêng được xây dựng trên một mỏm đá ngoài biển, nhưng chỉ có người theo đạo Hindu mới được ra ngoài đó
Nơi mình đứng buổi sáng sẽ bị thủy triều nhấn chìm

Không may mắn lắm nên hoàng hôn hôm đó không được tráng lệ như mình nghĩ
img_0235
Người Bali tin rằng những chú rắn thần trong hang này sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ cho đời sống của họ. Tuy nhiên, rắn thần không dễ thấy và chỉ thỉnh thoảng mới bò ra để ăn đồ được người dân cúng nạp.
img_0237
Đặt tiền vào xem rắn em ei 😀
img_0246
Tượng Phật được bán trong khu vực đền Tanah Lot

img_0245

img_0247
Và tất nhiên không thể thiếu tượng các vị thần của Hindu giáo

img_0243

img_0240
Kiên mua trym về làm quà, mình không mua giờ nghĩ lại hơi tiếc 😀
Hoa cúng phổ biến mọi nơi ở Bali
Hoặc là thế này
Một gia đình Ấn Độ trả tiền để được rờ thử con trăn
Chiếc “thuyền bay” ?? 😀 ?? Kiên thích lắm, mua luôn xong bị rơi dọc đường

Ghi chú:

  • Vé vào đền Tanah Lot: 20k IDR (vì mình chém tiếng Indo)
  • Một suất babi guling có giá 35k
  • Vé xe khách của mình từ Bali về Jakarta là 480k IDR, đắt như đi máy bay vào ngày thường vậy
  • Bọn mình thuê xe máy 50k/ngày, miễn phí giao nhận xe ở Kuta.

Ngày 4: 30/12 – Ngây ngất thiên nhiên Bali

Đây là ngày mà mình và Kiên cảm thấy sung sướng nhất vì quá thích thú trước sự giàu có của thiên nhiên Bali. Cứ ngỡ Bali chỉ có biển, nhưng thực ra Bali có tất cả mọi thứ.

Khu vực chúng mình đi có tên Bedugul, cách trung tâm Bali khoảng chừng 40km. Đến đây, bạn hãy chuẩn bị thêm một chiếc áo jacket để khỏi bị rét run như mình nhé, Bedugul khá cao nên hơi rét một chút đó.

Điểm đầu tiên chúng mình đến là Ulun Danu Beratan. Danu có nghĩa là “hồ”, hồ Ulun này được coi như biểu tượng của Bali, giống như hòn trống mái là biểu tượng du lịch vịnh Hạ Long vậy. Đặc biệt hơn cả, Ulun Danu xuất hiện trên tờ tiền 50k IDR của Indonesia, đủ hiểu ý nghĩa của ngôi đền Hindu này trong đời sống của người dân Bali nói riêng và Indonesia nói chung.

Kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch nhưng người Bali vẫn giữ vững bản sắc văn hóa truyền thống: mặc đồ truyền thống và đi lễ ở đề Hindu, từ những bà già…
… các em bé gái
… các cậu bé trai
… rồi cả các ông già. Ai nấy đều tham gia đi lễ ở đền Hindu (pura)

Kế đến, chúng mình ghé Gapura Bali. Gapura có nghĩa là “cổng”. Ở đây, bạn thỏa sức chụp choẹt để có những bức ảnh như đang ở cổng trời với trời mây bồng bềnh phía sau.

“Anh có muốn đi Bali cùng em không?”
Cổng trời Bali

Bọn mình cũng ghé cả thác nước Banyumala, hay còn gọi là thác Song Sinh. Bạn sẽ phải chạy xe vượt qua con đường xóc long sòng sọc, gửi xe rồi đi bộ thêm khoảng chừng hơn 1km nữa mới thấy thác nước này. Sẽ tốt hơn nếu bạn có một đôi sandal đủ cứng cáp hoặc đôi giày thể thao chuyên dụng trèo đèo lội suối.

“Into the wild”
img_0358
Trên đường đến thác thấy các em bé cẩm tú cầu xinh quá là xinh, chẳng nỡ lấy trộm mang về
Đến rồiii
Vẫn có lọng rất Hindu

Cuối cùng, mình và Kiên quay lại biển Kuta nằm chilling ngắm trời mây uống nước dừa đóng hộp.

Ghi chú:

Đây được coi là ngày đi chơi tiết kiệm nhất ở Bali vì hầu như các địa điểm toàn miễn phí. Bọn mình chỉ mất 20k IDR vào đền Ulun Danu, 15k IDR cho thác nước Banyumala. Trên đường đến Bedugul, mình tia thấy một quán Sate Babi (thịt lợn xiên nướng ăn kèm cơm hoặc bánh làm từ gạo) nên bảo Kiên vòng lại. Ăn rồi mới thấy đây là quyết định cực sáng suốt, món sate quá ngon lại rẻ, chỉ có 15k IDR thôi.

Sate babi. Sate (thịt xiên nướng) cực phổ biến ở Indo, nhưng chỉ có sate ayam (xiên gà), và sate kambing (xiên dê) thôi, còn sate babi đi Bali mới thấy.
Bakso babi haha

Ngày 5: 31/12 – Ngày cuối năm đáng nhớ ở Bali với nhiều lần đầu tiên nhất từ trước tới nay

Sáng hôm đó, mình qua chỗ Kiên rồi hai đứa đi biển Seminyak, cách biển Kuta tầm 4km. Thực ra biển Seminyak cũng không quá đặc sắc, lại đang trưng biển cấm tắm vì sóng quá cao. Một điểm đáng lưu ý ở đây là Seminyak thuộc top những khu vực đắt đỏ nhất Bali.

Sate babi ăn ở quán “Dưới Gốc Cây” nổi danh lẫy lừng Bali
Bạn mình khen món trong lá chuối ngon lắm, ăn rồi mới thấy đúng ngon thật

Sau đó, mình và Kiên chia tay nhau, Kiên về lại hostel của cậu, còn mình đi gặp mấy đứa bạn học cùng chương trình ở UI. Gặp nhau ở nơi này kiểu mừng rỡ ấy, mấy đứa gặp ở Beachwalk Mall ngay cạnh biển Kuta, với đủ cửa hàng hiệu xịn xò nhất. Chuyện, ở trái tim của kinh đô du lịch Bali mà lại, chuyên tiếp khách Tây nó phải khác chứ.

Á Âu Mĩ đủ cả

Cả lũ sau đó ra biển Kuta chơi. Wilber (Đài Loan) và June (Hàn Quốc) đã có dự định lướt sóng từ trước nên nai nịt chuẩn bị đồ nghề là quần áo phù hợp lắm rồi.

Wilber (Đài Loan) và June (Hàn Quốc) bạn cùng lớp mình

Joanne (Đài Loan) chưa lướt sóng bao giờ nên cũng rón rén, sau nghe động viên nhiều quá nên quất luôn. Mình lúc đầu chỉ đứng chơi chơi thôi, vì quên cách bơi rồi, nhưng các bạn khích tướng mãi, thế là tặc lưỡi, thôi, ngày cuối năm làm gì đó “tới” luôn đi. Vậy là lướt sóng, cũng coi như là thành công ở lần thử đầu tiên.

Makasih Wilber untuk memfoto aku sangat bagus ya :*

Lướt sóng rõ ràng là trải nghiệm đáng đồng tiền bát gạo ở Bali. Bali đầy rẫy những khóa học surfing chuyên nghiệp với giá đắt xắt ra miếng, nhưng cũng không thiếu những anh chàng da nâu rắn rỏi, nói được chút tiếng Anh mời bạn tập lướt sóng cấp tốc trong vòng 2 tiếng. Tin mình đi, mình học bơi hồi năm 2 Ngoại thương, sau quên sạch mà vẫn sung sướng tận hưởng cảm giác được đứng vững trên chiếc ván, cưỡi lên ngọn sóng trước khi té sấp mặt lắm này!

Tối đó là tối cuối năm, cả lũ gồm mình, Wilber, June và Joanne tìm mãi mới thấy một chỗ ăn tối không quá đắt đỏ, là đồ ăn truyền thống Indonesia cạnh biển Kuta.

Sau đó, cả bọn có một party nho nhỏ ở hostel của các bạn ấy trước khi ra biển đón năm mới.

Ở Indo có một cái khác nhà mình là ai cũng bắn pháo hoa được. Đón năm mới ở bãi biển, ngắm pháo hoa, nghe cực kỳ lý tưởng đúng không nào? Nhưng, sự thực lại không được như vậy. Lúc đầu bạn sẽ thấy cực kỳ thích thú, sau chỉ đọng lại sự sợ hãi vì pháo hoa ở QUÁ gần, nổ QUÁ to và bắn QUÁ thiếu kiểm soát. Thôi thì đứng né ra xa xa bãi biển chút chút, đủ để vẫn nhìn thấy pháo hoa và quay sang nói chúc mừng năm mới với nhau thôi.

Ghi chú: Lướt sóng phê pha 2 tiếng chỉ tốn có 85k IDR. Mình lúc đầu rén nên mãi về sau mới dám thử, thế là lướt được có nửa tiếng trước khi trời sập tối.

Ngày 6: 1/1 – Ubud vẫy gọi

Ngày này thì mình chỉ dành cho việc di chuyển từ Uluwatu qua Ubud thôi. Mình thích Ubud từ lâu, vì những tấm ảnh ruộng bậc thang. Đêm năm mới về nhà muộn, sáng sau cũng chẳng vội đi sớm. Kiên về Yogya rồi, mình đi Ubud cùng bạn mình là người Indo đó. Đến Ubud, mình nằm ngủ chút xong trời lại mưa, thế là hai đứa cũng lười, chỉ đợi ra ngoài ăn tối rồi đi loanh quanh.

img_0600

img_0704img_0705

img_0706

Tối đó đang đi lang thang mấy phố dọc Ubud xem quần áo lại nghe thấy giọng Sài Gòn từ một chị gái nói với mẹ: “Toàn năm trăm dzới một trịu”, thế là biết, à có người Việt Nam rồi này, tám chuyện ngay.

Chiếc váy có tên Saigon vô tình thấy tại một cửa hàng ở Ubud, Bali, xinh lắm mà mỗi tội đắt hông mua được.

Ghi chú: Nơi mình ở tại Ubud có tên Warsa’s Garden Bungalow. Giá đâu đó tầm 150k IDR/đêm/phòng 2 người. Cực kỳ đáng thử. Nếu lần sau quay lại Ubud, mình vẫn muốn ở đây.

Bể bơi nè
Bữa sáng miễn phí
Bữa sáng miễn phí 2

Trước hiên nhà

Ngày 7: 2/1 – Tắm nước thánh theo nghi lễ Hindu

Bukit Campuhan Ubud

Đây là đoạn đường trekking ngập màu xanh. Thực ra mình thấy điểm này không hấp dẫn lắm, đi cũng được mà không đi cũng không sao. Nếu đi, NHẤT ĐỊNH bạn phải đi vào sáng sớm chứ đừng lầy tới tầm gần trưa như mình, mệt muốn chết luôn đó!

Trên đường đi tới Bukit Campuhan

Bạn thấy đấy, ngay cả đời sống hàng ngày người Bali vẫn mặc đồ truyền thống
Mấy chú vịt gỗ ngox nghex ahihi
Rất nghệ, đi chút lại thấy một gallery

Rất nhiều tiệm vẽ trứng gỗ ở đây
Thành quả sẽ thế này

Pura Tirta Empul

Đến đây, trước hết bạn sẽ được phát sa rông để quấn phần chân, kể cả bạn có mặc quần dài đi chăng nữa. Pura Tirta Empul nổi tiếng bởi có bể tắm nước thánh, tương truyền là nước từ trên đỉnh núi xuống, và phải tắm theo thứ tự từ trái sang phải. Theo tín ngưỡng Hindu giáo, nghi lễ này được coi như sự tẩy trần, đem lại sự tinh sạch cho bản thân bạn.

Đồ thờ cúng ở đền
Một góc đền
Một phụ nữ Hindu trẻ tuổi đang dâng lễ
“Hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình”
Thay đồ sang bộ này (với nữ) mới được vào bể tắm
Tắm theo trình tự từ trái sang phải
Cả tắm lẫn gội luôn nhe
Hôm mình đi mưa sấp mặt nên nước lạnh run

Tắm trong bể hoa

Tối đó bọn mình đi ăn ở nhà hàng xếp hạng #1 trên TripAdvisor. Ngon thì ngon thật, nhưng giá cũng chát lắm :D.

Đâu đó tầm 130k IDR cho “mẹt” này, kèm nước

Ghi chú: Vé vào khu vực bể tắm: 15k. Giá thuê đồ tắm: 10k

Ngày 8: 3/1 – Về lại nơi bắt đầu

Từ Bali, mình đi xe khách quay trở lại Jakarta với tổng thời gian vào khoảng 33 tiếng, dài như hành trình Bắc Nam từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh.

Bữa ăn cuối cùng ở Bali, ăn trước Terminal Mengwi
Chào anh nhé, em về :-h

Bali là điểm cuối trong chuyến đi kéo dài 3 tuần tới Bandung, Semarang, Yogyakarta, Malang và Bali của mình. Tại sao mình lại chọn viết về Bali trước nhất? Vì Bali quyến rũ và hấp dẫn như tượng gỗ Matryoshka của xứ sở bạch dương. Khi được khám phá và bóc tách từng lớp, từng lớp, Bali không ngừng gây ngạc nhiên và thương nhớ. Phải đến Bali mới thấy, à nơi này đâu chỉ có những phồn hoa xa xỉ. Bali là nơi bất cứ ai đến cũng sẽ có một tình yêu đong đầy trong tim mang về.

-------------

[Liên Kết Với Tác Giả Bài Viết - Cộng Đồng Tác Giả Chuyên Sâu AUTHORITY]

Tác giả: Dung Thùy Phạm

    Tớ là Phạm Thùy Dung, hay còn gọi là June. AC và Sun của tớ đều là Xử Nữ, Moon là Sư Tử. Tớ đang học văn hóa và ngôn ngữ Indonesia tại Universitas Indonesia theo học bổng Darmasiswa của chính phủ Indonesia. Rất vui được đón bạn ghé chơi blog của tớ.

Xem thêm nhiều bài viết khác tại: whenjuneinindonesia.wordpress.com

Follow Facebook Authority - Cộng Đồng Tác Gỉa Chuyên Sâu để đọc thêm các bài viết mang tính chất chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực/ chủ đề khác nhau từ các tác giả là Blogger/ Author đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

132 lượt xem